Hùng tráng Lễ hội Gò Đống Đa

HOA LÊ

  –  

Thứ năm, 22/02/2018 06:29 (GMT+7)

Ngày 20.2 (Mùng 5 Tết Nguyên đán), Lễ hội kỷ niệm 229 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa được tổ chức trang nghiêm tại Gò Đống Đa (phường Quang Trung, quận Đống Đa).

Hùng tráng Lễ hội Gò Đống Đa
Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người dân thủ đô và du khách đã tới dự Lễ hội Gò Đống Đa. Ảnh: SƠN TÙNG

Hàng nghìn người dân và khách thập phương đã đổ về Lễ hội để tưởng nhớ tới công tích vang dội của Hoàng đế Quang Trung cùng tướng lĩnh, nghĩa quân Tây Sơn và những người con đất Việt đã anh dũng chiến đấu, hy sinh chống giặc ngoại xâm, giải phóng Kinh thành Thăng Long xưa. 

Một lần nữa, lịch sử oai hùng được tái hiện

Trong những trang sử sách hào hùng của dân tộc, cách đây vừa tròn 229 năm – mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ đã tiến công thần tốc, bất ngờ vào Thăng Long. Đỉnh cao là trận chiến đêm mùng 4, rạng mùng 5 Tết Kỷ Dậu (tức ngày 29, 30 tháng 2 năm 1789) đồn trại giặc ở Khương Thượng bị phá hủy khiến tên Thái thú Điền Châu Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử tại đây. Quân ta đã đánh bại hơn 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh.

Trong đó phải kể đến trận Ngọc Hồi – Đống Đa, đại thắng này đã khẳng định nghệ thuật quân sự tuyệt vời của nghĩa quân Tây Sơn. Đó là nghệ thuật chuyển quân thần tốc từ Phú Xuân ra Bắc; là nghệ thuật tác chiến chiến lược và trong riêng từng trận đánh – đó là nghệ thuật “chính, kỳ” cổ điển. Bằng thắng lợi vĩ đại này, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo thiên tài của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ đã đập tan mộng xâm lược của quân Mãn Thanh, giải phóng đất nước, giữ vững nền độc lập dân tộc.

Trong diễn văn kỷ niệm 229 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, Chủ tịch UBND quận Đống Đa – ông Võ Nguyên Phong – khẳng định: “Thắng lợi chống quân xâm lược Mãn Thanh, tiêu biểu chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa là sự hội tụ, kết tinh sâu sắc truyền thống yêu nước, độc lập, tự do ngàn đời của nhân dân ta. Bên cạnh đó, là sự khẳng định tinh thần đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường trong quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc”.

Mùng 5 Tết Nguyên đán hằng năm, Lễ hội Gò Đống Đa được tổ chức trang nghiêm. Đây không chỉ là dịp tưởng nhớ trận chiến oai hùng của nghĩa quân Tây Sơn, biểu thị lòng tôn kính đối với những người có công với nước, tìm về những giá trị văn hóa dân gian độc đáo.

Tôn kính những người có công với nước

Ngay từ 6h sáng, người dân và khách thập phương đã nườm nượp đổ về dâng hương, tỏ lòng tôn kính khi một lần nữa hòa vào không khí sục sôi, oai hùng đập tan quân xâm lược Mãn Thanh của người anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn cách nay 229 năm.

Sau phần Lễ trang nghiêm, phần Hội thôi lúc lòng người bởi màn tái hiện tiếng trống hiệu lệnh của nghĩa quân Tây Sơn và cuộc hành quân thần tốc của đoàn quân vua Quang Trung được dựng lại hào hùng. Bà Trần Lệ Hạnh (Hoàng Mai, Hà Nội) – tham gia đội Tế Vua Quang Trung cho biết, đây là lễ hội chiến thắng, mừng công tích lẫy lừng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, do Hoàng đế Quang Trung (Nguyễn Huệ) người anh hùng áo vải Tây Sơn lãnh đạo.

Các ban ngành và người dân đến đây tế lễ, dâng hương rất đông. Đến đây, không chỉ thể hiện lòng thành kính, biết ơn công lao của người anh hùng có công với nước, mà họ mong muốn một lần nữa được đắm chìm, hòa vào tiếng trống đánh trận, tận tai nghe lại những câu nói nổi tiếng của Vua Quang Trung.

3h sáng đến Hà Nội tham gia Lễ hội Gò Đống Đa, bà Cao Thùy Sơn (Đông Triều, Quảng Ninh) – Đoàn Trúc Lâm Yên Tử 16 tỉnh hội tụ đến đây cho biết: “Tất cả người dân đều tâm niệm uống nước nhớ nguồn, vì vậy cứ đến mùng 5 Tết Nguyên đán, chúng tôi lại háo hức chuẩn bị lễ tham gia Lễ hội. Được sống trong thời đại hòa bình này, chúng tôi tưởng nhớ công ơn chống giặc ngoại xâm của Vua Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn nói riêng và các anh hùng dân tộc Việt Nam nói chung. 27 năm theo đoàn về dự lễ hội, chúng tôi lúc nào cũng có nhiều cảm xúc, sự tôn kính với công lao của người anh hùng dân tộc”.