Hợp đồng thương mại điện tử là gì? Đặc điểm và giá trị pháp lý
Mục Lục
Trong thời điểm dịch bệnh, khi rất nhiều công việc được thực hiện thông qua hình thức trực tuyến thì hợp đồng thương mại điện tử cũng đã trở nên phổ biến hơn. Vậy hợp đồng thương mại điện tử là gì? Cùng nhau tìm hiểu đặc điểm và giá trị pháp lý của hợp đồng thương mại điện tử nhé.
I. Hợp đồng thương mại điện tử là gì?
1. Định nghĩa hợp đồng thương mại điện tử
Hợp đồng thương mại điện tử là hợp đồng thương mại được xác lập, thực hiện thông qua các phương tiện điện tử. Để hiểu cụ thể về chính xác hơn về định nghĩa hợp đồng thương mại điện tử, ta có thể tham khảo các định nghĩa trong luật pháp của nước ta.
Theo Luật Giao dịch điện tử năm 2005, điều 33 nêu rõ: “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này.”. Hay trong Luật thương mại 2005 cũng chỉ ra: “Hợp đồng thương mại là hình thức pháp lý của hành vi thương mại, là sự thỏa thuận giữa các chủ thể kinh doanh với nhau nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thực hiện hoạt động thương mại.”
Trên thế giới và các tổ chức quốc tế, định nghĩa hợp đồng thương mại điện tử sẽ có vài điểm khác biệt. Nhưng nhìn chung, tính chất của chúng vẫn không thay đổi quá nhiều. Nếu bạn cần thực hiện các giao dịch quốc tế, hãy tìm hiểu kỹ càng về luật pháp tại nước sở tại nhé!
2. Vai trò của hợp đồng thương mại điện tử
Có thể hiểu rằng hợp đồng thương mại được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu số theo quy định của Luật Giao dịch điện tử Việt Nam thì được tính là hợp đồng thương mại điện tử. Tuy có sự khác biệt về phương tiện thực hiện trong giao dịch nhưng hợp đồng thương mại điện tử vẫn có đầy đủ các giá trị về pháp lý.
Hợp đồng thương mại điện tử giữ vai trò là căn cứ để xác định sự thỏa thuận giữa các chủ thể kinh doanh với nhau nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thực hiện hoạt động thương mại.
Tin tuyển dụng có thể bạn quan tâm – tuyển dụng thương mại điện tử:
– Quản trị viên kênh Online (Social, Sàn TMĐT)
– Nhân viên Phát triển kinh doanh Sàn E-Com (B2B/ Brand, Big seller)
II. Đặc điểm của hợp đồng thương mại điện tử
1. Hình thức hợp đồng thương mại điện tử
Điều 24, Luật Thương mại 2005 đã nêu rõ hình thức hợp đồng mua bán hàng hoá nêu rõ: “1. Hợp đồng mua bán hàng hoá được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
2. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hoá mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.”
Bạn cũng có thể tham khảo thêm điều khoản 10,11,12 tại Luật Giao dịch điện tử 2005: “Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác. Thông tin trong thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu. Trường hợp pháp luật yêu cầu thông tin phải được thể hiện bằng văn bản thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu này nếu thông tin chứa trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết.”
2. Chủ thể của hợp đồng thương mại điện tử
Điều 1 Luật Thương mại 2005 quy định phạm vi áp dụng của Luật là: “Hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi đó chọn áp dụng Luật này.” Tuy vậy, “trong quan hệ ủy thác mua bán hàng hoá, bên ủy thác có thể là thương nhân hoặc không phải là thương nhân” (Điều 157 Luật Thương mại 2005). Hai bên chủ thể có thể trực tiếp giao kết hợp đồng thông qua website thương mại điện tử do một bên tự thiết lập hoặc cũng có thể thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc website thương mại điện tử hoặc website đấu giá trực tuyến do các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác thiết lập để giao kết hợp đồng.
Khác với các hợp đồng thương mại truyền thống, việc xác định các chủ thể của hợp đồng hay còn gọi là các bên của hợp đồng thương mại điện tử gặp không ít khó khăn trong một số trường hợp. Cần chú ý căn cứ theo pháp luật về hoạt động thương mại điện tử để yêu cầu trách nhiệm cụ thể về thông tin đối với từng loại chủ thể (chủ thể cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và chủ thể của hợp đồng), khi tham gia vào từng loại hoạt động thương mại điện tử.
