Hơn 500 triệu cổ phiếu chính thức bị hủy niêm yết, cổ đông ROS ra sao?
Vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố tài chính
Theo HoSE, FLC Faros đã “vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác” nên cơ quan này hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết bắt buộc phải hủy niêm yết để bảo vệ nhà đầu tư, theo quy định Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán.
Như vậy, bắt đầu từ 5/9, việc hủy niêm yết với hơn 567 triệu cổ phiếu phổ thông của ROS chính thức có hiệu lực, tương đương 5.675 tỷ đồng (tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cp) giá trị chứng khoán hủy niêm yết.
Ảnh minh họa
Sóng gió đến với ROS trong suốt thời gian qua khi ông Trịnh Văn Quyết vướng vào vòng lao lý. Tháng 5 vừa qua, ROS phải chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát với lý do chậm nộp báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán. Hiện tại, ROS cũng chưa thể tổ chức Đại hội cổ đông 2022. Tiếp tục tháng 8, HoSE thông báo đưa cổ phiếu ROS vào diện đình chỉ giao dịch bởi doanh nghiệp này vẫn không thể công bố báo cáo tài chính quý 2/2022.
Phía doanh nghiệp đã có thư gửi HoSE, theo đó, Hội đồng Quản trị FLC Faros đã thông qua nghị quyết về việc cử bà Nguyễn Bình Phương là người đại diện theo pháp luật và đã nộp hồ sơ đăng ký người đại diện pháp luật mới. Tuy nhiên, hiện tại chưa được Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sửa đổi.
Theo ROS, điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chưa được chấp thuận người đại diện chính thức theo quy định của pháp luật, khiến báo cáo tài chính đã hoàn thiện nhưng vẫn chưa thể phát hành theo đúng thời hạn.
Nhằm trấn an nhà đầu tư, doanh nghiệp cho biết đã tiến hành các thủ tục triệu tập Đại hội Cổ đông bất thường để bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026, dự kiến tổ chức vào ngày 15/9/2022 và cam kết sẽ nhanh chóng công bố thông tin báo cáo tài chính trong thời gian sớm nhất.
Không thể giải quyết những vướng mắc trên, HoSE buộc phải sử dụng biện pháp cuối cùng cho ROS là bắt buộc hủy niêm yết.
Cổ đông ROS sẽ ra sao?
Hơn 500 triệu cổ phiếu ROS sẽ là gánh nặng không nhỏ với nhà đầu tư. Theo quy định, khi xảy ra vấn đề bị hủy niêm yết, để bảo vệ quyền lợi cho cổ đông, doanh nghiệp sẽ phải dùng tiền đang có hoặc bán tài sản như nhà xưởng, máy móc… để mua lại cổ phiếu từ nhà đầu tư.
Tuy nhiên, trong trường hợp doanh nghiệp khó khăn, thậm chí sắp sửa phá sản thì điều này khó xảy ra. Lúc này, phía Ủy ban Chứng khoán nhà nước sẽ đưa ra yêu cầu doanh nghiệp phải chuyển cổ phiếu sang sàn UPCoM để nhà đầu tư có thể tiếp tục bán cổ phiếu tại đây.
Và nếu điều này xảy ra, nhà đầu tư ROS vẫn có thể giao dịch trên UPCoM. Mặc dù vậy, việc giao dịch sẽ không hề dễ dàng và không tránh khỏi việc tài khoản của mình bị thua lỗ.
Chuyên gia Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI từng phát biểu, “Khi đầu tư mà đặt cược vào việc công ty sẽ có mức hồi phục mà thực tế lại không đúng thì mình phải chấp nhận thua lỗ, không thể nào cứ khi thua lỗ thì bắt cơ quan quản lý thành con tin của họ”.
Mất và được là câu chuyện riêng của thị trường chứng khoán. Bài học vẫn được nhiều chuyên gia khuyến nghị là nhà đầu tư luôn cần có đánh giá, nhận định cẩn thận về doanh nghiệp mà mình tham gia đầu tư. Việc kỳ vọng có “đội lái” dẫn dắt để người chơi có thể tranh thủ hưởng lợi sẽ khó thể xảy ra khi thị trường đang hoạt động ngày càng minh bạch, bài bản hơn.