Hợp đồng ngoại thương là gì? – Saigon Academy

Download 23 mẫu hợp đồng ngoại thương

1.1.Hợp đồng ngoại thương là gì?

Hợp đồng ngoại thương là sự thỏa thuận giữa các bên có trụ sở kinh doanh đặt tại các nước khác nhau, theo đó, một bên gọi là bên xuất khẩu chuyển quyền sở hữu cho bên nhập khẩu một tài sản nhất định, gọi là hàng hóa. Bên nhập khẩu có nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán tiền hàng. Điều này thể hiện tính chất quốc tế của hợp đồng ngoại thương và phân biệt với hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước.

Như vậy, hợp đồng ngoại thương có giá trị pháp lý phải thỏa mãn 2 đặc điểm: Một là, thỏa mãn điều kiện của một hợp đồng mua bán hàng hóa và hai là, mang tính chất quốc tế.

hợp đồng ngoại thươnghợp đồng ngoại thương

1.2. Đặc điểm của hợp đồng ngoại thương

Hợp đồng ngoại thương có các đặc điểm sau:

Một là, chủ thể của hợp đồng là các bên có trụ sở kinh doanh đặt ở các nước khác nhau.

Hai là, hợp đồng ngoại thương được ký kết dựa trên sự tự nguyện của các bên.

Ba là, đối tượng của hợp đồng ngoại thương là hàng hóa được di qua biên giới lãnh thổ quốc gia hoặc biên giới hải quan của một nước.

Bốn là, đồng tiền thanh toán là ngoại tệ đối với một trong hai bên, hoặc đối với cả hai bên. Thông thường, trong quá trình giao dịch, các bên sẽ lựa chọn đồng tiền thanh toán tự do chuyển đổi được, phổ biến và có tỷ lệ lạm phát thấp.

Năm là, cơ quan giải quyết tranh chấp hợp đồng là tòa án hay trọng tài thương mại. Ở đây chúng ta phân biệt tòa án với trọng tài thương mại. Tòa án là một cơ quan quyền lực của nhà nước, phán quyết của tòa án mang tính pháp lý và bắt buộc các bên phải thực hiện. Trong khi đó, trọng tài thương mại là một tổ chức phi chính phủ, phán quyết của trọng tài thương mại không mang tính pháp lý và bắt buộc phải thực hiện.

Cuối cùng, nguồn luật điều chỉnh hợp đồng phức tạp, đa dạng, gồm luật quốc gia và luật quốc tế.

1.3. Hiệu lực pháp lý của hợp đồng ngoại thương

Nguyên tắc hợp đồng bằng văn bản mặc nhiên có hiệu lực kể từ thời điểm bên sau cùng ký vào hợp đồng, nếu các bên không có thỏa thuận hiệu lực vào thời điểm khác.

Chỉ khi hợp đồng ký kết giữa các bên có hiệu lực thì quyền lợi và nghĩa vụ của các bên mới được đảm bảo và nếu có tranh chấp xảy ra thì mới bảo đảm việc khiếu nại hay tố tụng.

2. Đàm phán hợp đồng ngoại thương

2.1. Khái niệm đàm phán

Đàm phán thương mại là quá trình trao đổi ý kiến của các chủ thể trong một xung đột nhằm đi tới thống nhất cách nhận định, thống nhất quan niệm, thống nhất cách xử lý những vấn đề nảy sinh trong quan hệ mua bán giữa các bên.

Trong giao dịch ngoại thương, cùng với rất nhiều rào cảng về pháp luật, tập quán, ngôn ngữ văn hóa hay tư duy truyền thống, không phải lúc nào các bên cũng tiến tới một sự nhất trí chung ngay từ ban đầu.

Để giải quyết mâu thuẫn, tạo sự tin tưởng và thiết lập mối quan hệ làm ăn với đối tác, người bán và người mua luôn phải trao đổi ý kiến qua lại và thể hiện lập trường của bản thân. Sự trao đổi qua lại ý kiến để đạt được mục đích giao dịch đó gọi là đàm phán thương mại.

2.2. Nguyên tắc cơ bản của đám phán

Muốn thành công, hoạt động đàm phán phải dựa trên những tiêu chuẩn và áp dụng đúng nguyên tắc. Đàm phán là một hoạt động tự nguyện, mục đích của đàm phán là thỏa thuận. Đàm phán xảy ra khi ít nhất một bên muốn thay đổi tình hình hiện tại và tin rằng mình có thể làm được. Kết quả một cuộc đàm phán thành công là cải thiện được tình hình của cả hai bên và các bên đều hài lòng với lợi ích đạt được. Sau đây là 3 nguyên tắc cơ bản của một cuộc đàm phán.

