Hubble chụp được bức ảnh ấn tượng về sao chổi Neowise
Tạp chí Scientific American hôm 26.8 công bố bức ảnh được kính viễn vọng không gian Hubble chụp được vào ngày 8.8, thời điểm sao chổi Neowise lộ diện từ đằng sau mặt trời.
Từ bức ảnh, có thể thấy Neowise bằng cách nào đó vẫn giữ được lõi không bị phá vỡ sau chuyến hành trình kinh hoàng quanh mặt trời.
Đối với các sao chổi, chuyến hành trình về phía mặt trời chẳng khác nào con đường dẫn đến địa ngục. Được cấu tạo chủ yếu từ băng, những thiên thể dạng này vô phương chống cự trước sức nóng khủng khiếp từ mặt trời.
Chỉ cần ở gần mặt trời với khoảng cách 43,45 triệu km, nhiều sao chổi đã có thể tan tành thành nhiều mảnh và bị bốc hơi hoàn toàn.
Trong một ví dụ cụ thể, sao chổi Ison đã tan biến sau khi đi ngang mặt trời vào năm 2013.
Tuy nhiên, bức ảnh của Hubble cho thấy lớp vỏ ngoài gồm khí và bụi đang bao phủ lõi của thiên thể Neowise.
Trước đó, Neowise vào mùa hè năm 2020 là sao chổi sáng nhất từng xuất hiện trên bầu trời Bắc Bán Cầu kể từ thời của Hale-Bopp vào năm 1997.
Đây là lần đầu tiên Hubble chụp được ảnh một sao chổi với độ phân giải ấn tượng sau cuộc hành trình quanh mặt trời.
Sau khi “thoát chết”, Neowise vội vã đào thoát khỏi mặt trời với tốc độ khoảng 232.000 km/giờ, hướng về không gian xa xăm và sẽ không quay lại trong vòng 7.000 năm nữa, theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ.