Hơn 50 điểm mới của Luật doanh nghiệp 2020
Hơn 50 điểm mới của Luật doanh nghiệp 2020
Luật doanh nghiệp 2020 mới được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 để thay thế cho Luật doanh nghiệp 2014.
CHƯƠNG I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Giải thích từ ngữ: Điều 4 LDN 2014 – Điều 4 LDN 2020.
1.1. Bổ sung thêm khái niệm “người có quan hệ gia đình”.
Khoản 22 điều 4 LDN 2020 “Người có quan hệ gia đình bao gồm: vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu, anh ruột của vợ, anh ruột của chồng, chị ruột của vợ, chị ruột của chồng, em ruột của vợ, em ruột của chồng”
Đây là khái niệm mới so với Luật doanh nghiệp 2014.
Lý do sửa đổi: giúp tinh gọn câu chữ, trước đây Luật doanh nghiệp 2014 không có định nghĩa nên có rất nhiều quy định phải nhắc lại cả khái niệm dài dòng như trên.
VD: Trước đây khoản c điều 15 Luật doanh nghiệp 2014 quy định “Thành viên, cổ đông là công ty có phần vốn góp hay cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ không được cử vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột của người quản lý và của người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty làm người đại diện theo ủy quyền tại công ty khác;”
Nay Luật doanh nghiệp 2020 vẫn giữ quy định này nhưng tại điểm b khoản 5 điều 15 quy định “Thành viên, cổ đông là doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật này không được cử người có quan hệ gia đình của người quản lý công ty và của người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty làm người đại diện tại công ty khác”
1.2. Sửa đổi lại khái niệm Người có liên quan:
Đưa thêm Kiểm soát viên và tất cả Người đại diện theo pháp luật là vào danh sách người có liên quan.
1.3. Định nghĩa lại khái niệm Doanh nghiệp Nhà Nước.
Theo quy định cũ của Luật doanh nghiệp 2014 DNNN là doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên Luật doanh nghiệp 2020 quy định DNNN là doanh nghiệp mà Nhà nước chiếm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Như vậy khái niệm DNNN đã được mở rộng hơn so với trước đây và có thể bao gồm cả các Công ty cổ phần.
2. Tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội: Điều 10 LDN 2014 – Điều 10 LDN 2020.
Sửa đổi:Luật doanh nghiệp 2020 quy định cụ thể hơn về tỷ lệ lợi nhuận 51% phải giữ lại hàng năm để tái đầu tư cho hoạt động kinh doanh đã đăng ký là tỷ lệ 51% của lợi nhuận sau thuế. Trước đây thì Luật doanh nghiệp 2014 chỉ quy định chung chung là 51% tổng lợi nhuận mà không rõ là sau thuế hay trước thuế khiến doanh nghiệp và các cơ quan liên quan lúng túng trong việc xác định.
3. Báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp – Điều 12 LDN 2014.
Bãi bỏ: Luật doanh nghiệp 2020 không còn quy định phải thông báo thay đổi thông tin của Người quản lý doanh nghiệp như đã được quy định tại điều 12 Luật doanh nghiệp 2014.
4. Người đại diện theo pháp luật: Điều 13 LDN 2014 – Điều 12 LDN 2020.
4.1. Trường hợp công ty có nhiều người đại diện:
Bổ sung: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm quy định “Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì tất cả những người đại diện theo pháp luật của công ty là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Như vậy, nếu điều lệ công ty không quy định rõ quyền và nghĩa vụ của từng người thì tất cả đều là đại diện đủ thẩm quyền của công ty trước bên thứ ba và nếu gây thiệt hại thì tất cả phải liên đới chịu trách nhiệm.
4.2. Về các trường hợp phải cử người đại diện pháp luật thay thế.
Sửa đổi: Đối với trường hợp cử người đại diện pháp luật thay thế thì Luật doanh nghiệp 2020 sửa cụm tự “bị án tù” thành “đang chấp hành hình phạt tù”.
