Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là gì? Đặc điểm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Sự tồn tại của hợp đồng thương mại quốc tế trong đó có hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế không có gì xa lạ với chúng ta. Song lại không có một quy định nào xác định cụ thể khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Vì vậy, bài viết này Luật Minh Khuê nghiên cứu và phân tích làm rõ nội dung trên:

Thưa luật sư, xin luật sư cho biết, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là gì? Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có đặc điểm như thế nào? Rất mong nhận được hồi đáp từ luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Người gửi: An Khánh – Quảng Ninh

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900 6162

 

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

 

1. Cơ sở pháp lý về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế:

– Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế;

– Luật thương mại năm 2005; (văn bản cũ trước đây: Luật thương mại năm 1997)

– Bộ luật dân sự năm 2015; (văn bản cũ trước đây: Bộ luật dân sự năm 2005)

– Nghị định số 69/2018/NĐ-CP hướng dẫn luật quản lý ngoại thương.

 

2. Khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là gì ?

Hoạt động thương mại quốc tế được thực hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau như thương mại hàng hóa, thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, thương mại trong lĩnh vực đầu tư…Trong đó các giao dịch trong lĩnh vực thương mại hàng hóa luôn diễn ra sôi động nhất, giữ vị trí trung tâm trong các giao dịch thương mại quốc tế.

Các giao dịch trong lĩnh vực thương mại hàng hóa quốc tế được thực hiện chủ yếu thông qua các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Tuy nhiên, trong khoa học pháp lý hiên nay chưa có một khái niệm thống nhất về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế hay nói chính xác hơn là chưa có một cách xác định thống nhất tính quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, mà chỉ nêu lên một số khái niệm hay một số cách xác định yếu tố quốc tế của loại hợp đồng này.

Luật thương mại năm 2005 của Việt Nam và pháp luật của nhiều nước cũng như các văn bản pháp lí quốc tế điều chỉnh các loại hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế xác định tính quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế dựa trên cơ sở dấu hiệu lãnh thổ hay nói chính xác hơn là địa điểm hoạt động thương mại của thương nhân.

Công ước NewYork 1974 về thời hiệu tố tụng trong hợp đồng mua bán hàng quốc tế, Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, Công ước LaHaye 1986 về luật áp dụng cho hợp đồng mua bán quốc tế được xây dựng trong phạm vi UNCITRAL, Công ước Genevơ 1983 về đại diện trong mua bán quốc tế, các công ước Ottawa năm 1988 về thuê tài chính quốc tế và về bao thanh toán quốc tế chỉ sử dụng một tiêu chí duy nhất là địa điểm trụ sở thương mại của các bên để xác định tính quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Tất cả các công ước nói trên, quy định rằng hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hợp đồng được kí kết giữa các bên có trụ sở thương mại nằm trên lãnh thổ của các quốc gia khác nhau, nếu như các quốc gia này tham gia công ước hay luật của quốc gia tham gia công ước được áp dụng phù hợp với những quy phạm của luật tư pháp quốc tế.

Rõ ràng, việc xây dựng khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế dựa trên yếu tố lãnh thổ cho phép xác định yếu tố quốc tế của hợp đồng trở nên đơn giản hơn và thiết thực hơn. Vì vậy, thiết nghĩ định nghĩa cô đọng nhất về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là:

“hợp đồng được kí kết giữa các bên có trụ sở thương mại nằm trên lãnh thổ của các quốc gia khác nhau.”

Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là việc xác định tính quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế dựa trên dấu hiệu lãnh thổ sẽ gặp khó khăn trong trường hợp khi các bên có nhiều trụ sở thương mại. Trong trường hợp này này, giải pháp mà Công ước Viên 1980 đưa ra là hoàn toàn hợp lý. Điều 10 của Công ước quy định:

Nếu một bên có nhiều hơn một địa điểm kinh doanh thì sẽ chọn điểm kinh doanh nào có liên hệ gần nhất với hợp đồng và với việc thực hiện hợp đồng, có quan tâm đến những tình huống mà hai bên đã biết hoặc đã nghĩ đến tại thời điểm trước hay ngay khi kí hợp đồng. Nếu một đương sự không có địa điểm kinh doanh thì chọn nơi thường trú của người này làm chuẩn.

Hiện nay, đã có nhiều quốc gia tham gia Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế, vì vậy có thể nói rằng pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới xác định tính quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế dựa trên dấu hiệu lãnh thổ của các bên kí kết hợp đồng. Việt Nam chúng ta đã tham gia công ước Viên từ năm 2017, và bởi vậy những quy định của công ước Viên 1980 về xác định hợp đồng thương mại quốc tế sẽ được áp dụng tại Việt Nam.

