Hội thảo khoa học “Thực trạng “bệnh thành tích” trong giáo dục hiện nay – Giải pháp ngăn chặn đi đến xóa bỏ bệnh thành tích trong giáo dục”

Ngày 10/9/2020, tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã diễn ra hội thảo khoa học “Thực trạng “bệnh thành tích” trong giáo dục hiện nay – Giải pháp ngăn chặn đi đến xóa bỏ bệnh thành tích trong giáo dục”. Hội thảo do Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam tổ chức.

Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của PGS.TS. Trần Kiều – Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam và GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam cùng sự góp mặt, tham dự của nhiều nhà khoa học, đại biểu, nhà báo.

Khai mạc hội thảo, GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú đã có báo cáo đề dẫn với những số liệu khảo sát, điều tra tại 8 trường trung học thuộc 4 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Trị) cho thấy có đến 97,74% người được hỏi khẳng định “có bệnh thành tích” trong giáo dục với 72,35% cho rằng mức độ này là nghiêm trọng.

IMG 3907

Ảnh 1. GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo

GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú cho biết, “bệnh thành tích” trong giáo dục, có thể được hiểu, đó là các hoạt động, hành động không trung thực trong báo cáo về kết quả giáo dục và đào tạo, tạo dựng thành tích ảo không có thực, giấu giếm các tồn tại trong hoạt động giáo dục và đào tạo của đơn vị do mình phụ trách, báo cáo sai sự thật, thổi phồng, phô trương các kết quả công việc mình đã thực hiện không đúng như thực tế đã có nhằm đạt được một mục đích cá nhân nào đó. Đây là các hoạt động, hành động, hành vi gian lận, lừa dối trong giáo dục, đào tạo nên chúng ta có quyền gọi “bệnh thành tích” trong giáo dục là đồng nghĩa với các hoạt động, hành vi gian lận, lừa dối trong giáo dục.

Báo cáo của GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú cũng chỉ ra những nguyên nhân cơ bản và cũng đề xuất một số giải pháp góp phần hạn chế đi đến xóa bỏ “bệnh thành tích” trong giáo dục như: – Xử lý nghiêm các hành vi tòng phạm, bao che dung túng cho các việc làm gian lận, lừa dối trong giáo dục; một thầy cô giáo nào đó mắc phải hành vi gian lận, trong một mức độ nào đó, hiệu trưởng, hiệu phó cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Giải pháp này cũng góp phần giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm pháp lý của các cán bộ quản lý các nhà trường; – Phát động một cuộc vận động lớn trong toàn xã hội, đặc biệt là trong các trường học, đề cao dân chủ, kỷ luật, kỷ cương, trung thực trong dạy và học, trong đánh giá thi cử, chống “quan niệm 100%” (quan niệm mọi việc phải đạt 100% mới là hợp lý); – Đảng, Nhà nước, Chính phủ trực tiếp là Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại các văn bản luật pháp, các nghị định, thông tư,… có sự điều chỉnh phù hợp không để kẽ hở cho “bệnh thành tích” có điều kiện nảy nở, phát triển…

IMG 3894

Ảnh 2. PGS.TS. Trịnh Thị Kim Ngọc báo cáo tại Hội thảo

PGS.TS. Trịnh Thị Kim Ngọc – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng “bệnh thành tích” đến từ thói trọng hình thức, háo danh, có xu hướng trở thành tệ nạn xã hội và “bệnh thành tích” trong giáo dục là một quốc nạn. Theo bà, “bệnh thành tích” trong giáo dục về bản chất chính là việc không coi trọng “việc thực học” mà chỉ chạy theo điểm số và thành tích ảo. Nói cách khác, đó chính là sự tự huyễn hoặc, đề cao và phóng đại một kết quả nào đó; nặng hơn chính là sự thiếu trung thực, gian dối trong thi cử, không khách quan trong đánh giá việc dạy và học vì những mục tiêu vụ lợi nào đó. Cũng vì “bệnh thành tích”, vì áp lực điểm số, vì học chỉ để thi mà vấn nạn dạy thêm – học thêm ngày càng lan rộng. Cũng vì “bệnh thành tích” mà tỉnh thành nào tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cũng chót vót 96-97% nhưng chất lượng thực còn là một khoảng cách cần xem xét.

IMG 3885

PGS.TS. Dương Quang Hiển báo cáo tại Hội thảo

Theo PGS.TS. Dương Quang Hiển – Viện Khoa học Xã hội nhân văn quân sự, “bệnh thành tích” trong ngành giáo dục đã “ngấm sâu” vào một bộ phận lãnh đạo, giáo viên, học sinh, sinh viên và phụ huynh học sinh và gây ra những hệ lụy không đáng có. Theo ông, cần có những giải pháp mang tính đột phá để khắc phục tình trạng này như: – Nâng cao nhận thức, trách nhiệm hơn nữa của cấp ủy, tổ chức đảng, các chủ thể, các lực lượng về vị trí, vai trò của giáo dục và tác hại của bệnh thành tích trong giáo dục; – Xây dựng nhà trường tiên tiến, hiện đại theo mô hình nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; – Nâng cao chất lượng, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; – Đổi mới, hoàn thiện chương trình, nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả ở tất cả các cấp học, bậc học và ngành học; – Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phúc tra, kiểm định đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học; – Đẩy mạnh xây dựng môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh phù hợp với tình hình mới; – Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, tuyển chọn người có trình độ vào phục vụ ngành giáo dục,…

IMG 3915

Ảnh 4. PGS.TS. Trần Kiều – Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo kết thúc với những nhận xét, kết luận của PGS.TS. Trần Kiều – Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam. Nếu trước đây “bệnh thành tích” được phân tích trong lĩnh vực Giáo dục học, Quản lý giáo dục thì Hội thảo lần này đã nhìn nó dưới bình diện Tâm lý học, Đạo đức học, Văn hóa học,… Hội thảo sẽ tập trung các ý kiến, giải pháp thành một biên bản kiến nghị gửi lên Bộ Giáo dục và Đào tạo, góp phần ngăn chặn đi đến xóa bỏ “bệnh thành tích” trong giáo dục.

IMG 3920
IMG 3911
IMG 3900

Ảnh 5. Các nhà khoa học, các vị đại biểu tham gia báo cáo và đóng góp ý kiến tại Hội thảo