Hỏi – Đáp tất cả thắc mắc về tình trạng khiếm thị ở trẻ
Hiện nay các bệnh về mắt đang trở nên phổ biến hơn ở trẻ, trong đó triệu chứng khiếm thị là một trong những vấn đề liên quan đến mắt nghiêm trọng nhất. Khi biết con mắc căn bệnh này, bố mẹ cần có những kiến thức cần thiết và phương pháp dạy con phù hợp để cải thiện được chất lượng cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng và giúp con phát triển tốt nhất.
Khái niệm về chứng khiếm thị ở trẻ
Khiếm thị là khái niệm chỉ về triệu chứng mất đi khả năng cảm nhận thị giác một phần hoặc toàn phần ở trẻ. Theo WHO – Tổ chức Y tế thế giới thì người bị khiếm thị có thị lực dưới 6/18 (3/10) đến phân biệt được sáng tối và thị trường dưới 10 độ tính từ điểm định thị. Khiếm thị ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bình thường cũng như khả năng học tập của trẻ em. Ngoài ra các vấn đề về sinh hoạt hàng ngày, giải trí của trẻ cũng bị tác động lớn.
Theo thống kế trên toàn cầu vào năm 2019, hiện nay có khoảng 314 triệu người mù và thị lực thấp còn ở Việt Nam, con số này là 2 triệu người, chiếm tỉ lệ dân số rất lớn.
Khiếm thị bao gồm 3 loại sau:
-
Mất thị lực tốt nhất: Bệnh nhân chỉ có được mức thị lực cao nhất là khoảng 20/70
-
Mất thị trường đáng kể: Trẻ thiếu tầm nhìn ở vùng ngoại biên (hay còn gọi là hiệu ứng tầm nhìn ống) và các điểm mù
-
Mù chưa hoàn toàn: Thị lực của trẻ chỉ đạt tối đa 20/200 hoặc trường nhìn bị giới hạn ở 20 độ.
Khiếm thị ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp cũng như những nhu cầu hàng ngày của trẻ
Nguyên nhân gây ra bệnh khiếm thị ở trẻ
Hiện nay có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh khiếm thị ở trẻ, có cả các nguyên nhân bẩm sinh và các nguyên nhân do tác động từ môi trường sống hàng ngày. Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh khiếm thị ở trẻ mà bố mẹ cần lưu ý.
-
Do các bệnh về mắt di truyền hoặc bẩm sinh: Đục thủy tinh thể bẩm sinh, chứng glocom bẩm sinh, thoái hóa sắc tố võng mạc bẩm sinh, nhãn cầu nhỏ bẩm sinh, rung giật nhãn cầu bẩm sinh, củng mạc hóa giác mạc bẩm sinh,…
-
Do các chứng bệnh toàn thân di truyền hoặc bẩm sinh: Bệnh bạch tạng, Bệnh rubella bẩm sinh, Bệnh võng mạc trẻ đẻ non
-
Do mắc các nhóm bệnh liên quan đến tật khúc xạ cao: Chứng cận thị thoái hóa, loạn thị, viễn thị nặng thoái hóa,…
-
Do mắc một trong các bệnh thuộc nhóm bệnh lý liên quan đến tổn thương thần kinh thị giác: teo gai thị, glocom…
-
Do mắc các bệnh về mắt để lại di chứng: sẹo đục giác mạc xuất hiện sau khi bị chấn thương, bị bỏng mắt, bệnh viêm màng bồ đào, bong võng mạc…
-
Do bệnh giang mai của mẹ hay nhiễm trùng bệnh lậu từ bố mẹ
-
Do gặp các tai nạn gây tổn thương nghiêm trọng tới mắt: bị pháo, chất cháy nổ bắn vào mắt, tiếp xúc trực tiếp với chất hóa học gây hại,…
Các biểu hiện của trẻ khiếm thị
Nhận biết trẻ khiếm thị sớm giúp bố mẹ có được phương pháp dạy con phù hợp cũng như điều trị kịp thời để giúp con phát triển được thị lực tốt đa. Trẻ khiếm thị có thể là do bẩm sinh hoặc môi trường sống nên bố mẹ cần lưu ý các dấu hiệu và biểu hiện dưới đây để nhận biết kịp thời.
