Hội thảo khoa học

 

Trần Thùy Dương

Giảng viên khoa Lý luận
Mác-Lênin, TT Hồ Chí Minh

 

Dân chủ là một
phạm trù chính trị – xã hội xuất hiện khá sớm trong nền văn minh nhân loại, gắn
liền với tiến bộ xã hội và sự phát triển của lịch sử qua các thời đại, các chế
độ xã hội khác nhau với nội dung cơ bản: Dân chủ là quyền lực thuộc về nhân
dân.

Hiện nay, với quá trình hội nhập
và toàn cầu hóa, dân chủ còn được hiểu như là phương thức, cách thức tổ chức,
là thước đo số cá thể (cá nhân, tổ chức) tham gia vào quá trình xã hội hóa công
nghệ, tài chính, thông tin, văn hóa. Sự thay đổi của các nền dân chủ trong lịch
sử, sự phát triển của dân chủ luôn phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế –
xã hội, năng lực nhận thức của công dân
và chính quyền
, truyền thống lịch sử, văn hóa, pháp lý…

Xét về mặt phạm vi, dân chủ bao
quát toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị, xã hội
đến văn hóa tư tưởng; từ các mối quan hệ giữa con người với con người đến quan
hệ giữa các cá nhân với cộng đồng, giữa công dân với Nhà nước, giữa các tổ chức
và thể chế hiện hành, giữa các quốc gia với nhau trong quan hệ quốc tế.

 Ở Việt Nam, mầm
mống tư tưởng dân chủ đã có từ lâu, như một nhu cầu tự nhiên mang bản tính
người của con người trong đấu tranh tồn tại và cố kết cộng đồng. Song, người
Việt Nam chỉ biết đến và được hưởng quyền dân chủ thực sự từ khi Hồ Chí Minh và
Đảng Cộng sản lãnh đạo nhân dân làm Cách mạng tháng Tám năm 1945 lập nên nước
Việt Nam Dân chủ cộng hòa và tiến hành hiện thực hóa tư tưởng dân chủ của Hồ
Chí Minh trong đời sống xã hội. Mục tiêu hoạt động của các chủ thể trong
hệ thống chính trị ở nước ta không có mục tiêu nào khác là phục vụ nhân dân,
bảo đảm quyền là chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Sự lãnh đạo của
Đảng, quản lý của nhà nước đều hướng tới mục tiêu cuối cùng và duy nhất đó là
phục vụ nhân dân, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện hiệu quả
trong thực tiễn.

Chủ tịch Hồ
Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, đã có nhận thức rất sớm và sâu
sắc về dân chủ và vai trò của việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Người
không trình bày quan niệm của mình về dân chủ thành các khái niệm, phạm trù
theo lối hàn lâm viện, mà cách diễn đạt rất ngắn
gọn, cô đọng, những lột tả được thực chất, bản chất của dân chủ. Trong
tư tưởng của Hồ Chí Minh dân chủ có nghĩa là dân là chủ  dân làm chủ. Người khẳng định đồng thời vị thế và
năng lực của dân trong tư cách chủ thể, là người chủ xã hội, chủ nhà nước. Theo
Người, dân chủ là của quý báu nhất trên đời của dân; dân chủ là quyền trao cho
dân chúng số nhiều; quyền lực thực tế thuộc về nhân dân; bao nhiêu lợi ích đều
vì dân; bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới và xây dựng đều là
trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương
đến xã do dân tổ chức nên. Tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.
Người viết: ‘‘Nước ta là nước dân chủ,
địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ
’’, ‘‘nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ…’’. Do vậy, toàn bộ quyền
lực, lợi ích đều thuộc về dân : mọi công việc đều vì lợi ích của nhân dân
mà làm. Người còn nhấn mạnh, trong một nước dân chủ thì nhân dân là chủ ;
Đảng cầm quyền, dân là chủ. Cán bộ đảng viên là công bộc, đầy tớ của nhân dân.
Trong quan điểm về dân chủ, Người
không chỉ đặt nhân dân lên vị thế chủ thể xã hội  mà khẳng định năng lực làm chủ của nhân dân.
Dân chủ thì nhân dân là chủ và nhân dân phải làm chủ. Dân đã có quyền làm chủ
thì cũng phải thi hành nghĩa vụ của người chủ.

Đến đại hội Đảng
lần thứ X (2006), XI (2011) dân chủ có vị trí trong hệ mục tiêu của đổi mới đã
được nhận thức là một trong những nhân tố nói lên đặc trưng, bản chất, tiêu chí
đánh giá về xã hội XHCN mà chúng ta xây dựng. Hơn nữa là hệ giá trị của mục
tiêu đổi mới ‘‘dân giàu, nước mạnh, xã
hội dân chủ, công bằng, văn minh’’
còn được nhận thức như là đặc trưng tổng
quát của chủ nghĩa xã hội. Đó là, xây dựng xã hội ta thành một xã hội dân chủ,
xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, phát
huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự đồng thuận xã hội.

Dân chủ cơ
sở là một bước tiến mới trong nhận thức lý luận dân chủ và dân chủ hóa ở nước
ta. QCDC cơ sở ra đời là một quyết định rất được lòng dân và hợp với xu thế
phát triển của dân chủ, vừa tăng cường chất lượng, hiệu quả của dân chủ đại diện,
vừa mở rộng và đề cao vai trò của dân chủ trực tiếp để đảm bảo quyền làm chủ
trên thực tế của người dân.

Cấp cơ sở và vai trò của
cấp cơ sở

Hiện nay khái
niệm cơ sở được sự dụng khá rộng rãi ở nước ta, với nhiều cách tiếp cận, cách
hiểu khác nhau. Quan điểm về cơ sở trong các tiếp cận của QCDC cơ sở của Đảng,
cơ sở được hiểu theo nghĩa rộng bảo gồm: Đơn vị địa phương bao gồm xã, phường,
thị trấn; các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp (theo Nghị định 71/2008/NĐ –
CP); doanh nghiệp Nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn (theo
Nghị định 07/1999/NĐ – CP, Nghị định 87/2007/NĐ – CP). Theo quan điểm trong
Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã phường, thị trấn thì cơ sở được hiểu là cấp xã
(bao gồm xã, phường, thị trấn). Lý luận về Nhà nước thì cấp cơ sở (chính quyền
cơ sở) là cấp thấp nhất trong hệ thống cơ quan Nhà nước bốn cấp ở nước ta. Từ
những phân tích trên về khái niệm cơ sở có thể rút ra quan điểm chung: Cơ sở là
nơi QCND trực tiếp sinh sống và tổ chức sản xuất. Trong phạm vi bài viết cơ sở
được tiếp cận đó là cấp xã gọi chung cho đơn vị xã, phường, thị trấn trong hệ
thống chính trị bốn cấp ở nước ta.

Trong quá trình thực thi quyền
lực bao gồm quyền lực chính trị của Đảng và quyền lực Nhà nước thì cấp cơ sở có
vai trò quan trọng. Bàn về vị trí, vai trò của cơ sở, Bác Hồ đã chỉ rõ: Cấp xã
là cấp gần gũi nhân dân nhất, là nền tảng của hành chính; cấp xã làm được thì
mọi việc đều xong xuôi. Cấp cơ sở là nơi trực tiếp làm việc với nhân dân, trực
tiếp đón nhận và trực tiếp thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách và
pháp luật của Đảng, Nhà nước và cấp trên tại cơ sở. Thực tiễn cho thấy: chủ
trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện được thực
hiện như thế nào? Hiệu quả thực hiện đến đâu? Phụ thuộc chủ yếu vào việc nhận
thức và năng lực tổ chức thực hiện ở cơ sở. Do đó có thể khẳng định ‘‘cấp xã là cấp cơ sở nhưng có vai trò, vị trí
đặc biệt quan trọng không chỉ trong cơ cấu tổ chức quyền lực nhà nước, mà còn
là yếu tố chi phối mạnh mẽ đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của
cộng đồng dân cư và với toàn thể địa bàn
’’. Cấp cơ sở có thể được ví
như ‘‘chiếc cầu nối’’ giữa Dân với Đảng, là cái ‘‘vi mô’’ nhưng thực chất là
cái ‘‘vĩ mô’’ thu nhỏ ở địa phương. Từ thực tiễn quá trình triển khai trong
thực tiễn, QCND là người phát hiện ra những hạn chế, bất cập của chủ trương,
đường lối, chính sách và pháp luật. QCND sẽ phản ánh, kiến nghị đến cấp ủy và
chính quyền cơ sở đề xuất, kiến nghị đến Đảng, Nhà nước và cấp trên thực hiện
điều chỉnh kịp thời.

Phát huy dân chủ cơ sở ở
Việt Nam

 Thực hiện dân chủ cơ sở là việc quy định cụ
thể các quyền và bảo đảm cho QCND tại địa phương thực hiện quyền làm chủ trong
thực tiễn. QCND thực hiện dân chủ ở cơ sở có hai hình thức chủ yếu:

Một là, trực tiếp
quyết định những công việc hệ trọng của đất nước, của địa phương hoặc những vấn
đề liên quan trực tiếp tới lợi ích và cuộc sống của nhân dân. Thực chất của dân
chủ trực tiếp là hình thức nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình bằng cách
trực tiếp thể hiện ý chí (qua ý kiến) nguyện vọng của mình đối với tổ chức và
hoạt động của cơ quan chính quyền cơ sở. Ở nước ta hiện nay, có nhiều hình thức
để QCND thực hiện trực tiếp như: Trưng cầu ý dân; bầu và bãi miễn đại biểu cơ
quan dân cử; bàn bạc, thảo luận, tham gia quyết định, giám sát, kiểm tra việc
thực hiện các vấn đề phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, trật tự an ninh cơ sở,
tố cáo, khiếu nại; xây dựng quy định quy ước tự quả. Hình thức dân chủ trực
tiếp là nội dung cơ bản của thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Hai là, dân chủ
gián tiếp. Đây là hình thức QCND thực hiện quyền làm chủ thông qua Mặt trận Tổ
quốc và các tổ chức chính trị – xã hội khác. Hình thức dân chủ này có những ưu
điểm, nhất là trong điều kiện trình độ dân trí của nhân dân còn thấp. Tuy
nhiên, thực hiện hình thức dân chủ gián tiếp ở cơ sở nói riêng và phạm vi cả
nước có hạn chế ở tình trạng biến dạng quyền lực.

Nước ta là
một nước nông nghiệp, nông dân chiếm trên 70% dân số, đa phần sống ở nông thôn.
Nông thôn, nông dân nước ta có vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ XHCN. Trong công cuộc đổi mới, họ có những
đóng góp hết sức to lớn cho phát triển kinh tế, ổn định chính trị, trật tự an
toàn xã hội. Bởi vậy, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân ở cơ sở trước hết
phải hướng tới nông dân, nông nghiệp và nông thôn. Bên cạnh đó, chính quyền cấp
cơ sở là cấp gần dân nhất, tiếp xúc trực tiếp với QCND. Trực tiếp tổ chức nhân
dân thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; thực hiện chủ trương, đường
lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và cấp trên. Trực tiếp triển khai
thực hiện quy định về dân chủ và tổ chức nhân dân thực hiện quyền làm chủ. Cán
bộ, công chức ở cơ sở là những người sống tại cơ sở, sinh hoạt cùng với QCND
địa phương. Chính vì vậy, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở;
chất lượng tổ chức thực hiện dân chủ cơ sở (Quy chế và Pháp lệnh thực hiện dân
chủ ở xã, phường, thị trấn) sẽ ảnh hưởng lớn tới niềm tin của QCND vào quá
trình dân chủ hóa, vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Trên cơ sở
đó, bảo đảm và động viên, khích lệ QCND thực hiện vai trò làm chủ đối với xã
hội và quá trình dân chủ hóa.

Như vậy, hiệu quả thực hiện dân chủ ở nước ta
phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó có vai
trò của QCND ở cơ sở. Song, quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở trong những năm
qua còn nhiều hạn chế. Tình trạng mất dân chủ, vi phạm dân chủ ở cơ sở diễn ra
khá phổ biến ở cơ sở. QCND chưa được bảo đảm và phát huy vai trò trong thực
hiện dân chủ ở cơ sở. Dẫn tới, niềm tin vào thực chất của thực hiện dân chủ của
QCND giảm mạnh. Thái độ thờ ơ, thiếu chủ động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở
là tâm trạng chung của một bộ phận lớn QCND. Cho nên, làm thế nào để vừa kêu
gọi, tập hợp, lôi cuốn và giáo dục nhân dân tham gia làm chủ, biết cách làm
chủ; đồng thời củng cố và xây dựng cơ chế đảm bảo quyền làm chủ của họ là một
yêu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay.