Hướng Dẫn Và Gợi Ý Các Mẫu Báo Cáo Thực Tập Tốt Nghiệp Điểm Cao
Thực tập không chỉ là bước chuyển giao giữa ghế nhà trường sang môi trường làm việc thực tế. Mà đây còn là cơ hội tốt để các bạn sinh viên học hỏi và tiếp xúc với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Khi kết thúc thực tập, viết báo cáo thực tập tốt nghiệp là một phần không thể thiếu, nhưng không phải ai cũng biết cách làm. Vậy nên viết như thế nào mới chuẩn? Trình bày ra sao? Cùng Mua Bán tham khảo ngay bài viết dưới đây nhé!
I. Cấu trúc bài báo cáo thực tập
Báo cáo thực tập là những ghi chép về quá trình thực tập, bao gồm học tập và làm việc tại môi trường doanh nghiệp của sinh viên. Báo cáo thực tập là công cụ để nhà trường đánh giá hiệu quả quá trình thực tập của sinh viên, đồng thời cũng đóng vai trò như một quyển nhật ký giúp sinh viên ghi nhớ những điều quan trọng, những kiến thức quý giá trong thời gian đó. Vì vậy, trình bày báo cáo thực tập một cách khoa học, rõ ràng, mạch lạc theo đúng quy chuẩn là hết sức cần thiết.
1. Hình thức trình bày báo cáo thực tập
Các đặc điểm về hình thức của một trang nội dung (không áp dụng cho trang bìa):
✅Khổ giấy
A4 (in một mặt)
✅Kiểu chữ và cỡ chữ
Times New Roman 13pt (Unicode)
✅Mật độ chữ
bình thường, không được nén hoặc kéo giãn khoảng cách giữa các chữ
✅Cách dòng
1.5cm (trừ trường hợp sử dụng các ký hiệu toán học)
✅Cách đoạn
Auto
✅Canh biên
-
Left: 3 cm
-
Right: 2.5 cm
-
Top: 2.5 cm
-
Bottom: 2.5 cm
✅Header
1.5 cm (để trống)
✅Footer
1.5 cm (đánh số trang ở giữa, in đậm, Times New Roman 13pt (Unicode) ) – Số trang được đánh bắt đầu từ nội dung của Chương 1.
Mục lục (trang i, ii,..)
Các chương và các tiểu mục chỉ được phép dao động từ hai (2) đến bốn (4) cấp. Chỉ có tên của các chương được phép viết in hoa. Phải có ít nhất hai tiểu mục trong cùng một cấp.
Danh mục các từ viết tắt, hình, bảng, biểu, công thức (trang vi, vii, vii)
-
Danh mục các từ viết tắt, hình, bảng, biểu phải đồng nhất với Mục lục về cách trình bày.
-
Tiêu đề của các hình, bảng, biểu nên ngắn gọn.
-
Trang danh mục từ viết tắt, hình, bảng, biểu được đánh số La Mã v (năm), vi (sáu), vii (bảy).
Việc đánh số bảng biểu, hình vẽ, phương trình phải gắn với số chương (VD: hình 3.4 có nghĩa là hình thứ 4 trong Chương 3). Mọi đồ thị, bảng biểu lấy từ các nguồn khác phải được trích dẫn đầy đủ. Nguồn được trích dẫn phải được liệt kê chính xác trong danh mục Tài liệu tham khảo. Tiêu đề của bảng biểu ghi phía trên bảng, tiêu đề của hình vẽ ghi phía trên hình. Những bảng ngắn và đồ thị phải đi liền với phần nội dung đề cập tới các bảng và đồ thị này ở lần thứ nhất. Các bảng dài có thể để ở những trang riêng nhưng cũng phải tiếp theo ngay phần nội dung đề cập tới bảng này ở lần đầu tiên.
Các hình vẽ phải sạch sẽ bằng mực đen, được đánh số và ghi đầy đủ tiêu đề, cỡ chữ phải bằng cỡ chữ sử dụng trong văn bản báo cáo thực tập. Khi đề cập đến các bảng biểu và hình vẽ phải nêu rõ số của hình và bảng biểu đó, ví dụ “… được nêu trong Bảng 4.1” hoặc “xem Hình 3.2” mà không được viết “… được nêu trong bảng dưới đây” hoặc “trong đồ thị của X và Y sau”.
Việc trình bày phương trình toán học trên một dòng đơn hoặc dòng kép là tùy ý, tuy nhiên phải thống nhất trong toàn báo cáo thực tập. Khi ký hiệu xuất hiện lần đầu tiên thì phải giải thích và đơn vị tính phải đi kèm ngay trong phương trình có ký hiệu đó. Nếu cần thiết, danh mục của tất cả các ký hiệu, chữ viết tắt và nghĩa của chúng cần được liệt kê và trình bày trong phần đầu của báo cáo thực tập. Tất cả các phương trình cần được đánh số và để trong ngoặc đơn đặt bên phía lề phải. Nếu một nhóm phương trình mang cùng một số thì những số này cũng được để trong ngoặc, hoặc mỗi phương trình trong nhóm phương trình (5.1) có thể được đánh số là (5.1.1), (5.1.2), (5.1.3).
Không lạm dụng việc viết tắt trong báo cáo thực tập. Chỉ viết tắt những từ, cụm từ hoặc thuật ngữ được sử dụng nhiều lần trong báo cáo thực tập. Không viết tắt những cụm từ dài, những mệnh đề; không viết tắt những cụm từ ít xuất hiện trong báo cáo thực tập. Nếu cần viết tắt những từ thuật ngữ, tên các cơ quan, tổ chức … thì được viết tắt sau lần viết thứ nhất có kèm theo chữ viết tắt trong ngoặc đơn. Nếu báo cáo thực tập có nhiều chữ viết tắt thì phải có bảng danh mục các chữ viết tắt (xếp theo thứ tự ABC) ở phần đầu báo cáo thực tập.
>>> Xem thêm: Bật mí cách viết email xin thực tập đúng chuẩn & chuyên nghiệp
2. Trình tự các phần trong báo cáo thực tập
Báo cáo thực tập tốt nghiệp của sinh viên thường bao gồm 2 phần chính như sau:
-
Phần 1: Giới thiệu về cơ sở thực tập (ngân hàng / tổ chức / doanh nghiệp)
-
Phần 2: Mô tả, phân tích, đánh giá và kiến nghị về quy trình / nghiệp vụ / vấn đề cụ thể tại cơ sở thực tập (ngân hàng / tổ chức / doanh nghiệp)
Báo cáo thực tập tốt nghiệp tối thiểu là 20 trang A4 và tối đa là 30 trang A4 bao gồm:
- Trang bìa
- Lời cảm ơn (ngắn gọn, chỉ nên dành cho những người thực sự giúp đỡ sinh viên hoàn thành báo cáo thực tập)
- Nhận xét của cơ sở thực tập
- Nhận xét của GV hướng dẫn
- Nhận xét của GV phản biện
- Mục lục
- Các trang nội dung
- Tài liệu tham khảo
Thứ tự đóng cuốn: Bìa ngoài; Bìa lót; Lời cảm ơn; Nhận xét của cơ sở thực tập (nếu có); Nhận xét của GV hướng dẫn; Nhận xét của GV phản biện; mục lục; danh mục các từ viết tắt; danh mục bảng; danh mục đồ thị; danh mục sơ đồ; Lời mở đầu; Chương 1,2,3, … Kết luận; Danh mục tài liệu tham khảo; Phụ lục; Bìa cuối.
>>> Xem thêm: Đơn Xin Thực Tập – Cách Viết Và Lưu Ý Cần Ghi Nhớ
II. Nội dung cơ bản trong báo cáo thực tập
1. Tổng quan về đơn vị sinh viên thực tập
Phần tổng quan về cơ quan bạn đang thực tập cần được trình bày một cách khái quát nhất về những thông tin cơ bản của doanh nghiệp, đơn vị mà bạn thực tập. Tốt nhất nên trình bày chính xác và cô đọng trong phạm vi 2 trang giấy. Không nên viết dài dòng, lan man. Những thông tin cơ bản cần thể hiện ở phần này như:
-
Tên, địa chỉ đầy đủ của đơn vị bạn thực tập
-
Sơ lược về lịch sử hình thành và phát triển
-
Cơ cấu tổ chức mô tả bằng sơ đồ tổ chức
-
Nhiệm vụ, chức năng và phạm vi ngành nghề hoạt động
-
Quy mô kinh doanh, năng lực sản xuất, dịch vụ…
>>> Xem thêm: 5 Lưu ý cho sinh viên khi tìm công ty tuyển dụng thực tập sinh
2. Cơ sở lý thuyết
Bạn cần tóm tắt những lý thuyết đã được học tại trường để giải quyết các vấn đề được nêu trong báo cáo. Chuyên ngành khác nhau, nội dung lý thuyết đã học sẽ khác nhau. Bạn nên trình bày một cách khoa học và chỉ nên liệt kê những lý thuyết có liên quan đến báo cáo thực tập.