Như vậy, để làm rõ hợp đồng mua bán hàng quốc tế là gì ? Cần hiểu về các vấn dề sau:

Khi sử dụng thuật ngữ yếu tố “nước ngoài” (foreign) hoặc nhân tố “nước ngoài” thì hàm ý quan hệ được đặt trong hệ quy chiếu với 1 quốc gia cụ thể, quốc gia sở tại. Còn khi sử dụng thuật ngữ yếu tố “quốc tế” (international) hoặc nhân tố “quốc tế”, thì lúc này quan hệ được đề cập với một bối cảnh là sự liên quan tới hơn một quốc gia. Như vậy, mặc dù việc sử dụng các thuật ngữ có đôi chút khác nhau nhưng việc dùng thuật ngữ nào cũng thể hiện bản chất của quan hệ hợp đồng trong tư pháp quốc tế. Theo đó, vấn đề xung đột pháp luật hoặc áp dụng pháp luật nước ngoài được coi là những điểm đặc trưng của quan hệ hợp đồng trong tư pháp quốc tế.

Việc xác định yếu tố nước ngoài trong hợp đồng có thể không hoàn toàn giống nhau theo các nguồn pháp luật áp dụng. Ví dụ các nguồn như điều ước quốc tế và pháp luật của mỗi quốc gia.

Theo Công ước La Haye 1964 về thống nhất việc mua bán hàng hoá quốc tế (Convention Relating to the Uniform Law on International Sale of Goods) thì, hợp đồng mua bán hàng hoá sẽ mang yếu tố nước ngoài nếu các bên tham gia hợp đồng có trụ sở thương mại ở các nước khác nhau, khi:

“Hàng hóa trong hợp đồng được chuyên chở từ lãnh thố quốc gia này sang lãnh thổ quốc gia khác, hành vi chào hàng và chấp nhận chào hàng được thực hiện trên lãnh thổ của các quốc gia khác nhau và việc giao hàng được thực hiện trên lãnh thổ của một quốc gia khác với quốc gia nơi tiến hành chào hàng hoặc hành vi chấp nhận chào hàng” .

Từ nội dung quy định tại Điều 1 của Công ước La Haye 1964 có thể thấy dấu hiệu các bên chủ thể của hợp đồng có trụ sở thương mại ở các quốc gia khác nhau sẽ là dấu hiệu quốc tế nếu các điều kiện về vận chuyển hàng hoá, xác lập chào quốc tế của hợp đồng. Nội dung quy định này khá phù hợp với quy định của Công ước Vienna 1980 của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế đã quy định (Điều 1 Công ước Vienna 1980 và Điều 80 Luật thương mại 1997).

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, yếu tố “quốc tế” trong một hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, một loại hợp đồng điển hình trong tư pháp quốc tế, đã được xác định và ghi nhận trong nhiều văn bản pháp lý khác nhau với những nội dung khác nhau trong từng giai đoạn nhất định.

Theo Quy chế tạm thời số 4794/TN-XNK ngày 31/7/1991 của Bộ Thương nghiệp (nay là Bộ Công Thương) về việc hướng dẫn việc ký kết hợp đồng mua bán ngoại thương có ghi nhận hợp đồng mua bán ngoại thương là hợp đồng mua bán có tính chất quốc tế với các dấu hiệu sau đây:

Thứ nhất, chủ thể của hợp đồng là những pháp nhân có quốc tịch khác nhau;

Thứ hai, hàng hoá là đối tượng của hợp đồng được dịch chuyển qua các nước khác nhau; thứ ba, đồng tiền thanh toán là ngoại tệ đối với một bên hoặc cả hai bên chủ thể của hợp đồng.

Trong Luật thương mại Việt Nam 1997 không có quy định về khái niệm hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế hoặc hợp đồng có yếu tố nước ngoài mà Luật thương mại quy định về một loại hợp đồng có tên gọi là “hợp đồng mua bán hàng hoá với thương nhân nước ngoài”.

Theo đó, “hợp đồng mua bán hàng hoá với thương nhân nước ngoài là hợp đồng mua bán hàng hóa được ký kết giữa một bên là thương nhân Việt Nam với một bên là thương nhân nước ngoài”? 