Người bị án tù có thể là án treo và họ không phải chấp hành hình phạt tù.
Bổ sung:Đối với trường hợp phải cử người đại diện pháp luật that thế Luật doanh nghiệp 2020 cũng bỏ sung thêm 02 trường hợp: (1) Bổ sung đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, bị tòa án cấm đảm nhận chức vụ – cấm hành nghề. (2) Bổ sung thêm khoản 7 quy định “Tòa án, cơ quan tiến hành tố tụng khác có thẩm quyền có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật trong quá trình tố tụng theo quy định của pháp luật có liên quan”.
CHƯƠNG II. THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP
5. Về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp: Điều 18 LDN 2014 – Điều 17 LDN 20205.1. Các trường hợp không được thành lập và quản lý doanh nghiệp.
Bổ sung: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm đối tượng Công nhân Công an và Pháp nhân thương mại đang bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực vào nhóm đối tương không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp
5.2. Các trường hợp không được góp vốn, mua cổ phần, mua phấn vốn góp.
Bổ sung:Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm nhóm đối tượng không được góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp là các đối tượng bị cấm theo Luật Phòng chống tham nhũng.
6. Con dấu của doanh nghiệp – Điều 43 LDN 2020:
Bổ sung: Luật doanh nghiệp 2020 dành một điều luật riêng để quy định về con dấu của doanh nghiệp. Theo quy định mới ngoài con dấu khắc thì bổ sung thêm hình thức con dấu bằng chữ ký số.
Quy định mới này giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc thực hiện các giao dịch điện tử.
Bãi bỏ: Luật doanh nghiệp 2020 bỏ quy định phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh trước khi sử dụng; Bỏ quy định về các nội dung bắt buộc phải có trong con dấu.
CHƯƠNG III. CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN
Mục 1. Công Ty TNHH Hai Thành Viên Trở Lên.
7. Quyền phát hành trái phiếu: Điều 47 LDN 2014 – Điều 46 LDN 2020.
Bổ sung: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm quyền được quyền phát hành trái phiếu đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên.
8. Về ban kiểm soát trong Công ty TNHH hai thành viên trở lên: Điều 55 LDN 2014 – Điều 54 LDN 2020
Bãi bỏ: Luật doanh nghiệp 2020 bỏ quy định Công ty TNHH có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát.
Bổ sung: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung quy định Công ty TNHH là DNNN hoặc là Công ty con của DNNN phải có BKS.
9. Biên bản cuộc họp HĐTV Công ty TNHH hai thành viên trở lên: Điều 61 LDN 2014 – Điều 60 LDN 2020
Bổ sung:Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung quy định trường hợp Chủ tọa, thư ký không chịu ký vào Biên bản cuộc họp thì Biên bản vẫn có hiệu lực nếu được tất cả các thành viên dự họp ký.
10. Hiệu lực Nghị quyết cuộc họp HĐTV Công ty hai thành viên trở lên – Điều 63 LDN 2014 – Điều 62 LDN 2020.
Bổ sung 1: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung quy định Nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua bằng 100% tổng số vốn điều lệ là hợp pháp và có hiệu lực ngay cả trong trường hợp trình tự và thủ tục thông qua nghị quyết, quyết định đó không được thực hiện đúng quy định.
Bổ sung 2: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung quy định Nghị quyết của HĐTV có thể chưa có hiệu lực nếu bị Tòa án hoặc Trọng tài áp dụng Biên pháp khẩn cấp tạm thời.
11. Ban kiểm soát và kiểm soát viên trong mô hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên – Điều 65 LDN 2020.
Bổ sung: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm một điều luật quy định về Ban kiểm soát trong mô hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên, tương tự như Công ty cổ phần.