Ví dụ như, khi hai bên giao dịch thông qua sàn thương mại điện tử của một bên thứ 3, chủ thể của hợp đồng thương mại điện tử phải là người cung cấp dịch vụ/ sản phẩm và người sử dụng dịch vụ/ sản phẩm đó. Bên thứ ba này không tham gia vào quá trình đàm phán, giao kết hay thực hiện hợp đồng điện tử. Nếu chủ sàn thương mại điện tử không phân định rõ trách nhiệm của mình với chủ thể của hợp đồng, khi có sự cố phát sinh, chủ sàn thương mại điện tử sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm với chủ thể của hợp đồng.
3. Đối tượng của hợp đồng thương mại điện tử
Đối tượng của hợp đồng thương mại điện tử là những hàng hóa, dịch vụ mà các chủ thể có nhu cầu trao đổi với nhau. Các hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ này không thuộc nhóm bị pháp luật cấm hay hạn chế kinh doanh do Chính phủ quy định cụ thể.
Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 47/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về quản lý website thương mại điện tử (được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 04/2016/TT-BCT, Thông tư số 21/2018/TT-BCT và Thông tư số 42/2019/TT-BCT) cũng đã nêu các hàng hóa bị hạn chế kinh doanh trên nền tảng website là: “Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ; thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác; rượu các loại; thực vật, động vật hoang dã quý hiếm, bao gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến; các hàng hóa hạn chế kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.”
4. Cách thức giao kết và thực hiện hợp đồng
“Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” (Theo Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015). Hợp đồng thương mại điện tử cũng phải tuân thủ cơ sở này. Quy trình giao kết của hợp đồng thương mại điện tử có thể được tiến hành một phần hoặc toàn bộ bằng phương tiện điện tử, thông qua các thông điệp dữ liệu.
Các quy định liên quan đến việc xác định đề nghị giao kết, xác định chấp nhận đề nghị giao kết, thời điểm có hiệu lực của đề nghị giao kết, của chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng và thời điểm hình thành hợp đồng có một số điểm khác biệt so với quy định của pháp luật chung tùy thuộc vào dạng thông điệp dữ liệu và các hình thức điện tử khác.
5. Hiệu lực của hợp đồng thương mại điện tử
Hợp đồng thương mại điện tử phát sinh hiệu lực tại thời điểm hợp đồng được giao kết, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác và tuân theo quy định của pháp luật chung về hợp đồng.
Theo điều 20 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày16/5/2013 về thương mại điện tử cũng đã quy định: “Trường hợp thương nhân, tổ chức, cá nhân bán hàng không công bố rõ thời hạn trả lời đề nghị giao kết hợp đồng, nếu trong vòng 12 (mười hai) giờ kể từ khi gửi đề nghị giao kết hợp đồng, khách hàng không nhận được trả lời đề nghị giao kết hợp đồng thì đề nghị giao kết hợp đồng của khách hàng được coi là chấm dứt hiệu lực.”
6. Phạm vi áp dụng hợp đồng thương mại điện tử
Hợp đồng thương mại điện tử cũng giống như các hợp đồng điện tử khác, có phạm vi áp dụng trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định.
Hợp đồng thương mại điện tử không được áp dụng với việc cấp giấy tờ sở hữu hoặc giấy chứng nhận thân nhân như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác.
7. Tính chất của hợp đồng thương mại điện tử
Hợp đồng thương mại điện tử có tính công nghệ, hiện đại và chính xác. Bởi lẽ, sự ra đời của nó là kế thừa của nền công nghệ thông tin phát triển như “công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự” (Khoản 12 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử 2005) Việc hợp đồng thương mại điện tử dần trở nên phổ biến cũng nằm trong sự vận động tất yếu của cuộc sống với các làn sóng công nghệ 4.0 hay 5.0. Việc áp dụng các công nghệ hiện đại sẽ giúp các bên quản lý hợp đồng thương mại điện tử chính xác hơn.
Các dữ liệu điện tử vốn phi vật chất, không thể sờ, cầm, nắm thông qua trên tay. Hợp đồng thương mại điện tử cũng có tính vô hình, phi vật chất. Thông tin trong thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.
III. Nội dung thể hiện trên hợp đồng thương mại điện tử
Pháp luật không có yêu cầu chung về nội dung của hợp đồng thương mại điện tử. Tuy nhiên, cũng giống như các hợp đồng thương mại khác, phải đáp ứng được các nội dung sau theo yêu cầu của pháp luật:
– Đối tượng của hợp đồng.
– Số lượng, chất lượng.
– Giá, phương thức thanh toán.
– Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng.
– Quyền, nghĩa vụ của các bên.
– Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
– Phương thức giải quyết tranh chấp.
