Hợp đồng cộng tác viên có phải đóng bảo hiểm không?

Hiện nay, hình thức làm việc theo kiểu cộng tác viên trở nên phổ biến ở nhiều doanh nghiệp. Vậy, cộng tác viên có phải tham gia bảo hiểm xã hội không?

Cộng tác viên ký hợp đồng lao động có phải đóng BHXH không?

Câu hỏi: Em hiện đang làm công tác viên thiết kế tại một công ty. Em nghe bạn em nói đi làm thì phải đóng bảo hiểm xã hội. Em có ký hợp đồng lao động với công ty 02 tháng. Cho em hỏi làm cộng tác viên có phải đóng bảo hiểm xã hội không? – Minh Hương (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

– Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn.

– Hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động.

– Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.

– Cán bộ, công chức, viên chức…

Bên cạnh đó, Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hợp đồng lao động như sau:

 

1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

 

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

 

Hiện nay, pháp luật không quy định cụ thể hợp đồng với cộng tác viên, tuy nhiên, từ những quy định trên, nếu doanh nghiệp và người lao động có ký hợp đồng trong đó nội dung thể hiện việc làm có trả công, tiền lương… thì được coi là hợp đồng lao động.

Do đó, người làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Tuy nhiên, ngoài điều kiện về hợp đồng làm việc, người tham gia bảo hiểm xã hội cần có tiền lương đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH như sau:

 

2. Tiền lương do đơn vị quyết định

 

 

2.6. Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Khoản này không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.

 

Như vậy, bạn đọc căn cứ hợp đồng cộng tác viên của bạn ký với công ty là hợp đồng lao động và mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm phải không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng thì bạn sẽ biết được có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không.

cộng tác viên có phải đóng bảo hiểm khôngcộng tác viên có phải đóng bảo hiểm không

Hợp đồng cộng tác viên có phải đóng bảo hiểm không? (Ảnh minh họa)

Hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng dịch vụ có phải tham gia BHXH không?

Câu hỏi: Cửa hàng em hiện muốn thuê một vài bạn sinh viên làm cộng tác viên tư vấn trả lời khách hàng qua mạng xã hội trong vòng 03 tháng. Xin hỏi tôi ký hợp đồng cộng tác viên thì có phải đóng bảo hiểm xã hội cho các bạn nhân viên không? – Phạm Tú (anhtupham…@gmail.com).

Trả lời:

Theo phân tích trên, pháp luật hiện nay không quy định ký kết hợp đồng cộng tác viên. Tuy nhiên, trường hợp người sử dụng lao động thuê người lao động làm việc theo hình thức cộng tác viên và ký hợp đồng lao động đáp ứng những điều kiện trên thì phải đóng bảo hiểm xã hội.

Trường hợp ký hợp đồng cộng tác viên (không phải hợp đồng lao động) sẽ được xem như một thỏa thuận dân sự, hợp đồng cộng tác viên bản chất là một dạng của hợp đồng dịch vụ.

Căn cứ Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.

Theo đó, quyền và nghĩa vụ của các bên được quy định như sau:

Quyền và nghĩa vụ của bên sử dụng cộng tác viên

– Cung cấp cho cộng tác viên dịch vụ thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc, nếu có thoả thuận hoặc việc thực hiện công việc đòi hỏi.

– Trả tiền dịch vụ cho cộng tác viên theo thoả thuận.

– Yêu cầu cộng tác viên thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thoả thuận khác.

– Trường hợp bên cộng tác viên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên sử dụng cộng tác viên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Quyền và nghĩa vụ của cộng tác viên

– Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thoả thuận khác.

– Không được giao cho người khác thực hiện thay công việc nếu không có sự đồng ý của bên sử dụng cộng tác viên.

– Bảo quản và phải giao lại cho bên sử dụng cộng tác viên tài liệu và phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc.

– Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

– Yêu cầu bên sử dụng cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện để thực hiện công việc.

– Yêu cầu bên sử dụng trả tiền…

Từ những quy định trên, có thể thấy giữa cộng tác viên và bên sử dụng cộng tác viên không có sự ràng buộc về nội quy, quy chế lao động. Thời gian, địa điểm làm việc là tự do, việc trả thù lao, trả tiền do các bên thỏa thuận.

Do đó, trường hợp ký hợp đồng cộng tác viên (dạng hợp đồng dịch vụ) không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.