Hơn 5 vạn người tham dự Đại lễ Phật đản PL. 2566 – DLL. 2022 tại Thiền Tôn Phật Quang | Phật giáo Việt Nam
Lễ Phật Đản là ngày lễ trọng đại được tổ chức hàng năm vào ngày rằm tháng tư để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Vừa qua, từ ngày 14 – 15/04/năm Nhâm Dần, (nhằm ngày 14 – 15/05/2022), Thiền Tôn Phật Quang (núi Dinh, ấp Chu Hải, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh BRVT) đã long trọng tổ chức Đại lễ Phật Đản PL.2566 – DL.2022, theo tinh thần tưởng nhớ và tri ân đức Từ phụ trong ngày kỷ niệm sự đản sinh của Ngài, với sự tham dự của khoảng 55.000 người, trong đó có hơn 4.500 giới trẻ bao gồm các Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang và sinh viên thuộc các trường Đại học về tham gia công quả phục vụ cho Đại lễ.
Chỉ trong 2 ngày diễn ra Đại Lễ Phật đản, tại khuôn viên chùa mấy vạn con người găp nhau tay bắt mặt mừng, ai cũng rạng rỡ trao nhau từng ánh nhìn, từng câu nói yêu thương, quan tâm lẫn nhau như chưa từng có đại dịch COVID-19 xảy ra. Hẳn là đời sống văn hóa, sinh hoạt tâm linh, sự thân thiện đã mang lại niềm phấn khởi, tươi vui cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, nhà chùa vẫn không lơ là mà luôn đề cao tinh thần phòng, chống dịch bệnh đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng trong suốt thời gian tổ chức Đại lễ.
Đúng 9h00” sáng ngày 14/04/năm Nhâm Dần, trước sân Chánh điện, Khóa lễ tụng Kinh cầu an diễn ra thật trang nghiêm với sự tham dự của hơn 4.000 đồng đảo Phật tử, cầu cho quốc thái dân an, thế giới được hòa bình và ông bà cha mẹ còn hiện tiền được tăng phước tăng thọ.
Tiếp đến là Khóa lễ cầu siêu cho Cửu huyên thất tổ của quý Phật tử, cầu siêu cho những người tử vong vì Covid – 19 và hơn 10 nghìn hương linh đang ký tự tại chùa, cùng đồng bào, chiến sĩ trận vong. Mong các hương linh nương nhờ Phật lực, câu kinh, lời nguyện để sớm được siêu sanh thoát hóa.
Kế tiếp là nghi thức tác lễ Quy y Tam Bảo cho hơn 2. 000 Phật từ mới chính thức trở thành những người con của Phật nhân dịp Đại lễ Phật Đản trong 2 ngày liên tiếp từ 14 – 15/04/năm Nhâm Dần. Và Chư tôn đức Tăng đã thay mặt cho Thầy Bổn sư (TT.TS Thích Chân Quang – viện chủ Thiền Tôn Phật Quang) truyền Tam quy – Ngũ giới – cùng Bảy lời nguyện cho quý Phật tử các giới.
Sau đó, vào lúc 14h00”, tại sân khấu đã diễn ra chương trình Giao lưu với vị khách mời vô cùng đặc biệt: Giáo Sư – Tiến sĩ Triết Học Hoàng Chí Bảo – Chuyên gia Cao Cấp, Nguyên Ủy Viên Hội Đồng Lý Luận Trung Ương, Giám Đốc Trung Tâm Hồ Chí Minh Học, Viện trưởng Viện nghiên cứu Danh nhân, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2012.
Đến tham dự buổi giao lưu có sự quang lâm chứng minh của: TT Thích Nguyên Pháp – Nguyên Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá; TT Thích Huệ Thông – Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; TT Thích Chơn Chánh – Trụ trì chùa Nhật Quang, Đồng Nai; TT.TS Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh TƯ GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang, cùng Chư tôn đức Tăng, Ni trong và ngoài tỉnh.
