Hỏi đáp về Luật Khiếu nại
Hỏi đáp về Luật Khiếu nại
Lượt xem: 1096
Câu hỏi
1
. Thế nào là quyết định hành chính mà công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại?
Trả lời:
Quyết định hành chính là văn bản của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể (khoản 8 Điều 2 Luật khiếu nại năm 2011).
Như vậy một quyết định hành chính có thể bị khiếu nại khi có đủ 3 yếu tố sau:
– Bằng văn bản: khác với khái niệm về quyết định hành chính trong Luật khiếu nại, tố cáo trước đây (quyết định hành chính phải là văn bản dưới dạng quyết định) Luật khiếu nại hiện hành đã đưa ra khái niệm mở rộng hơn: quyết định hành chính là văn bản trong đó có chứa nội dung thể hiện ý chí của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Bởi vì trên thực tế có nhiều văn bản hành chính cá biệt do cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành có nội dung tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Do vậy, nếu chỉ quy định chỉ bó hẹp là quyết định hành chính thì sẽ hạn chế quyền khiếu nại của công dân, cơ quan, tổ chức.
– Là văn bản cá biệt do nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành.
– Là văn bản được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Ví dụ, Chủ tịch ủy ban nhân dân ra quyết định cưỡng chế thi hành, nếu không đồng ý với quyết định này thì người bị xử lý có quyền khiếu nại đến cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền.
– Tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức
Như vậy, các quy định được áp dụng nhiều lần đối với nhiều đối tượng hoặc đối với đối tượng không xác định (văn bản quy phạm pháp luật); các quyết định không phải là của cơ quan hành chính nhà nước (của toà án, kiểm sát) thì không được coi là quyết định hành chính theo quy định của Luật khiếu nại.
Câu hỏi
2
. Thế nào là hành vi hành chính mà công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại?
Trả lời:
Hành vi hành chính trong quy định của Luật khiếu nại là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật (khoản 9 Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011).
Khác với quyết định hành chính phải thể hiện bằng văn bản, hành vi hành chính được biểu hiện bằng những việc làm thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động đối với những nhiệm vụ, công vụ được giao, thể hiện cụ thể như hành động không đúng hoặc làm trái với các quy định của pháp luật, cũng có thể là việc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà theo quy định của pháp luật họ phải thực hiện. Ví dụ: người có thẩm quyền không cấp phép cho công dân khi họ đã thực hiện đầy đủ thủ tục… Với việc hành động hoặc không hành động đó của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Câu hỏi
3
. Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại?
Trả lời:
Trong quá trình thực hiện việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại không phải lúc nào người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia quan hệ này cũng thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do nhận thức về pháp luật của các chủ thể liên quan còn hạn chế hoặc do vì lợi ích chưa thoả đáng cho nên đã cố ý không thực hiện, thậm chí chống đối, gây mất ổn định an ninh chính trị, trận tự an toàn xã hội. Để pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh, đưa việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại đạt hiệu quả, tránh việc lợi dụng quyền khiếu nại hoặc quyền công dân để gây rối làm mất ổn định xã hội, Luật khiếu nại năm 2011 đã có các quy định cấm đối với một số hành vi trong quá trình khiếu nại, giải quyết khiếu nại tùy theo đối tượng, tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
Điều 6 của Luật khiếu nại năm 2011 đã đưa ra 9 hành vi bị nghiêm cấm. Cụ thể là: cản trở, gây phiền hà cho người thực hiện quyền khiếu nại; đe doạ, trả thù, trù dập người khiếu nại; thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại; không giải quyết khiếu nại; làm sai lệch các thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc khiếu nại; cố ý giải quyết khiếu nại trái pháp luật; ra quyết định giải quyết khiếu nại không bằng hình thức quyết định; bao che cho người bị khiếu nại; can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết khiếu nại; cố tình khiếu nại sai sự thật; kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, gây rối an ninh trật tự công cộng; lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, người thi hành nhiệm vụ, công vụ khác; vi phạm quy chế tiếp công dân; vi phạm các quy định khác của pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại./.
(Phòng Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo)