Hội thảo Quốc gia: “Giáo dục tài chính góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện trong thời đại công nghệ số”
Hội thảo Quốc gia: “Giáo dục tài chính góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện trong thời đại công nghệ số”
Ngày 31/3/2022, tại Hà Nội, Học viện Ngân hàng (HVNH) tổ chức Hội thảo Quốc gia với chủ đề “Giáo dục tài chính góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện trong thời đại công nghệ số” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến thông qua nền tảng Zoom do TS. Bùi Hữu Toàn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng HVNH và PGS., TS. Đỗ Thị Kim Hảo – Phó Giám đốc Phụ trách HVNH đồng chủ trì.
TS. Bùi Hữu Toàn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng HVNH phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Bùi Hữu Toàn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng HVNH cho biết: Tài chính toàn diện là việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính cho người dân và doanh nghiệp với mức giá phải chăng. Việc đẩy mạnh phát triển tài chính toàn diện, nhất là hoạt động phổ cập dịch vụ tài chính để người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận tài chính dễ dàng, thuận lợi có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Là quốc gia có cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ người sử dụng tài khoản cá nhân, ATM ngày càng cao, tỷ lệ sử dụng internet và điện thoại di động thuộc nhóm cao nhất thế giới,… Việt Nam có nhiều thuận lợi trong ứng dụng công nghệ số thúc đẩy tài chính toàn diện. Song song với đó, có không ít thách thức được đặt ra như: Cân bằng giữa đổi mới dịch vụ tài chính và kiểm soát rủi ro; đảm bảo vấn đề bảo mật thông tin và an ninh mạng tài chính ra sao; nền tảng công nghệ phù hợp với thực tiễn kinh tế địa phương… Do vậy, để thúc đẩy tài chính toàn diện trong thời đại công nghệ số sẽ phải cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó giáo dục tài chính cá nhân luôn được xem là một giải pháp nền tảng.
Đối với những người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương, tài chính toàn diện giúp tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tại Việt Nam, tài chính toàn diện được triển khai thực hiện mạnh mẽ trong nhiều năm qua, đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có dân số đông và trẻ, am hiểu công nghệ với tỷ lệ truy cập internet và sử dụng điện thoại di động cao, người Việt Nam có truyền thống văn hóa tiết kiệm. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp ngày càng gia tăng đã thúc đẩy quy mô tín dụng ngày càng lớn. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn những phân khúc khách hàng chưa tiếp cận được với dịch vụ ngân hàng. Bên cạnh khu vực tài chính chính thức dưới sự quản lý của Nhà nước, còn có tài chính phi chính thức hoạt động ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật, còn được gọi là “tín dụng đen”. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh phát triển tài chính toàn diện, nhất các hoạt động phổ cập dịch vụ tài chính để người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận tài chính dễ dàng, thuận lợi hơn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Giáo dục tài chính sẽ giúp nâng cao hiểu biết và kỹ năng tài chính của người dân, qua đó giúp người dân hiểu được vai trò, lợi ích của các sản phẩm tài chính trong việc cải thiện cuộc sống của cá nhân, cũng như hộ gia đình, từ đó khuyến khích họ sử dụng nhiều hơn các sản phẩm, dịch vụ tài chính.
Hầu hết các cuộc điều tra về tài chính ngân hàng tiến hành trong thời gian qua cho thấy, một phần lớn dân số không có đủ kiến thức, thậm chí là kiến thức cơ bản, để hiểu về sản phẩm tài chính và rủi ro liên quan các sản phẩm tài chính. Hơn nữa, một bộ phận lớn cá nhân không biết lập kế hoạch ngân sách cho tương lai và không thực hiện hiệu quả quyết định quản lý tài chính của mình. Điều đó cho thấy việc triển khai giáo dục tài chính cho cộng đồng là rất quan trọng, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy tài chính trong thời đại công nghệ số.
Toàn cảnh Hội thảo trực tiếp tại Học viện Ngân hàng (Hà Nội)
Toàn cảnh Hội thảo trực tiếp tại Học viện Ngân hàng (Hà Nội)
Xuất phát từ thực tiễn trên, nhằm tạo cơ hội học hỏi, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm dành cho nhà quản lý, chuyên gia, giảng viên, nghiên cứu viên và người làm thực tế, HVNH tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề: “Giáo dục tài chính góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện trong thời đại công nghệ số”. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm tham gia viết bài của các nhà khoa học và người làm thực tế đến từ các cơ quan, ban, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu và ngân hàng thương mại với tổng số 105 bài viết gửi về Ban Tổ chức. Trải qua các vòng phản biện kín, 78 bài viết đạt yêu cầu đã được chấp nhận đăng toàn văn tại kỷ yếu hội thảo. Nội dung các bài viết xoay quanh 4 chủ đề chính: (1) Những vấn đề lý luận gắn với giáo dục tài chính và vai trò của giáo dục tài chính trong thúc đẩy tài chính toàn diện; (2) Các mô hình giáo dục tài chính thúc đẩy tài chính toàn diện được triển khai trên thế giới; (3) Đánh giá vai trò các bên liên quan trong phát triển giáo dục tài chính; (4) Đánh giá thực trạng triển khai giáo dục tài chính tại Việt Nam và đề xuất giải pháp đẩy mạnh giáo dục tài chính trong thời đại công nghệ số.