Về phía chính quyền có sự hiện diện của: Ông Trần Quốc Nam – Phó Trưởng Phòng PA02 Công an tỉnh BRVT; Ông Phạm Thanh Bình – Đội Trưởng Đội Tôn giáo PA02 Công an tỉnh BRVT; Ông Vũ Hoàng Chương, Ông Vũ Trọng Quý – Đội Tôn giáo Phòng PA02 Công an tỉnh BRVT; Ông Võ Văn Tư – Trưởng ban Tyên giáo Thị uỷ thị xã Phú Mỹ; Ông Lê Văn Tám – Phó Chủ tịch UB MTTQVN thị xã Phú Mỹ; Ông Trần Văn Cư – Phó Trưởng phòng Nội vụ thị xã Phú Mỹ; Ông Trần Quang Huy – Đội trưởng Đội An ninh Công an thị xã Phú Mỹ; Ông Mai Trung Nam – Phó Trưởng Công an huyện Đất Đỏ.
Ngoài ra còn có đại diện chính quyền xã Tân Hải, Tân Hòa; các vị Cán bộ về hưu;
Về phía khách mời có: Ông Thào A Sử – Phó Bí thư Thường Trực Huyện uỷ huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La; Ông Lò Văn Sinh – Phó Bí thư – Chủ tịch UBND huyện Sông Mã; Thiếu tướng Nguyễn Đình Được – Viện Trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực; Nhà báo, Nhà nghiên cứu Y học Phương Đông Nguyễn Thái Hà; Đại Võ sư Quốc Tế Lê Kim Hòa – Phó Chủ tịch Liên Đoàn Võ Thuật Cổ Truyền Việt Nam, Chủ tịch Liên Đoàn Võ Cổ Truyền TP.HCM; Võ sư Trần Quốc Văn – Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Liên Đoàn Võ Thuật Cổ Truyền Việt Nam tỉnh Đồng Nai; và các Võ sư trong Hội Đồng Môn Pháp Thanh Long Võ Đạo.
Ngoài ra còn có: PGS.TS Vũ Công Thương – Khoa Giáo dục chính trị ĐH Sài Gòn; TS. Vũ Thế Hoài – Phó Trưởng Khoa Luật – ĐH Sài Gòn; và quý Thầy Cô trường Đại Học Sài Gòn đồng tham dự.
Đến với chương trình giao lưu, Giáo sư – Tiến sĩ Triết học Hoàng Chí Bảo đã có trên 50 năm nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã trở thành một pho sử sống về Bác Hồ, những công trình nghiên cứu của ông đã được in thành sách, trở thành tài liệu quý báu có giá trị hữu ích nhất cho tất cả mọi người. Đặc biệt, Giáo sư được nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài yêu kính bởi vai trò là người kể chuyện Bác Hồ.
Với giọng nói nhẹ nhàng truyền cảm của mình, cho đến bây giờ ông được xem là người kể chuyện về Bác hay nhất Việt Nam. Hình ảnh Bác qua lời kể của Giáo sư thật giản dị, gần gũi với nhiều bài học ẩn chứa những thông điệp nhân văn sâu sắc.
Nhân Đại lễ Phật đản, đúng vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ, Thượng tọa Trụ trì cùng đông đảo Tăng Ni tại Bổn tự, Chư Tăng Ni trong và ngoài tỉnh, cùng với 32.000 Phật tử đang có mặt, vinh dự được gặp gỡ Giáo sư nghe kể chuyện về Bác Hồ kính yêu.
Trước tiên, Giáo sư Tiến sĩ Triết học Hoàng Chí Bảo bày tỏ sự xúc động khi đặt chân đến Thiền Tôn Phật Quang, bởi nơi đây đã là biểu tượng cao quý của tình thương yêu, đoàn kết, hợp tác, chia sẻ và tin cậy. Ngoài ra, tình cảm của Thượng tọa Trụ trì và các Tăng Ni, Phật tử nơi đây cũng là điều khiến ông cảm kích.
Suốt buổi nói chuyện, tuổi thơ cơ cực khốn khó của Bác được ông tái hiện trung thực mà đầy xúc động. Giữa hoàn cảnh khắc nghiệt đó, đạo đức và nhân cách hơn người của Bác càng bộc lộ rõ hơn, tựa đóa sen tinh khiết vươn lên giữa ruộng khô cằn cỗi. Được biết, trong giai đoạn bôn ba ở nước ngoài, Bác đã có giai đoạn sống trong chùa làm một nhà sư; suốt đời mình Bác cũng là người cảm thụ sâu sắc về triết lý từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha. Cuộc đời Người đẹp ngời như thế.
Bác đã trải qua bao hiểm nguy, và lý tưởng thương yêu tổ quốc, nhân dân luôn sáng ngời trong lòng, là ngọn hải đăng soi đường cho Bác vượt qua tất cả. Với bạn bè năm châu, Bác đã trở thành biểu tượng của văn hóa hòa bình và khoan dung.
Trong buổi nói chuyện, Giáo sư cũng ca ngợi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – một nhân cách lớn, một trí tuệ uyên bác, một học trò vĩ đại của Bác Hồ, người đã dồn tâm sức xây dựng giúp Đảng được trong sạch vững mạnh và giúp nhân dân thêm vững tin vào chính nghĩa của dân tộc. Ẩn trong lối sống giản dị, chân thành, trong sạch ấy là quyết tâm sắt đá hơn người, lòng quả cảm phi thường dám tuyên chiến với tham nhũng.
Giáo sư nhắn nhủ các thế hệ thanh niên hãy rèn dũa đạo đức và mở rộng trái tim yêu thương, tiếp tục cống hiến dựng xây tổ quốc để xứng đáng là người tiếp nối của các thế hệ tiền nhân đi trước, xứng đáng với những thành tựu mà cha ông để lại, xứng đáng với một đất nước đang cất cánh bay lên cùng bạn bè thế giới như ngày hôm nay.
Trong buổi nói chuyện, Thiếu tướng Nguyễn Đình Được cũng có đôi lời chia sẻ. Ông bày tỏ sự xúc động trước nhân cách đạo đức của Bác Hồ, qua lời kể của Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo.
Cuối buổi giao lưu, TT.TS Thích Chân Quang đã trao tặng bảng vàng vinh danh GS.TS Hoàng Chí Bảo với danh hiệu “NGƯỜI KỂ CHUYỆN PHI THƯỜNG”. Và Thượng tọa đã ca ngợi Giáo sư rằng: “Bác Hồ chúng ta vĩ đại và người kể chuyện Bác Hồ hay đến như thế thì cũng rất vĩ đại”.
Đêm 14/04 AL, số lượng Phật tử về tham dự lễ Khai mạc Đại lễ Phật đản và thính Pháp tại Thiền Tôn Phật Quang lên đến đỉnh điểm là 45.000 người.
Cũng trong chương trình Đại lễ Phật đản, đúng 18h00’, ĐĐ Thích Khải Tạng thay mặt cho Ban Tổ Chức đọc lời khai mạc và hướng dẫn toàn thể Phật tử ngồi thiền 30 phút. Lúc này đây, hơn 4,5 vạn người lặng thinh phăng phắc đang tĩnh tọa trong tư thế kiết già. Hình ảnh này thật nghiêm trang xúc động, thắp lên niềm mơ ước về một ngày mà nhân loại sẽ cùng ngồi thiền bên nhau, bỏ hết mọi tham sân hận thù, khi ấy niềm hạnh phúc sẽ là thênh thang vô bờ.
Tiếp nối chương trình, TT. TS Thích Chân Quang thuyết giảng đề tài AI CŨNG CÓ MỘT QUÁ KHỨ.
Thượng tọa giảng giải: một vị triết gia từng nói: “Vị Thánh nào cũng có một quá khứ và tội nhân nào cũng có một tương lai”. Nghĩa là ai tốt gì thì tốt, đi vào vô lượng kiếp xưa cũng có lỗi lầm. Ngược lại, tội nhân nếu được tu dưỡng, rèn luyện, có cơ hội sửa sai, biết chuyển hóa cuộc đời mình trở thành có ích cho xã hội thì cũng có một tương lai tươi sáng.
Bản thân chúng ta cũng vậy, cũng có lịch sử của riêng mình, ta có lịch sử cá nhân còn gọi là hồ sơ tư pháp; ta có lịch sử dòng dõi của mình (chính là lịch sử từ đời ông bà, cha mẹ mà chúng ta kế thừa); có lịch sử giáo dục cho biết ta đã được học gì trong cuộc đời, và trường học; có lịch sử của đất nước mà ta không được lãng quên (đó là quá khứ hào hùng, anh dũng, kiên cường chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc của cha ông); có lịch sử văn hóa cộng đồng. Lịch sử này gồm 4 chữ “văn”: văn chương, văn học, văn hóa và văn minh. Cụ thể, văn chương là những tác phẩm văn thơ; văn học là sự nghiên cứu về văn chương; văn hóa bao gồm cả văn chương và môn nghệ thuật khác liên quan đến đạo đức lối sống; văn minh là văn hóa và sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật. Đặc biệt, nghiệp quá khứ từ vô lượng kiếp cũng là lịch sử của mỗi người. Mỗi người chúng ta đều mang theo nghiệp từ rất nhiều kiếp trước cho đến bây giờ. Gương mặt này, tài năng thế này, trí tuệ này…đều phảng phất dấu vết của nghiệp xa xưa ta đã gây tạo.
Việc biết kế thừa lịch sử sẽ thúc đẩy cho ta đi tới tương lai, nhưng nếu lịch sử tốt xấu lẫn lộn thì tương lai ta cũng vậy. Thế nên ta phải có bộ lọc quá khứ, chặn những điều xấu không cho mang vào tương lai nữa. Và đạo lý Phật dạy chính là bộ lọc đó, giúp ta điều khiển lại hướng đi của mình, quá khứ bất lợi được gạn lọc lại, những điều tốt được mang vào tương lai.
Đạo lý giúp gạn bớt cái xấu của cá nhân, chừa lại điều tốt, mà điều tốt thì giống nhau. Nên càng đi trên con đường giác ngộ, người ta càng có phong cách tương tự nhau, đó là ai cũng điềm đạm, từ bi, hy sinh, khiêm nhường, buông xả…
Tóm lại, ai cũng có một quá khứ, quá khứ đó có tốt có xấu nhưng nhờ đạo lý của Phật, ta như có bộ lọc để gạn lọc điều xấu, chỉ giữ điều tốt để đi vào tương lai. Và tương lai đó là người Việt Nam sẽ đóng góp vào một thế giới hòa bình, đạo đức và một tinh cầu giác ngộ yên vui.
Ngày nay, chúng ta chỉ chú trọng đến việc giáo dục, định hướng các môn khoa học tự nhiên mà quên đầu tư, chú trọng vào việc dạy lịch sử, đạo đức, định hướng tương lai cho học sinh. Bởi sự chú trọng thiếu cân bằng này mà các em phát triển không cân đối. Bài Pháp thoại này như một lời cảnh tỉnh, nhắc chúng ta về tầm quan trọng của lịch sử bản thân. Chỉ có nhìn vào lịch sử, nhìn vào quá khứ, ta mới có thể nhìn thấy bước đi đúng đắn trong tương lai.
Sau thời thuyết Pháp là chương trình văn nghệ chào mừng Đại lễ Phật đản PL.2566 diễn ra đầy hương sắc, đầy cảm xúc, dâng lên cúng dường mừng ngày Đản sinh của Đức Thế Tôn, và đây còn là một niềm vui tinh thần cho bà con Phật tử về chùa dự Lễ.
Hôm sau, sáng ngày 15/04 AL, tại Lễ đài Thiền Tôn Phật Quang, BTC đã trang nghiêm trọng thể cử hành chính thức Đại lễ Phật đản. Đến thời điểm này số người đến chùa dự lễ và cầu nguyện không dừng lại mức 4,5 vạn mà vượt lên đến 5,5 vạn người.
Quang lâm chứng minh buổi lễ có sự hiện diện của: TT Thích Nhuận Trí – Phó Trưởng BTS GHPGVN tỉnh BRVT; TT Thích Minh Thiện – Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh BRVT; TT Thích Nguyên Pháp – Nguyên Trưởng BTS GHPGVN huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá; TT Thích Huệ Thông – Phó Trưởng BTS kiêm Trưởng Ban Phật Giáo Quốc tế Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; TT Thích Chân Mãn – Trụ trì Tịnh thất Vô Ưu (Cẩm Mỹ, Đồng Nai); TT Thích Chơn Chánh – Trụ trì chùa Nhật Quang, Đồng Nai.
Về phía khách mời có sự hiện diện của: GS.TS Triết Học Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia Cao cấp, Nguyên Ủy Viên Hội Đồng Lý Luận Trung Ương, Giám Đốc Trung Tâm Hồ Chí Minh Học, Viện trưởng Viện nghiên cứu Danh nhân; Đại tá Nguyễn Tâm Hùng – Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh BRVT; Ông Trương Thanh Phong – Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh BRVT; Thượng tá Vũ Nguyễn Văn Hiệu – Trưởng phòng PA02 Công An tỉnh BRVT; Ông Trần Thanh Dũng – Phó Bí thư Thành uỷ – Chủ tịch UBND TP. Bà Rịa; Ông Nguyễn Văn Tấn – Phó Trưởng phòng Quy hoạch Kế hoạch – Chi Cục Quản lý Đất đai Sở Tài Nguyên Môi Trường, tỉnh BRVT; Ông Trương Trọng Ngân – Trưởng ban Dân vận Thị ủy – Chủ tịch UBMTTQVN Thị xã Phú Mỹ; Bà Lương Thị Kiều Trang – Chủ tịch UB MTTQVN TP. Bà Rịa; Bà Nguyễn Thị Thanh Cúc – Phó Chủ tịch UB MTTQVN TP. Bà Rịa; Ông Trần Thanh Tiến Đạt – Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Bà Rịa; ông Lê Xuân Hồng – Phó Phòng Nội vụ Phụ trách Tôn giáo TP. Bà Rịa; Bà Trần Thị Diệp – Phó Trưởng ban Dân vận thị xã Phú Mỹ; Ông Trần Đức Dụ – Nguyên Chủ tịch UBMTTQVN huyện Châu Thành; Ông Huỳnh Ngọc Thôi – Nguyên Chủ tịch UBMTTQVN thị xã Phú Mỹ. Ông Vũ Duy Gióng – Nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP.Bà Rịa; Ông Thào A Sử – Phó Bí Thư thường trực Huyện Uỷ huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La; Ông Lò Văn Sinh – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã; Đại tá Lại Văn Sương – Nguyên Đoàn trưởng Đoàn 275 làm nhiệm vụ công tác an ninh và nghi lễ tại lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đại tá Trần chí Hanh – Nguyên Trưởng ban Kỹ thuật đặc biệt làm nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác tại lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Ông Vũ Viết Hành – Đội trưởng Đội y tế đặc biệt trực tiếp giữ gìn và bảo quản thi hài Bác tại lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Ông Huỳnh Đức Thành – Trưởng phòng Quản Lý Điện TP. Bà Rịa; và Ông Bùi Sỹ Xinh – Chủ tịch UB MTTQVN xã Tân Hải.
Mở đầu Khóa lễ là nghi thức niệm hương, đảnh lễ Tam Bảo, đọc lời cảm niệm, và trong không khí thiêng liêng ngày Phật đản sinh, toàn thể đạo tràng đồng loạt hát bài NGƯỜI ĐÃ ĐẾN. Lời ca như vang vọng cả núi rừng hùng vĩ, thấm vào từng trái tim nhỏ bé lúc này đã được lấp đầy bởi niềm kính ngưỡng đậm sâu:
… Cả thế giới chung tay xây tình thương vạn lần
Bỏ hết những hơn thua tranh giành trong dối gian
Phật đã đến đoá sen hồng từ bi
Dạy cho con biết quay về bờ bến…
Kế đến, toàn thể Hội chúng đã lắng nghe Thông điệp Đại Lễ Phật Đản PL.2566 của Đức Trưởng lão HT Thích Trí Quảng, Quyền Pháp Chủ GHPGVN gửi toàn thể Tăng, Ni, đồng bào Phật tử trên toàn thế giới. Sau đó tất cả cùng hướng tâm về Ngài hô to: Y giáo phụng hành.
Nhân kỷ niệm về ngày Đức Phật đản sinh, TT TS Thích Chân Quang nhận định: Đức Phật đến với thế gian thực sự là một may mắn rất lớn đối với nhân loại. Cái ơn của Ngài đối với thế giới là vô hạn nên dù có vất vả bày tỏ lòng tôn kính, chúng ta cũng không bao giờ đền đáp được cái ơn của Đức Phật. Nhưng đừng vì thế mà ta từ bỏ bởi càng tôn kính Ngài bao nhiêu, chúng ta càng được tăng trưởng công đức bấy nhiêu.
Dịch bệnh hay chiến tranh nổi lên càn quét thế giới, nói theo nhân quả nghiệp báo đều là nghiệp của chúng sinh chứ không phải riêng ai. Thế giới này tốt đẹp hơn hay xấu hơn đều do từng người chúng ta góp phần vào. Muốn thế giới thay đổi thì từ suy nghĩ, hành động của mỗi người phải thay đổi trước, mỗi con người chúng ta đều phải tốt đẹp hơn chứ không đổ lỗi cho ai được nữa. Hiểu rõ nguyên tắc này, Bác Hồ mới nói: “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.
Như hôm nay, trái đất đang nóng lên bởi chúng ta sử dụng năng lượng quá nhiều. Nên sâu xa, sự biến đổi của thế giới hôm nay chính là sự tác động của con người gây nên, ai cũng có phần trách nhiệm trong đó. Để thế giới trở nên tốt đẹp hơn, bản thân chúng ta phải cố gắng tu dưỡng, thay đổi bản thân để trở nên tốt đẹp trước đã.
Vấn đề là số người biết đạo lý, biết tu dưỡng bản thân rất ít nên dù họ có cố gắng thì số phận của thế giới vẫn chưa trở mình được. Đến đây, một lần nữa ta lại thấy trách nhiệm của mình. Đó là không bao giờ được quyền tu cho bản thân mà phải tu cho tất cả mọi người. Đạo lý Phật cũng dạy ta, không có hạnh phúc nơi sự ích kỉ, cô độc, nên người chỉ nghĩ đến việc hưởng thụ một mình chắc chắn sẽ kết thúc trong đau khổ.
Vì vậy, khi đã gặp được Chánh pháp và tìm thấy niềm vui trong đạo lý, ta phải làm sao cho người chung quanh ai cũng được niềm vui đó. Ai cũng biết thương yêu nhau, cũng biết sống hy sinh, cũng sửa từng lỗi lầm của mình, cũng tiến lên trên con đường thiền định, cũng đều ước mơ xây dựng thế giới thành một tinh cầu giác ngộ.
