Hướng dẫn cách chữa lẹo mắt ở trẻ em
Trẻ bị lẹo mắt khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng vì không biết nên xử lý như thế nào? Cách chữa lẹo mắt ở trẻ em nào an toàn, dễ thực hiện, giúp bé khỏi bệnh nhanh? Sau đây là thông tin hướng dẫn cha mẹ khi chăm sóc, điều trị lẹo mắt cho bé tại nhà.
Mục Lục
1. Lẹo mắt ở trẻ em là tình trạng như thế nào?
Lẹo mắt là 1 khối sưng nề đỏ, có nhân vàng giống mụn nhọt, thường nằm ngay ở các chân lông mi. Đôi khi, nó chỉ là 1 vùng sưng đỏ nhưng cũng có lúc nó gây sưng cả bờ mi mắt. Lẹo mắt gây cảm giác đau đớn, khó chịu, thậm chí có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
Tình trạng này xuất hiện do các chân lông mi bị nhiễm khuẩn, thủ phạm thường là vi khuẩn tụ cầu vàng – Staphylococcus aureus. Chủng vi khuẩn này có nhiều ở mũi của trẻ. Khi trẻ dụi mũi và dụi vào mắt thì có thể khiến vi khuẩn lan lên mi mắt. Ngoài ra, lẹo mắt cũng có thể hình thành do virus, nấm, ký sinh trùng,…
2. Các cách chữa lẹo mắt ở trẻ em
Lẹo mắt ở trẻ chữa thế nào? Thông thường, lẹo mắt ở trẻ em sẽ tự khỏi sau khoảng 1 tuần tính từ thời điểm bệnh khởi phát. Lúc này, mụn lẹo sẽ tự vỡ ra, dần lành lại mà không cần can thiệp hoặc sử dụng quá nhiều biện pháp điều trị.
Tuy nhiên, để thúc đẩy mụn lẹo sớm lành, cha mẹ vẫn nên chú ý thực hiện một số biện pháp chăm sóc, điều trị cho bé như:
2.1 Lên lẹo và cách chữa bằng nước muối ấm
Cha mẹ nên sử dụng 1 chiếc khăn mềm sạch, nhúng vào nước ấm hoặc nước muối sinh lý ấm, vắt khô rồi chườm lên vùng mắt bị tổn thương của trẻ trong khoảng 15 phút. Nên lặp lại việc này 3 lần/ngày để giúp vết thương luôn sạch sẽ.
Cách làm này giúp hạn chế sự sinh sôi của vi khuẩn ở lẹo mắt, giúp vết thương không bị nhiễm trùng. Nhiệt độ từ khăn ấm cũng làm cho mủ rút nhanh hơn, giảm sự đau đớn cho trẻ.
Cha mẹ cũng nên lưu ý: Khi trẻ bị lẹo mắt không được nặn mủ hay bóp mủ vì sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vết thương, thậm chí gây ảnh hưởng xấu tới thị lực của bé. Đồng thời, trong thời gian bé bị lẹo mắt, gia đình nên thường xuyên bổ sung đầy đủ dưỡng chất tốt cho con. Nên hạn chế cho bé ăn những thực phẩm có nhiều dầu mỡ, có tính nóng,… để tránh gây sưng mủ kéo dài.