Ngoài ra, để đảm bảo hợp đồng thương mại điện tử có giá trị như bản gốc, hợp đồng cần có thêm các thỏa thuận về tính pháp lý như: yêu cầu kỹ thuật, chứng thực chữ ký điện tử, các điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật,… và quan trọng nhất là nội dung của hợp đồng được đảm bảo toàn vẹn và có thể truy cập được và sử dụng dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết
Chữ ký điện tử có thể coi là phần quan trọng nhất của một hợp đồng thương mại điện tử. Chữ ký điện tử là một đoạn thông tin đi kèm với dữ liệu điện tử nhằm xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký. Để đảm bảo an toàn cao hơn cho chữ ký điện tử, các bên cũng có thể thống nhất về việc chứng thực chữ ký do một tổ chức được công nhận thực hiện. Hợp đồng thương mại điện tử có giá trị như chứng cứ khi đáp ứng đủ các điều kiện về giá trị như bản gốc.
IV. Quy trình giao kết hợp đồng thương mại điện tử
– Bước 1: Đề nghị giao kết hợp đồng
Đề nghị giao kết hợp đồng là sự thể hiện rõ ràng ý định giao kết hợp đồng và tiền đề để các bên chủ thể tiến hành hợp tác và xây dựng một hợp đồng thương mại điện tử.
Trong bước này, bên đề nghị cũng cần lưu ý nêu rõ bên nhận cụ thể. Điều 12 Nghị định 52/2012/NĐ-CP về thương mại điện tử có nhắc đến: “Một thông báo bằng chứng từ điện tử về đề nghị giao kết hợp đồng mà không có bên nhận cụ thể thì chỉ là thông báo mời đề nghị giao kết hợp đồng. Thông báo đó chưa được coi là đề nghị giao kết hợp đồng, trừ khi bên thông báo chỉ rõ tại thông báo đó trách nhiệm của mình trong trường hợp nhận được trả lời chấp nhận.”
– Bước 2: Phản ứng với đề nghị giao kết hợp đồng
Trả lời chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng phải được thực hiện dưới hình thức phù hợp để thông tin có thể lưu trữ. Khi trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng tức là người nhận sẽ chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị thông qua những hành động nhất định.
– Bước 3: Xử lý hợp đồng thương mại điện tử
Sau khi các bên chủ thể đã nhất trí đi đến một thỏa thuận hợp tác chung, việc xử lý hợp đồng thương mại điện tử cũng rất quan trọng. Các thỏa thuận phải thỏa mãn nhu cầu của các chủ thể, đồng thời không được vi phạm pháp luật.
V. Giá trị pháp lý của hợp đồng thương mại điện tử
Điều đầu tiên cần phải khẳng định là “giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu” (Theo Điều 34 Luật Giao dịch điện tử 2005). Trong giao kết và thực hiện hợp đồng thương mại điện tử, thông báo dưới dạng thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý như thông báo bằng các phương pháp truyền thống khác.
Tuy vậy, để hợp đồng thương mại điện tử được đảm bảo tính hiệu lực pháp lý, có khả năng thực thi và được pháp luật bảo hộ thì cần lưu ý đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được thừa nhận có giá trị pháp lý tương đương văn bản. Điều 15, Luật thương mại 36/2005/QH11 cũng đã nêu: “Trong hoạt động thương mại, các thông điệp dữ liệu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được thừa nhận có giá trị pháp lý tương đương văn bản.”
VI. Tranh chấp trong hợp đồng thương mại điện tử
1. Các tranh chấp thường gặp trong hợp đồng thương mại điện tử
Bất cứ hợp đồng thương mại nào đều có yếu tố rủi ro trong quá trình cung cấp và sử dụng dịch vụ. Khi các giao dịch và thỏa thuận được thực hiện trên nền tảng Internet, không giới hạn trong phạm vi biên giới, quốc gia, thì nguy cơ gặp rủi ro càng tăng lên. Bởi vậy, các chủ thể cần phải lường trước các tranh chấp thường gặp trong hợp đồng thương mại điện tử để có thể nhanh chóng đưa ra các phương án xử lý.
Đầu tiên, thiếu nhất quán trong quy định đối với thông điệp dữ liệu định dạng. Việc sử dụng các từ ngữ không tường minh, hoặc không giải thích chi tiết, cụ thể khiến các bên bị nhầm lẫn trong việc thực hiện hợp đồng. Việc xảy ra tranh chấp lợi ích sẽ dễ dàng xảy ra.
