Hỏi đáp về cây mía và sản xuất mía đường (kỳ 4)

| KỲ 1 | KỲ 2 | KỲ 3 | KỲ 4 | KỲ 5 | KỲ 6 | KỲ 7 | KỲ 8 | KỲ 9 | KỲ 10 | KỲ 11 | KỲ 12 | KỲ 13 | KỲ 14 |

16) Thời vụ trồng mía ở các tỉnh miền Bắc?

Thời vụ trồng cây mía ở các tỉnh miền Bắc từ trước tới nay đều tập trung vào vụ Đông Xuân. Tức là từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, thường kết thúc trong tháng 2. Mía thu hoạch 10 – 12 tháng tuổi. Ở thời vụ này cần chú ý tránh tháng rét nhất không nên trồng (thường là tháng giêng) vì nhiệt độ xuống thấp mía mọc chậm và kém.

Bên cạnh vụ trồng Đông – Xuân, ở miền Bắc nhiều nơi cũng đã bắt đầu trồng mía vụ Thu, mía trồng vào tháng 9 và thu hoạch ở tháng 13 đến 15 tháng tuổi. Ưu điểm của vụ trồng này là thời gian mía sinh trưởng dài nên năng suất nông nghiệp cao, trung bình có thể đạt 80 đến trên 100 tấn mía cây/ha. Hạn chế chủ yếu của vụ mía Thu là phải chuẩn bị đất trồng vào thời điểm mùa mưa và trước mùa thu hoạch gặp năm có nhiều gió bão cây dễ bị đỗ gãy. Vì vậy, mía trồng vụ thu cần chọn giống cây cứng, mọc thẳng, chống chịu gió bão tốt và khi vun mía cần chú ý lấp đất kín cổ gốc, nén chặt để hạn chế cây đổ ngã.

17) Thời vụ trồng mía ở vùng Đông Nam Bộ?

Đông Nam Bộ là vùng đất cao, hàng năm có 6 tháng mưa, 6 tháng khô. Trong điều kiện chưa giải quyết được nguồn nước tưới vào các tháng mùa khô, thời vụ trồng mía ở đây được áp dụng là:

– Trồng đầu mưa: từ 15/4 đến 16/6. Mía thu hoạch 10 – 12 tháng tuổi. Ưu điểm của thời vụ này là khi trồng đất đủ ẩm, mầm mọc và đẻ nhánh nhanh, sinh trưởng và phát triển thuận lợi, đảm bảo chắc chắn cho mùa thu hoạch. Tuy nhiên, ở những nơi trồng không có tưới nước, cây mía chỉ sống nhờ nước trời nên thời gian sinh trưởng và phát triển ngắn năng suất mía cây không cao. Chính vì vậy vụ trồng đầu mưa cần chọn giống có tốc độ sinh trưởng nhanh và không hoặc ra hoa ít để có thể đạt năng suất mía cây mong muốn.

– Trồng cuối mưa: Từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 11 (kết thúc mùa mưa) , mía thu hoạch 12 – 15 tháng tuổi. Ưu điểm của thời vụ trồng này là thời gian mía sinh trưởng dài hơn nên năng suất công nghiệp cao hơn. Nếu có tưới vào các tháng mùa khô thì năng suất mía vụ trồng cuối mưa sẽ đạt rất cao. Trồng vụ cuối mưa sẽ khắc phục được nhược điểm ra hoa của một số giống mía và đáp ứng được yêu cầu nguyên liệu có tỉ lệ đường cao ở đầu mùa chế biến của các nhà máy đường. Mía trồng vụ cuối mưa cần chọn giống chịu hạn tốt và chú ý thời điểm khi trồng sau cho lúc ngưng mưa chuyển qua mùa khô ruộng mía đã kết thúc thời kỳ mọc mầm chuyển sang đẻ nhánh (ở thời kỳ đẻ nhánh cây mía chịu hạn tốt nhất).

– Trồng vụ xuân: Từ tháng 12 đến tháng 2 khi mùa mưa đã dứt. Thời vụ trồng này thường được bà con áp dụng ở những nơi đất thấp, giữ ẩm tốt hoặc có điều kiện tưới nước vào các tháng mùa khô. Yêu cầu của vụ trồng này là chuẩn bị đất kỹ (cày sâu, đất tơi, nhỏ).

18) Thời vụ trồng mía ở vùng Tây Nam Bộ?

Vùng mía Tây Nam bộ là vùng đất thấp trồng mía phải lên liếp, đất chua phèn hoặc nhiễm mặn. Tháng 9, 10 hàng năm ở một số địa phương thường bị lũ ngập. Vì vậy trồng mía đây cũng chịu sự chi phối của các đặc điểm trên.

Với vùng đất lên liếp: thời vụ trồng mía chính là đầu mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 6. Mía thu hoạch 10 – 12 tháng tuổi. Vụ trồng cuối mưa ở đây chưa thành phổ biến. Bà con nông dân cho rằng ở vùng đất lên liếp trồng thời vụ cuối mưa khi chuyển qua mùa khô bốc phèn sẽ làm mía chết. Theo chúng tôi, vụ trồng cuối mưa có những ưu điểm như: kéo dài thời gian sinh trưởng của mía làm cho năng suất và tỉ lệ đường trên mía cao hơn, Khắc phục được nhược điểm ra hoa của giống và mùa lũ hàng năm… Do đó cần nghiên cứu đưa thời vụ này vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của cây mía. Vấn đề cần lưu ý ở thời vụ trồng cuối mưa là sự điều tiết nước trong các mương liếp vào mùa khô để hạn chế sự bốc phèn. Những nơi có điều kiện tưới và giữ nước ngọt ở các mương liếp trong mùa khô thì trồng cuối mưa là một thời vụ mang lại hiệu quả cao cho sản xuất.

Với vùng đất bị ngập lũ hàng năm: Đất trồng mía không lên liếp mà chỉ làm mương nhỏ xung quanh ruộng để tưới và tiêu nước khi cần và mía phá gốc trồng lại sau mỗi vụ thu hoạch. Thời vụ trồng mía ở đây từ cuối tháng 11 đến tháng giêng năm sau. Mía thu hoạch 8 đến 10 tháng tuổi. Đối với vùng đất này cần chọn giống mía chín sớm hoặc có tỉ lệ đường cao đầu vụ chế biến để nâng cao hiệu quả kinh tế của sản xuất.

19) Thời vụ trồng mía ở vùng duyên hải miền Trung?

Vùng mía duyên hải miền trung bao gồm các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận. Tỉnh Bình Thuận đặc điểm khí hậu gần với khí hậu Đông Nam Bộ. Tỉnh Ninh Thuận thời gian nắng kéo dài 7 – 8 tháng.

Thời vụ trồng mía ở vùng duyên hải Miền Trung từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Cũng có thể kéo dài tới tháng 4, 5 ở những chân đất thấp giữ ẩm tốt hoặc có điều kiện tưới nước.

Đặc điểm mùa mưa ở các tỉnh duyên hải Miền Trung thường bắt đầu từ tháng 8,9 hàng năm, do vậy, theo chúng tôi, cần nghiên cứu đưa vụ trồng đầu mưa vào sản xuất (tháng 9,10,11), mía cây sẽ thu hoạch 13 đến 16 tháng tuổi. Ưu điểm của vụ trồng này là mía trồng xuống không bị khô hạn, mầm mọc nhanh, kéo dài được thời gian sinh trưởng, và khắc phục nhược điểm ra hoa sớm của một số giống mía, năng suất mía và hàm lượng đường trên mía sẽ cao hơn.

20) Chất lượng của hom giống trồng ảnh hưởng đến kết quả của ruộng mía sản xuất như thế nào?

Chất lượng của hom giống trồng giữ vai trò quyết định đối với kết quả ban đầu và là tiền đề cho các quá trình sinh trưởng và phát triển về sau của ruộng mía sản xuất. Chất lượng hom giống tốt, mầm sẽ mọc tốt, tập trung, hàng mía đủ cây không bị mất quãng tạo thuận lợi cho mía đẻ nhánh nhanh, gọn, đồng đều, đảm bảo mật độ cây cần thiết cho năng suất cao của ruộng mía.

Mời các bạn đón đọc: Hỏi đáp về cây mía và sản xuất mía đường (kỳ 5)

Nguồn: Viện nghiên cứu mía đường