Hỏi đáp các tình huống pháp luật quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng

Hỏi đáp các tình huống pháp luật quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng

Lượt xem: 864

Ngày 28/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định
xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng (gọi tắt là Nghị định số 16/2022/NĐ-CP).
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 01 năm 2022. Dưới đây
là một số tình huống pháp luật quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng
được quy định tại Nghị định số 16/2022/NĐ-CP:

Tình huống 1: Chị Lê Thị Thanh Tâm (Hiển Khánh – Vụ Bản) hỏi: Những đối
tượng nào được áp dụng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng theo
Nghị định 16/2022/NĐ-CP.

Trả lời:  Theo Điều 2 Nghị định 16/2022/NĐ-CP thì đối tượng áp dụng là:

1. Tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi
vi phạm hành chính trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ
trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành
viên có quy định khác.

2. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, áp dụng các biện
pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử
phạt vi phạm hành chính.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm
hành chính quy định tại Nghị định này.

Tình huống 2: Anh Trần Văn Linh (Giao
Hải – Giao Thủy) hỏi: Hành vi xử phạt hành vi chống đối hoặc cản trở người thực
hiện nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng quy định tại Nghị định
16/2022/NĐ-CP như thế nào?

Trả lời: Hành vi xử phạt hành vi chống đối hoặc
cản trở người thực hiện nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng quy
định tại Điều 6 Nghị định 16/2022/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

Tổ chức, cá nhân có hành vi chống đối hoặc cản trở người thực hiện nhiệm
vụ xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng quy định tại Nghị định này thì bị xử
phạt hành chính theo hình thức, mức phạt đối với hành vi chống đối hoặc cản trở
người thi hành công vụ được quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Tình huống 3: Anh Nguyễn Văn Đức (Yên
Tiến – Ý Yên) hỏi: Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, chủ
sở hữu, người quản lý sử dụng công trình
lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực khi tham gia các hoạt động xây dựng thì bị xử lý thế nào?

Trả lời: Đối với người quyết định đầu tư, chủ
đầu tư, chủ sở hữu, người quản lý sử dụng công trình nếu vi phạm  quy định về lựa chọn
tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng theo Điều 7 Nghị định 16/2022/NĐ-CP
thì:

1. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi lựa
chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực khi tham gia một trong các
hoạt động sau:

a) Khảo sát xây dựng;

b) Lập thiết kế quy hoạch xây dựng;

c) Quản lý dự án đầu tư xây dựng;

d) Thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng;

đ) Thiết kế kiến trúc, thẩm tra thiết kế kiến trúc;

e) Thi công xây dựng công trình;

g) Giám sát thi công xây dựng công trình;

h) Quản lý chi phí đầu tư xây dựng;

i) Kiểm định xây dựng;

k) Thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.

2. Chủ đầu tư có sử dụng nhà thầu nước ngoài bị phạt tiền từ 100.000.000
đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Để nhà thầu nước ngoài tham gia hoạt động xây dựng khi chưa được cấp
giấy phép hoạt động xây dựng theo quy định;

b) Để nhà thầu nước ngoài không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng
liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc không sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam theo
quy định;

c) Để nhà thầu nước ngoài tạm nhập – tái xuất đối với những máy móc,
thiết bị thi công xây dựng mà trong nước đáp ứng được theo quy định;

d) Để nhà thầu nước ngoài sử dụng lao động là người nước ngoài thực hiện
các công việc về xây dựng mà thị trường lao động Việt Nam đáp ứng được theo quy
định;

đ) Không thông báo cho các nhà thầu liên quan và cơ quan chuyên môn về
xây dựng khi sử dụng nhà thầu nước ngoài thực hiện công việc tư vấn quản lý dự
án đầu tư xây dựng hoặc giám sát chất lượng xây dựng.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động xây dựng từ 03 tháng đến 06 tháng đối với dự án, công
trình, hạng mục công trình có hành vi quy định tại điểm c, điểm e khoản 1 Điều
này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc lựa chọn tổ chức, cá nhân đủ điều kiện năng lực với hành vi quy
định tại điểm a, điểm c, điểm g, điểm h, điểm i và điểm k khoản 1 Điều này đối
với công trình chưa khởi công hoặc đang thi công xây dựng và điểm b, điểm d,
điểm đ, điểm e khoản 1 Điều này đối với công trình chưa khởi công xây dựng;

b) Buộc nhà thầu nước ngoài xin giấy phép hoạt động xây dựng theo quy
định đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

c) Buộc chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu nước ngoài khắc phục, thực hiện đúng
các cam kết trong hợp đồng liên danh với nhà thầu chính Việt Nam, sử dụng nhà
thầu phụ Việt Nam theo đúng quy định trong trường hợp dự án chưa khởi công hoặc
đang thi công xây dựng với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

d) Buộc chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu tái xuất máy móc, thiết bị thi công
xây dựng với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

đ) Buộc thông báo bằng văn bản cho các nhà thầu liên quan và cơ quan
chuyên môn về xây dựng với hành vi quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này.

Tình huống 4: Chị Nguyễn Thị Hà Mai
(Giao Yến – Giao Thủy) hỏi: Chủ đầu tư có hành vi vi phạm quy định về khởi công
xây dựng công trình được quy định như thế nào ?