Khi chia sẻ đạo lý giác ngộ, ta làm cho số người tốt đông dần lên và thay đổi được số phận, tương lai của thế giới. Thực sự chúng ta rất may mắn khi là con của Phật, rồi có đạo lý Phật để làm công cụ xây dựng thế giới bởi không có một vật liệu nào có thể bền vững, tốt đẹp bằng đạo lý Phật cả. Do đó, càng chia sẻ đạo lý Phật cho nhiều người, ta càng có nhiều vật liệu tốt để xây dựng thế giới. Việc này không chỉ dừng lại ở việc cư sĩ chia sẻ với cư sĩ mà phải mở rộng phạm vi, đối tượng chia sẻ và được nhận chia sẻ.
Thế giới sẽ có một khởi điểm mới từ ý niệm trong tâm ta mỗi khi nhìn nhau: ta tự hỏi người đối diện mình đã biết Phật pháp chưa, đã yêu thương được chúng sinh chưa, đã thấy mình là đất bụi chưa, đã khởi tâm tôn kính Phật tuyệt đối chưa… Những ý niệm này chính là khởi điểm của một thế giới tốt đẹp cho mai sau.
Hiện nay Phật pháp đang suy yếu vì những lý do khách quan và chủ quan. Hiểu vậy, mỗi người chúng ta càng phải cố gắng truyền bá chánh pháp mãi mãi cho muôn đời sau. Nhờ công đức đó mà ta tránh được nỗi khổ tái sinh vào một nơi không Phật pháp, không đạo lý, chỉ toàn tà kiến. Nhờ công đức đó mà nơi chờ đợi ta ở mai sau chính là một thế giới từ bi, thánh thiện, an vui yên bình, thiện pháp phủ giăng khắp nơi.
Tóm lại, thông qua bài Pháp thoại này, ta thấy bản thân mình phải có trách nhiệm phải thay đổi, phải cứu lấy thế giới. Bản thân mình chưa đủ, ta còn phải làm cho mọi người thức tỉnh, thấy được bản thân mình phải hành động, phải cùng nhau góp phần xây dựng hành tinh này trở nên tốt đẹp, hạnh phúc. Và không phải bằng con đường nào khác mà chính là con đường tu hành giác ngộ, năng nổ truyền bá đạo Pháp. Chỉ có vậy, thế giới ta vất vả xây dựng, bảo vệ mới tốt đẹp, hạnh phúc lâu dài, bền vững được.
Sau cùng là nghi thức tụng bài Sám Khánh Đản và nghi thức dâng hoa cúng dường thật trang nghiêm.
Khép lại hai ngày kính mừng ngày Đức Phật đản sinh với nhiều hoạt động hoành tráng, nhiều màu sắc và nội dung chương trình nào cũng rất ý nghĩa, có tính giáo dục cao chắc chắn sẽ mang đến cho người tham dự một ấn tượng khó có thể quên về một mùa Phật đản hạnh phúc và an vui. Chỉ bởi thông qua các chương trình của Đại lễ, các Phật tử được cơ hội tu học tinh tấn, được mở mang kiến thức xã hội, được tu dưỡng đạo đức. Và với việc tiếp thu đạo lý nhà Phật còn làm thăng hoa tâm hồn, giúp mọi người không chỉ biết tu hành, biết chuyển hóa nội tâm mình mà còn biết sống cuộc đời tràn đầy lợi ích, có trách nhiệm đối với đạo pháp, dân tộc, hay thậm chí cả thế giới bao la này. Đây là mục đích chính mà Thượng tọa Trụ trì đã định hướng khi tổ chức một buổi Lễ lớn của Phật giáo, thu hút mấy vạn người tham dự.
Xin giới thiệu hình ảnh ghi nhận:
Thiền Tôn Phật Quang