12. Công bố thông tin của Công ty TNHH hai thành viên trở lên – Điều 73 LDN 2020.
Bổ sung: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm quy định Công ty TNHH hai thành viên trở lên là DNNN phải công bố thông tin như mô hình Công ty cổ phần.
Mục 2. Công Ty TNHH Một Thành Viên
13. Quyền phát hành trái phiếu: Điều 73 LDN 2014 – Điều 74 LDN 2020
Bổ sung: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung quy định cho phép Công ty TNHH MTV được quyền huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu
CHƯƠNG IV. DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
14. Bổ sung: Do thay đổi định nghĩa DNNN là doanh nghiệp mà Nhà nước chiếm từ 50% vốn điều lệ trở lên thay vì 100% vốn điều lệ như Luật doanh nghiệp 2014, dẫn đến DNNN cũng có thêm mô hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên và Công ty cổ phần, do vậy có thêm nhiều quy định mới về DNNN để phù hợp với 02 mô hình mới này.
CHƯƠNG VI. CÔNG TY CỔ PHẦN.
15. Quyền của cổ đông phổ thông: Điều 114 LDN 2014 – Điều 115 LDN 2020.
Sửa đổi và bãi bỏ: Điều kiện để cổ đông hoặc nhóm cổ đông có một số quyền đặc biệt như: khởi kiện hủy bỏ nghị quyết ĐHCĐ, yêu cầu triệu tập ĐHCĐ…..trước đây là phải nắm giữ tỷ lệ cổ phần ít nhất 10% trong công ty và sở hữu liên tục trong vòng ít nhất 06 tháng thì nay chỉ còn một điều kiện là nắm giữ tỷ lệ 5% cổ phần, cũng không cần phải liên tục trong 06 tháng. Riêng việc đề cử người vào HĐQT và BKS luật vẫn giữ tỷ lệ 10% nhưng cho phép điều lệ quy định tỷ lệ nhỏ hơn.
16. Cổ phần ưu đãi biểu quyết: Điều 116 LDN 2014 – Điều 116 LDN 2020.
Sửa đổi: Luật doanh nghiệp 2014 quy định cấm chuyển nhượng đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết.
Luật doanh nghiệp 2020 không cấm toàn bộ mà cho phép cổ phần ưu đã biểu quyết có thể chuyển nhượng theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế.
(Tuy nhiên luật lại không cấm các hình thức chuyển quyền khác như tặng cho, cấm cố, thế chấp…mặt khác, thừa kế không phải là chuyển nhượng như Luật doanh nghiệp 2020 quy định. Có thể phải chờ thêm Nghị định hướng dẫn).
17. Nghĩa vụ của Cổ đông phổ thông:Điều 115 LDN 2014 – Điều 119 LDN 2020.
Bổ sung: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung quy định cổ đông có nghĩa vụ bảo mật các thông tin được công ty cung cấp theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật; chỉ sử dụng thông tin được cung cấp để thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; nghiêm cấm phát tán hoặc sao, gửi thông tin được công ty cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác.
18. Cổ phiếu: Điều 121 LDN 2020 – Điều 120 LDN 2014.
Bãi bỏ: Luật doanh nghiệp 2020 bỏ quy định về trường hợpcổ phiếu có tổng mệnh giá trên mười triệu Đồng Việt Nambị mất, hư hỏng hoặc bị hủy hoại thìtrước khi tiếp nhận đề nghị cấp cổ phiếu mới, người đại diện theo pháp luật của công ty có thể yêu cầu chủ sở hữu cổ phiếu đăng thông báo về việc cổ phiếu bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng dưới hình thức khác và sau 15 ngày, kể từ ngày đăng thông báo sẽ đề nghị công ty cấp cổ phiếu mớiquy định khoản 3 điều 120 Luật doanh nghiệp 2014.
19. Sổ đăng ký cổ đông: Điều 121 LDN 2014 – Điều 122 LDN 2020.
Bổ sung: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung quy định công ty phải cập nhật kịp thời thay đổi cổ đông trong số đăng ký cổ đông theo yêu cầu của cổ đông có liên quan theo quy định tại Điều lệ công tytại khoản 5 điều 122.
20. Chào bán cổ phần riêng lẻ của Công ty cổ phần không phải công ty đại chúng: Điều 123 LDN 2014 – Điều 125 LDN 2020.
20.1. Bổ sung:
Bổ sung 1: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung quy định về điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ: (1) Không chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng;(2) Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
(Tên gọi là Điều kiện nhưng bản chất đây không phải là điều kiện, chỉ là cách thức thực hiện)
Bổ sung 2: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung quy định cổ đông được quyền tiên mua, nếu không mua hết thì mới chào bán cho người khác với điều kiện không thuận lợi hơn đã chào bán cho cổ đông (cổ đông cũng có thể chuyển quyền mua cho người khác). Quy định này không áp dụng trong trường hợp phát hành cổ phần để sát nhập hoặc hợp nhất
20.2. Bãi Bỏ: Luật doanh nghiệp 2020 bỏ quy định phải thực hiện thủ tục thông báo phát hành cổ phần riêng lẻ cho Sở kế hoạch đầu tư.
21. Quy định về chuyển nhượng cổ phần: Điều 126 LDN 2014 – Điều 127 LDN 2020
Bổ sung: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung quy định Công ty phải đăng ký thay đổi cổ đông trong số đăng ký cổ đông theo yêu cầu của cổ đông có liên quan trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu theo quy định tại Điều lệ công ty.
22. Quy định về trái phiếu: Điều 127 LDN 2014 – Điều 128 LDN 2020.
Thay thế: Luật doanh nghiệp 2020 thay thế quy định Phát hành trái phiếu điều 127 LDN 2014 bằng quy định Chào bán trái phiếu riêng lẻ điều 128 LDN 2020.
Trước đây Luật doanh nghiệp 2014 quy định chung về phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu khác theo quy định. LDN 2014 cũng không chia thành các quy định chào bán trái phiếu riêng lẻ hay chào bán trái phiếu ra công chúng và cũng không phân biệt công ty đại chúng và công ty thường.
Luật doanh nghiệp 2020 quy định việc chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty không phải công ty đại chúng sẽ tuân theo Luật doanh nghiệp, riêng đối với chào bán trái phiếu ra công chúng và chào bán trái phiếu của Công ty đại chúng sẽ thực hiện theo Luật chứng khoán mà không theo Luật doanh nghiệp.
Đặc biệt, luật quy định đối tượng tham gia mua trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ trái phiếu kèm theo chứng quyền riêng lẻ chỉ bao gồm nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chuyên nghiệp. Các loại trái phiếu khác thì chỉ Nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được mua.
23. Thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông: Điều 135 LDN 2014 – Điều 138 LDN 2020.
Bổ sung: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung quy định ĐHĐCĐ có quyền “Hợp đồng, giao dịch vay, cho vay, bán tài sản có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty và cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoặc người có liên quan của cổ đông đó”.
24. Cuộc họp thường niên của Đại hội đồng cổ đông: Điều 136 LDN 2014 và Điều 139 LDN 2020.
Sửa đổi: Luật doanh nghiệp 2020 thì trừ trường hợp điều lệ có quy định khác, HĐQT sẽ quyết định việc gia hạn thời gian họp đại hội cổ đông thường niên thay vì Cơ quan đăng ký kinh doanh quyết định như trước đây.
25. Danh sách cổ đông có quyền dự họp: Điều 137 LDN 2014 – Điều 141 LDN 2020.
Sửa đổi: Luật doanh nghiệp 2020 quy định thời gian lập danh sách cổ đông có quyền dự họp không quá 10 ngày trước ngày gửi giấy mời thay vì 05 ngày như trước đây.
26. Ủy quyền cho người khác dự họp Đại hội cổ đông: Các điều 139, 140 LDN 2014 – Các điều 143, 144 LDN 2020.