-
Trẻ không dùng thị giác để khám phá môi trường xung quanh
-
Khi có một đồ vật đang chuyển động trước mắt, trẻ không chú ý hoặc dõi nhìn theo đồ vật đó
-
Mí mắt của trẻ bị đỏ, đóng vảy, thường xuyên chảy nước mắt hoặc sưng.
-
Mí mắt có cử động bất thường, xảy ra tình trạng sụp mí
-
Trẻ quá nhạy cảm với ánh sáng như phản ứng dữ dội khi thay đổi môi trường như khi di chuyển từ phòng ra ngoài trời,…
-
Không phản ứng với các vật trước mắt trừ khi được nhìn rất sát mắt hoặc khi có tiếng động đi kèm.
-
Di chuyển gặp nhiều khó khăn khi trời sẩm tối.
-
Khó khăn trong khi đi lại hoặc lên xuống cầu thang.
-
Không đọc được chữ trên bảng đen hay tên đường, tên phố mặc dù đứng gần
-
Xảy ra tình trạng rung giật nhãn cầu.
-
Hay bị vấp ngã khi đi đứng, chạy nhảy, không nhận biết được gương mặt của người thân
-
Trẻ có tiền sử phẫu thuật hoặc điều trị các bệnh mắt và xuất hiện tình trạng thị lực kém sau điều trị.
Trẻ khiếm thị có mí mắt cử động bất thường, xảy ra tình trạng sụp mí
Các phương pháp giáo dục trẻ khiếm thị
Hiện nay, việc giáo dục các trẻ khiếm thị đã có được sự quan tâm ở nhiều tỉnh thành. Việc chăm sóc các em ngay từ khi còn nhỏ trước khi bước vào trường giúp trẻ hòa nhập tốt hơn cũng như không phải gặp quá nhiều khó khăn so với các bạn đồng trang lứa khi tiếp thu kiến thức. Việc chăm sóc và giáo dục trẻ khiếm thị đòi hỏi sự cẩn thận, kiên trì và hiểu biết từ bố mẹ.
-
Tạo sự cảm nhận từ các giác quan của trẻ
Ngoài khả năng nhìn, các giác quan của con người bao gồm: Lắng nghe – Tiếp xúc – Nếm – Ngửi. Trẻ cần được kích thích các giác quan này thường xuyên để tạo nhiều cơ hội hoạt động, giúp trẻ phát huy được tiềm năng tối đa. Bố mẹ hãy động viên và hướng dẫn trẻ sử dụng tất cả các bộ phận trên cơ thể để nhận biết và cảm nhận được tối đa tất cả các thông tin hay hoạt động của môi trường xung quanh. Ví dụ như khi dạy trẻ nhận biết đồ vật, ngoài nói cho trẻ nghe hãy kết hợp vừa mô tả bằng lời vừa cho trẻ sờ nắn để cảm nhận được. Hay khi cho trẻ ăn, uống bố mẹ hãy mô tả đồ ăn thức uống cho trẻ.
-
Cung cấp các thông tin xung quanh
Điều này cần sự kiên nhẫn rất nhiều từ bố mẹ. Vì khả năng nhìn của trẻ rất hạn chế nên trẻ cần được nhận biết cũng như giải thích đầy đủ với mọi thông tin xung quanh mà trẻ đang tiếp xúc. Bố mẹ có thể mô tả hình dáng, kích thước, chất liệu, màu sắc hay cả trọng lượng của các đồ vật trong nhà mà trẻ vẫn dùng hàng ngày. Khi có tiếng động hãy mô tả hoạt động hay đồ vật gây nên hành động đó và giải thích cũng như chia sẻ trẻ cần làm gì khi đó. Bố mẹ nên bắt đầu bằng việc chọn môi trường có các âm thanh đơn lẻ rồi từ từ nâng cao lên các môi trường có nhiều âm thanh hơn.