Nguyên tắc thứ nhất: Phải am tường đối tác giao dịch đàm phán, phải nghiên cứu kỹ đối tác để hiểu tiềm lực, sức ép, môi trường, điều kiện, sở thích, sức mạnh tiềm ẩn…

Nguyên tắc thứ hai: Xây dựng niềm tin, thu hút chú ý, khêu gợi sự quan tâm hứng thú của đối tác. Phát triển kinh doanh, thiết lập quan hệ lâu dài phải dựa trên cơ sở niềm tin. Có niềm tin là có tất cả. Thu hút, hấp dẫn đối tác là tiền đề quan trọng để giao dịch đàm phán thành công, không khí hòa hợp tin cậy lẫn nhau.

Nguyên tắc thứ ba: Đôi bên cùng có lợi. Nghĩa là người đàm phán cần bảo vệ lợi ích của mình trong phạm vi đã xác định có thể tìm được lợi ích càng nhiều càng tốt. Mặc khác, bất cứ nhà đàm phán nào cũng phải thỏa mãn nhu cầu thấp nhất của đối phương. Nếu không làm được điều đó, thì cuộc đám phán sẽ thất bại.

2.3. Các giai đoạn trong đàm phán

2.3.1. Chuẩn bị đàm phán

Đây được coi là giai đoạn quan trọng nhất, quyết định 80% kết quả của đàm phán. Giai đoạn này cần thực hiện các việc sau:

Đánh giá tình hình

Thứ nhất, thông tin về thị trường của đối tác: luật pháp, tập quán buôn bán, nhu cầu thị trường, thuế, chi phí, các yếu tố chính trị xã hội…

Thứ hai, thông tin về đối tác: Mục tiêu, lĩnh vực hoạt động kinh doanh, tổ chức nhân sự và quyền hạn, xác định nhu cầu và mong muốn của đối tác.

Thứ ba, thông tin về đối thủ cạnh tranh: Nhận biết về đối thủ cạnh tranh và biện pháp khắc phục từ đó đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu của mình so với đối thủ.

Mục tiêu đàm phán càng cụ thể càng tốt và cần tính đến các yếu tố như: tính thực tế, mối quan hệ làm ăn, mức độ chấp nhận… Doanh nghiệp có thể mục tiêu cao nhất, mục tiêu thấp nhất và mục tiêu trọng tâm cần đạt được sau đàm phán.

Dù là đàm phán dưới hình thức nào thì việc chuẩn bị người đàm phán là rất cần thiết. Người đàm phán phải có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ cao, khả năng giao tiếp linh hoạt, đủ sức thuyết phục để việc đàm phán đạt hiệu quả nhanh nhất.

Mỗi nhà đàm phán đều có những tư duy chiến lược riêng của mình. Sự tiếp cận của nhà đàm phán đối với xung đột là giải quyết nó nhưng vẫn giữ được những mối quan hệ làm ăn và đảm bảo lợi ích cho các bên trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.

2.3.2. Giai đoạn đàm phán

Mở đầu đám phán

Trong gặp gỡ trực tiếp, nhà đàm phán có thể nhanh chóng đi thẳng vào nội dung đàm phán sau vài câu chuyện xã giao. Trong đàm phán qua thư từ, mở đầu đàm phán là cách người bán gửi thư chào hàng; hoặc người mua viết thư hỏi hàng.

Hiểu biết đối tác

Hai bên trao đổi qua lại bằng cách đặt những câu hỏi để xác minh những điểm nhất định cần có trong hợp đồng và khai thác những ý kiến của đối tác. Nhà đàm phán bài tỏ quan điểm của mình, sẵn sàng lắng nghe và trả lời những thắc mắc của đối phương.

Thương lượng

Là quá trình các bên đưa ra những điều kiện để chấp nhận thỏa thuận và bày tỏ nhận định của doanh nghiệp mình với vấn đề quan tâm chính nhằm đạt được thỏa thuận. Quá trình thương lượng đòi hỏi cả sự nhượng bộ và suy xét kỹ càng, lý lẽ doanh nghiệp đưa ra cần thuyết phục đối phương để nhanh chóng ký kết hợp đồng.

2.3.3. Kết thúc đàm phán

Hoàn tất thương lượng, doanh nghiệp tỏ rõ thiện chí hài lòng về những gì hai bên đã đạt được sau đàm phán, bày tỏ ý định sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ của những điều khoản đã thỏa thuận.

2.3.4. Soạn thảo hợp đồng ngoại thương

Soạn thảo hợp đồng ngoại thương thường chia thành 2 bước.

Bước 1 là soạn dự thảo hợp đồng.

Bước này giống như lập một bản kế hoạch cho việc đàm phán. Khi có một dự thảo tốt coi như đã đạt 50% công việc đàm phán và ký kết hợp đồng.

Bước 2 là sửa đổi bổ sung dự thảo sau khi đàm phán, thương lượng.

Sau khi có kết quả đàm phán, kết quả này sẽ được thể hiện trên hợp đồng ngoại thương bằng việc sửa đổi, bổ sung dự thảo trước đó của hợp đồng.

Trên thực tế, một bên sẽ giành quyền soạn thảo hợp đồng và gửi bản dự thảo cho bên kia kiểm tra trước khi ký kết. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam mới thành lập, bước đầu giao thương với đối tác nước ngoài, không chủ động giành quyền soạn thảo hợp đồng mà nhường quyền đó cho đối tác. Nhiều trường hợp sau khi hợp đồng được ký kết, doanh nghiệp mới phát hiện ra sai sót, nhưng không thể tự mình đơn phương sửa đổi hợp đồng nên phải nhượng bộ, thuyết phục đối tác để chấp nhận sửa đổi.

3. Nội dung hợp đồng ngoại thương

1. Điều khoản tên hàng (Commodity)

Nhằm mục đích các bên xác định được loại hàng cần mua bán, do đó phải diễn tả thật chính xác. Ðể làm việc đó người ta dùng các cách ghi sau:

  • Ghi tên hàng bao gồm tên thông thường, tên thương mại, tên khoa học (áp dụng cho các loại hóa chất, giống cây).
  • Ghi tên hàng kèm tên địa phương sản xuất ra nó, nếu nơi đó ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Ví dụ: nước mắm Phú Quốc.
  • Ghi tên hàng kèm với qui cách chính của hàng đó.
  • Ghi tên hàng kèm với tên nhà sản xuất ra nó. Hình thức này áp dụng với những sản phẩm nổi tiếng của những hãng có uy tín.
  • Ghi tên hàng kèm với công dụng của hàng. Theo cách này người ta ghi thêm công dụng chủ yếu của sản phẩm, theo tập quán nếu hợp đồng ghi kèm theo công dụng thì người bán phải giao hàng đáp ứng được công dụng đó mặc dù giá cả nó cao.
  • Tên hàng kèm với mã HS của hàng hóa đó.

2. Điều khoản phẩm chất – chất lượng (Quality).

“Phẩm chất” là điều khoản nói lên mặt “chất” của hàng hóa mua bán như tính năng, tác dụng, công suất, hiệu suất . . . của hàng hóa đó.

Xác định cụ thể phẩm chất của sản phẩm, là cơ sở để xác định giá cả. Do vậy: xác định điều kiện phẩm chất tốt, dẫn đến xác định giá cả tốt, đúng, và mua được hàng hóa đúng yêu cầu của mình.

Có nhiều phương pháp để xác định phẩm chất hàng hóa, dưới đây là một số phương pháp chủ yếu:

Xác định phẩm chất dựa vào tiêu chuẩn

Ðối với những sản phẩm đã có tiêu chuẩn thì dựa vào tiêu chuẩn để xác định phẩm chất của sản phẩm.

Phương pháp xác định phẩm chất dựa vào nhãn hiệu hàng hóa

          Nhãn hiệu là những ký hiệu, hình chữ . . . để phân biệt hàng hóa của nơi sản xuất này với nơi sản xuất khác.

Xác định phẩm chất dựa vào tài liệu kỹ thuật

Bảng thuyết minh, hướng dẫn vận hành, lắp ráp, catalog . . .

Phải biến các tài liệu kỹ thuật thành một phụ kiện của hợp đồng tức gắn nó với hợp đồng.

Xác định phẩm chất dựa vào hàm lượng của một chất nào đó trong sản phẩm

Chia làm hai loại hàm lượng của chất trong hàng hóa:

  • Hàm lượng chất có ích: qui định hàm lượng (%)min.
  • Hàm lượng chất không có ích: qui định hàm lượng (%) max.

