Hợp đồng dịch vụ pháp lý là gì? Đặc điểm của hợp đồng dịch vụ pháp lý

Hiện nay trong hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về khái niệm hợp đồng dịch vụ pháp lý. Song trên thực tế thường được hiểu là văn bản thỏa thuận giữa bên cung ứng dịch vụ pháp lý (thường là luật sư) với bên sử dụng dịch vụ pháp lý.

1. Cơ sở pháp lý về hợp đồng dịch vụ pháp lý

– Bộ luật dân sự năm 2015

– Luật Luật sư năm 2006 sửa đổi năm 2012

– Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam

2. Hợp đồng dịch vụ pháp lý là gì?

Trên thực tế, cùng với sự phát triển nhanh chóng của xã hội đã thúc đẩy các ngành dịch vụ phát triển và không ngừng cải thiện để phù hợp với nhu cầu cũng như xu thế của thị trường, trong đó dịch vụ pháp lý cũng được coi là một ngành dịch vụ thiết yếu với nhu cầu sử dụng các dịch vụ hỗ trợ về pháp luật của cá nhân, tổ chức ngày càng tăng.

Cho đến nay trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chưa có quy định nào ghi nhận cụ thể về khái niệm dịch vụ pháp lý. Tuy nhiên từ khái niệm dịch vụ và tên gọi của loại dịch vụ này thì có thể hiểu dịch vụ pháp lý là hoạt động cung cấp các công việc liên quan tới hỗ trợ, trợ giúp về mặt pháp luật nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là một dịch vụ đặc biệt so với các dịch vụ khác trong xã hội bởi dịch vụ này có đối tượng là công việc gắn liền với pháp luật, được cung cấp bởi các chủ thể không chỉ có kiến thức, hiểu biết chuyên sâu về pháp luật mà còn đáp ứng đầy đủ những điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật.

Căn cứ theo Luật Luật sư nảm 2006, phạm vi các dịch vụ pháp lý mà Luật sư được cung cấp cho khách hàng bao gồm: “Tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác”. VIệc cung cấp dịch vụ pháp lý của Luật sư cho khách hàng được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên và thỏa thuận đó được lập thành hợp đồng dịch vụ pháp lý với những điều khoản cụ thể để các bên có cơ sở thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. 

Hiện nay, trong văn bản pháp luật Việt Nam liên quan tới hợp đồng dịch vụ pháp lý, chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về khái niệm hợp đồng dịch vụ pháp lý nên tất cả các khái niệm về loại hợp đồng này chỉ là quan điểm của những người nghiên cứu.

Về khái niệm hợp đồng dịch vụ pháp lý có quan điểm cho rằng: “Hợp đồng dịch vụ pháp lý là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ pháp lý thực hiện công việc cho bên yêu cầu, bên yêu cầu phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng theo thỏa thuận”. Một tác giả khác đưa ra khái niệm như sau: “Hợp đồng dịch vụ pháp lý là một loại hợp đồng thuộc ngành dịch vụ nghề nghiệp, theo đó bên Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho bên thuê Luật sư, cong bên thuê Luật sư phải trả tiền thù lao theo thỏa thuận”. Theo như những quan điểm này thì đã chỉ ra được những yếu tố cơ bản của hợp đồng dịch vụ pháp lý bao gồm chủ thể giao kết, công việc thực hiện, nghịa vụ của các bên tham gia hợp đồng.

Tham khảo các quan điểm trên cùng với khái niệm hợp đồng dịch vụ quy định tại Điều 513 Bộ luật dân sự năm 2015 và quy định của Luật Luật sư về dịch vụ pháp lý của luật sư, có thể đưa ra một khái niệm hợp đồng dịch vụ pháp lý như sau:

“Hợp đồng dịch vụ pháp lý là sự thỏa thuận giữa bên cung ứng dịch vụ pháp lý và bên sử dụng dịch vụ, theo đó bên cung ứng dịch vụ pháp lý thực hiện công việc theo yêu cầu, cong bên sử dụng dịch vụ phải thanh toán tiền dịch vụ tương ứng với công việc mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng”

3. Đặc điểm của hợp đồng dịch vụ pháp lý

3.1. Mang những đặc điểm chung của hợp đồng dịch vụ

– Là hợp đồng có đối tượng là công việc thực hiện được và thực hiện bởi bên cung ứng dịch vụ. Bên cung ứng dịch vụ bằng khả năng của mình phải thực hiện công việc theo quy định của pháp luật và bàn giao kết quả cho bên sử dụng dịch vụ.

– Hợp đồng dịch vụ là hợp đồng ưng thuận. Điều này được thể hiện ở việc quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh ngay sau khi các bên thỏa thuận xong về nội dung chủ yếu của hợp đồng hay nói cách khác hợp đồng dịch vụ có hiệu lực kể từ thời điểm các bên giao kết hợp đồng. Đối với nội dung trong hợp đồng dịch vụ, các bên tham gia có thể tự do thể hiện ý chí khi thỏa thuận để xác lập các điều khoản trong hợp đồng theo hướng dẫn đảm bảo quyền và lợi ích của các bên. Khi đã được các bên ký kết thì hợp đồng sẽ có tính ràng buộc giữa các bên, vì thế mọi hành vi chậm chễ hoặc gây cản trở tới việc thực hiện hợp đồng đều có thể coi là vi phạm hợp đồng (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác) và bên vi phạm sẽ phải chịu phạt (theo thỏa thuận).

– Là hợp đồng song vụ. Xuất phát từ quy định của luật về hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau và dựa trên nguyên tắc quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia thì có thể nói hợp đồng dịch vụ thể hiện rất rõ đặc điểm này. Trong hợp đồng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ có quyền yêu cầu bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc là đối tượng của hợp đồng và có nghĩa vụ thanh toán chi phí cho bên cung ứng dịch vụ. Ngược lại, bên cung ứng dịch vụ có nghĩa vụ thực hiện công việc theo thỏa thuận và có quyền yêu cầu bên sử dụng dịch vụ phải thanh toán khoản chi phí tương ứng với công việc đã thực hiện.

– Là hợp đồng có đền bù. Đặc điểm này được thể hiện ở chỗ khi đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc được bên cung ứng dịch vụ thực hiện và giao cho bên sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ là bên được hưởng lợi từ công việc đó phải hoàn trả cho bên cung ứng dịch vụ một nghĩa vụ tương ứng theo nguyên tắc đền bù ngang giá. Trong hợp đồng dịch vụ, bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc theo thỏa thuận và được bên sử dụng dịch vụ hoàn trả cho một lợi ích tương ứng, thường là khoản phí mà đã được các bên thỏa thuận khi giao kết hợp đồng.

3.2. Những đặc điểm riêng của hợp đồng dịch vụ pháp lý

– ĐỐi tượng của hợp đồng dịch vụ phap slys là công việc gắn liền với pháp luật. Theo yêu cầu của khách hàng, Luật sư bằng năng lực, trách nhiệm của mình sẽ thực hiện các công việc pháp lý nhằm đảm bảo mục tiêu công việc mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý. Các công việc liên quan đến pháp luật thường được luật sư cung cấp trên thực tế có thể kể đến như: tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý (cho những đối tượng theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý); đại diện ngoài tố tụng; tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho khách hàng.

– Hợp đồng dịch vụ pháp lý là hợp đồng gắn liền với hoạt động hành nghề của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư. Khoản 1 Điều 26 Luạt Luật sư quy định: “Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức”, có nghĩa là dịch vụ pháp lý của Luật sư chỉ được thực hiện khi tổ chức hành nghề luạt sư và khách hàng có thỏa thuận về hợp đồng dịch vụ pháp lý. Trong Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư có quy định: “Khi nhận vụ việc của khách hàng, luật sư phải ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Sau khi tổ chức hành nghề luật sư và khách hàng ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, tổ chức hành nghề luật sư có trách nhiệm cử Luật sư trong tổ chức để thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Hợp đồng dịch vụ pháp lý không chỉ là văn bản nhằm xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên mà còn là cơ sở để luật sư xác định phạm vi các công việc cần phải thực hiện để cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Bên cạnh đó hợp đồng dịch vụ pháp lý còn liên quan tới hoạt động quản lý của nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, nếu tổ chức hành nghề luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý và thu lợi từ việc cung cấp dịch vụ pháp lý mà không qua ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý thì khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 82/2010/NĐ_CP. Vì vậy, hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư bắt buộc phải thực hiện trên cơ sở ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý.

Trường hợp Luật sư được cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu tham gia tố tụng để bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội trong vụ án hình sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án dân sự, hành chính khi những đối tượng này không thể tự mình bảo vệ và không có đủ khả năng mời luật sư thì hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý này không cần giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với người được cung cấp mà được thay thế bằng Quyết định cử Luật sư tham gia tố tụng của Đoàn Luật sư.

– Chủ thể cung ứng dịch vụ pháp lý trong hợp đồng dịch vụ pháp lý là chủ thể đặc biệt, không giống với các chủ thể trong hợp đồng dich vụ khác. Dịch vụ pháp lý có thể được cung cấp bởi nhiều chủ thể nhưng đối với dịch vụ pháp lý trong hành nghề luật sư thì chủ thể cung ứng dịch vụ sẽ là tổ chức hành nghề luật sư. Sau khi hợp đồng được ký kết, Luật sư được giao tiếp nhận vụ việc phải là người có hiểu biết chuyên sâu về pháp luật và có chuyên môn nghiệp vụ giải quyết các vấn đề pháp lý. Đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012.

– Khi giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, Luật sư không được hứa trước về kết quả trong hợp đồng dịch vụ pháp lý. Mặc dù pháp luật không có quy định cấm về việc các bên trong hợp đồng dịch vụ nói chung có thể thỏa thuận về kết quả công việc trong hợp đồng nhưng đối với  dịch vụ pháp lý của luật sư, luật sư làm việc không những phải tuân thủ HIến pháp và pháp luật mà còn phải tuân thủ các quy định của Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, Điều lệ của Đoàn luật sư và quy chế nội bộ của Đoàn luật sư. Trong Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư có quy định: Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng “Hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả vụ việc về những nội dung nằm ngoài khả năng, điều kiện thực hiện của luật sư.”

Không giống như những dịch vụ khác, phạm vi công việc của dịch vụ pháp lý rất đa dạng về vụ việc cho nên kết quả trong dịch vụ pháp lý không chỉ phụ thuộc vào tính chất của công việc và năng lực của luật sư mà cong phụ thuộc vào nhiều điều kiện khách quan khác nhau tác động vào quá trình thực hiện dịch vụ. Khi tham gia tố tụng, luật sư phải phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để giải quyết vụ việc, kết quả của vụ việc không do luật sư quyết định mà phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của tòa án trên cơ sở hoạt động chứng minh của những người tham gia tố tụng. Hoặc trường hợp luật sư thực hiện thủ tục hành chính theo ủy quyền cho khách hàng, các thủ tục hành chính hiện nay đều được pháp luật quy định rõ về thời hạn giải quyết và kết quả tuy nhiên thời hạn đó có thể bị kéo dài vì những lý do khách quan mà chính luật sư cũng không thể lường trước được. Trong quá trình thỏa thuận về nội dung của hợp đồng dịch vụ pháp lý, việc luật sư đưa ra lời hứa hẹn trước kết quả của công việc (kể cả những công việc nằm ngoài khả năng, điều kiện thực hiện của luật sư) với khách hàng sẽ làm cho khách hàng tin tưởng hơn vào năng lực của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, điều này khiến cho khách hàng quyết định ký ngay hợp đồng dịch vụ pháp lý. Trong khi đó, trong bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư còn có quy định “Luật sư không được cố ý đưa ra những thông tin làm cho khách hàng nhầm lẫn về khả năng và trình độ chuyên môn của mình để tạo niềm tin cho khách àng ký kết hợp đồng” nhằm hạn chế những tình trạng Luật sư không có đủ năng lực, điều kiện thực hiện dịch vụ pháp lý nững vẫn khẳng định mình có thể giải quyết được công việc để làm cho khách hàng tin tưởng lựa chọn sử dụng dịch vụ. 

Hơn nữa, kết quả công việc được luật sư sư hứa hẹn trước khi đến hạn mà công việc vẫn chưa thể thực hiện được hoặc chưa hoàn thành thì hậu quả không chỉ ảnh hưởng xấu tới uy tín hành nghề của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư mà còn ảnh hướng tới luật sư. Vì vậy, đứng trước yêu cầu của khách hàng về một vấn đề pháp lý cần được hỗ trợ giải quyết, luật sư cần xem xét, đánh giá tính chất của vụ việc, sau đó có thể tư vấn cho khách hàng nhiều hướng giải quyết vụ việc, đồng thời đưa ra những phân tích, quan điểm của mình về mặt tích cực và mặt hạn chế của mỗi hướng giải quyết công việc để khách hàng lựa chọn.