Từ quy định này có thể hiểu rằng Luật thương mại năm 1997 chỉ điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hoá được ký kết giữa một bên là thương nhân Việt Nam và một bên là thương nhân nước ngoài. Với quy định này, Luật thương mại 1997 đã loại trừ việc điều chỉnh của Luật này đối với nhiều loại hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, lý, việc điều chỉnh vấn đề này có thể áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự. Thứ nhất, về mặt lý luận thì việc áp dụng Bộ luật dân sự, với tư cách là đạo luật gốc, là phù hợp vì trong trường họp luật chụyên ngành là Luật thương mại không điều chỉnh. Thứ hai, về mặt pháp lý, Luật thương mại 2005 quy định:

“Hoạt động thương mại không được quy định trong Luật thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự” (Khoản 3 Điều 4 Luật thương mại 2005; Điều 758 Bộ luật dân sự 2005).

Để đánh giá quá trình phát triển các quy định của pháp luật Việt Nam trong đó có các quy định về dấu hiệu nước ngoài trong quan hệ tư pháp quốc tế làm cơ sở để xác định quan hệ hợp đồng trong tư pháp quốc tế nói chung và trong quan hệ hợp đồng nói riêng, cần xem xét một số quy định trong Bộ luật dân sự năm 2005 và Bộ luật dân sự năm 2015.

Trong Bộ luật dân sự 2005 của Việt Nam, vấn đề xác định dấu hiệu nước ngoài trong một quan hệ dân sự được ghi nhận tại Điều 758. Theo đó:

“Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự có ít nhất một bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cả nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc là các quan hệ dân sự giữa các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài ”

Bộ luật dân sự 2015 được thay thế cho Bộ luật dân sự 2005 kể từ ngày 01/01/2017. Trong Bộ luật dân sự 2015, quy định quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được ghi nhận tại khoản 2 Điều 663. Theo đó, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau: (1) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài; (2) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam hoặc pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập,

–       Căn cứ làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ hợp đồng theo pháp luật nước ngoài;

–       Đối tượng của hợp đồng là tài sản đang tồn tại ở nước ngoài.

Tóm lại, hợp đồng trong tư pháp quốc tế là hợp đồng dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài.

 

3. Đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trước hết đó là một hợp đồng, vì vậy nó mang đầy đủ bản chất và đặc trưng của tất cả các loại hợp đồng nói chung. Ngoài ra, do hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hợp đồng được kí kết giữa các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau, tức là có yếu tố nước ngoài tham gia, vì vậy nó sẽ có những điểm khác biệt nhất định so với hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường (trong nước).

Xuất phát từ những đặc trưng của hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường, cùng với sự tham gia của yếu tố nước ngoài trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có những đặc điểm như sau:

 

3.1. Chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Về phương diện pháp lí, các điều ước quốc tế, các tập quán quốc tế, kể cả các đạo luật mẫu điều chỉnh về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế ít khi bàn đến vấn đề chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Điều này được lí giải rằng thẩm quyền kí kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế sẽ do pháp luật của quốc gia được áp dụng đối với bên kí kết quy định. Từ đó, dẫn đến một hệ quả là pháp luật của các quốc gia khác nhau sẽ có những quy định không giống nhau về thẩm quyền được kí kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

Chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế chủ yếu là các thương nhân. Thương nhân theo nghĩa thông thường được hiểu là những người trực tiếp thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại. Trong luật thương mại, thương nhân bao gồm các cá nhân, pháp nhân có đủ các điều kiện do pháp luật quốc gia quy định để tham gia vào các hoạt động thương mại và trong một số trường hợp cả chính phủ (khi từ bỏ quyền miễn trừ quốc gia). Mỗi quốc gia có những quy định khác nhau về điều kiện trở thành thương nhân cho từng đối tượng cụ thể. Chẳng hạn, đối với cá nhân những điều kiện hưởng tư cách thương nhân trong pháp luật thương mại quốc gia thường bao gồm điều kiện nhân thân (độ tuổi, năng lực hành vi, điều kiện tư pháp) và nghề nghiệp.

Một vấn đề khác được đặt ra, chủ thể kí kết các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế chủ yếu là các thương nhân nhưng có phải các thương nhân được tự do kí kết các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà không phụ thuộc ngành nghề đăng ký kinh doanh của mình, hay là chỉ được kí kết các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phù hợp với ngành nghề đăng ký kinh doanh của mình. Về vấn đề này cả Luật doanh nghiệp 2020 và pháp luật về thương mại đều thống nhất doanh nghiệp được tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Theo quy định tại khoản 1 điều 3 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định:

“Thương nhân Việt Nam không là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu và thực hiện các hoạt động khác có liên quan không phụ thuộc vào ngành, nghề đăng ký kinh doanh, trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo quy định tại Nghị định này; hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu khác theo quy định của pháp luật; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu”.

Như vậy, không bắt buộc thương nhân chỉ được phép mua bán hàng hóa quốc tế trong phạm vi ngành nghề mình đăng ký kinh doanh mà cho phép tự do mua bán hàng háo quốc tế trừ những hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định pháp luật.

 

3.2. Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Hàng hóa là đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải thỏa mãn các quy định về quy chế hàng hóa được phép mua bán, trao đổi theo pháp luật của nước bên mua và bên bán.

Pháp luật của các quốc gia khác nhau có những quy định không giống nhau về những hàng hóa được phép trao đổi mua bán, từ đó sẽ dẫn đến việc có những hàng hóa theo quy định của nước này thì được phép trao đổi mua bán nhưng theo quy định của pháp luật nước khác thì lại cấm trao đổi mua bán. Như vậy chỉ những hàng hóa nào đều được pháp luật quốc gia của các bên kí kết hợp đồng quy định là được phép trao đổi mua bán thì mới có thể trở thành đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

Khái niệm hàng hóa được ghi nhận trong pháp luật các quốc gia trên thế giới hiện nay, mặc dù có những khác biệt nhất định song đều có xu hướng mở rộng các đối tượng là hàng hóa được phép lưu thông thương mại.

Theo pháp luật thương mại của đa số các nước và trong nhiều điều ước quốc tế chẳng hạn như Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hàng hóa là đối tượng của mua bán thương mại được hiểu bao gồm những loại tài sản có hai thuộc tính cơ bản:

+ Có thể đưa vào lưu thông;

+ Có tính chất thương mại.

Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa (tại điều 2) chỉ loại trừ (không áp dụng) đối với một số loại hàng hóa như chứng khoán, giấy bảo đảm chứng từ và tiền lưu thông, điện năng, phương tiện vận tải đường thủy, đường không, phương tiện vận tải bằng khinh khí cầu…

Theo quy định tại khoản 2 điều 3 Luật Thương Mại Việt Nam năm 2005 thì hàng hóa bao gồm:

+ Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai;

+ Những vật gắn liền với đất đai.

Như vậy, với khái niệm này thì hàng hóa là đối tượng của mua bán có thể là hàng hóa hiện đang tồn tại hoặc hàng hóa sẽ có trong tương lai, hàng hóa có thể là động sản hoặc bất động sản được phép lưu thông thương mại.

 

3.3. Hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Xuất phát từ nguyên tắc tự do ý chí, các bên tham gia giao kết hợp đồng có quyền tự do lựa chọn hình thức thể hiện ý chí thích hợp. Điều này cũng có nghĩa là về nguyên tắc, ý chí không nhất thiết phải được bày tỏ dưới một hình thức nhất định, nó có thể biểu lộ bằng lời nói, bằng văn bản, bằng hành vi, cử chỉ cụ thể hoặc thậm chí là sự im lặng. Tuy nhiên, để thiết lập sự an toàn pháp lí trong quan hệ hợp đồng cũng như để bảo toàn chứng cứ và bảo vệ trật tự pháp luật, lợi ích xã hội, có những trường hợp hợp đồng giao kết phải tuân theo những hình thức pháp luật quy định, nếu không các bên tham gia giao kết sẽ phải gánh chịu những hậu quả bất lợi.

Hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cũng được quy định rất khác nhau trong pháp luật của các quốc gia và pháp luật quốc tế. Có pháp luật của một số nước yêu cầu bắt buộc hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được lập thành văn bản, nhưng pháp luật của một số nước khác lại không có bất kì một yêu cầu nào về hình thức hợp đồng. Mặt khác, ngay cả khái niệm “văn bản” giữa các quốc gia cũng có các quan niệm rộng hẹp khác nhau về những dạng vật chất nhất định chứa đựng thông tin nào được coi là văn bản.

Trong các văn bản pháp lí quốc tế, rất ít khi quy định về điều kiện hình thức của hợp đồng. Theo quy định của Công ước Viên 1980 thì hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể được thể hiện dưới bất kì hình thức nào cũng được coi là hợp pháp.

Điều 11 Công ước quy định: hợp đồng mua bán không cần phải được kí kết hoặc xác lập bằng văn bản hay phải tuân thủ một yêu cầu nào khác về hình thức hợp đồng. Hợp đồng có thể được chứng minh bằng mọi cách, kể cả những lời khai của nhân chứng.

Vấn đề này cũng được quy định tương tự trong Bộ nguyên tắc của UNIDROIT 2004 về hợp đồng thương mại quốc tế. Theo quy định tại điều 1.2 của Bộ nguyên tắc thì: không một chi tiết nào của Bộ nguyên tắc yêu cầu một hợp đồng phải được kí kết bằng văn bản hoặc phải được chứng minh có sự thỏa thuận bằng văn bản. Sự tồn tại của một hợp đồng có thể được chứng minh bằng bất kì hình thức nào kể cả bằng nhân chứng.

