Hướng dẫn cách cạo gió bằng dầu gió
Cạo gió là một phương pháp điều trị bệnh dân gian được ông cha ta sử dụng từ lâu đời. Vậy cạo gió là gì? Cách cạo gió nào là đúng nhất? Hãy cùng Vinmec tìm hiểu những thông tin bổ ích này thông qua bài viết dưới đây.
Mục Lục
1. Cạo gió là gì? Tác dụng của cạo gió trong đông y
Trong y học cổ truyền, ông cha ta quan niệm rằng, khi cơ thể bị trúng “gió độc” sẽ biểu hiện các triệu chứng đặc trưng như đau đầu, mệt mỏi, sốt, buồn nôn, đau bụng… Để điều trị chứng bệnh này, bệnh nhân cần được cạo gió, hay còn gọi là đánh gió, đánh cảm. Đây là phương pháp sử dụng các tác động vật lý từ những dụng cụ như dây chuyền, thìa nhôm, trứng gà, bàn cạo gió, nhẫn… hoặc kết hợp với hỗn hợp các dược liệu như gừng, rượu, lá trầu không,… lên một số bộ phận của cơ thể. Nhờ việc đánh, cạo theo các kinh mạch mà khí huyết và tuần hoàn của cơ thể được lưu thông, đẩy lùi “khí độc”, từ đó làm thuyên giảm các triệu chứng kể trên.
Hiện nay, tuy chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào công bố tác dụng của phương pháp cạo gió, nhưng đây vẫn là cách trị bệnh được nhiều người tin tưởng áp dụng, đặc biệt là trong bệnh cảm mạo. Trên góc độ Y học cổ truyền, cạo gió có thể mang lại các tác dụng chính như:
- Giúp đả thông kinh mạch, lưu thông khí huyết, khai thông bế tắc, ứ trệ
- Tăng cường quá trình bài tiết chất thải qua da
- Giúp cân bằng phần âm dương trong cơ thể
- Giãn cơ, thông lạc
- Giúp toát mồ hôi, giảm mệt mỏi, giảm đau nhức
2. Hướng dẫn cạo gió đúng cách
Để cạo gió đúng cách, bạn cần lưu ý những vấn đề liên quan như sau:
Bộ phận được cạo gió
Phương pháp cạo gió thường được thực hiện ở những bộ phận trên cơ thể như:
- Lưng: Hai bên xương sống, kéo dài từ vai đến thắt lưng, tỏa ra trước mạn sườn
- Cánh tay: Dọc từ trên xuống, mặt trước và mặt trong theo lòng bàn tay
- Xương mỏ ác trước ngực (Đối với trường hợp bị ho hoặc ngứa họng
Thao tác cạo gió
Chỉ nên cạo một chiều hướng từ trên xuống dưới. Lực cạo tùy thuộc vào từng vị trí, cạo ở vùng lưng có thể dùng lực mạnh hơn so với vùng ngực hoặc cánh tay. Có thể kết hợp cạo gió bằng dầu gió để gia tăng tác dụng. Sau khi cạo gió xong, người bệnh nên uống một cốc nước ấm và nằm nghỉ ngơi.
Khi cạo gió nên lựa chọn nơi nằm kín gió, an tĩnh. Người bệnh thả lỏng cơ thể, toàn thân thư giãn. Sau khi sát trùng dụng cụ cạo gió, cầm vật nghiêng khoảng 45 đến 90 độ so với mặt da, cạo đều đặn từ 3 – 5 phút thì da sẽ ửng đỏ. Tùy thuộc vào tình trạng để duy trì thời gian cạo, nhưng tốt nhất không nên quá 10 phút cho mỗi bộ phận trên cơ thể.
Vật dùng để cạo gió
Nên lựa chọn vật có cạnh nhẵn, hình cung như thìa, nhẫn, đồng tiền, miệng chén, sừng trâu,… Vật cạo gió cần được vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng.
Lưu ý khi cạo gió
- Bệnh nhân vừa được cạo gió xong không nên tắm hoặc rửa bằng nước lạnh, đặc biệt là trong vòng 30 phút đầu.
- Không cạo gió ở vùng da đang bị lở loét, trầy xước, vùng bụng của người có thai, người bị viêm da, nhiễm trùng da, da thường bị mẫn cảm,…
- Các lần cạo gió nên cách nhau từ 5 – 7 ngày, tránh cạo đè lên vết “gió” cũ chưa biến mất.
- Tuyệt đối không cạo gió cho trẻ em, người bị sốt xuất huyết vì nó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng xuất huyết ở các đối tượng này.
- Phương pháp cạo gió chỉ phù hợp và có tác dụng đối với các chứng bệnh liên quan đến cảm mạo, bao gồm cảm mạo thông thường và cảm mạo dịch. Trong y học hiện đại hay gọi là bệnh cảm cúm. Đây là chứng bệnh xuất hiện nhiều vào mùa Đông – Xuân do cơ thể bị tà khí (gồm phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa) xâm nhập vào cơ thể. Những biểu hiện phổ biến nhất gồm đau đầu, nhức mỏi, sốt, đau bụng, đầy hơi, nôn, buồn nôn, chóng mặt,…
3. 5 cách cạo gió phù hợp cho từng loại bệnh
Các bạn có thể tham khảo cách cạo gió phù hợp với từng chứng bệnh như sau:
- Đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa: Cạo gió ở vùng giữa sống lưng, hai bên mạn sườn, dọc vùng cánh tay. Ngoài ra nên kết hợp sử dụng các loại thuốc tiêu hóa.
- Đau đầu, sốt: Cạo gió ở vùng sau cổ kéo dài xuống vai, tạo thành hai đường chéo ở hai bên vai.
- Ho: Cạo ở vùng trước ngực, theo đường thẳng giữa ngực, kết hợp với vùng giữa sống lưng tỏa ra hai bên lưng.
- Trúng gió: Cạo gió ở vùng lưng, kết hợp bắt gió ở vùng ấn đường (giữa trán) và ấn nhẹ hai bên thái dương,
- Mệt mỏi, đau nhức cơ thể: Thường gặp ở người lớn tuổi khi thời tiết thay đổi. Nên cạo gió ở tứ chi, bắt đầu từ điểm đau nhức sau đó tỏa dọc sang hai bên.
4. Những tai biến có thể gặp nếu cạo gió không đúng cách
Khi lạm dụng việc cạo gió hoặc cạo không đúng cách, người bệnh có thể gặp phải những tình trạng như:
- Da bị trầy xước, rách, thậm chí là rỉ máu do vỡ mao mạch dưới da. Điều này làm người bệnh cảm thấy bị đau rát và khó chịu nhiều ngày. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ thủ thuật cạo được thực hiện với lực quá mạnh trong thời gian dài.
- Thực hiện cạo gió trong môi trường nhiễm lạnh, gió nhiều có thể làm chứng bệnh trở nên nặng thêm.
- Sử dụng dụng cụ cạo không phù hợp hoặc không được vệ sinh sạch sẽ, đúng cách sẽ dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập thông qua vết trầy xước trên da.
- Cạo gió cho bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch, cơ địa dễ chảy máu, da đang bị tổn thương, lở loét… có thể làm trầm trọng hơn các bệnh lý này.
Hy vọng rằng, qua những thông tin bổ ích mà bài viết cung cấp, các bạn đã hiểu rõ hơn về phương pháp cạo gió cũng như những công dụng chính của nó. Đây chỉ là cách trị bệnh dân gian mang tính bổ trợ, do đó người bệnh không nên lạm dụng một cách tùy tiện, sự chẩn đoán và tư vấn từ bác sĩ có chuyên môn vẫn đóng vai trò quan trọng nhất trong việc điều trị và phục hồi sức khỏe của bạn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.