Bãi bỏ: Luật doanh nghiệp 2020 bỏ quy định việc ủy quyền phải lập theo mẫu do Công ty phát hành, thay vào đó chỉ cần đáp ứng các quy định của Bộ luật dân sự là được. Do vậy, khi gửi thông báo mời họp Công ty cũng không phải gửi kèm theo Mẫu giấy ủy quyền.
27. Ủy ban kiểm toán: Điều 134 LDN 2014 – Điều 137, 161 LDN 2020.
Sửa đổi: Luật doanh nghiệp 2020 đổi tên gọi Ban kiểm toán trong Luật doanh nghiệp 2014 thành Ủy ban kiểm toán.
Bổ sung: Luật doanh nghiệp 2020 có riêng một điều luật (điều 161) quy định về Ủy ban kiểm toán, các nội dung khác về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ giao cho doanh nghiệp tự quy định.
(Bổ sung này giúp cho doanh nghiệp phân biệt được Ủy ban kiểm toán theo Luật doanh nghiệp và Bộ phận kiểm toán nội bộ theo Nghị định 05/2019.)
28. Điều kiện tiến hành họp cổ đông và thông qua Nghị quyết ĐHCĐ: Điều 141, 144 LDN 2014 – điều 145, 148 LDN 2020.
Sửa đổi: Tỷ lệ cổ đông dự họp để đủ điều kiện tổ chức cuộc họp và tỷ lệ cổ đông dự họp để thông qua Nghị quyết của ĐHCĐ với một số nội dung thông thường và lấy ý kiến bằng văn bản được điều chỉnh tỷ lệ “từ 51% trở lên” xuống còn “trên 50%”.
Bổ sung: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm quy định “Nghịquyết của Đại hội đồng cổ đông về nội dung làm thay đổi bất lợi đến quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi chỉ được thông qua nếu được số cổ đông ưu đãi cùng loại dự họp sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành hoặc được các cổ đông ưu đãi cùng loại sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành trong trường hợp thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản“.
29. Gửi nghị quyết ĐHCĐ trong trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản: Điều 145 LDN 2014– Điều 149 LDN 2020.
Bổ sung: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm quy định Nghị quyết cuộc họp ĐHCĐ (cùng với biên bản kiểm phiếu) trong trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản phải được gửi đến cổ đông trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm phiếu.
30. Biên bản họp đại hội cổ đông: Điều 146 LDN 2014 – Điều 150 LDN 2020.
Bổ sung: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung quy định “Trường hợp chủ tọa, thư ký từ chối ký biên bản họp thì biên bản này có hiệu lực nếu được tất cả thành viên khác của Hội đồng quản trị tham dự họp ký và có đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản này. Biên bản họp ghi rõ việc chủ tọa, thư ký từ chối ký biên bản họp”.
31. Hội đồng quản trị: Điều 149 LDN 2014 – Điều 153 LDN 2020.
Sửa đổi: Khoản 4 điều 153 LDN 2020 quy định bất cứ cổ đông nào cũng có quyền yêu cầu khởi kiện hủy bỏ Quyết đinh, Nghị quyết của Hội đồng quản trị thay vì chỉ Cổ đông sở hữu cổ phần liên tục trong 01 năm như Luật doanh nghiệp 2014.
32. Nhiệm kỳ, số lượng thành viên Hội đồng quản trị: Điều 150 LDN 2014 – Điều 154 LDN 2020.
Sửa đổi: Luật doanh nghiệp 2020 quy định thành viên độc lập Hội đồng quản trị không được tham gia HĐQT quá 02 nhiệm kỳ liên tục thay vì không hạn chế như trước đây.
Bãi bỏ: Luật doanh nghiệp 2020 bỏ quy định các giấy tờ, giao dịch của công ty phải ghi rõ “thành viên độc lập” trước họ, tên của thành viên Hội đồng quản trị tương ứng như khoản 4 điều 150 Luật doanh nghiệp 2014.