Hội thảo được diễn ra với 2 phiên: Kinh nghiệm giáo dục tài chính tại một số quốc gia và Thực tiễn giáo dục tài chính tại Việt Nam.
Trong phiên 1, các đại biểu được nghe tham luận của ThS. Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) với chủ đề “Hoạt động truyền thông giáo dục tài chính của NHNN”. Theo đó, nhiệm vụ của truyền thông giáo dục tài chính là để “không ai bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính”, nâng cao nhận thức của công chúng về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, đẩy lùi tín dụng đen… Để thực hiện hiệu quả, hoạt động truyền thông giáo dục tài chính cần đánh giá thực trạng trên cơ sở khách quan, khoa học và đưa ra các giải pháp với mục tiêu rõ ràng, tính khả thi và lượng hóa được kết quả hoạt động truyền thông giáo dục tài chính của NHNN. NHNN phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất chương trình gameshow “Tiền khéo Tiền khôn”, “Tay hòm chìa khóa” là chương trình sử dụng đồ họa trực quan thông tin và hình ảnh hóa các quy trình thực hiện các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt… Đặc biệt, mỗi số của chương trình sẽ gửi gắm một bài học cuộc sống về tình yêu thương, lòng biết ơn cha mẹ, yêu thương gia đình, đề cao những giá trị nhân văn… được đúc kết thông qua các câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Ngoài ra, một số hình thức truyền thông giáo dục tài chính thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt được NHNN sử dụng như: NHNN đã phối hợp với các cơ quan báo chí để truyền thông giáo dục tài chính qua các bài viết, phóng sự… Thực hiện các chương trình “Ngày không tiền mặt” cùng Báo Tuổi trẻ, xây dựng chuyên mục “Tư vấn Tài chính” trên báo Đầu tư, xây dựng chương trình “Đồng tiền thông thái” trong chuyên mục Chào buổi sáng của Đài Truyền hình Việt Nam, tổ chức cuộc thi “Hiểu đúng về tiền” cho học sinh, sinh viên,… Các chương trình truyền thông giáo dục tài chính mà NHNN thực hiện thời gian qua đã có sự lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng, được đông đảo các tầng lớp công chúng đánh giá cao vì tính thiết thực, độ hấp dẫn và sự sáng tạo. Thông qua các chương trình truyền thông này, nhận thức và thói quen của người dân về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã thay đổi rõ nét, nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, từ đó góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Trên cơ sở tình hình triển khai hoạt động truyền thông giáo dục tài chính thời gian qua và kết quả khảo sát, NHNN định hướng hoạt động truyền thông giáo dục tài chính thời gian tới như sau: Nâng cao nhận thức, từ đó thay đổi thói quen, hành vi và phương thức sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính tại Việt Nam của cộng đồng, góp phần giảm thiểu chi phí xã hội, bảo vệ người sử dụng dịch vụ các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng…; Đẩy mạnh truyền thông giáo dục tài chính cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn, giới trẻ, các đối tượng yếu thế trong xã hội để truyền thông về các sản phẩm dịch vụ, ngân hàng, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng… Bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, truyền tải các thông tin về kết quả điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thanh toán không dùng tiền mặt… Hướng tới truyền thông giáo dục tài chính trên đa dạng các phương tiện truyền thông. Đẩy mạnh truyền thông trên truyền hình, đặc biệt là vào khung giờ vàng. Tiếp tục đổi mới các hình thức truyền thông theo hướng nắm bắt các xu hướng truyền thông trên thế giới, các xu hướng truyền thông hiện đại mà công chúng quan tâm, sử dụng nhiều. Đẩy mạnh truyền thông giáo dục tài chính trong hệ thống giáo dục phổ thông, đại học trên toàn quốc…
TS. Nguyễn Thị Hiền – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN trình bày tham luận “Giáo dục tài chính – Thực tiễn triển khai tại Mỹ và một số khuyến nghị cho Việt Nam”. Sau khi phân tích thực tiễn triển khai giáo dục tài chính của Mỹ, TS. Nguyễn Thị Hiền đưa ra những đề xuất cho giáo dục tài chính Việt Nam như sau: Xây dựng Chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính tại Việt Nam; cần có một cách tiếp cận tổng thể đối với vấn đề phổ biến kiến thức tài chính, trong đó cân nhắc đến việc xây dựng một chiến lược tổng thể (bao hàm các nội dung về khung chương trình, sự phối hợp các bên liên quan, lộ trình thực hiện…). Lồng ghép nội dung giáo dục tài chính vào chương trình giáo dục phổ thông quốc gia cho nhiều đối tượng; Bộ Giáo dục và Đào tạo đầu mối phối hợp cùng NHNN xây dựng các chương trình đào tạo về tài chính cho các nhóm đối tượng khác nhau: Từ trẻ em tiểu học đến học sinh cấp 2, cấp 3; từ giáo viên đến phụ huynh học sinh; hình thức triển khai cần đa dạng: Thông qua các chương trình giáo dục trực tiếp đến các trường học (tiểu học, cấp 2 và cấp 3); thông qua website trực tuyến, kênh giáo dục trên truyền hình, radio và các ứng dụng công nghệ… Đối tượng không chỉ là các em học sinh lớn mà cần chú trọng đến nhóm trẻ em tiểu học và thay đổi tư duy, nhận thức của cha mẹ cùng giáo viên về “giá trị đồng tiền”. Nội dung cần có tính thực tiễn cao thay vì chỉ mang tính lý thuyết, như: Tiết học ngoại khóa; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu; trao đổi, thảo luận… Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến để thay đổi quan điểm xã hội về việc giáo dục tài chính sớm cho trẻ em; Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với NHNN, Bộ Tài chính xây dựng một website về phổ biến kiến thức tài chính nhằm cung cấp một điểm truy cập thông tin tập trung về hiểu biết tài chính và các chương trình giáo dục tài chính.
Tại phiên 2, TS. Đinh Thị Thanh Vân – Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Tài chính – Ngân hàng, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày tham luận “Giáo dục tài chính trong kỷ nguyên số: Kinh nghiệm tại Việt Nam và Mỹ”. Từ những nghiên cứu và thực tiễn triển khai giáo dục tài chính của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội trong nhiều năm qua cho thấy, cần có nhiều hình thức đa dạng để phù hợp với trình độ, hoàn cảnh, nhận thức của từng nhóm đối tượng. Giáo dục tài chính cũng cần bắt đầu từ sớm và học tập suốt đời bằng việc đưa vào các chương trình đào tạo ở cấp phổ thông, đại học cho đến người lao động. Giáo viên giảng dạy tài chính nên sử dụng các nguồn lực miễn phí trên thế giới và tại Việt Nam để phát huy tối đa khả năng chuyên môn, tăng tiếp cận với nhiều đối tượng.
TS. Trần Thanh Long – Phó Giám đốc Phân viện Phú Yên, HVNH trình bày tham luận “Phát triển hoạt động giáo dục tài chính cho khách hàng tại các Quỹ tín dụng nhân dân”. Khách hàng của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên cả nước cũng là đối tượng được quan tâm trong truyền thông giáo dục tài chính toàn diện. Giáo dục tài chính cho khách hàng của QTDND hiểu được khái niệm cơ bản về tài chính, từ đó hiểu được cách thức quản lý tài chính hộ gia đình; góp phần nâng cao các kiến thức và kỹ năng kinh doanh của khách hàng. Đặc biệt, người vay phân tích được quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong quá trình sử dụng dịch vụ của QTDND; có kỹ năng xử lý các nhu cầu cấp bách mà không phải vay vốn tín dụng đen… Giáo dục tài chính toàn diện nhằm nâng cao kiến thức tài chính cho khách hàng cũng là nền tảng để các QTDND có thể triển khai, mở rộng sản phẩm, dịch vụ. TS. Trần Thanh Long cũng đánh giá, các chương trình giáo dục tài chính đã triển khai còn chưa tiếp cận được một số đối tượng, chưa có chương trình đào tạo đặc thù cho từng đối tượng, phương pháp giảng dạy truyền thống có lúc chưa phát huy được hiệu quả….
TS. Trần Thanh Long đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai giáo dục tài chính cho khách hàng tại các QTDND cụ thể như sau: Xây dựng chương trình tập huấn về giáo dục tài chính cho khách hàng tại các QTDND. Nội dung bao gồm 2 phần: Phần kiến thức, kỹ năng chung về giáo dục tài chính cá nhân và phần mở rộng (các QTDND giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ của mình). Tổ chức tập huấn cho cán bộ của QTDND trở thành người đào tạo, tập huấn cho khách hàng tại QTDND về giáo dục tài chính. Nguồn kinh phí thực hiện hoạt động là phí thành viên hàng năm và kinh phí đóng góp của các QTDND có tham gia hoạt động giáo dục tài chính. QTDND cũng cần thiết kế, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ để có thể đáp ứng đầy đủ nhất nhu cầu tài chính và gắn kết với nội dung chương trình giáo dục tài chính đã truyền tải đến khách hàng. QTDND cần tạo sự quan tâm, thu hút khách hàng tham gia các chương trình tập huấn giáo dục tài chính.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi và thảo luận của các đại biểu, các nhà khoa học tham gia. Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS., TS. Đỗ Thị Kim Hảo hy vọng rằng, với hơn 240 đại biểu tham gia Hội thảo, qua các ý kiến trình bày và trao đổi, những kiến thức, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo, mỗi người đều sẽ rút ra được những ý tưởng để hoàn thiện thêm về học liệu, phương pháp đối với các nội dung được nghiên cứu.
NH