Hướng chuyển đổi cây trồng mới từ mô hình trồng cây gai xanh lấy sợi

Cây gai xanh là loại cây không kén đất, gần như có mặt ở khắp các xóm bản trên địa bàn tỉnh ta, lá gai dùng để làm bánh, rễ cây dùng để làm thuốc. Tuy nhiên, ở Thạch An, cây lá gai được Hợp tác xã Thành Công do 3 bạn trẻ làm chủ đầu tư trồng với diện tích hàng chục ha, nhưng không phải để lấy lá, cũng không phải dùng rễ làm thuốc, mà khai thác vỏ làm sợi.


Người dân huyện Thạch An chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cay gai xanh lấy sợi.

Tại xóm Lũng Dìn, ai cũng lấy làm lạ, hơn 3 tháng nay, bà Nông Thị Hòa đã chuyển đổi toàn bộ 3 ha đất trồng ngô, cỏ voi sang trồng cây gai xanh. Nhiều câu hỏi hoài nghi đặt ra “Trồng cây lá gai để lấy lá làm bánh hay làm thuốc?”. Bà Hòa giải thích cho dân làng, rằng mình đang tham gia dự án trồng cây gai xanh AP1 cho vùng phát triển nguyên liệu do Hợp tác xã Thành Công triển khai tại huyện Thạch An. Vừa làm, vừa học tập, hằng tuần đều có cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, đến nay, hàng chục nghìn cây lá gai đang đẻ nhánh, sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến trong tháng tới sẽ cho thu hoạch. Bà Hòa cho biết: “Khí hậu thổ nhưỡng phù hợp, sâu bệnh rất ít, cây gai xanh sinh trưởng phát triển bình thường chứ bản thân tôi cũng chưa thâm canh lắm, bón lót phân chuồng và NPK nhưng cây phát triển tốt, chỗ nào lên tốt đã gần 1m rồi”.

Bên cạnh vùng nguyên liệu lá gai, có vườn cam, quýt ở khu vực Lũng Hòm do ông Nông Quốc Trung đã trồng 5 năm nay. Qua tìm hiểu các tài liệu, phương tiện truyền thông, cùng với tính khả thi của Dự án trồng cây gai xanh AP1 lấy sợi do Hợp tác xã Thành Công triển khai, ông Trung đã quyết định phá bỏ vườn cây ăn quả, dành 3 ha đất để tham gia dự án trồng cây gai. Ông Nông Quốc Trung cho biết: “Ở thung lũng này mấy năm trước trồng cây ăn quả, nhất là cây quýt phát triển rất tốt. Sau khi tôi về hưu, tôi trồng cây ăn quả, lúc đầu phát triển tốt, nhưng 2 năm nay cây có dấu hiệu bị bệnh vàng lá. Cả khu vực lũng này vườn nào cũng bị. Tôi thấy không hiệu quả về loại cây ăn quả nữa, thị trường đầu ra cũng khó khăn, tiêu thụ tại thị trường Đông Khê là chậm. Vừa rồi tôi xem trên truyền hình thấy họ phát triển cây gai này, các tỉnh phía Bắc làm rất tốt. Các cháu này liên hệ được nhà máy và thành lập hợp tác xã thì tôi mạnh dạn đầu tư luôn. Cây gai bản địa thì có rồi, cây này là cây nhân giống, cũng thấy phù hợp, nên tôi chuyển sang trồng loại cây này luôn”.