33. Tiêu chuẩn và điều kiện của thành viên độc lập HĐQT: Điều 151 LDN 2014 – Điều 155 LDN 2020.
Bổ sung: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm điều kiện thành viên độc lập HĐQT phải không là người đang làm việc cho Công ty mẹ hoặc đã làm việc cho Công ty mẹ trong 03 năm gần nhất.
34. Chủ tịch HĐQT: Điều 152 LDN 2014 – Điều 156 LDN 2020.
Bổ sung 1: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung quy định Chủ tịch HĐQT Công ty đại chúng không được kiêm nhiệm Giám đốc/Tổng giám đốc Công ty.
Bổ sung 2: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung quy định khi “Chủ tịch Hội đồng quản trị chết, mất tích, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì các thành viên còn lại bầu một người trong số các thành viên giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị theo nguyên tắc đa số thành viên còn lại tán thành cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng quản trị”
35. Biên bản họp HĐQT: Điều 154 LDN 2014 – Điều 158 LDN 2020.
Bổ sung 1: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung quy định “Trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp nhưng nếu được tất cả thành viên khác của Hội đồng quản trị tham dự họp ký và có đầy đủ nội dung theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều này thì biên bản này có hiệu lực.”
36. Điều kiện làm Giám đốc/Tổng giám đốc Công ty đại chúng: Điều 157 LDN 2014 – Điều 162 LDN 2020.
Bổ sung: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm quy định riêng về điều kiện đối với Giám đốc/Tổng giám đốc của Công ty cổ phần đại chúng: (1) không được là người có quan hệ gia đình với người quản lý doanh, kiểm soát viên của công ty và công ty mẹ;người đại diện phần vốn của doanh nghiệptại công ty và công ty mẹ; (2) có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty.
37. Quyền khởi kiện của Cổ đông đối với thành viên HĐQT, Giám đốc/Tổng giám đốc: Điều 161 LDN 2014 – Điều 166 LDN 2020.
Bổ sung: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung quy định cổ đông nhóm cổ đông đang khởi kiệncó quyền xem xét, tra cứu, trích lục thông tin cần thiết theo quyết định của Tòa án, Trọng tài trước hoặc trong quá trình khởi kiện.
38. Chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người liên quan: Điều 162 LDN 2014 – Điều 167 LDN 2020.
Sửa đổi: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm trường hợp hợp đồng, giao dịch bắt buộc phải được ĐHĐCĐ thông qua dù giá trị giao dịch dưới 35% tổng giá trị tài sản trong báo cáo tài chính gần nhất của Công ty: “Hợp đồng, giao dịch vay, cho vay, bán tải sản có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty và cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoặc người có liên quan của cổ đông đó.”
39. Ban kiểm soát Công ty cổ phần: Điều 163 LDN 2014 – Điều 168 LDN 2020.
Sửa đổi: Trước đây Luật doanh nghiệp 2014 quy định trưởng Ban kiểm soát phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên làm việc chuyên trách tại doanh nghiệp, trừ trường hợp điều lệ quy định tiêu chuẩn cao hơn. Nay được sửa lại thành: phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định tiêu chuẩn khác cao hơn.
40. Tiêu chuẩn của Kiểm soát viên Công ty cổ phần: Điều 164 LDN 2014 – Điều 169 LDN 2020.
Bổ sung: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm 02 điều kiện là: (1) được đào tạo chuyên ngành kinh tế, tài chính, luật hoặc chuyên ngành có liên quan đến hoạt đông của công ty; (2) không phải là người quản lý công ty.
Sửa đổi: Đối với Công ty đại chúng và Công ty NN, Luật doanh nghiệp 2020 thay quy định KSV phải là kiểm toán viên hoặc kế toán viên trong Luật doanh nghiệp 2014 bằng quy định thì KSV còn không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn.
