Hợp đồng thương mại quốc tế – Sales Contract
Hợp đồng thương mại quốc tế – Sales Contract
Đăng ngày: 16-11-2019
Hợp đồng là loại chứng từ quan trọng trong bất cứ hoạt động giao dịch thương mại nào. Hợp đồng trong hoạt động xuất nhập khẩu, được gọi là hợp đồng thương mại quốc tế là chứng từ bắt buộc trong bộ chứng từ.
1. Khái niệm:
Hợp đồng thương mại quốc tế là sự thỏa thuận giữa bên mua và bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.
2. Đặc điểm của hợp đồng:
► Chủ thể của quan hệ hợp đồng thương mại quốc tế có trụ sở thương mại tại các nước khác nhau hoặc có nơi cư trú khác nhau.
► Đối tượng của hợp đồng này là HÀNG HÓA được di chuyển từ khu vực pháp lý này đến khu vực pháp lý khác.
► Đồng tiền để tính giá và thanh toán là ngoại tệ đối với một hoặc cả hai bên.
► Nguồn luật điều chỉnh hợp đồng thương mại quốc tế là các điều ước quốc tế, tập quán thương mại quốc tế và pháp luật của các quốc gia.
3. Cấu trúc của hợp đồng:
► Tên và số hiệu hợp đồng.
► Địa điểm và ngày tháng ký kết hợp đồng.
► Phần mở đầu: Tên, địa chỉ của chủ thể tham gia.
► Phần nội dung chính: bao gồm các điều khoản của hợp đồng.
► Đại diện các bên ký và đóng dấu.
► Các điều khoản trong hợp đồng thương mại quốc tế:
Về hình thức và nội dung của hợp đồng có thể là khác nhau giữa các hàng hóa hay doanh nghiệp nhưng một bản hợp đồng sẽ bao gồm những nội dung căn bản như sau:
• Điều khoản về tên hàng (Commodity):
Ghi tên hàng bao gồm: tên thông thường, tên thương mại, tên khoa học. Đặc biệt đối với hàng hóa chất, thực vật động vật phải có tên khoa học trên chứng từ.
Ghi tên hàng kèm với nơi sản xuất ra nó có ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.
Ghi tên hàng kèm theo quy cách của hàng hóa đó.
Ghi tên hàng kèm theo quy cách của hàng hóa đó.
Ghi tên hàng kèm theo công dụng.
Ghi tên hàng kèm nhãn hiệu.
Ghi tên hàng kèm mã HS code.
• Điều khoản về phẩm chất (Quanlity):
Dựa vào mẫu hàng.
Dựa vào các hệ thống tiêu chuẩn (TCVN, QCVN,…)
Dựa vào nhãn hiệu.
Dựa vào tài liệu kỹ thuật.
Dựa vào hàm lượng các chất chủ yếu có trong hàng.
Dựa vào hiện trạng của hàng hóa.
Dựa vào dung trọng (Trọng lượng tự nhiên/Đơn vị thể tích)
Dựa vào xem xét trước.
Dựa vào các tiêu chuẩn đại khái quen dùng.
Dựa vào sự mô tả hàng hóa.
• Điều khoản về số lượng (Quantity):
– Quy định về đơn vị tính của từng loại hàng hóa.
Trường hợp hàng hóa giao dịch được tính theo độ dài hoặc khối lượng thì phải quy định kèm theo hệ thống đơn vị đo lường được hai bên lựa chọn.
– Quy định về phỏng chừng: ±Dung sai %.
Đối với hàng hóa xác định theo trọng lượng:
Trọng lượng cả bao bì (Gross Weight): bao gồm toàn bộ hàng hóa và đóng gói.
Trọng lượng tịnh (Net Weight): trọng lượng hàng hóa đối với đóng gói nhỏ nhất.
Trọng lượng tịnh thuần túy (Net net weight): trọng lượng hàng hóa không bao gồm bao bì.
Trọng lượng lý thuyết: dựa vào lý thuyết hoặc thiết kế của hàng hóa.
Trọng lượng thương mại: GTM = Gtt*(100+Wtc)/(100+Wtt)
Gtt: Trọng lượng thực tế của hàng hóa.
Wtc: Độ ẩm tiêu chuẩn của hàng hóa (%)
Wtt: Độ ẩm thực tế của hàng hóa (%)
• Điều khoản giao hàng (Shipment/Delivery):
– Thời hạn giao hàng:
Giao hàng định kỳ: xác định thời hạn giao hàng vào một khoảng (mốc) thời gian nhất định.
