Hợp đồng thương mại quốc tế theo quy định pháp luật –

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế hay hợp đồng thương mại quốc tế là một thuật ngữ thường được sử dụng trong thương mại quốc tế và các quan hệ mua bán của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài. Vậy hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là gì và quy định pháp luật Việt Nam cũng như quốc tế về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế như thế nào. Các vấn đề này sẽ được trình bày sau đây. 

Hợp đồng mua bán hàng hóa là gì?

Để hiểu về hợp đồng thương mại quốc tế thì trước tiên cần hiểu về hợp đồng mua bán bởi lẽ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là một hợp đồng mua bán hàng hóa có tính chất quốc tế. Pháp luật Việt Nam có quy định về hợp đồng mua bán tài sản như sau: hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán (Bộ luật dân sự 2015 – BLDS 2015). Theo luật thương mại 2005 thì hàng hòa là tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; và những vật gắn liền với đất đai có thể mua bán được. 

Như vậy, hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thoả thuận giữa các bên về việc bên bán chuyển quyền sở hữu hàng hóa – đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán. 

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo Công ước Viên năm 1980

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là một hợp đồng mua bán hàng hóa có tính chất quốc tế. Tính chất quốc tế của một hợp đồng mua bán được xác định phụ thuộc vào từng quy định quốc gia và quốc tế. Cụ thể, theo Công ước Viên năm 1980 (sau đây gọi là CISG) thì hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau (điều khoản về phạm vi áp dụng của Công ước này). Từ quy định này, có nhiều quốc gia, học giả cho rằng yếu tố quốc tế của một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được xác định giữa trên trụ sở chính của các bên chủ thể tham gia quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế chứ không phải yếu tố quốc tịch. Quan niệm này dựa trên căn cứ tình hình thực tế khi hiện nay các bên chủ thể tham gia quan hệ mua bán quốc tế thường có nhiều quốc tịch (các công ty đa quốc gia). Tuy nhiên, CISG có phạm vi áp dụng cho các quốc gia thành viên công ước và cả trong các trường hợp hợp đồng có quy định sẽ áp dụng CISG để điều chỉnh hợp đồng vì vậy quy định của CISG không nhất thiết bắt buộc trong mọi hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Tuy nhiên, căn cứ vào trụ sở kinh doanh chính cũng là một trong số những căn cứ được nhiều quốc gia sử dụng để xác định tính quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo pháp luật Việt Nam

Pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, tuy nhiên tại Điều 663 BLDS 2015 có quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Theo đó, một quan hệ dân sự được xem là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài khi có một trong ba yếu tố: chủ thể có yếu tố nước ngoài; việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài. Mua bán hàng hóa quốc tế là quan hệ thương mại quốc tế và theo đó là một quan hệ dân sự theo nghĩa rộng và thuộc phạm vi điều chỉnh của tư pháp quốc tế. Như vậy, quy định tại Điều 663 được áp dụng để xác định một quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế. Vậy một hợp đồng mua bán hàng hóa được xem là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế khi có một trong ba căn cứ sau:

– Ít nhất một trong các bên tham gia mua bán hàng hóa là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài;

– Căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ mua bán hàng hóa theo pháp luật nước ngoài;

– Hàng hóa, đối tượng của hợp đồng, ở nước ngoài.

Về vấn đề áp dụng luật CISG hay luật Việt Nam khi xem xét một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

 

Về cơ bản nếu hợp đồng thương mại hóa quốc tế mà các bên trong hợp đồng có trụ sở tại Việt Nam và các nước là thành viên của CISG thì luật của CISG được áp dụng. Trong trường hợp, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế không thuộc phạm vi áp dụng của CISG thì pháp luật Việt Nam được áp dụng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thuộc phạm vi áp dụng của CISG nhưng các bên trong hợp đồng có thể loại trừ sự áp dụng này, và thỏa thuận pháp luật quốc gia điều chỉnh hợp đồng, khi đó pháp luật Việt Nam có thể được áp dụng.  

Như vậy, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là một hợp đồng mua bán hàng hóa có tính chất quốc tế. Tính chất quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được xác định khác nhau tùy thuộc vào pháp luật từng quốc gia và điều ước quốc tế. Bài viết đã nêu cụ thể về việc xác định hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo CISG và pháp luật Việt Nam.