Hứa Kim Tuyền: “Sài Gòn Đau Lòng Quá có tận 4 phiên bản, tôi tham khảo Sick Enough To Die để chỉnh giọng cho Hoàng Duyên vì… tâm linh”
Hứa Kim Tuyền là ca sĩ, nhạc sĩ trẻ “giắt túi” loạt bản hit đình đám của Vpop. Trong số đó, Sài Gòn Đau Lòng Quá ắt hẳn là ca khúc “làm mưa làm gió” và giúp tên tuổi của anh đến gần với khán giả. Ca khúc phản ánh đúng tâm tư và tình cảm của những người trẻ ở thành phố này. Có thể nói, cũng đã một quãng thời gian khá lâu, khán giả mới lại có một ca khúc viết về Sài Gòn trẻ và gần gũi với thế hệ Gen Z đến vậy.
Cùng ngồi lại để nghe nam nhạc sĩ sinh năm 1995 đã có những chia sẻ chân thành về quá trình “thai nghén” và làm nên sản phẩm ấn tượng này.
Hứa Kim Tuyền trải lòng về quá trình thực hiện ca khúc Sài Gòn Đau Lòng Quá
Sài Gòn Đau Lòng Quá ra đời như thế nào?
Sài Gòn Đau Lòng Quá là ca khúc được ấp ủ rất lâu, từ lúc mà tôi vẫn chưa đi theo con đường viết nhạc. Khi đó, tôi vừa chia tay một bạn. Tôi đã đặt 1 vé máy bay ra Hà Nội. Trên chuyến bay đấy tôi suy nghĩ tại sao mình không viết một bài về những người thường tan vỡ chia tay. Theo tôi để ý, mọi người sau khi chia tay đều muốn tránh xa nơi mà hai người trước đó từng có nhiều kỉ niệm. Lúc ngồi trên máy bay, tôi đã ngân nga hát và ra được đoạn điệp khúc đầu tiên.
Bản demo đấy ngâm chắc khoảng 4 năm, tại vì khi đó tôi chỉ viết được đoạn điệp khúc thôi. Các mối tình tiếp theo, tôi lại viết thêm một đoạn nữa. Bài này là cả một quá trình yêu đương từ lúc 21 tuổi – thời điểm mà tôi có những chuyển biến về tâm lý đến khi tôi 24-25 tuổi – giai đoạn tạm gọi là trưởng thành. Bài hát này ghi dấu cả một khoảng kỉ niệm thanh xuân của tôi.
Đoạn điệp khúc được phát triển như thế nào?
“Cầm tấm vé trên tay, em bay đến nơi xa. Sài Gòn đau lòng quá, toàn kỉ niệm chúng ta”. Từ đoạn điệp khúc này, tôi đã sáng tác và dẫn ra nhưng ca từ sau đó.
Tại sao lại là Tokyo hay Seoul, Paris hay New York?
Thật ra điều này phụ thuộc vào quan điểm cá nhân của mỗi người. Đối với tôi, Tokyo hay Seoul, Paris hay New York chỉ độ xa dần. Viết như thế sẽ đúng với câu hát “Đi càng xa càng không thể quên”. Bên cạnh đó, việc đưa các quốc gia này vào sẽ gợi cho những người ở nước ngoài cảm nhận rằng trong nước có người hát, hiểu thấu những tâm tư của mình. Ngoài ra, câu hát Tokyo hay Seoul, Paris hay New York có một chút khựng lại sẽ giúp mọi người nghe đi nghe lại cho đến khi quen tai. Tôi thấy đây là điều nên có trong một bài hát, chứ nếu hát đi Sapa hay Đà Lạt thì rất kỳ quặc. Phải hát một cách cụ thể thì nghe đoạn đó mới không bị trôi đi.
Hẳn bản phối cũng phải rất kì công với một người như Hứa Kim Tuyền?
Quá trình phối khí của bài hát này rất gian nan. Bài hát này có khoảng 4 bản phối. Bản phối đầu tiên là một bản pop ballad đơn thuần. Tôi cảm thấy bản đấy bị thường nên tôi loại. Bản thứ hai là một bản hơi jazz. Tôi thấy bản đấy rất hay nhưng nó có một vấn đề lớn rằng sẽ khó có khán giả đồng cảm. Bản thứ ba là một bản R&B Lofi, nhưng tôi thấy bản đó không được tình cảm.
Bản thứ bốn được thực hiện bởi một bạn ngày xưa từng làm việc với tôi. Theo ý tưởng, bọn tôi sẽ biến tấu để ca khúc không còn là bản pop ballad bình thường của Việt Nam nữa. Tôi đã pha thêm một chút yếu tố về canto-pop hiện đại của Trung Quốc. Thế nên, nó sẽ mang âm hưởng của SHE, JJ Lin, nhạc phim của You Are Apple Of My Eyes. Khi nghe, mọi người sẽ cảm thấy nhiều nét tương đồng về phần nhạc cụ và những nhạc cụ này giúp mood của bài hát trở nên thanh xuân và hoài niệm hơn.
Để làm được điều đó, piano và ghi-ta phải đi cùng nhau, còn trống thì không chỉ để ở phần sau mà sẽ rải ở những đoạn cao trào của bài. Ngoài ra, tôi còn dùng dàn dây để giúp bài hát mang một ít hơi hướng pop rock. Từ đó, ca khúc sẽ đầy đặn cảm xúc chứ không còn là một bản pop ballad buồn đơn thuần.
Trong bài có một đoạn kèn harmonica. Nếu mọi người để ý nhạc phim You Are Apple Of My Eyes có một đoạn melody nghe rất hoài niệm. Tôi cũng muốn học hỏi và tạo nên một dòng melody tương tự như thế. Song, đoạn melody của nhạc phim You Are Apple Of My Eyes chỉ nằm ở phần in-tro và out-trro. Còn ở Sài Gòn Đau Lòng Quá, tôi đã chỉnh lại một tí, sắp xếp nó ở phần giang tấu và phần cuối cùng của bài. Ngoài ra, cái bài kia, người ta chỉ sử dụng ghi-ta, piano. Để tạo nên sự khác biệt, tôi đã xài harmonica vì đây là một nhạc cụ đơn sơ nhưng làm được nhiều thứ.
Hoàng Duyên hẳn cũng phải kiên nhẫn lắm trong quá trình thu âm ca khúc này cùng bạn?
Thực ra, phát triển bài hát này là một quá trình rất gian khổ. Cái phần melody và bài hát thì coi như đã chỉnh nát bấy cái phần verse. Thế nên, bản đầu tiên và bản cuối cùng khác nhau rất nhiều. Ban đầu, đoạn giang tấu còn có đoạn melody có lời. Nhưng cuối cùng vì bài hát này được lồng ghép quá nhiều nên tôi quyết định gỡ ra. Sau này khi đăng clip trên TikTok hay trình diễn live, hai đứa tôi và Duyên đã ngẫu hứng hát phần đấy và hiệu ứng người nghe rất thích. Tuy nhiên, tôi bảo đảm rằng nếu tổng thể bài có đoạn này, mọi người sẽ cảm thấy nó quá nhiều.
Trong quá trình thu âm về sau, tôi có chỉnh lại một số đoạn melody để bài được đầm và dễ chịu, khi nghe sẽ thấy nó giống một dòng suối hơn. Về phần Duyên, ngày xưa, tone Duyên trong bài rất cao, lên tới nốt mi 5. Nhưng sau đó, tôi có hạ nửa tone để bài hát có cảm giác dễ chịu. Tôi có tham khảo bài Sick Enough To Die của MC Mong để xem nốt cao nhất là nốt gì và biết được đó là nốt mi giáng. Sau đấy, tôi chỉnh tone của Duyên về đúng nốt mi giáng ấy. Tôi cũng hơi tâm linh nếu như bài của mình cũng đi một nốt tương tự thì biết đâu nó sẽ thành hit như bài kia.
Hứa Kim Tuyền hé lộ một phiên bản đặc biệt của Sài Gòn Đau Lòng Quá