Giao hàng theo điều kiện: xác định thời hạn giao hàng theo một điều kiện nhất định. Ví dụ: Giao sau 20 ngày kể từ ngày mở L/C, sau 2 tuần kể từ ngày xác nhận đơn đặt hàng.
Giao hàng theo thuật ngữ: giao nhanh (prompt), giao ngay lập tức (immediately), giao càng sớm càng tốt (as soon as possible/ASAP).
– Địa điểm giao hàng:
Dựa theo điều kiện thương mại quốc tế mà hai bên lựa chọn.
Địa điểm phải được xác định trước và chỉ dẫn cụ thể.
– Giao hàng từng phần (nếu có): quy định mỗi lần giao hàng về số lượng, thời gian, địa điểm.
• Điều khoản về giá cả (Price):
Cần thể hiện: đơn vị tiền tệ của giá cả; mức giá; phương pháp quy định giá cả; khoản giảm giá; điều kiện cơ sở giao hàng tương ứng.
• Điều khoản thanh toán (Payment):
Quy định đồng tiền thanh toán; thời hạn trả tiền; hình thức trả tiền; các chứng từ làm căn cứ trả tiền.
• Điều khoản bao bì và mã ký hiệu (Packing and Marking):
Quy định: yêu cầu về chất lượng bao bì sử dụng để đóng gói; phương thức cung cấp bao bì (một lần hay quay vòng); giá cả bao bì (giá cho đóng gói bổ sung, mua vật liệu đóng gói); ký mã hiệu trên bao bì (nhãn ship hàng, nhãn thông tin hàng hóa).
• Điều khoản về bảo hành (Warranty):
– Quy định loại bảo hành:
Bảo hành thông thường: bảo hành về chất lượng của hàng hóa trong thời gian nhất định.
Bảo hành cơ khí: bảo hành về mặt kỹ thuật gia công chế biến đối với hàng hóa có quy cách phẩm chất phức tạp.
Bảo hành thực hiện: bảo hành về công suất của máy móc thiết bị trong thời gian nhất định.
– Quy định thời hạn bảo hành.
– Quy định lỗi loại trừ bảo hành.
• Điều khoản về phạt và bồi thường thiệt hại (Penalty):
Quy định trách nhiệm pháp lý phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng TMQT.
Việc đưa ra các mức phạt hoặc bồi thường sẽ là cơ sở để giải quyết tranh chấp khi có bên không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình đã được quy định tại hợp đồng.
• Điều khoản về bảo hiểm (Insurance):
Quy định bên có trách nhiệm và chịu phí mua bảo hiểm.
Quy định mức mua bảo hiểm là bao nhiêu.
Quy định về bàn giao chứng thư bảo hiểm cho nhười thụ hưởng bảo hiểm.
• Điều khoản bất khả kháng (Force Majeure):
Quy định các trường hợp gây ảnh hưởng tới việc thực hiện nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mà các bên không phải chịu trách nhiệm về các tổn thất trong trường hợp đó.
Các trường hợp miễn trừ trách nhiệm thường do yếu tố thiên tai, chiến tranh, đình công,…
Liên quan đến quá trình giao nhận hàng hóa, bên vi phạm có thể xin “bảng kê sự kiện ảnh hưởng tới việc xếp dỡ hàng của tàu” từ đơn vị vận chuyển để làm căn cứ miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp gây ảnh hưởng tới các thỏa thuận quy định tại hợp đồng.
• Điều khoản về khiếu nại (Claim):
Khiếu nại là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm bồi thường những chi phí phát sinh do sự vi phạm hợp đồng gây nên hoặc phải có biện pháp khắc phục các tổn thất kèm theo chi trả các chi phí cho việc khắc phục tổn thất.
Điều khoản cần quy định: văn bản khiếu nại, căn cứ khiếu nại, chứng từ giám định chứng minh thiệt hại, thời hạn khiếu nại.
Ngoài thời hạn quy định: bên vi phạm có quyền từ chối giải quyết các khiếu nại của bên bị vi phạm.
• Trọng tài (Arbitration):
Các phương pháp giải quyết tranh chấp trong TMQT: Thương lượng; Hòa giải; Trọng tài; Tòa án; Án lệ.
Như vậy, trên đây là những thông tin cần thiết về hợp đồng. Nội dung các điều khoản của hợp đồng thương mại quốc tế là nội dung chính mà mỗi nhà xuất nhập khẩu cần nắm vững để lập được một bản hợp đồng.