3. Nội dung nghiên cứu
Nội dung nghiên cứu là chương quan trọng nhất đóng vai trò quyết định đến điểm số bài báo cáo của bạn. Những nội dung cần có trong chương này bao gồm:
-
Mô tả công việc được phân công phụ trách từ phía doanh nghiệp
-
Phương thức, cách thức bạn làm việc tại doanh nghiệp
-
Quá trình thực hiện báo cáo thực tập. Từ giai đoạn lên kế hoạch đến phê duyệt của giảng viên.
-
Kết quả đạt được.
-
Kết quả khảo sát từ thực tế
-
Phân tích dữ liệu và xử lý số liệu thực tế
Những nội dung trên cần được phân tích một cách chi tiết dựa trên những đầu việc cụ thể mà bạn thực hiện trong suốt quá trình thực tập tại doanh nghiệp Hiệu quả nhất bạn nên trình bày trong phạm vi 10 trang. Phân tích càng sâu, càng logic điểm của báo cáo càng cao
4. Kết quả nghiên cứu
Không kém phần quan trọng, chương 4 chính là cơ sở để giảng viên phụ trách đánh giá toàn cảnh quãng thời gian thực tập của bạn. Do đó, chương này bạn cần trình bày những nội dung sau:
-
Những điểm phù hợp và có thể áp dụng giữa chương trình đào tạo tại giảng đường với hoạt động thực tập thực tế tại doanh nghiệp.
-
Những điểm chưa hợp lý giữa chương trình đào tạo với hoạt động thực tế tại đơn vị mà bạn thực tập.
-
Sau đó, đề xuất các giải pháp để góp phần đổi mới nội dung chương trình học sao cho sát với thực tế và phù hợp với thị hiếu người học.
Nói một cách dễ hiểu thì đây là phần tổng hợp kết quả trong suốt quá trình thực tập của bạn. Những kiến thức, kỹ năng mà bạn học được hãy liệt kê trong mục này nhé. Và cũng đừng quên trau chuốt cho nội dung thật súc tích, rõ ràng và trôi chảy.
5. Kết luận và kiến nghị
Phần kết luận cần có những nội dung sau:
-
Tóm tắt những nội dung, lý thuyết đã vận dụng trong quá trình thực tập
-
Tóm tắt những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân khi thực tập trong môi trường doanh nghiệp, trải nghiệm được tiếp xúc thực tế.
Phần kiến nghị là những kiến nghị của bạn đối với doanh nghiệp, đơn vị mà bạn thực tập hoặc về nội dung báo cáo thực tập. Đây là phần thu thập ý kiến sinh viên sau khi hoàn thành báo cáo. Nó không quá quan trọng nhưng có thể đánh giá được sự nghiêm túc trong quá trình thực tập của bạn. Nội dung phần này bao gồm:
-
Kiến thức hoặc kinh nghiệm mà bạn tích lũy trong quá trình thực tập
-
Nguyện vọng sau thực tập là gì.
Chú ý nhỏ cho bạn chính là phần kết luận và kiến nghị sẽ không được đánh giá chương. Do với các phần trước thì phần này tương đối ngắn. Bạn nên trình bày gói gọn trong 2 trang giấy
>>> Xem thêm: Những Kỹ Năng Giúp Bạn Trở Thành Sinh Viên Thực Tập Nổi Bật Nhất
6. Ý kiến của sinh viên
Độ dài thông thường khoảng 2 trang. Nội dung chính là ý kiến của sinh viên về cơ quan thực tập hoặc chủ đề của báo cáo.
-
Ý kiến sau khi hoàn thành báo cáo thực tập tốt nghiệp
-
Những gì bạn học được sau khi hoàn thành chương trình thực tập.
-
Nguyện vọng sau khi hoàn thành chương trình thực tập tốt nghiệp.
>>> Xem thêm: Bí quyết giúp thực tập sinh chinh phục nhà tuyển dụng
7. Tài liệu tham khảo
Danh mục tài liệu tham khảo và Phụ lục cũng là những mục bắt buộc trong báo cáo thực tập. Phần tài liệu tham khảo, bạn cần trích dẫn tất cả các nguồn từ báo, luận văn, sách, báo cáo cũ… mà bạn đã sử dụng trong báo cáo. Cách trích dẫn tài liệu phải theo đúng chuẩn APA. Đã là nội dung trích dẫn thì phải tuyệt đối chính xác. Bạn cần để trong ngoặc kép và in nghiêng nội dung trích dẫn.
Một lỗi rất phổ biến và không được chấp nhận trong bài báo cáo thực tập hiện nay chính là việc sao chép mà không trích dẫn. Có thể bạn không cố ý nhưng những bài báo cáo như vậy thường kết quả sẽ rất thấp hoặc thậm chí là không được chấp nhận. Vì vậy, bạn cần nắm rõ về quy chuẩn APA trước khi thực hiện bài báo cáo để tránh lỗi không đáng có.
Ví dụ:
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
Quách Ngọc Ân (1992), “Nhìn lại hai năm phát triển lúa lai”. Di truyền học ứng dụng, 98(1), tr. 10-16.
Bộ Nông nghiệp & PTNT (1996), Báo cáo tổng kết 5 năm (1992 – 1996) phát triển lúa lai, Hà Nội.
Nguyễn Hữu Đống, Đào Thanh Bằng, Lâm Quang Dụ, Phan Đức Trực (1997), Đột biến – Cơ sở lý luận và ứng dụng, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
Võ Thị Kim Huệ (2000), Nghiên cứu chuẩn đoán và điều trị bệnh …… , Luận án Tiến sĩ Y khoa, Trường Đại học Y Hà Nội, Hà Nội.
Tiếng Anh
Anderson, J.E. (1985), The Relative Inefficiency of Quota, The Cheese Case, American Economic Review, 75(1), pp. 178-90.
Boulding, K.E. (1995), Economics Analysis, Hamish Hamilton, London.
Burton, G.W. (1988), “Cytoplasmic male-sterility in pesrl millet (penni-setum glaucum L.)”, Agronomic Journal 50, pp. 230-231.
Central Statistical Organization (1995), Statistical Year Book, Beijing.
Tài liệu lấy từ Internet:
Quinlan, K. M. (2000). Generating productive learning issues in PBL tutorials: An exercise to help tutors help students. Medical Education Online, 5, 4. Được lấy về ngày 4/7/2003, từ http://www.med-ed-online.org
III. Kinh nghiệm làm báo cáo thực tập để được điểm cao
Kinh nghiệm đầu tiên chính là nói không với copy – sao chép. Trong quá trình làm báo cáo thực tập không tránh khỏi việc tham khảo các bài báo cáo của sinh viên đã thực tập trước đó hoặc các nguồn tư liệu khác nhau. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý chỉ tham khảo, tuyệt đối không sao chép. Bởi hầu hết các trường đại học hiện nay đều sử dụng phần mềm để quét đạo văn nên dù chỉ 1 ít nội dung copy thì cũng sẽ bị phát hiện. Đạo văn chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả báo cáo không cao.
Bên cạnh đó, một số sinh viên sẽ rơi vào trường hợp cùng ngành và thực tập cùng một công ty. Trong trường hợp này bạn cần trao đổi trước về nội dung, số liệu và đề tài để tránh trường hợp báo cáo bị giống nhau. Hướng giải quyết tốt nhất cho vấn đề này chính là chủ động thực tập độc lập ở một doanh nghiệp.
Suốt quá trình hoàn thành báo cáo tốt nghiệp sẽ luôn có giảng viên đồng hành cùng bạn. Do đó, đừng ngại hỏi giảng viên khi gặp vấn đề nào đó nhé. Đây là cơ hội để bạn tìm ra điểm sai vài cải thiện bài báo cáo của mình.
Nếu có năng khiếu về văn chương, bạn nên tập trung viết lời mở đầu báo cáo thực tập, lời cảm ơn báo cáo thực tập và kết luận thật ngắn gọn nhưng truyền cảm. Thể hiện được sự chân thành của mình. Điều này sẽ giúp bạn tạo được thiện cảm với đội ngũ giảng viên hướng dẫn thực tập cũng như hội đồng chấm báo cáo.
IV. Một số mẫu báo cáo thực tập tham khảo
Sau đây là một số mẫu báo cáo thực tập mà bạn có thể tham khảo:
Trên đây là những kinh nghiệm khi viết báo cáo thực tập cũng như cấu trúc của một bài báo cáo thực tập tốt nghiệp hoàn chỉnh mà Muaban.net muốn chia sẻ đến bạn. Chúc bạn hoàn thành báo cáo một cách thuận lợi để có “cái kết hoàn mỹ” sau khoảng thời gian ngồi trên giảng đường nhé!