41. Quyền và nghĩa vụ của Kiểm soát viên Công ty cổ phần: Điều 165 LDN 2014 – Điều 170 LDN 2020.
Bổ sung: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm quyền và nghĩa vụ cho kiểm soát viên phải: “Rà soát hợp đồng, giao dịch với người có liên quan thuộc thẩm quyền phê duyệt của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông và đưa ra khuyến nghị về hợp đồng, giao dịch cần có phê duyệt của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông”.
42. Trình báo cáo hàng năm của Công ty cổ phần: Điều 170 LDN 2014 – Điều 175 LDN 2020.
Bổ sung: bổ sung thêm một loại báo cáo mà HĐQT phải trình ĐHCĐ khi kết thúc năm tài chính là “Báo cáo thẩm định của BKS”
CHƯƠNG VI. CÔNG TY HỢP DANH.
43. Chấm dứt tư cách thành viên hợp danh: Điều 180 LDN 2014 – Điều 185 LDN 2020
Bổ sung: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm một trường hợp thành viên hợp danh sẽ bị chấm dứt tư cách thành viên là: “Chấp hành hành phạt tù hoặc bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định của pháp luật;”
CHƯƠNG VII. DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN
44. Thực hiện quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt– Điều 193 LDN 2020.
Bổ sung: Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm điều 193 quy định về hướng xử lý của chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt.
CHƯƠNG VIII. NHÓM CÔNG TY
45. Công ty mẹ, Công ty con: Điều 189 LDN 2014 – Điều 195 LDN 2020.
Sửa đổi: đối với cáccông ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước,trước đây khoản 3 điều 189 Luật doanh nghiệp 2014 chỉ cấm không được cùng nhau góp vốn để thành lập doanh nghiệp, nay mở rộng phạm vi cấm sang cả cấm góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.
CHƯƠNG IX. TỔ CHỨC LẠI, GIẢI THỂ, PHÁ SẨN DOANH NGHIỆP
46. Chuyển đổi DNTN thành Công ty cổ phần, Công ty TNHH, Công ty hợp danh: Điều 199 LDN 2014 – Điều 205 LDN 2020.
Bãi bỏ: Luật doanh nghiệp 2020 bỏ quy định về điều kiện chuyển đổi là “Chủ doanh nghiệp tư nhân phải là chủ sở hữu công ty (đối với trường hợp chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu) hoặc thành viên (đối với trường hợp chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên);”
47. Tạm ngừng, đình chỉ và chấm dứt hoạt động kinh doanh: Điều 200 LDN 2014 – Điều 206 LDN 2020.
Sửa đổi: Luật doanh nghiệp 2020 rút ngắn thời hạn thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh từ 15 ngày xuống còn 03 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh.
Bổ sung: Cơ quan ĐKKD ngoài việc có quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh đối với các ngành nghề có điều kiện khi xét thấy doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật thì theo Luật doanh nghiệp 2020 còn thêm các quyền:
- Có quyền tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh đối với ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài;
- Yêu cầu tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan thuế, môi trường;
- Đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh một, một số ngành, nghề kinh doanh hoặc trong một số lĩnh vực theo quyết định của Tòa án.
48. Hồ sơ giải thể doanh nghiệp: Điều 204 LDN 2014 – Điều 210 LDN 2020.
Bãi bỏ: Luật doanh nghiệp 2020 bỏ quy định doanh nghiệp phải nộp con dấu, giấy chứng nhận mẫu dấu (nếu có) và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi làm thủ tục giải thể.
49. Chấm dứt hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh: Điều 206 LDN 2014 – Điều 213 LDN 2020.
Bãi bỏ: Luật doanh nghiệp 2020 bỏ quy định về hồ sơ và thủ tục chấm dứt hoạt động, thay vào đó giao cho Chính phủ quy định chi tiết.