3. Điều khoản số lượng (Quantity)

Nhằm nói lên mặt “lượng” của hàng hóa được giao dịch, điều khoản này bao gồm các vấn đề về đơn vị tính số lượng (hoặc trọng lượng) của hàng hóa, phương pháp qui định số lượng và phương pháp xác định trọng lượng.

Ðơn vị tính số lượng

  • lưu ý về hệ thống đo lường, vì bên cạnh hệ mét, nhiều nước còn sử dụng hệ thống đo lường khác. Ví dụ: Hệ thống đo lường của Anh, Mỹ . . . do đó để tránh hiểu lầm nên thống nhất dùng hệ mét hoặc qui định lượng tương đương của chúng tính bằng mét.

Phương pháp quy định số lượng

Trong các hợp đồng ngoại thương, người ta sử dụng hai phương pháp qui định số lượng hàng hóa

  1. Phương pháp qui định dứt khoát số lượng:

Ví dụ: 1.000 cái máy kéo; 10.000 xe máy

Thường dùng trong buôn bán hàng công nghiệp, hàng bách hóa.

  1. Phương pháp qui định phỏng chừng:

Ví dụ: Khoảng 1.000.000 tấn than, xấp xỉ 5.000 tấn quặng thiếc.

Phương pháp này thường được dùng khi mua bán hàng hóa có khối lượng lớn như: phân bón, quặng, ngũ cốc …

* Ví dụ: 1.000 MT more or less 5%.

Hoặc from 950 MT to 1.050 MT about 1.000 MT.

Lưu ý: Khi dùng about hoặc approximately thì trong phương thức thanh toán bằng L/C thường dung sai cho phép là 10%.

Phương pháp qui định trọng lượng

  • Trọng lượng cả bì (Gross weight): trọng lượng của bản thân hàng hóa cộng trọng lượng mọi thứ bao bì

Gross weight = Net weight + tare

– Trọng lượng tịnh (Net Weight) chỉ tính trọng lượng của bản thân hàng hóa

4. Điều khoản giá cả (Price).

Trong điều kiện này cần xác định: Ðơn vị tiền tệ của giá cả, mức giá, phương pháp qui định giá cả, giảm giá, điều kiện cơ sở giao hàng tương ứng.

Đồng tiền ghi giá

Ðồng tiền ghi giá có thể là đồng tiền của nước người bán hoặc nước người mua, cũng có thể của nước thứ ba.

Xác định mức giá

Giá cả trong các hợp đồng ngoại thương là giá quốc tế.

Ðiều kiện cơ sở giao hàng tương ứng

Trong việc xác định giá cả, người ta luôn định rõ điều kiện cơ sở giao hàng có liên quan đến giá cả đó. Vì vậy, trong các hợp đồng mua bán, mức giá bao giờ cũng được ghi bên cạnh một điều kiện cơ sở giao hàng nhất định.

Ví dụ: Hợp đồng mua bán gạo có thể ghi giá:

Unit price: USD 222/ MT FOB (Incoterms 2000) Saigon port, Hochiminh city, Viet Nam.

Total amount: 2.220.000 USD.

5. Điều khoản giao hàng (Shipment / delivery).

Nội dung cơ bản của điều khoản giao hàng là sự xác định thời hạn, địa điểm giao hàng, phương thức giao hàng và thông báo giao hàng.

  1. Thời gian giao hàng

Là thời hạn mà người bán phải hoàn thành nghĩa vụ giao hàng.

Trong buôn bán quốc tế, có 3 kiểu qui định thời hạn giao hàng

  • Ðịa điểm giao hàng

Các phương pháp qui định địa điểm giao hàng trong buôn bán quốc tế.

  • Qui định rõ cảng (ga) giao hàng, cảng (ga) đến và cảng (ga) thông qua.
  • Qui định một cảng (ga) và nhiều cảng (ga).
  1. Phương thức giao hàng

Quy định việc giao nhận được tiến hành ở một nơi nào đó là giao nhận sơ bộ hoặc là giao nhận cuối cùng.

Quy định việc giao nhận về số lượng và chất lượng.

  1. Thông báo giao hàng

Tùy điều kiện cơ sở giao hàng đã qui định, nhưng trong hợp đồng người ta vẫn quy định rõ thêm về lần thông báo giao hàng và những nội dung cần được thông báo.

  1. Một số qui định khác về việc giao hàng

Ðối với hàng hóa có khối lượng lớn có thể qui định: cho phép giao từng đợt – partial shipment allowed, hoặc giao một lần – total shipment.