Trả lời: Đối với người quyết định đầu tư, chủ
đầu tư, chủ sở hữu, người quản lý sử dụng công trình  có hành vi vi phạm quy định về khởi công xây
dựng công trình được quy định tại Điều 15 Nghị định 16/2022/NĐ-CP. Cụ thể như
sau:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các
hành vi sau đây:

a) Không gửi văn bản thông báo ngày khởi công (kèm theo bản sao giấy
phép xây dựng, hồ sơ thiết kế xây dựng) cho cơ quan quản lý nhà nước về xây
dựng tại địa phương nơi xây dựng công trình và cơ quan chuyên môn về xây dựng
theo quy định;

b) Không thông báo, thông báo chậm cho cơ quan quản lý nhà nước về xây
dựng tại địa phương về thời điểm khởi công xây dựng hoặc có thông báo nhưng
không gửi kèm hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định đối với trường hợp được
miễn giấy phép xây dựng;

c) Không gửi báo cáo cho cơ quan chuyên môn về xây dựng hoặc gửi báo cáo
không đầy đủ một trong các nội dung: tên, địa chỉ liên lạc, tên công trình, địa
điểm xây dựng, quy mô xây dựng, tiến độ thi công dự kiến sau khi khởi công xây
dựng hoặc gửi thông báo khởi công không theo mẫu quy định.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi khởi
công xây dựng công trình mà thiếu một trong các điều kiện sau đây (trừ trường
hợp khởi công xây dựng nhà ở riêng lẻ):

a) Mặt bằng xây dựng để bàn giao toàn bộ hoặc từng
phần theo tiến độ dự án;

b) Hợp đồng thi công xây dựng được ký giữa chủ đầu tư và nhà thầu;

c) Biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công
xây dựng.

3. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi khởi
công xây dựng công trình mà chưa có thiết kế bản vẽ thi công của công trình,
hạng mục công trình đã được phê duyệt.

4. Trường hợp khởi công xây dựng mà không có giấy phép xây dựng theo quy
định thì bị xử phạt theo quy định tại khoản 7 Điều 16 Nghị định này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc bàn giao mặt bằng xây dựng theo tiến độ dự án với hành vi quy
định tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Buộc ký hợp đồng thi công xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu với
hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

c) Buộc có biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình
thi công xây dựng với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

Tình huống 5: Chị Trần Thị Quỳnh Trang
(Nghĩa Hải – Nghĩa Hưng) hỏi: Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định như thế nào về
hành vi vi phạm quy định về thi công xây dựng công trình của Chủ đầu tư
, chủ
sở hữu, người quản lý sử dụng công trình ?   

Trả lời: Đối với người quyết định đầu tư, chủ
đầu tư, chủ sở hữu, người quản lý sử dụng công trình có hành vi vi phạm quy
định về thi công xây dựng công trình theo Điều 17 Nghị định 16/2022 thì:

1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có thông báo về nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân trong hệ
thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư hoặc của nhà thầu giám sát thi công xây
dựng công trình (nếu có) cho các nhà thầu liên quan theo quy định;

b) Lập hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng không đầy đủ theo quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi
không lắp đặt biển báo công trình tại công trường xây dựng hoặc biển báo không
đầy đủ nội dung theo quy định.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong
các hành vi sau đây:

a) Không tổ chức giám sát thi công xây dựng công trình theo quy định
trong trường hợp công trình đang thi công;

b) Không tổ chức lập hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong
các hành vi sau đây:

a) Không kiểm tra dẫn đến năng lực thực tế về nhân lực, thiết bị thi
công, phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng hoặc hệ thống quản lý chất lượng
của nhà thầu thi công xây dựng không đảm bảo so với hồ sơ dự thầu;

b) Không có kết quả kiểm tra biện pháp thi công, biện pháp bảo đảm an
toàn, vệ sinh môi trường của nhà thầu;

c) Không báo cáo về biện pháp đảm bảo an toàn đến cơ quan chuyên môn về
xây dựng theo quy định trong trường hợp thi công xây dựng công trình có vùng
nguy hiểm ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng;

d) Không bố trí đủ nhân lực phù hợp để thực hiện giám sát thi công xây
dựng, quản lý an toàn trong thi công xây dựng;

đ) Để tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực thực hiện thi công
xây dựng nhà ở riêng lẻ theo quy định.

5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong
các hành vi sau đây:

a) Không kiểm tra dẫn đến nhà thầu thi công thi công không đúng với
thiết kế biện pháp thi công được duyệt;

b) Không kiểm tra dẫn đến nhà thầu thi công xây dựng công trình không
gia hạn bảo lãnh thực hiện hợp đồng khi đến thời hạn theo quy định;

c) Không kiểm tra để chấp thuận vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng
hoặc thiết bị lắp đặt vào công trình;

d) Để nhà thầu sử dụng vật liệu xây dựng không công bố hợp quy vào công
trình đối với những vật liệu xây dựng phải công bố hợp quy theo quy định;

đ) Không mua bảo hiểm công trình theo quy định;

e) Không tổ chức thí nghiệm đối chứng, kiểm định chất lượng bộ phận công
trình, hạng mục công trình, công trình xây dựng theo quy định.

6. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi tổ
chức thi công xây dựng công trình khẩn cấp mà không có lệnh khẩn cấp theo quy
định.

7. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi
không tuân thủ quy định về sử dụng vật liệu xây không nung.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thông báo bằng văn bản về nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân
trong hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư hoặc của nhà thầu giám sát thi
công xây dựng công trình (nếu có) cho các nhà thầu liên quan với hành vi quy
định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Buộc lập hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng theo quy định với hành
vi quy định tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 3 Điều này;

c) Buộc lắp đặt biển báo đầy đủ nội dung tại công trường xây dựng theo
quy định với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này;

d) Buộc tổ chức giám sát thi công xây dựng công trình với hành vi quy
định tại điểm a khoản 3 Điều này;

đ) Buộc chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng bố trí nhân lực,
thiết bị thi công, phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng hoặc hệ thống quản lý
chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng đảm bảo so với hồ sơ dự thầu với hành
vi quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;

e) Buộc có kết quả kiểm tra biện pháp thi công, biện pháp bảo đảm an
toàn, vệ sinh môi trường của nhà thầu với hành vi quy định tại điểm b khoản 4
Điều này;

g) Buộc báo cáo về biện pháp đảm bảo an toàn đến cơ quan chuyên môn về
xây dựng theo quy định trong trường hợp thi công xây dựng công trình có vùng
nguy hiểm ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng với hành vi quy định tại điểm c
khoản 4 Điều này;

h) Buộc bố trí đủ nhân lực phù hợp để thực hiện giám sát thi công xây
dựng và quản lý an toàn trong thi công xây dựng với hành vi quy định tại điểm d
khoản 4 Điều này;

i) Buộc chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng công trình theo
đúng với thiết kế biện pháp thi công được duyệt với hành vi quy định tại điểm a
khoản 5 Điều này;

k) Buộc chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng công trình nộp gia
hạn bảo lãnh hợp đồng theo quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 5
Điều này;

l) Buộc chủ đầu tư kiểm tra vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng hoặc
thiết bị lắp đặt vào công trình theo đúng thiết kế và hợp đồng thi công xây
dựng với hành vi quy định tại điểm c khoản 5 Điều này;

m) Buộc chủ đầu tư kiểm tra, xác định lại chất lượng công trình đối với
hạng mục công trình đã đưa vật liệu xây dựng không công bố hợp quy vào công
trình, với hành vi quy định tại điểm d khoản 5 Điều này;

n) Buộc mua bảo hiểm công trình với hành vi quy định tại điểm đ khoản 5
Điều này trong trường hợp công trình đang thi công xây dựng;

o) Buộc tổ chức thí nghiệm đối chứng, kiểm định chất lượng bộ phận công
trình, hạng mục công trình, công trình xây dựng với hành vi quy định tại điểm e
khoản 5 Điều này;

p) Buộc xin lệnh xây dựng công trình khẩn cấp theo quy định với hành vi
quy định tại khoản 6 Điều này;

q) Buộc đảm bảo tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung đối với phần công
trình còn lại chưa thi công với hành vi quy định tại khoản 7 Điều này.

Tình huống 6: Anh Phạm Thanh Sơn (Thị
trấn Lâm- Ý Yên) hỏi: Hành vi vi phạm quy định khi xảy ra sự cố công trình của
người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, chủ sở hữu, người quản lý sử dụng công
trình được quy định như thế nào?

Trả lời:  Theo Điều 22 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong
các hành vi sau đây:

a) Không hoặc chậm khai báo khi xảy ra sự cố công trình xây dựng, sự cố
gây mất an toàn lao động;

b) Không lập hồ sơ sự cố công trình theo quy định.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong
các hành vi sau đây:

a) Không tổ chức bảo vệ hiện trường sự cố công trình hoặc tự ý phá dỡ,
thu dọn hiện trường khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận;

b) Không xử lý và khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố công trình xây
dựng, sự cố gây mất an toàn lao động.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc báo cáo bằng văn bản với cơ quan có thẩm quyền với hành vi quy
định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Buộc lập hồ sơ sự cố công trình với hành vi quy định tại điểm b khoản
1 Điều này;

c) Buộc tổ chức bảo vệ hiện trường sự cố công trình với hành vi quy định
tại điểm a khoản 2 Điều này;

d) Buộc xử lý và khắc phục hậu quả với hành vi quy định tại điểm b khoản
2 Điều này.

Tình huống 7: Anh Hà Văn Dũng (Nam Lợi
– Nam Trực) hỏi: Hành vi vi phạm quy định về điều kiện năng lực hoạt động xây
dựng đối với nhà thầu, chủ đầu tư (trong trường hợp tự thực hiện), tổ chức các
nhân khi tham gia hoạt động xây dựng được quy định thế nào?

Trả lời: : Hành vi vi phạm quy định về điều kiện
năng lực hoạt động xây dựng đối với nhà thầu, chủ đầu tư (trong trường hợp tự
thực hiện), tổ chức các nhân khi tham gia hoạt động xây dựng được quy định tại
Điều 24 Nghị định 16/2022/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân hành
nghề hoạt động xây dựng có một trong các hành vi sau đây:

a) Hoạt động xây dựng không đủ điều kiện hành nghề theo quy định;

b) Hoạt động xây dựng không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành
nghề đã hết hiệu lực hoặc hoạt động sai chứng chỉ hành nghề;

c) Người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài hành nghề
hoạt động xây dựng ở Việt Nam mà không thực hiện việc chuyển đổi chứng chỉ hành
nghề theo quy định.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức hoạt
động xây dựng có một trong các hành vi sau đây:

a) Giao cho người không có chứng chỉ hành nghề phù hợp hoặc không đủ
điều kiện hành nghề tương ứng với loại, cấp công trình đảm nhận đối với các
chức danh theo quy định;

b) Hoạt động không đủ điều kiện năng lực theo quy định;

c) Hoạt động xây dựng không có chứng chỉ năng lực hoặc chứng chỉ năng
lực hết hiệu lực theo quy định.

3. Ngoài việc bị xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều này, nhà thầu
nước ngoài còn bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một
trong các hành vi sau đây:

a) Mượn, cho mượn, thuê hoặc cho thuê chứng chỉ hành nghề để hoạt động
xây dựng;

b) Tham gia hoạt động xây dựng tại Việt Nam mà không có giấy phép hoạt
động xây dựng;

c) Không liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc không sử dụng nhà thầu phụ
Việt Nam theo quy định;

d) Không lập Văn phòng điều hành sau khi được cấp giấy phép hoạt động
xây dựng; không đăng ký hoặc không thông báo địa chỉ, số điện thoại, số fax,
e-mail, dấu, tài khoản, mã số thuế của Văn phòng điều hành theo quy định;

đ) Sử dụng lao động là người nước ngoài tham gia hoạt động xây dựng tại
Việt Nam nhưng không phải là chuyên gia quản lý kinh tế, quản lý kỹ thuật và
người có tay nghề cao mà Việt Nam không đủ khả năng đáp ứng;

e) Không thực hiện hợp đồng liên danh đã ký kết với nhà thầu Việt Nam
hoặc không sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam đã được xác định trong hồ sơ đề nghị
cấp giấy phép hoạt động xây dựng;

g) Không phân định cụ thể nội dung, khối lượng hoặc giá trị phần công
việc của nhà thầu Việt Nam trong liên danh hoặc của nhà thầu phụ Việt Nam;

h) Không thực hiện đăng kiểm chất lượng đối với vật tư, thiết bị nhập
khẩu theo hợp đồng nhận thầu hoặc không thực hiện đăng kiểm an toàn đối với
thiết bị thi công xây dựng và phương tiện giao thông liên quan đến hoạt động
kinh doanh của nhà thầu nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;

i) Vi phạm chế độ báo cáo theo quy định trong giấy
phép hoạt động xây dựng.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ hoạt động xây dựng từ 03 tháng đến 06 tháng với hành vi quy
định tại điểm b khoản 2 Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động xây dựng từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường
hợp không có chứng chỉ năng lực, đình chỉ hoạt động xây dựng từ 03 tháng đến 06
tháng đối với trường hợp chứng chỉ năng lực hết hiệu lực với hành vi quy định
tại điểm c khoản 2 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng đến 12 tháng với
hành vi quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;

d) Đình chỉ hoạt động xây dựng tại Việt Nam từ 12 tháng đến 24 tháng với
hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả (đối với công trình chưa khởi công hoặc
đang thi công xây dựng):

a) Buộc hoạt động xây dựng đảm bảo đủ điều kiện theo quy định với hành
vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Buộc thay thế người có đủ điều kiện năng lực hoặc có chứng chỉ hành
nghề phù hợp với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

c) Buộc làm thủ tục cấp giấy phép hoạt động xây dựng với hành vi quy
định tại điểm b khoản 3 Điều này;

d) Buộc nhà thầu nước ngoài thành lập Văn phòng điều hành sau khi được
cấp giấy phép hoạt động xây dựng hoặc buộc bổ sung việc đăng ký hoặc thông báo
thông tin theo quy định với hành vi quy định tại điểm d khoản 3 Điều này;

đ) Buộc nhà thầu làm thủ tục xuất cảnh cho người lao động nước ngoài với
hành vi quy định tại điểm đ khoản 3 Điều này;

e) Buộc nhà thầu thực hiện đúng cam kết theo giấy phép hoạt động xây
dựng được cấp với hành vi quy định tại điểm e khoản 3 Điều này;

g) Buộc nhà thầu nước ngoài bổ sung nội dung, khối lượng hoặc giá trị cụ
thể phần công việc của nhà thầu Việt Nam trong liên danh hoặc của nhà thầu phụ
Việt Nam với hành vi quy định tại điểm g khoản 3 Điều này;

h) Buộc thực hiện đăng kiểm theo quy định với hành vi quy định tại điểm
h khoản 3 Điều này;

i) Buộc nhà thầu thực hiện chế độ báo cáo theo quy định với hành vi quy
định tại điểm i khoản 3 Điều này.

Tình huống 8: Anh Trần Văn Đăng (Hải
Minh – Hải Hậu) hỏi: Hành vi vi phạm nội dung trong hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ
hợp đồng đối với nhà thầu, chủ đầu tư (trong trường hợp tự thực hiện), tổ chức
các nhân khi tham gia hoạt động xây dựng được quy định như thế nào?

Trả lời: Hành vi vi phạm
nội dung trong hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ hợp đồng đối với nhà thầu, chủ đầu tư
(trong trường hợp tự thực hiện), tổ chức các nhân khi tham gia hoạt động xây
dựng theo Điều 25 Nghị định 16/2022/NĐ-CP thì:

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với nhà thầu
không thực hiện đúng nội dung trong hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ hợp đồng.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc thực hiện đúng nội dung trong hồ sơ
dự thầu hoặc hồ sơ hợp đồng với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này đối với
trường hợp đang thực hiện theo hợp đồng.

Tình huống 9: Chị Lưu Thị Loan (Tân
Khánh – Vụ Bản) hỏi: Hành vi vi phạm quy định về khảo sát xây dựng đối với nhà
thầu, chủ đầu tư (trong trường hợp tự thực hiện), tổ chức các nhân khi tham gia
hoạt động xây dựng được quy định như thế nào?

Trả lời: Hành vi vi phạm quy định về khảo sát
xây dựng đối với nhà thầu, chủ đầu tư (trong trường hợp tự thực hiện), tổ chức
các nhân khi tham gia hoạt động xây dựng theo Điều 27 Nghị định 16/2022/NĐ-CP
thì:

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong
các hành vi sau đây:

a) Sử dụng nhân lực, thiết bị, phòng thí nghiệm không phù hợp với phương
án kỹ thuật khảo sát xây dựng được duyệt;

b) Phiếu kết quả thí nghiệm không đáp ứng các nội dung theo quy định;

c) Không lưu trữ mẫu khảo sát hoặc tài liệu khảo sát theo quy định.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong
các hành vi sau đây:

a) Không lập nhiệm vụ khảo sát hoặc không lập
phương án kỹ thuật khảo sát;

b) Lập phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng không phù hợp với nhiệm vụ
khảo sát xây dựng hoặc không phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật
về khảo sát xây dựng;

c) Lập nhiệm vụ khảo sát hoặc phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng không
phù hợp với loại, cấp công trình xây dựng hoặc loại hình khảo sát;

d) Thực hiện khảo sát khi chưa có nhiệm vụ khảo sát hoặc phương án kỹ
thuật khảo sát xây dựng được phê duyệt;

đ) Thực hiện khảo sát không theo nhiệm vụ khảo sát hoặc phương án kỹ
thuật khảo sát xây dựng được phê duyệt hoặc vi phạm trình tự khảo sát theo quy
định;

e) Không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định;

g) Không sử dụng bản đồ địa hình hoặc sử dụng bản đồ địa hình không phù
hợp với từng loại đồ án quy hoạch xây dựng;

h) Không thực hiện khảo sát đo đạc bổ sung trong trường hợp bản đồ khảo
sát địa hình chưa phù hợp với hiện trạng, không được lập bởi cơ quan có tư cách
pháp nhân tại thời điểm lập quy hoạch xây dựng hoặc chỉ có bản đồ địa chính.

3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi báo
cáo tài liệu, số liệu khảo sát không đúng thực tế khảo sát hoặc không đúng quy
định dẫn tới phải điều chỉnh thiết kế.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc sử dụng nhân lực, thiết bị, phòng thí nghiệm phù hợp với phương
án kỹ thuật khảo sát xây dựng được duyệt với hành vi quy định tại điểm a khoản
1 Điều này đối với công trình chưa khởi công hoặc đang thi công xây dựng;

b) Buộc thí nghiệm lại với phiếu kết quả thí nghiệm có đầy đủ các nội
dung theo quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

c) Buộc lập nhiệm vụ khảo sát, phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng với
hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều này đối với công trình chưa khởi công
hoặc đang thi công xây dựng;

d) Buộc lập lại nhiệm vụ khảo sát, phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng
và khảo sát lại với hành vi quy định tại điểm b, điểm c, điểm d và điểm đ khoản
2 Điều này đối với công trình chưa khởi công hoặc đang thi công xây dựng;

đ) Buộc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp với hành vi quy định tại
điểm e khoản 2 Điều này đối với trường hợp chủ đầu tư chưa nghiệm thu kết quả
khảo sát.

Tính huống 10: Anh Nguyễn Thế Hùng
(Xuân Tân – Xuân Trường) hỏi: Hành vi vi phạm quy định về thẩm tra dự án đầu tư
xây dựng công trình, thiết kế, dự toán xây dựng Hành vi vi phạm quy định về
khảo sát xây dựng đối với nhà thầu, chủ đầu tư (trong trường hợp tự thực hiện),
tổ chức các nhân khi tham gia hoạt động xây dựng được quy định như thế nào?

Trả lời: Đối với hành vi vi phạm quy định về thẩm tra dự án đầu tư xây dựng công
trình, thiết kế, dự toán xây dựng Hành vi vi phạm quy định về khảo sát xây dựng
đối với nhà thầu, chủ đầu tư (trong trường hợp tự thực hiện), tổ chức, cá nhân
khi tham gia hoạt động xây dựng được quy định tại Điều 29,  Nghị định 16/2022/NĐ-CP cụ thể:

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong
các hành vi sau đây:

a) Thực hiện thẩm tra dự án do mình lập hoặc công trình do mình thiết
kế;

b) Báo cáo kết quả thẩm tra không chính xác.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc hủy kết quả thẩm tra với hành vi quy định tại điểm a khoản 1
Điều này;

b) Buộc lập lại kết quả thẩm tra với hành vi quy định tại điểm b khoản 1
Điều này đối với công trình xây dựng đang thi công.

Tình huống 11: Chị
Bùi Thị Phương (TT Gôi- Vụ Bản) hỏi:
Hành
vi
vi phạm quy định về quản lý đối
với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trong thi công xây
dựng công trình của nhà thầu, chủ đầu tư (trong trường hợp tự thực hiện), tổ
chức, cá nhân được quy định như thế nào?

Trả lời: Hành vi vi phạm quy định về quản lý đối với máy, thiết bị có
yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình của
nhà thầu, chủ đầu tư (trong trường hợp tự thực hiện), tổ chức các nhân được quy
định được quy định tại  Điều 34 Nghị định
16/2022/NĐ-CP, cụ thể:

1. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong
các hành vi sau đây:

a) Không kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với máy, thiết bị có
yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo quy định;

b) Không sử dụng phần mềm trực tuyến quản lý cơ sở dữ liệu kiểm định để
cập nhật cơ sở dữ liệu đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn
lao động sử dụng trong thi công xây dựng đã được kiểm định.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với máy, thiết bị có yêu
cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động với hành vi quy định tại điểm a khoản 1
Điều này đối với công trình đang thi công xây dựng;

b) Buộc sử dụng phần mềm trực tuyến quản lý cơ sở dữ liệu kiểm định để
cập nhật cơ sở dữ liệu với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Tình huống 12: Anh Nguyễn Thế Hà (Giao
Thiện – Giao Thủy) hỏi: Hành vi vi phạm quy định về nghiệm thu, thanh toán khối
lượng công trình xây dựng của nhà thầu, chủ đầu tư (trong trường hợp tự thực
hiện), tổ chức, cá nhân được quy định như thế nào?