Tuy nhiên để giảm bớt sự “tùy nghi” của điều 11 Công ước Viên 1980 và có tính đến quy định trong pháp luật quốc gia của một số nước thành viên yêu cầu hình thức của hợp đồng phải là văn bản, tại điều 12 Công ước quy định: nước thành viên của công ước có pháp luật quốc gia yêu cầu hợp đồng phải có hình thức bằng văn bản có thể tuyên bố bảo lưu vấn đề này bất cứ lúc nào. Và điều 96 của Công ước cũng quy định nếu luật của một quốc gia thành viên nào đó quy định hợp đồng phải được kí kết dưới hình thức văn bản mới có giá trị thì quy định này phải được tôn trọng, kể cả trong trường hợp chỉ cần một trong các bên có trụ sở thương mại tại quốc gia có luật quy định hợp đồng phải được thể hiện dưới hình thức văn bản. Theo quy định tại điều 27 Luật thương mại Việt Nam 2005 thì:

“mua bán hàng hóa quốc tế phải được thể hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lí tương đương”.

Như vậy, mặc dù trong các văn bản pháp lí quốc tế cũng như trong quy định pháp luật của một số quốc gia không yêu cầu hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được lập thành văn bản, tuy nhiên, xuất phát từ sự tham gia của yếu tố nước ngoài trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, từ sự quy định khác nhau trong hệ thống pháp luật của các quốc gia, từ sự bất đồng ngôn ngữ giữa các bên tham gia kí kết hợp đồng và hàng loạt các vấn đề khác, cho nên tốt hơn hết các bên khi tham gia kí kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thì nên thiết lập bằng văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lí tương đương, vì như vậy các bên sẽ tránh được tối đa các hậu quả pháp lí bất lợi, những rủi ro và tranh chấp không đáng có cũng như các thiệt hại có thể xảy ra.

 

3.4. Luật điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Việc trụ sở thương mại của các bên trong hợp đồng thương mại quốc tế nằm trên lãnh thổ của các quốc gia khác nhau không chỉ có nghĩa các bên nằm trên lãnh thổ của các nước khác nhau mà còn có nghĩa là các bên liên quan đến các hệ thống pháp luật khác nhau. Xuất phát từ chủ quyền quốc gia trong công pháp quốc tế, khi một quan hệ (dân sự có yếu tố nước ngoài) liên quan đến bao nhiêu quốc gia thì về nguyên tắc có bấy nhiêu hệ thống pháp luật đều có thể được áp dụng để điều chỉnh quan hệ đó. Trong khi đó mỗi một quốc gia trên thế giới có một hệ thống pháp luật riêng của mình và các hệ thống pháp luật đó khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau. Từ đó dẫn đến hiện tượng xung đột pháp luật. Xung đột pháp luật xảy ra khi hai hay nhiều hệ thống pháp luật đồng thời đều có thể áp dụng để điều chỉnh một quan hệ pháp luật này hay quan hệ pháp luật khác. Như vậy, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể được điều chỉnh bởi pháp luật của các quốc gia khác nhau. Bên cạnh đó hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể được điều chỉnh bởi điều ước quốc tế, các tập quán thương mại quốc tế, hoặc/và các đạo luật mẫu về hợp đồng thương mại quốc tế. Tuy nhiên điều cần nhấn mạnh ở đây là mỗi quan hệ thì chỉ có thể áp dụng một hệ thống pháp luật để điều chỉnh mà thôi. Vấn đề cần phải giải quyết là chọn một trong các hệ thống pháp luật để áp dụng điều chỉnh quan hệ đó.

Xuất phát từ quyền tự do ý chí trong quan hệ hợp đồng, các bên kí kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể chọn hệ thống pháp luật để điều chỉnh hợp đồng của mình. Tất nhiên việc chọn luật phải thỏa mãn các điều kiện chọn luật, và trong một số trường hợp quyền chọn luật bị hạn chế bởi quy định của pháp luật quốc gia khi nó liên quan đến các vấn đề chẳng hạn như bảo lưu trật tự công cộng…Trong trường hợp các bên không chọn luật áp dụng cho hợp đồng thì các quy tắc của tư pháp quốc tế được áp dụng để chọn ra hệ thống pháp luật điều chỉnh hợp đồng khi cần thiết.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!

(Nguồn: do Luật Minh Khuê – Sưu tầm, biên tập & phân tích)