-
Gia tăng việc vận động
Thường thì trẻ khiếm thị rất ít khi di chuyển bị sợ bị va chạm với các đồ vật hay người khác, con chỉ di chuyển khi cần thiết. Nếu bố mẹ không khuyến khích trẻ vận động, đi lại sẽ dẫn đến việc trẻ bị thụ động, ngại khám phá và tiếp xúc với môi trường xung quanh dẫn đến hạn chế khả năng phát triển. Bố mẹ hãy bắt đầu bởi những hành động nhỏ nhất như thường xuyên nắm lấy tay trẻ hay thỉnh thoảng nâng lên đặt xuống theo nhịp điệu của cuộc trò chuyện. Vừa đọc sách cho trẻ vừa xen vào các hành động theo cảm xúc câu chuyện như vỗ tay khi nhân vật trong truyện làm được 1 điều tốt, cổ vũ khi nhân vật trong truyện đang cố gắng thực hiện nhiệm vụ.
Trẻ sợ di chuyển vì sợ va vấp với các đồ vật trong nhà, bởi vậy bố mẹ cần sắp xếp các vật dụng gia đình một các hợp lý, dạy cho trẻ vị trí các đồ vật để trẻ có thể cảm nhận, sợ nắm hay tránh khi di chuyển. Khi thay đổi vị trí một món đồ nào đó, bố mẹ hãy mô tả cho trẻ biết vị trí mới của đồ vật đó. Bố mẹ cũng nên khuyến khích trẻ chơi và khám phá bằng cách mua sắm các món đồ chơi cho trẻ tuy nhiên cần lưu ý về thiết kế, hình dáng để tránh nguy hiểm cũng như hướng dẫn trẻ sắp xếp gọn gàng khi chơi xong.
Trẻ khiếm thị rất cần những điểm tựa khi di chuyển, bước đầu bố mẹ nên hướng dẫn cho trẻ đi dọc bờ tường hoặc các cột mốc như tủ lớn, giường, bàn,… Bố mẹ có thể lắp thêm tay cầm trong các góc tường để khuyến khích trẻ di chuyển và tạo cho trẻ cảm giác an toàn, sau đó hướng dẫn trẻ mạnh dạn định hướng, xác định địa hình và di chuyển đến các điểm khác trong nhà
Ngoài ra, các cột mốc, hay đồ vật có phát ra âm thanh cũng hỗ trợ rất tốt cho trẻ, bố mẹ có thể sử dụng chiếc đồng hồ, radio, TV hay phát ra âm thanh và đặt ở những nơi cố định trong nhà.
-
Kích thích khả năng tiếp xúc và tăng trải nghiệm
Việc cho trẻ tiếp xúc với môi trường xung quanh và tăng tính trải nghiệm sẽ giúp việc tiếp thu của trẻ tăng lên rất nhiều. Trẻ có thể tiếp xúc với thế giới bên ngoài thông qua những món đồ vật thông thường hay các trò chơi đơn giản cùng bố mẹ, đó cũng là những niềm vui của. Bố mẹ hãy dành thời gian nhiều hơn với trẻ, cũng chơi các món đồ chơi quen thuộc, cùng trẻ tập hát, tập nhảy hay đọc sách hàng ngày. Việc có thêm nhiều đồ chơi mới thường khiến trẻ con rất thích thú, tuy nhiên với trẻ khiếm thị sẽ có chút sợ hãi vì con không thể nhìn thấy và cảm nhận được. Bố mẹ hãy kiên nhẫn và cho trẻ làm quen từ từ, động viên và khuyến khích để con can đảm hơn, nếu trẻ vẫn e dè thì có thể chờ một dịp khác thích hợp hơn. Ngoài những món đồ chơi đơn giản chỉ cần sự cầm nắm, việc chơi những đồ chơi lớn và giúp trẻ tương tác được nhiều hơn như xe gỗ, xe đẩy,… sẽ giúp ích rất lớn cho sự hoạt động của trẻ. Tuy nhiên đối với những món đồ này bố mẹ cần chú ý theo sát khi trẻ chơi để đảm bảo sự an toàn cho trẻ, tránh chọn những đồ vật có góc nhọn sắc hay bọc thêm đệm để trẻ cảm thấy thoải mái hơn.
Một trong những nhu cầu và niềm vui thích của trẻ là được tiếp xúc với thiên nhiên cũng như môi trường xung quanh. Bố mẹ hãy thường xuyên cho trẻ đi chơi ở sân nhà, công viên hay các vùng quê,… để trẻ có dịp khám phá được các môi trường mới. Bố mẹ đừng ngại cho trẻ đi chân trần, chơi với đất cát hay chơi với các bạn nhỏ khác bới đây là những trải nghiệm hết sức thú vị, kích thích hầu hết các giác quan khác nhau và giúp trẻ tiếp thu được những hoạt động mới dễ dàng hơn rất nhiều.
-
Quan tâm đến sự an toàn
Một yếu tố mà bố mẹ phải luôn luôn lưu ý khi chăm sóc trẻ khiếm thị là giữ an toàn cho trẻ. Điều này sẽ giúp những trẻ có tâm lý sợ sệt ổn định hơn và giúp những trẻ hiếu động không bị nguy hiểm bởi các vật dụng xung quanh.
Trẻ khiếm thị rất cần sự hoạt động để giúp con tương tác với thế giới bên ngoài, hãy tạo cơ hội để trẻ vận động ngoài trời như tập thể dục cùng bạn bè, ngồi chơi xích đu, chơi đùa với cát hay chơi bập bênh,… Nhưng hoạt động này sẽ khiến trẻ rất thích thú cũng như có thêm nhiều bạn. Tuy nhiên vì khả năng nhìn của trẻ hạn chế, trẻ rất dễ bị ngã hay bị va chạm, bởi vậy bố mẹ cần lưu ý cho con chơi ở những khu vui chơi có hàng rào bảo vệ chắc chắn, luôn để mắt đến trẻ để đảm bảo sự an toàn nhất cho con.
Bố mẹ cần quan sát để đảm bảo sự an toàn cho trẻ
-
Giúp cho trẻ ý thức được những năng lực của bản thân
Việc ý thức được nhưng năng lực tiềm tàng của mình và biết cách phát triển chúng giúp trẻ khiếm thị có thể phát triển và vượt lên khó khăn hòa nhập được với cộng đồng. Trẻ bị giới hạn khả năng nhìn nên con cảm nhận thế giới khác với bố mẹ hay những đứa trẻ bình thường, thay vì nhìn để nhận biết con sẽ nghe hoặc cảm nhận. Tuy nhiên con cũng có những năng lực tiềm tàng như trí thông minh về ngôn ngữ, thông minh âm nhạc,… bởi vậy bố mẹ và giáo viên cần giúp con khai thác được năng lực của mình
Bố mẹ hãy tạo cho trẻ khiếm thị có cảm giác trẻ cũng là thành viên có ích cho gia đình và xã hội, trẻ cũng có những người bạn yêu thương và con cũng có khả năng giúp đỡ mọi người. Cho dù trẻ nhìn kém hoặc bị mất khả năng nhìn nhưng con vẫn có khả năng học tập, bởi vậy bố mẹ và thầy cô nên tạo ra một môi trường tin cậy để trẻ có thể học tập tốt nhất. Tránh những trường hợp trẻ bị bắt nạt hay trêu đùa để con thấy tự tin hơn vào bản thân và cố gắng mỗi ngày.
Ngoài ra, hãy giúp trẻ biết được các kế hoạch thực hiện các công viên hàng ngày, hàng tuần, giúp con rèn luyện khả năng sắp xếp công việc, lên kế hoạch để đạt được mục tiêu đề ra.
-
Nhờ đến sự giúp đỡ từ chuyên gia
Ngoài sự hỗ trợ từ gia đình và các thầy cô giáo trên lớp, bố mẹ nên nhờ đến sự giúp đỡ từ các chuyên gia trong ngành để lên các phác đồ điều trị phù hợp. Về phương pháp phục hồi chức năng thị giác cho trẻ khiếm thị bao gồm 4 bước: Đánh giá các tổn thương thị giác chủ quan; đánh giá các tổn thương thị giác khách quan; chỉ định dụng cụ trợ thị phù hợp và hướng dẫn chi tiết các kỹ năng nhìn, kỹ năng tự phục vụ và cách cải thiện môi trường sống phù hợp với trẻ. Các chuyên gia sẽ theo sát trẻ trong quá trình điều trị và phục hồi chức năng để theo dõi sự tiến triển của trẻ giúp đưa ra được những liệu trình tiếp theo.
-
Chọn các trung tâm chuyên biệt dành cho trẻ khiếm thị
Việc can thiệp sớm và cho con tham gia các khóa học chuyên biệt cho trẻ khiếm thị giúp con phát triển được năng lực của mình cũng như tạo điều kiện phát triển tốt nhất cho trẻ. Khi chọn trường cho con, bố mẹ cần lưu ý đến các tiêu chí để đảm bảo phù hợp với con nhất. Về chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy cần khơi gợi được khả năng của trẻ, giúp trẻ phát huy hết được tiềm năng của mình. Bố mẹ nên cho con tham gia các buổi trải nghiệm thử để đáng giá được sự phù hợp giữa phương pháp dạy của nhà trường với cách tiếp thu của trẻ. Bố mẹ cũng cần lưu ý đến quy mô lớp học phù hợp, số lượng từ 10-15 trẻ là phù hợp để các giáo viên quan tâm và chăm sóc được hết các học sinh trong lớp. Ngoài ra, một ngôi trường có sân chơi rộng rãi và an toàn cũng giúp trẻ tăng cường được các hoạt động thể chất cũng như giao lưu với bạn bè nhiều hơn.
Bố mẹ cần chú ý các tiêu chí quan trọng khi chọn trường cho trẻ khiếm thị
Ở Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý – Giáo dục Khai Tâm, một trong những trung tâm dành cho trẻ chuyên biệt hàng đầu tại Hà Nội, chúng tôi luôn đề cao triết lý giáo dục giúp trẻ phát huy được khả năng tiềm tàng của mình. Việc tổ chức các hội thảo thường xuyên và các khóa học ngắn hạn cho phụ huynh để cung cấp cho bố mẹ những kiến thức cần thiết, giúp phối hợp chặt chẽ với nhà trường để theo dõi tình trạng cũng như có những phương pháp can thiệp phù hợp, cho con sự phát triển tối đa.
Mọi thắc mắc liên quan đến khiếm thị và cách dạy trẻ khiếm thị, quý phụ huynh vui lòng liên hệ đến giáo dục Khai Tâm theo địa chỉ sau:
-
Địa chỉ: 18-TT2, Khu đấu giá đất Tứ Hiệp, xã Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội.
-
Hotline: 037.829.8355
-
Website: https://giaoduckhaitam.vn/
-
Email: [email protected]
=========================================================
Các bài viết liên quan:
1. Bệnh down có chữa được không? Cách chăm sóc trẻ bệnh down
2. Cách nhận biết sớm dấu hiệu bệnh Down ở thai nhi
3. Hiểu về nguyên nhân bệnh down để biết cách phòng ngừa
4. Tìm trường dành cho trẻ bệnh down ở đâu tốt tại Hà Nội?