2.2 Cách chữa lẹo mắt ở trẻ em bằng các mẹo dân gian
Các phương pháp dân gian được nhiều cha mẹ áp dụng để chữa lẹo mắt cho trẻ. Sau đây là một số biện pháp đơn giản, hiệu quả và tiết kiệm chi phí:
- Sử dụng trứng gà: Cha mẹ chỉ cần luộc chín 1 quả trứng, khi trứng ấm thì bóc vỏ rồi lăn đều lên vùng mắt lẹo của bé cho tới khi trứng nguội hẳn. Tuy nhiên, không nên lăn trứng khi quá nóng để tránh gây tổn thương cho làn da mỏng manh của bé;
- Sử dụng lá trầu: Phụ huynh nên rửa sạch vài lá trầu rồi giã nhuyễn. Sau đó, hòa chúng cùng 1 cốc nước nóng, đưa miệng cốc cách mí mắt khoảng 10cm để xông. Lá trầu có tác dụng sát trùng, tiêu viêm hiệu quả nên chỉ cần xông 3 lần/ngày sẽ giúp nốt mụn lẹo xẹp đi nhanh;
- Sử dụng lá ổi: Lá ổi có tính kháng khuẩn, chống viêm hiệu quả. Để chữa mụn lẹo ở trẻ em, cha mẹ rửa sạch vài lá ổi, để ráo nước rồi đắp lá ổi lên vùng mắt bị lẹo khoảng 10 phút. Lặp lại việc này 3 lần/ngày sẽ giúp chữa trị hiệu quả cho tình trạng lẹo mắt;
- Dùng đũa: Là phương pháp dùng nhiệt để tác động lên ổ mủ, giúp ổ mủ trong lẹo mắt thoát ra ngoài nhanh hơn để bệnh nhanh khỏi hơn. Cha mẹ hơ nóng 1 chiếc đũa gỗ lên bếp. Sau đó, bọc đũa vào 1 chiếc khăn mỏng, lăn nhẹ qua vùng mắt bị lẹo trong khoảng 5 phút, thực hiện 2 – 3 lần/ngày. Cha mẹ lưu ý là không nên dùng đũa quá nóng để tránh bị bỏng mắt. Đồng thời, dùng khăn sạch để bọc đũa, tránh vi khuẩn;
- Sử dụng nha đam: Cha mẹ lấy vài lá nha đam rửa sạch, gọt vỏ, cắt thành từng lát mỏng. Sau đó, đắp từng lát nha đam đó lên vùng da có lẹo của trẻ, giữ yên vị trí trong vòng 15 phút, thực hiện 3 – 4 lần/ngày. Khi áp dụng cách chữa lẹo mắt ở trẻ em này, trẻ cần nhắm chặt mắt để tránh nhựa nha đam chảy vào mắt gây khó chịu;
- Sử dụng nghệ: Nghệ có tính kháng viêm, kháng khuẩn cao, giúp điều trị lẹo mắt ở trẻ em nhanh chóng. Khi thực hiện, cha mẹ rửa sạch 1 củ nghệ, giã nát, cho thêm 1 chút nước vào để tạo thành 1 hỗn hợp sệt. Sau đó, dùng 1 tấm vải mỏng và sạch, đặt lên vùng mắt bị sẹo rồi đắp hỗn hợp nghệ lên miếng vải. Nên nhắm mắt, thư giãn trong vòng 20 phút rồi rửa sạch với nước ấm. Lặp lại việc này 3 lần/ngày để thu được hiệu quả nhất;
- Sử dụng trà túi lọc: Là phương pháp dân gian thường được áp dụng để chữa lẹo mắt ở trẻ em. Cha mẹ nên chọn túi trà xanh hoặc trà hoa cúc vì chúng có tính kháng viêm, kháng khuẩn cao. Cách thực hiện là chuẩn bị 1 chiếc khăn mỏng đã được tiệt trùng, 1 túi trà lọc và nước ấm. Sau đó, ngâm khăn, túi trà vào nước ấm rồi vắt nhẹ. Nên đặt khăn ấm lên vùng da bị lẹo, sau đó đắp túi trà lên trên. Để bé nhắm mắt trong khoảng 5 phút thì lặp lại thao tác này 4 – 5 lần. Lưu ý: Không nên ngâm khăn và túi trà vào nước quá nóng để tránh gây tổn thương cho da của trẻ.
3. Trường hợp nên đưa trẻ bị lẹo mắt đi khám
Mặc dù tình trạng lẹo mắt ở trẻ có thể tự khỏi nhưng nếu bé ở trong những trường hợp sau thì cha mẹ nên ưu tiên đưa bé đi khám:
- Trẻ 3 – 4 tháng tuổi bị lên lẹo ở mắt;
- Trẻ sốt cao, kéo dài trên 38,5°C, cơ thể mệt mỏi, không ăn được;
- Trẻ nhìn không rõ, thị lực có vấn đề;
- Mí mắt sưng tấy liên tục 2 ngày, không có dấu hiệu thuyên giảm;
- Mắt hoặc bên dưới mi mắt bị đỏ, chảy máu, đau nhiều;
- Má và mắt bị sưng to;
- Mí mắt và cả mắt sưng to;
- Sau 1 tuần lẹo mắt không có dấu hiệu bị vỡ, tiếp tục xuất hiện mụn lẹo mới.
Với các trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ sử dụng thuốc để ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng thứ phát. Một số loại thuốc có thể được sử dụng như thuốc nhỏ mắt sát khuẩn, thuốc mỡ kháng sinh,…
Cha mẹ có thể áp dụng các cách chữa lẹo mắt ở trẻ em bằng nước ấm hoặc theo dân gian. Nếu đã sử dụng nhưng không đỡ thì nên đưa bé đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị kịp thời, hiệu quả. Điều này cũng giúp hạn chế đáng kể nguy cơ xảy ra những biến chứng khó lường cho bé.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.