Hàng chục ha cây gai xanh được trồng ở huyện Thạch An đang mở ra một hướng chuyển đổi cây trồng mới với hy vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Người có công đưa dự án cây gai xanh AP1 về Thạch An, cũng là mô hình đầu tiên với quy mô lớn ở Cao Bằng do 3 bạn trẻ Nông Minh Thuận, Nông Lâm Trường và Nông Việt Tuấn, hiện đang là chủ của Hợp tác xã Thành Công. Ở tỉnh ta, cây gai xanh bản địa mọc tự nhiên tại hầu hết các địa phương, được nhân dân lấy rễ làm thuốc, hoặc lá gai được dùng làm bánh. Một số hộ chỉ trồng xen trong vườn hoặc các bãi soi ven sông, ven suối. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, Tập đoàn Đầu tư và Thương mại An Phước đã đầu tư nhà máy chế biến sợi tại tỉnh Thanh Hóa, liên kết mở rộng vùng nguyên liệu tại các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La. Sau khi ký kết triển khai dự án trồng cây gai xanh AP1 với Tập đoàn An Phước, tháng 3/2022, Hợp tác xã Thành Công đã triển khai dự án với hình thức hỗ trợ cung cấp giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm trong vòng 10 năm với giá trị cao gấp 3 – 4 lần so với cây ngô. Dự kiến đây là hướng đi mới chuyển đổi cây trồng, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Anh Nông Lâm Trường, Giám đốc Hợp tác xã Thành Công cho biết: “Theo như tìm hiểu ở báo đài và bạn bè đã trồng cây gai AP1 này thì các thành viên ở hợp tác xã thấy lợi ích lâu dài của cây gai rất lớn. Tìm hiểu những nơi mà họ đã trồng và có thành quả, thấy rằng lợi ích của cây gai gấp 3 – 4 lần cây ngô, cây lúa, hợp tác xã quyết định cùng Công ty rau sạch Visa và liên hệ với Tập đoàn An Phước đưa giống cây trồng này về với tỉnh Cao Bằng. Sau khi triển khai từ tháng 3, đến nay thấy rằng cây phát triển rất tốt, khí hậu cũng như thổ nhưỡng về cây này rất phù hợp, cây phát triển rất nhanh và đều, có những nơi phát triển nhanh hơn những vùng khác. Cây gai là cây lưu gốc, không sợ hạn, chỉ sợ ngập úng, nên với địa hình của tỉnh Cao Bằng gần như không có ngập úng thì là lợi thế cho tỉnh mình”.

Cây gai xanh là cây đa tác dụng, nhưng sản phẩm chủ yếu là vỏ. Vỏ của cây gai xanh được dùng làm nguyên liệu dệt những loại vải cao cấp; lá của cây gai xanh được dùng để làm gánh gai, làm thức ăn cho gia súc gia cầm, thuỷ cầm, nuôi trồng thuỷ sản. Lõi cây gai thì có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy, làm giá để trồng nấm và làm phân bón hữu cơ. Như vậy, tất cả các bộ phận của cây gai đều có ích, mang lại lợi nhuận cho người trồng. Một ưu điểm nữa là cây không kén đất, có thể trồng ở các loại đất và mọi địa hình như sườn đồi dốc, đám rẫy, đất ruộng. Cây gai xanh AP1 là cây lưu gốc, việc đầu tư làm đất, cây giống và công trồng chỉ thực hiện 1 lần nhưng cho thu hoạch trong vòng từ 8 – 10 năm. Về trồng và chế biến cây gai xanh sẽ mang lại thu nhập cao gấp 3 – 4 lần so với một số cây trồng khác.

Hiện tại, Hợp tác xã Thành Công đã triển khai được 12 ha diện tích cây gai xanh AP1 ở huyện Thạch An và Quảng Hòa, trong số đó, hơn một nửa dự kiến cho thu hoạch lần đầu tiên trong tháng 7/2022. Thời gian tới, hợp tác xã sẽ hình thành các vùng nguyên liệu cây gai xanh quy mô lớn thông qua việc chuyển đổi diện tích đất trồng cây lâu năm hiệu quả thấp sang trồng gai, nhằm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân.

Dám nghĩ, dám làm, quyết tâm thay đổi cái cũ để hướng đến cái mới, đó là những gì mà 3 chàng trai trẻ Hợp tác xã Thành Công và những người nông dân ở Thạch An đang làm. Họ đang đặt nền móng, tiên phong mở đường cho một hướng đi mới. Với những thế mạnh của cây gai xanh AP1, những người nông dân kỳ vọng đây sẽ là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo của địa phương.

Việc chuyển đổi các loại cây trồng trên đất rẫy kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh theo hướng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm được kỳ vọng đem lại hiệu quả kinh tế, cải thiện cuộc sống cho người dân. Cây gai xanh đang dần phủ màu xanh mướt trên nhiều đồng đất thôn quê, mở ra hy vọng làm giàu cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Ánh Nguyệt – Lầu Hải