Trả lời: Đối với hành vi vi phạm quy định về
nghiệm thu, thanh toán khối lượng công trình xây dựng của nhà thầu, chủ đầu tư (trong trường hợp tự thực hiện), tổ chức,
cá nhân được quy định tại Điều 36 Nghị định 16/2022/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kéo
dài thời gian hoàn thiện hồ sơ, tài liệu phục vụ cho công tác nghiệm thu, thanh
toán, quyết toán công trình theo quy định.

2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong
các hành vi sau đây:

a) Nghiệm thu khối lượng, công việc chưa thực hiện hoặc nghiệm thu khối
lượng, công việc nhiều hơn công việc thực tế thi công;

b) Nghiệm thu không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với tiêu chuẩn áp
dụng, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc không theo yêu cầu của thiết kế công
trình;

c) Nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng khi
chưa có văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường và quy
định của pháp luật khác có liên quan.

3. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi tổ
chức bàn giao công trình cho chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng khi chưa tổ
chức nghiệm thu theo quy định.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc hủy bỏ kết quả nghiệm thu với hành vi quy định tại điểm a, điểm
b khoản 2 Điều này và thu hồi giá trị đã thanh toán vượt về tài khoản của chủ
đầu tư với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Buộc có văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định
với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

c) Buộc nghiệm thu theo quy định với hành vi quy định tại khoản 3 Điều
này.

Tình huống 13: Chị Lê Thị Quỳnh Trang
(Minh Thuận – Vụ Bản) hỏi: Hành vi vi phạm quy định về hợp đồng xây dựng của
nhà thầu, chủ đầu tư (trong trường hợp tự thực hiện), tổ chức, cá nhân được quy
định như thế nào?

Trả lời: Tại Điều 37 Nghị định 16/2022/NĐ-CP
quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng có một trong các
hành vi sau đây:

a) Ký kết hợp đồng thầu phụ không đúng quy định đối với công trình sử dụng
vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP;

b) Hợp đồng xây dựng không sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt theo quy định.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc ký hợp đồng thầu phụ đúng quy định với hành vi quy định tại điểm
a khoản 1 Điều này;

b) Buộc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong hợp đồng xây dựng theo quy
định với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Tình huống 14: Anh Trần Quang Tiến (Nam
Lợi – Nam Trực) hỏi: Đối với hành vi
vi phạm quy định về bảo hành, bảo trì
công trình xây dựng của nhà thầu, chủ đầu tư (trong trường hợp tự thực hiện),
tổ chức, cá nhân được quy định thế nào?

Trả lời: Theo Điều 38 Nghị định 16/2022/NĐ-CP
thì:

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi
không lập báo cáo hoàn thành công tác bảo hành công trình gửi chủ đầu tư.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi
không lập quy trình bảo trì hoặc lập quy trình bảo trì không đảm bảo đầy đủ các
nội dung theo quy định.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi
không thực hiện trách nhiệm bảo hành theo quy định.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc lập báo cáo hoàn thành công tác bảo hành công trình gửi chủ đầu
tư theo quy định với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc lập quy trình bảo trì theo quy định với hành vi quy định tại
khoản 2 Điều này;

c) Buộc thực hiện trách nhiệm bảo hành theo quy định với hành vi quy
định tại khoản 3 Điều này

Tình huống 15: Chị Bùi Thị Thúy Hoa (TT
Yên Định – Hải Hậu) hỏi: Nhà thầu, chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân không lưu
trữ  hồ sơ thiết kế và thi công công
trình thì có bị xử phạt vi phạm hành chính không?  

Trả lời: Đối với hành vi vi phạm quy định về lưu trữ được của nhà thầu,
chủ đầu tư, tổ chức cá nhân được quy định tại Điều 39 Nghị định 16/2022/NĐ-CP,
cụ thể:

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong
các hành vi:

a) Nhà thầu khảo sát, thiết kế không lưu trữ hồ sơ khảo sát, thiết kế
xây dựng công trình theo quy định;

b) Nhà thầu giám sát không lưu trữ hồ sơ quản lý thi công xây dựng công
trình liên quan đến công việc giám sát theo quy định;

c) Nhà thầu thi công xây dựng không lưu trữ hồ sơ quản lý chất lượng
công trình theo quy định;

d) Tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng không lưu trữ hồ
sơ thí nghiệm, phiếu nhận mẫu và phiếu kết quả thí nghiệm theo quy định;

đ) Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về xây dựng không lưu trữ hoặc
lưu trữ hồ sơ khóa học không đúng quy định.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc lưu trữ hồ sơ theo đúng quy định
với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

Tình huống 16: Anh Phạm Hải Hà ( Yên
Lợi – Ý Yên) hỏi: Hành vi vi phạm quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và
vườn hoa được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo Điều 54 Nghị định 16/2022/NĐ-CP
thì:

1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, cắt cành cây, lột vỏ thân cây,
phóng uế quanh gốc cây;

b) Chăm sóc, cắt tỉa cây không tuân thủ quy trình kỹ thuật.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong
các hành vi sau đây:

a) Đổ chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; đun nấu, đốt
gốc, xây bục, bệ quanh gốc cây;

b) Trồng cây xanh trên hè, dải phân cách, đường phố, nút giao thông hoặc
khu vực công cộng không đúng quy định;

c) Trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng hoặc cây trong danh
mục cây trồng hạn chế khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép;

d) Ngăn cản việc trồng cây xanh theo quy định;

đ) Trồng cây xanh đô thị không đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, không
đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và bảo đảm an toàn.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tự ý
chặt hạ, dịch chuyển, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh khi chưa
được cấp phép.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu với hành vi quy định tại điểm
a, điểm b, điểm c khoản 2 Điều này;

b) Buộc trồng cây xanh đô thị đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, chủng
loại, tiêu chuẩn cây với hành vi quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này.

Tình huống 17: Chị Bùi Thị Mai (Đồng Sơn
– Nam Trực) hỏi: Hành vi vi phạm quy định về quản lý và sử dụng chung công
trình hạ tầng kỹ thuật được quy định cụ thể tại Điều nào, nội dung như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 57 Nghị định
16/2022/NĐ-CP thì hành vi vi phạm quy định về quản lý và sử dụng chung công
trình hạ tầng kỹ thuật được quy định cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong
các hành vi sau đây:

a) Cản trở việc lắp đặt, vận hành, bảo trì, nâng cấp trang thiết bị theo
quy định;

b) Vi phạm các quy định về quản lý, khai thác sử dụng, bảo trì công
trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đối với hành vi lắp đặt,
quản lý, vận hành đường dây, cáp viễn thông, điện lực, chiếu sáng công cộng,
đường ống cấp nước, thoát nước, cấp năng lượng hoặc thiết bị vào công trình hạ
tầng kỹ thuật sử dụng chung không đúng quy định.

3. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi xây
dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung không tuân thủ quy hoạch đô thị,
không có giấy phép xây dựng theo quy định hoặc sai nội dung giấy phép xây dựng
được cấp.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tuân thủ quy định về lắp đặt, vận hành, bảo trì, nâng cấp trang
thiết bị với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Buộc thực hiện đúng các quy định về quản lý, khai thác sử dụng, bảo
trì công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung với hành vi quy định tại điểm b
khoản 1 Điều này;

c) Buộc lắp đặt, quản lý, vận hành đúng quy định đối với đường dây, cáp
viễn thông, điện lực, chiếu sáng công cộng, đường ống cấp nước, thoát nước, cấp
năng lượng, thiết bị vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung với hành vi
quy định tại khoản 2 Điều này;

d) Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm với hành vi
quy định tại khoản 3 Điều này.

Tình huống 18: Chị Vũ Thị Huê (Đại
Thắng – Vụ Bản) hỏi: Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ bất động
sản được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo Điều 59 Nghị định 16/2022/NĐ-CP
thì:

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong
các hành vi sau đây:

a) Kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng
chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định;

b) Tẩy xóa, sửa chữa chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản làm sai
lệch nội dung chứng chỉ;

c) Cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới bất
động sản để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới bất động sản;

d) Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản đồng thời
vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh
doanh bất động sản.

2. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với một trong
các hành vi sau đây:

a) Kinh doanh dịch vụ bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp theo
quy định hoặc không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản
theo quy định hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định;

b) Hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản không được lập thành văn bản
hoặc không đầy đủ các nội dung chính theo quy định;

c) Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, dịch vụ sàn
giao dịch bất động sản hoặc cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản
độc lập không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định;

d) Sàn giao dịch bất động sản không có quy chế hoạt động hoặc hoạt động
sai quy chế được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc hoạt động không có tên,
địa chỉ theo quy định hoặc thay đổi tên, địa chỉ hoạt động nhưng không thông
báo đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định;

đ) Thu các loại phí kinh doanh dịch vụ bất động sản mà pháp luật không
quy định.

3. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong
các hành vi sau đây:

a) Bất động sản được đưa lên sàn giao dịch bất động sản nhưng không đủ
điều kiện theo quy định;

b) Không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không trung thực
hồ sơ, thông tin về bất động sản mà mình môi giới.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng đối
với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản từ
06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2, điểm a khoản
3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc có chứng chỉ hành nghề theo quy định khi kinh doanh dịch vụ môi
giới bất động sản độc lập với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Buộc nộp lại chứng chỉ hành nghề bị tẩy xóa, sửa chữa cho cơ quan có
thẩm quyền đã cấp chứng chỉ hành nghề với hành vi quy định tại điểm b khoản 1
Điều này;

c) Buộc thành lập doanh nghiệp theo quy định khi kinh doanh dịch vụ bất
động sản hoặc buộc có đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản
theo quy định với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

d) Buộc lập hợp đồng hoặc hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản đầy
đủ các nội dung chính theo quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 2
Điều này;

đ) Buộc thực hiện chế độ báo cáo theo quy định với hành vi quy định tại
điểm c khoản 2 Điều này;

e) Buộc trả lại cho bên nộp tiền các loại phí kinh doanh dịch vụ bất
động sản theo quy định với hành vi quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này;

g) Buộc cung cấp thông tin về bất động sản theo quy định với hành vi quy
định tại điểm b khoản 3 Điều này.

Tình huống 19: Chị Trần Thị Mai Lan (Nghĩa
Sơn – Nghĩa Hưng ) hỏi: Hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung
cư đối với người sử dụng nhà chung cư được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 70 Nghị định
16/2022/NĐ-CP thì hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư đối
với người sử dụng nhà chung cư được quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong
các hành vi sau đây:

a) Gây thấm, dột căn hộ chung cư không thuộc quyền sở hữu, quản lý, sử
dụng của mình;

b) Sử dụng màu sắc sơn, trang trí mặt ngoài căn hộ, nhà chung cư không
đúng quy định về thiết kế, kiến trúc;

c) Kinh doanh hàng hóa nguy hiểm gây cháy nổ, dịch vụ sửa chữa xe có
động cơ hoặc dịch vụ giết mổ gia súc;

d) Kinh doanh nhà hàng, karaoke, quán bar tại phần diện tích dùng để
kinh doanh của nhà chung cư nhưng không đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng cháy,
chữa cháy theo quy định;

đ) Hoạt động kinh doanh tại phần diện tích không dùng để kinh doanh của
nhà chung cư theo quy định;

e) Sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.

2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong
các hành vi sau đây:

a) Chiếm dụng diện tích nhà ở trái pháp luật; lấn chiếm không gian xung
quanh, lấn chiếm các phần thuộc sở hữu chung hoặc lấn chiếm các phần thuộc sở
hữu riêng của chủ sở hữu khác dưới mọi hình thức;

b) Tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu
riêng trong nhà chung cư;

c) Sử dụng phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử
dụng chung vào sử dụng riêng;

d) Sử dụng sai mục đích phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện
tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu với hành vi quy định tại điểm
a, điểm b khoản 1, điểm a, điểm b khoản 2 Điều này;

b) Buộc chuyển kinh doanh hàng hóa nguy hiểm gây cháy nổ ra khỏi địa bàn
dân cư hoặc buộc không sử dụng dịch vụ sửa chữa xe có động cơ hoặc buộc không
kinh doanh dịch vụ giết mổ gia súc ở khu vực nhà chung cư với hành vi quy định
tại điểm c khoản 1 Điều này;

c) Buộc đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định
với hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;

d) Buộc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích để ở với hành vi quy định
tại điểm e khoản 1 Điều này;

đ) Buộc trả lại phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu,
sử dụng chung với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

e) Buộc sử dụng đúng phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện
tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp với hành vi quy định tại điểm d
khoản 2 Điều này.

Tình huống 20: Chị Lê Thị Hiên (Trực
Phú – Trực Ninh) hỏi: Hành vi vi phạm quy định về lập, lưu trữ hồ sơ nhà ở được
quy định như thế nào?

Trả lời: Tại Điều 71 Nghị định 16/2022/NĐ-CP
thì:

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi
không lập, không lưu trữ hồ sơ nhà ở hoặc lập, lưu trữ hồ sơ nhà ở không đầy đủ
theo quy định đối với trường hợp xây dựng nhà ở để cho thuê.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc lập, lưu trữ đầy đủ hồ sơ nhà ở với
hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

Tình huống 21: Anh Nguyễn Văn Phú (Xuân
Thượng – Xuân Trường) hỏi: Thẩm quyền xử phạt của thanh tra viên xây dựng (hoặc
thanh tra viên giao thông vận tải) được quy định như thế nào?

Trả lời: Điều 73 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy
định như sau:

1. Cảnh cáo.

2. Phạt tiền đến 1.000.000 đồng.

3. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không
vượt quá 2.000.000 đồng.

4. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, điểm b
khoản 4 Điều 4 Nghị định này.

Tình huống 22: Anh Phan Văn Kiên (Nghĩa
Sơn – Nghĩa Hưng) hỏi: Thẩm quyền xử phạt của Trưởng đoàn thanh tra chuyên
ngành trong lĩnh vực xây dựng quy định thế nào?

Trả lời: Tại Điều 74 Nghị định 16/2022/NĐ-CP
quy định như sau:

1. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Sở Xây dựng (hoặc
Thanh tra Sở Giao thông vận tải – Xây dựng) có thẩm quyền xử phạt như sau:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề
có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không
vượt quá 200.000.000 đồng;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Điều 4
Nghị định này.

2. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ Xây dựng có thẩm
quyền xử phạt như sau:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000.000 đồng đối với hoạt động xây dựng, kinh doanh
bất động sản; đến 210.000.000 đồng đối với hoạt động sản xuất vật liệu xây
dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý, phát triển nhà;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề
có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vi phạm có giá trị
không vượt quá 1.000.000.000 đồng đối với các hoạt động xây dựng, kinh doanh
bất động sản; đến 420.000.000 đồng đối với các hoạt động sản xuất vật liệu xây
dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý, phát triển nhà;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Điều 4
Nghị định này.

Tình huống 23: Chị Vũ Thị Bình (TT Cổ
Lễ – Trực Ninh) hỏi: Thẩm quyền xử phạt xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã trong
lĩnh vực xây dựng được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 78 Nghị định
16/2022/NĐ-CP thì:

1. Cảnh cáo.

2. Phạt tiền đến 10.000.000 đồng.

3. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không
vượt quá 20.000.000 đồng.

4. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, điểm b
và điểm c khoản 4 Điều 4 Nghị định này.

Tình huống 24: Anh Trần Văn Đức (Đồng
Sơn – Nam Trực) hỏi: Thẩm quyền xử phạt xử phạt của Chủ tịch UBND cấp huyện trong
lĩnh vực xây dựng được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 79 Nghị định
16/2022/NĐ-CP thì:

1. Cảnh cáo.

2. Phạt tiền đến 200.000.000 đồng.

3. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề
có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.

4. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

5. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Điều 4
Nghị định này.

Tình huống 25: Chị Bùi Thúy Phương (Tam
Thanh – Vụ Bản) hỏi: Thẩm quyền xử phạt xử phạt của Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong
lĩnh vực xây dựng được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 80 Nghị định
16/2022/NĐ-CP thì:

1. Cảnh cáo.

2. Phạt tiền:

a) Đến 300.000.000 đồng đối với hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng,
quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý, phát triển nhà;

b) Đến 1.000.000.000 đồng đối với hoạt động xây dựng, kinh doanh bất
động sản.

3. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề
có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.

4. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

5. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Điều 4
Nghị định này.