Hợp đồng 68 là gì? Điều kiện ký hợp đồng 68?
Bộ luật lao động có quy định về các loại hợp đồng lao động khác nhau, trong đó có các hợp đồng rất quen thuộc như: “Hợp đồng lao động xác định thời hạn (trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng); hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng..”
Vậy còn hợp đồng 68 là gì? Điều kiện để kí kết hợp đồng 68 khi nào và thời hạn cũng như quyền lợi của người lao động theo hợp đồng 68 ra sao? Nếu Quý vị cũng đang có những băn khoăn và thắc mắc trên nhưng chưa được giải đáp, mời Quý độc giả theo dõi nội dung bài viết dưới đây của chúng tôi để hiểu thêm về hợp đồng 68.
Hợp đồng 68 là gì?
Hợp đồng 68 là hợp đồng đặc thù, không phải là hợp đồng lao động phổ biến được sử dụng rộng rãi ở mọi cơ quan, doanh nghiệp, tuân theo quy định của Bộ Luật Lao động 2012, quy định tại nghị định 68/2000/NĐ-CP.
Hợp đồng được ký kết giữa người lao động làm một số việc cụ thể trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (đơn vị do NSNN bảo đảm một phần hoặc toàn bộ kinh phí chi thường xuyên).
Theo quy định tại Điều 1 của Nghị định 68/2000/NĐ-CP quy định rõ “thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc sau đây trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp:
1. Sửa chữa, bảo trì đối với hệ thống cấp điện, cấp, thoát nước ở công sở, xe ô tô và các máy móc, thiết bị khác đang được sử dụng trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp;
2. Lái xe;
3. Bảo vệ;
4. Vệ sinh;
5. Trông giữ phương tiện đi lại của cán bộ, công chức và khách đến làm việc với cơ quan, đơn vị sự nghiệp;
6. Công việc khác.”
Như vậy có thể thấy, đối tượng để ký kết hợp đồng 68 là những người làm các công việc cụ thể mà Nghị định đưa ra như: sửa chữa hệ thống cơ sở vật chất- vật tư của cơ quan; lái xe cho các lãnh đạo thực hiện công vụ; bảo vệ cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập từ địa phương đến trung ương; cá công việc vệ sinh, các công việc trông giữ xe của khách đến làm việc với cơ quan, tổ chức và phương tiện của cán bộ, công nhân viên chức đang làm việc,…
Người lao động khi ký kết hợp đồng 68 được hưởng các chế độ, quyền lợi trong biên chế tại các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều kiện ký kết hợp đồng 68
Sau khi hiểu về hợp đồng 68 là gì– chúng ta cũng cần biết điều kiện để ký kết hợp đồng 68 như nào? Theo quy định tại Nghị định 68/2000/NĐ-CP có thể thấy chủ thể ký kết hợp đồng 68 bao gồm 2 chủ thể: Bên ký hợp đồng và cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (đơn vị do NSNN bảo đảm một phần hoặc toàn bộ kinh phí chi thường xuyên).
– Đối với chủ thể là bên ký hợp đồng:
+ Là cá nhân:
Có đủ sức khoẻ theo yêu cầu của công việc do cơ quan y tế cấp huyện trở lên xác nhận;
Có lý lịch rõ ràng;
Có năng lực và trình độ để hoàn thành công việc;
Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hình sự, quản chế hành chính, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào các cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục và trong thời gian cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, hoặc làm công việc nhất định có liên quan đến công việc ký hợp đồng.
+ Cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ phải có khả năng thực hiện công việc và có đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật
– Đối với chủ thể là cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp ký hợp đồng:
+ Phải có nhu cầu về các công việc như sửa chữa hệ thống vật tư của cơ quan; lái xe cho các lãnh đạo thực hiện công vụ; bảo vệ cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập từ địa phương đến trung ương; cá công việc vệ sinh, các công việc trông giữ xe của khách đến làm việc với cơ quan, tổ chức và phương tiện của cán bộ, công nhân viên chức đang làm việc,…
+ Việc ký hợp đồng do người đứng đầu cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có thẩm quyền thực hiện hoặc ủy quyền bằng văn bản cho người phụ trách công tác tổ chức cán bộ hoặc phụ trách công tác văn phòng thuộc quyền ký.
Thời hạn của hợp đồng 68
Sau khi hiểu rõ hợp đồng 68 là gì? chúng ta cùng tìm hiểu về thời hạn của loại hợp đồng này. Thời hạn hợp đồng 68 được quy định theo nghị định 68/2000/NĐ-CP áp dụng theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012 và theo nội quy của cơ quan, tổ chức nơi người lao động đó làm việc, cụ thể có thể ký kết hợp đồng 68 theo thời hạn:
– Hợp đồng không xác định thời hạn
– Hợp đồng lao động xác định thời hạn
– Hợp đồng thời vụ: Thời hạn thường là dưới 1 năm.
Quyền lợi của người lao động khi ký kết hợp đồng 68
Theo quy định tại Thông tư số 15/2001/TT-BTCCBCP hướng dẫn thực hiện nghị định số 68/2000/NĐ-CP quy định khi ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với cá nhân trực tiếp làm các công việc nói tại điều 1 của Nghị định số 68/2000/NĐ-CP thì “ngoài những quy định được ghi trong mẫu hợp đồng được ban hành kèm theo Quyết định số 207/LĐTBXH ngày 02 tháng 4 năm 1993 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cá nhân trực tiếp làm hợp đồng được hưởng các chế độ, chính sách như cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp”.
Cụ thể, những quyền lợi mà người lao động được hưởng khi ký kết hợp đồng 68 không xác định thời hạn như sau:
– Được áp dụng bảng lương hành chính quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 để xếp lương theo ngạch và để làm các công việc nói tại điều 1 của nghị định số 68/2000/NĐ-CP:
– Được nâng bậc lương theo thâm niên quy định;
– Được điều chỉnh mức lương khi Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu hoặc theo thang bảng lương mới do cải cách chính sách tiền lương.
– Được tham gia học tập, bồi dưỡng theo yêu cầu của cơ quan;
– Được hưởng các chính sách về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội;
– Nếu được cơ quan cử đi nước ngoài thì được hưởng quyền lợi như cán bộ, công chức,…
Mức lương theo hợp đồng 68 năm 2021?
1. Đối với cá nhân ký HĐLĐ mới làm công việc quy định tại Nghị định 68/2000/NĐ-CP, khoản 1 Điều 3 Nghị định 161 kể từ ngày 01/01/2021 thì mức lương thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP.
2. Đối với cá nhân đang thực hiện HĐLĐ 68 áp dụng bảng lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP thì chuyển sang thực hiện ký HĐLĐ mới theo Nghị định 161.
Căn cứ để xác định mức lương trong hợp đồng mới bằng tổng thu nhập hiện hưởng gồm hệ số lương hiện hưởng cộng với phụ cấp công vụ, được quy đổi ra số tiền, cụ thể như sau:
– Nếu mức lương trong hợp đồng mới thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì được điều chỉnh lên bằng mức lương tối thiểu vùng.
– Nếu mức lương trong hợp đồng mới cao hơn mức lương tối thiểu vùng thì bằng tổng thu nhập hiện hưởng của người lao động.
Khuyến khích VKSND địa phương, đơn vị khi ký lại HĐLĐ và ký mới HĐLĐ có thể ký với mức lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng.
3. Để đảm bảo tính công bằng giữa người mới vào làm việc với những người đã có thời gian làm việc khi ký lại HĐLĐ, về nguyên tắc xác định mức lương trong HĐLĐ mới như tại điểm 2, tuy nhiên để bảo đảm tính công bằng có thể xem xét áp dụng 03 mức lương dự kiến như sau:
– Mức 1 thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng.
Áp dụng đối với các trường hợp ký HĐLĐ mới kể từ ngày 01/01/2021.
– Mức 2 = mức lương tối thiểu vùng + 600.000đ.
Áp dụng đối với ngạch Nhân viên lái xe có thời gian làm việc đủ 04 năm trở lên; Nhân viên bảo vệ, Nhân viên kỹ thuật có thời gian làm việc đủ 06 năm trở lên; Nhân viên phục vụ có thời gian làm việc đủ 10 năm trở lên khi ký lại HĐLĐ mà tông thu nhập hiện hưởng của người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. .
– Mức 3 = mức lương tối thiểu vùng +1.000.000đ.
Áp dụng đối với ngạch Nhân viên lái xe có thời gian làm việc đủ 08 năm trở lên; Nhân viên bảo vệ, Nhân viên kỹ thuật có thời gian làm việc từ 10 năm trở lên; Nhân viên phục vụ có thời gian làm việc đủ 15 năm trở lên khi ký lại HĐLĐ mà tổng thu nhập hiện hưởng của người lao động thấp hơn mức 2.
Ví dụ 1: Nhân viên lái xe có thời gian công tác 4 năm tại VKSND tối cao, với mức lương hiện hưởng 2,41, có tổng thu nhập là 4.490.000đ khi ký lại HĐLĐ thì có thể xếp lương mức 2.
Ví dụ 2: Nhân viên bảo vệ có thời gian công tác 6 năm tại VKSND thành phố Hà Nội, với mức lương hiện hưởng 2.04, có tổng thu nhập là 3.800.000đ khi ký lại HĐLĐ thì có thể xếp lương mức 2.
Ví dụ 3: Nhân viên phục vụ có thời gian công tác 10 năm tại VKSND thành phố Hà Nội, với mức lương hiện hưởng 1.90, có tổng thu nhập là 3.538.000đ khi ký lại HĐLĐ thì có thể xếp mức lương mức 2.
4. Khi ký HĐLĐ mới thì không quy định về thời gian nâng lương và mức tăng, chỉ điều chỉnh tỷ lệ % tiền lương tăng thêm đối với HĐLĐ khi Chính phủ ban hành Nghị định về mức lương tối thiểu vùng để làm căn cứ điều chỉnh.
5. Về mức đóng BHXH: theo quy định hiện hành thì mức đóng BHXH của người lao động là 10.5% (gồm 8% BHXH, 1.5% BHYT, 1% BHTN) và người sử dụng lao động đóng 21.5%, khi ký lại HĐLĐ thì mức đóng BHXH, BHTN đối với người lao động thực hiện như hiện nay (10.5%).
6. Thời gian thực hiện ký lại HĐLĐ kể từ ngày 01/01/2021.
Hợp đồng 68 có được hưởng phụ cấp công vụ?
Theo quy định tại tiết d Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 34/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012 của Chính phủ về chế độ phụ cấp công vụ người lao động làm việc tại cơ quan đoàn thể chính trị xã hội theo chế độ hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ được hưởng phụ cấp công vụ.
Theo quy định tại Phụ lục III- Danh mục mã mục, tiểu mục ban hành kèm theo Thông tư số 324/2016/TT-BTC ngày 21/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, nội dung chi này được phản ánh vào Tiểu mục 6124-Phụ cấp công vụ thuộc Mục 6100- Phụ cấp lương
Trên đây, chúng tôi đã phân tích một số vấn đề xoay quanh chủ đề Hợp đồng 68 là gì? Với những thông tin này chắc hẳn Quý khách hàng cũng đã phần nào hiểu rõ hơn về hợp đồng 68.
Trong quá trình nghiên cứu và tìm hiểu về vấn đề này nếu có bất cứ thắc mắc nào, Quý khách hàng đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi qua Tổng đài tư vấn: 1900 6557 để được đội ngũ chuyên viên tư vấn của chúng tôi hỗ trợ tốt nhất.