Hội thi của những giáo viên thư viện tâm huyết – Nhà Xuất Bản Giáo Dục Tại Thành Phố Hồ Chí Minh
Hội thi cán bộ, giáo viên Thư viện giỏi toàn quốc đã được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức từ năm 2001 dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm học 2013-2014, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức Hội thi cán bộ, giáo viên Thư viện giỏi toàn quốc lần thứ 4.
Hội thi được tổ chức nhằm nâng cao chất lượng hệ thống thư viện trường học phục vụ nhiệm vụ giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh, góp phần thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; Động viên, biểu dương những đóng góp, những sáng kiến, kinh nghiệm có giá trị thực tiễn của cán bộ, giáo viên thư viện trường học; Tạo điều kiện để xã hội quan tâm, đầu tư cho hoạt động của thư viện trường học.
Hiện nay toàn quốc có 24.522 trường học, số trường có thư viện là 22.934 trường, đạt 94%. Trong đó có 11.901 thư viện đạt tiêu chuẩn 01, đạt 48,5%. Có 11.929 giáo viên chuyên trách, 9.969 giáo viên kiêm nhiệm trong tổng số 21.898 giáo viên thư viện toàn quốc (tỷ lệ giáo viên chuyên trách là 54%).
Không đơn giản khi Ban tổ chức lại lấy tên Hội thi cán bộ, giáo viên thư viện giỏi. Bởi giờ đây, trong điều kiện chương trình giáo dục phổ thông có nhiều thay đổi, điều kiện thực tiễn cũng ngày càng sinh động, đa dạng thì thư viện trường học thực sự là nơi bổ sung, cung cấp những tư liệu cần thiết cho giáo viên, học sinh; đóng vai trò là phương tiện, công cụ học tập góp phần thay đổi phương pháp sư phạm.
Thực tế đòi hỏi cán bộ thư viện không chỉ là người thủ thư giữ sách mà phải là một giáo viên nắm rõ nội dung chương trình giảng dạy để định hướng cho giáo viên, hướng dẫn học sinh trong việc lựa chọn sách, nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường, khuyến khích và lôi cuốn học sinh tìm đến với sách khám phá những lĩnh vực, những tri thức mới.
Hội thi được thực hiện từ cấp quận, huyện, đến cấp tỉnh, thành phố và toàn quốc, bắt đầu từ tháng 9 năm 2013. Ở hầu hết các địa phương, cán bộ-giáo viên thư viện đã tích cực hưởng ứng Hội thi và tạo sự phấn khởi, yêu ngành yêu nghề của đội ngũ cán bộ, đồng thời thu hút sự chú ý, quan tâm của lãnh đạo ngành tới công tác thư viện trường học.
Đã có gần 9.500 giáo viên thư viện dự thi ở cấp cơ sở, cấp tỉnh thành (đạt 43% tổng số cán bộ). Không chỉ dừng lại ở mục đích tranh tài hay bồi dưỡng nghiệp vụ, vượt lên trên tất cả, hội thi là cuộc hội ngộ của những người đảm nhận công việc tuy khá thầm lặng song mang đầy ý nghĩa. Họ hào hứng tham gia cuộc thi cho dù đôi khi vị trí công việc chưa được xem trọng, thu nhập xếp vào hàng thấp nhất so với đội ngũ cán bộ, giáo viên trong nhà trường.
Mỗi thí sinh dự thi với 3 nội dung: Thi lí thuyết: dưới hình thức trắc nghiệm; Thi thực hành giới thiệu, điểm sách và trả lời câu hỏi ứng xử nghề nghiệp; Thi sáng kiến, kinh nghiệm về hoạt động thư viện, trường học.
Hội thi cấp quốc gia được tổ chức theo khu vực:
- Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, tổ chức tại TP.Đà Nẵng trong các ngày 21 và 22 tháng 4 năm 2014, với sự tham gia của 17 thí sinh thuộc 6 tỉnh, thành.
- Khu vực phía Nam, tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh trong các ngày 24, 25 và 26 tháng 4 năm 2014, với 76 thí sinh thuộc 26 tỉnh, thành.
- Khu vực phía Bắc, tổ chức tại Hà Nội trong các ngày 6, 7 và 8 tháng 5 năm 2014, với 54 thí sinh thuộc 21 tỉnh, thành.
Các thí sinh đã mang về Hội thi những sáng kiến kinh nghiệm có được từ thực tế công tác tại thư viện nhà trường và một không khí thi đua sôi nổi tích cực, hứng thú và tin tưởng vào khả năng giới thiệu sách của mình. Không khớp, không lo sợ về sự trùng lắp đề tài giới thiệu, các thí sinh đã tạo cho Hội thi một hình ảnh sinh động, giàu cảm xúc, lạc quan và tự tin. Cùng giới thiệu các cuốn sách về chủ đề Biển đảo Việt Nam, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về kỹ năng sống… nhưng không ai giống ai, không ai trùng lặp với ai.
Nhận xét về chất lượng phần thi giới thiệu sách của Hội thi khu vực phía Bắc, nhà thơ Trần Đăng Khoa, trưởng ban giám khảo phải thốt lên rằng:
“Tôi không nghĩ rằng lại có nhiều cô giáo phụ trách thư viện có thể giới thiệu hay, truyền cảm, hấp dẫn đến thế. Các thầy cô đã thật sự là người đồng hành, người gợi mở thân thiện với người nghe để họ nhanh chóng muốn tìm tới cuốn sách”.
Ban tổ chức đã chọn ra những thí sinh xứng đáng để trao 8 giải xuất sắc, 15 giải nhất, 35 giải nhì, 54 giải ba và 44 giải khuyến khích cho các cá nhân, trong đó khu vực phía Bắc có 4 giải xuất sắc và 7 giải nhất, khu vực miền Trung – Tây Nguyên có 1 giải xuất sắc và 2 giải nhất, khu vực phía Nam có 3 giải xuất sắc và 6 giải nhất.
Hội thi đã khép lại, nhưng những dư âm sẽ còn đọng mãi trong các thầy cô giáo tham gia dự thi. Các thầy cô rồi lại trở về với công việc thường ngày của một cán bộ, giáo viên thư viện. Nhưng một câu hỏi vẫn còn để mở với họ. Đó là trong tương lai không xa, thư viện không chỉ là những dãy kệ sách mà còn là những thiết bị gọn nhẹ, những bản sách số giàu tương tác phù hợp với sự phát triển của thời đại. Dù sao đi nữa thì sách giấy cũng không mất đi, nhưng một tương lai sách số đang rất cận kề, liệu những người quản lý, cán bộ, giáo viên thư viện sẽ chuẩn bị sao đây cho kịp sự phát triển ? Đó cũng là những trăn trở của ông Phạm Sỹ Sáu, trưởng ban giám khảo hội thi khu vực phía Nam đặt ra với những cán bộ tâm huyết với công tác thư viện trường học.
Được tổ chức vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 2014, Hội thi là một hoạt động rất có ý nghĩa để góp phần tôn vinh, thúc đẩy văn hóa đọc trong nhà trường nói riêng và cả cộng đồng nói chung, thiết thực hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam 21-4 lần thứ nhất vừa được Thủ tướng ký quyết định công bố.