Ngoài ra, các giá trị pháp lý, giá trị chứng cứ không đầy đủ hoặc trái với quy định của pháp luật sẽ khiến hợp đồng thương mại điện tử không được pháp luật bảo vệ. Các rủi ro pháp lý sẽ phát sinh gây ra các tình huống bất lợi cho các bên chủ thể.
2. Cách xử lý tranh chấp trong hợp đồng thương mại điện tử
Như bất kỳ các tranh chấp nào khác, khi xảy ra tranh chấp trong hợp đồng thương mại điện tử, phương án xử lý đầu tiên là thương lượng. Đây là phương pháp xử lý tranh chấp hòa bình, các bên cùng bình tĩnh thảo luận với tư thế tự nguyện. Việc này sẽ đảm bảo tính hữu nghị giữa các bên để tìm ra cách giải quyết.
Vì kết quả thương lượng không có tính ràng buộc, giữa các bên có thể thuê một bên thứ 3 có nhiệm vụ trung gian, hỗ trợ tìm phương án giải quyết tối ưu nhất thực hiện hòa giải. Lúc này, kết quả hòa giải sẽ có sự công nhận của tòa án, thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự với sự đề xuất của các bên chủ thể.
Khi không thể tìm tiếng nói chung và một bên khởi kiện, sẽ có sự tham gia của trọng tài thương mại. Các bên có quyền tự định đoạt thủ tục, quy trình, ngôn ngữ, luật áp dụng, địa điểm tổ chức phiên họp và trọng tài viên.Kết quả của quá trình tố tụng trọng tài được quyết định bởi biểu quyết theo nguyên tắc đa số của Hội đồng trọng tài. Trong trường hợp biểu quyết không đạt đa số, Chủ tịch Hội đồng Trọng tài sẽ phán quyết và có hiệu lực ngay khi ban hành.
Phương pháp xử lý tranh chấp trong hợp đồng thương mại điện tử cuối cùng là tố tụng tòa án. Đây cũng là phương pháp sẽ tốn nhiều thời gian và tiền bạc nhất để theo đuổi. Quá trình giải quyết tranh chấp qua nhiều cấp xét xử, bản án sơ thẩm có thể bị kháng cáo đến khi có bản án phúc thẩm.
VII. Sự khác nhau giữa hợp đồng thương mại điện tử với hợp đồng truyền thống
Điểm khác biệt rõ rệt nhất giữa hợp đồng thương mại điện tử và hợp đồng truyền thống là được thực hiện trên nền tảng Internet. Việc sử dụng thông điệp dữ liệu sẽ được tiến hành một phần hoặc toàn bộ quá trình giao kết hợp đồng. Các biện pháp để đảm bảo tính an toàn, pháp lý của hợp đồng thương mại điện tử cũng được áp dụng dựa vào công nghệ thông tin.
Các chủ thể của hợp đồng thương mại điện tử không bị giới hạn về mặt địa lý. Họ có thể ký kết hợp đồng đến khi hoàn thành hợp đồng mà chưa từng quen biết hay gặp mặt trực tiếp. Trong các giao dịch điện tử có phạm vi trong nước hay quốc tế, trong các giao dịch thương mại được thực hiện bằng việc truyền các thông tin dữ liệu thông qua các phương tiện điện tử và mạng thông tin toàn cầu, do vậy khái niệm biên giới không còn ý nghĩa trong các giao dịch điện tử.
Ngoài ra, sự khác nhau giữa hợp đồng thương mại điện tử với hợp đồng truyền thống còn có sự xuất hiện của các chủ thể khác không trực tiếp tham gia vào quá trình cung cấp – sử dụng dịch vụ, hàng hóa. Đó là sự xuất hiện của các sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc website thương mại điện tử hoặc website đấu giá trực tuyến do các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác thiết lập để giao kết hợp đồng. Cần xác định chính xác thông tin các chủ thể của hợp đồng trong quá trình đàm phán và thảo luận.
Xem thêm:
– Ngành Luật là gì? Mức lương, cơ hội việc làm và trường đào tạo
– Tổng quan về pháp chế doanh nghiệp: Công việc và cơ hội việc làm
– Invoice là gì? Phân biệt Proforma Invoice và Commercial Invoice
Vậy là chúng mình đã cùng điểm qua những thông tin xoay quanh hợp đồng thương mại điện tử. Hy vọng bài viết đã mang đến được những kiến thức hữu ích cho công việc của bạn. Chúc các bạn may mắn và thành công hơn nữa trong tương lai. Cảm ơn đã theo dõi và hẹn gặp lại!