. Nếu dọc đường cần thay đổi phương tiện vận chuyển, có thể qui định: cho phép chuyển tải – transhipment allowed.

. Nếu hàng hóa có thể đến trước giấy tờ, thì qui định “vận đơn đến chậm được chấp nhận” – Stale bill of lading acceptable.

6. Điều kiện thanh toán (Payment).

Trong mục này của hợp đồng qui định đồng tiền thanh toán, thời hạn trả tiền, hình thức trả tiền, các chứng từ làm căn cứ để trả tiền.

Thời hạn thanh toán (time of payment)

Có thể trả ngay, trả trước hay trả sau:

  • Trả ngay: Trong buôn bán quốc tế: “trả ngay” có tính chất quy ước. Ðó là việc trả tiền được thực hiện trong thời gian hợp lý cho phép người mua xem xét chứng từ giao hàng.
  • Trả trước: là việc người mua cung cấp tín dụng cho người bán dưới hình thức tiền hoặc ứng trước hiện vật (máy móc, nguyên vật liệu .v.v..). Trả trước cũng còn có nghĩa là người mua đặt cọc hoặc cam kết thực hiện hợp đồng.
  • Trả sau: là việc người bán cung cấp tín dụng cho người mua

Người ta có thể áp dụng kết hợp việc trả ngay, trả trước và trả sau trong một hợp đồng.

Hình thức thanh toán

Có nhiều phương thức thanh toán khác nhau

L/C, Clean collection, D/A, D/P, T/T, M/T, CAD, Tiền mặt, cheque … mỗi phương thức có những ưu nhược điểm khác nhau. Cần nghiên cứu kỹ để chọn phương thức thanh toán thích hợp.

7. Bao bì (Packing).

Trong điều khoản này các bên giao dịch thường thỏa thuận với nhau về:

  • Yêu cầu chất lượng bao bì
  • Phương thức cung cấp bao bì
  • Giá cả bao bì
  1. Phương pháp qui định chất lượng bao bì:

. Qui định chung:

Chất lượng bao bì phù hợp với một phương tiện vận tải nào đó.

Ví dụ:  Bao bì phù hợp với vận chuyển đường sắt; Bao bì phù hợp với vận chuyển đường biển

Bao bì phù hợp với vận chuyển đường hàng không.

Phương pháp này có nhược điểm là có thể dẫn đến tranh chấp vì hai bên không hiểu giống nhau.

8. Bảo hiểm (Insurance).

Trong điều khoản này cần thỏa thuận ai là người mua bảo hiểm và điều kiện bảo hiểm cần mua.

  • Người mua bảo hiểm.
  • Điều kiện bảo hiểm.
  • Loại chứng thư bảo hiểm.

Insurance to be effected by the seller for 110% of CIF invoice value against Free Particular Average as per Ocean Marine Cargo Clause of the People’s Insurance Company of Vietnam.

9. Điều khoản bảo hành (Warranty) trong hợp đồng ngoại thương

Trong điều khoản này, cần phải thể hiện được hai yếu tố:

  • Thời gian bảo hành: cần phải qui định hết sức rõ ràng.
  • Nội dung bảo hành: người bán hàng cam kết trong thời hạn bảo hành hàng hóa sẽ bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng, đặc điểm kỹ thuật, phù hợp với qui định của hợp đồng, với điều kiện người mua phải nghiêm chỉnh thi hành sự hướng dẫn của người bán về sử dụng và bảo dưỡng. Nếu trong giai đoạn đó, người mua phát hiện thấy khuyết tật của hàng hóa, thì người bán phải sửa chữa miễn phí hoặc giao hàng thay thế.

10. Điều khoản miễn trách nhiệm / bất khả kháng (Force majure).

Bất khả kháng là sự kiện khi xảy ra làm cho hợp đồng trở thành không thể thực hiện được, mà không ai bị coi là chịu trách nhiệm. Các sự kiện bất khả kháng mang 3 đặc điểm sau:

  • Không thể lường trước được
  • Không thể vượt qua
  • Xảy ra từ bên ngoài.

Tuy nhiên, vẫn có thể quy định trong hợp đồng coi là bất khả kháng các sự kiện mà bình thường ra thì không có đủ 3 đặc điểm trên, ví dụ: đình công, hỏng máy, mất điện, chậm được cung cấp vật tư . . . Cũng có thể quy định thêm rằng: các sự kiện đó chỉ tạm ngưng việc thực hiện hợp đồng chứ không làm hợp đồng mất hiệu lực.

Quy định các sự kiện tạo nên bất khả kháng: Quy định các tiêu chí để xác định một sự kiện có phải là trường hợp bất khả kháng. Liệt kê các sự kiện khi xảy ra được coi là bất khả kháng. Dẫn chiếu đến văn bản của ICC (xuất bản phẩm số 421).

Thủ tục ghi nhận sự kiện bất khả kháng: Quy định trách nhiệm của bên gặp sự kiện bất khả kháng: thông báo cho các bên liên quan bằng văn bản, cung cấp chứng nhận sự kiện của cơ quan chức năng…

Hệ quả của bất khả kháng

– Thời hạn hiệu lực hợp đồng được kéo dài trong một thời gian tương ứng với thời gian xảy ra bất khả kháng, cộng với thời gian khắc phục hậu quả.

– Nếu bất khả kháng kéo dài quá lâu thì có thể hủy hợp đồng mà không phải bồi thường.

11. Điều khoản khiếu nại (Claim) trong hợp đồng ngoại thương

Khiếu nại là các đề nghị do một bên đưa ra đối với bên kia do số lượng, chất lượng giao hàng, hoặc một số vấn đề khác không phù hợp với các điều khoản đã được qui định trong hợp đồng.

Về điều khoản này các bên qui định trình tự tiến hành khiếu nại, thời hạn có thể nộp đơn khiếu nại, quyền hạn và nghĩa vụ của các bên liên quan đến việc phát đơn khiếu nại, các phương pháp điều chỉnh khiếu nại.

Khiếu nại được đưa ra dưới dạng văn bản và gồm các số liệu sau: Tên hàng, số lượng, và xuất xứ hàng hóa, cơ sở để khiếu nại kèm theo chỉ dẫn chính về những thiếu xót mà đơn khiếu nại được phát ra, các yêu cầu về điều chỉnh khiếu nại.

Ðơn khiếu nại được gởi đi kèm theo các chứng từ cần thiết như: biên bản giám định, biên bản chứng nhận tổn thất, mất mát, vận đơn đường biển, bản liệt kê chi tiết, giấy chứng nhận chất lượng.

  • Thời hạn khiếu nại.
  • Bộ hồ sơ khiếu nại.
  • Cách thức giải quyết khiếu nại.

12. Điều khoản trọng tài (Arbitration).

Trong điều khoản này cần quy định các nội dung sau:

  • Ai là người đứng ra phân xử? Tòa án Quốc gia hay Tòa án trọng tài, trọng tài nào, thành lập ra sao? Ðể giải quyết tranh chấp giữa các bên giao dịch, khi những tranh chấp này không thể giải quyết bằng con đường thương lượng.
  • Luật áp dụng vào việc xét xử.
  • Ðịa điểm tiến hành xét xử.
  • Phân định chi phí trọng tài.

13. Phạt và bồi thường thiệt hại (Penalty) trong hợp đồng ngoại thương

Ðiều khoản này qui định những biện pháp khi hợp đồng không được thực hiện (toàn bộ hay một phần). Ðiều khoản này cùng lúc nhằm hai mục tiêu:

  • Ngăn ngừa đối phương có ý định không thực hiện hay thực hiện không tốt hợp đồng.
  • Xác định số tiền phải trả nhằm bồi thường thiệt hại gây ra.

Các trường hợp phạt:

  • Phạt chậm giao hàng: Ví dụ: Nếu Người bán giao hàng chậm thì các khoản phạt sẽ áp dụng như sau: tuần đầu chậm giao, không tính phạt. Tuần thứ hai đến tuần thứ năm phạt 1% tuần giao chậm; từ tuần thứ sáu: 2 % tuần, nhưng tổng số tiền phạt giao chậm không quá 10% tổng giá trị hàng giao chậm.

Một ví dụ khác: “Trường hợp hàng giao chậm quá 30 ngày, hợp đồng này được hủy bỏ hoàn toàn hợp pháp, bên bán sẽ phải trả cho bên mua tiền bồi thường thiệt hại là 5% tổng giá trị hợp đồng.

  • Phạt giao hàng không phù hợp về số lượng và chất lượng: Các biện pháp giải quyết:

– Hủy ngay đơn hàng, không thanh toán tiền bồi thường. – Yêu cầu thay thế ngay lô hàng bị từ chối.

  • Yêu cầu nhà cung cấp khác thay thế lô hàng, chi phí do nhà cung cấp vi phạm chịu.