Học trò hành hung, thầy cô phải cắn răng mà chịu? – Giáo dục Việt Nam
GDVN- Luật Giáo dục nghiêm cấm học sinh xâm phạm thân thể nhà giáo. Vậy học sinh đánh cô, hắt nước vào mặt, bắn đạn giấy vào mắt, sao không thấy nhà trường xử lý?
Giờ học kinh hoàng
Nếu clip được đăng về giờ học của cô giáo Nguyễn Thị Tuất – giáo viên trường Tiểu học Sài Sơn B, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội) trên Báo Người đưa tin là sự thật thì quả thực cũng là nhà giáo đã và đang đứng lớp gần 30 năm nay, người viết chưa có giờ dạy nào diễn ra kinh hoàng như thế.
Học sinh bắn đạn giấy vào mắt cô giáo gây thương tích (Ảnh chụp clip Báo Người đưa tin)
Chúng tôi phải dùng 2 chữ kinh hoàng để diễn tả vì nó ngoài sức tưởng tượng của bao người.
Không kinh hoàng sao được khi ngay trong giờ học nhưng học sinh ngang nhiên bỏ bộ bài lên bàn học và chụm đầu vào chơi bài mặc cho cô giáo nhắc nhở.
Không kinh hoàng mà mới học lớp 5 đã có em mang chăn đến lớp trùm kín đầu còn trả lời ráo hoảnh với cô “lạnh ạ!”; “không có người yêu nên lạnh ạ!”.
Không kinh hoàng sao học trò cầm thước xông lên bục giảng đánh cô, còn cô giáo chỉ biết lùi và nép sát vào góc bàn.
Học sinh cầm thanh gỗ lên bàn đánh cô giáo (Ảnh chụp clip Báo Người đưa tin)
Không kinh hoàng sao được khi chúng còn hắt nước, lấy dép dí vào mặt cô, lấy súng cao su bắn cô bị thương ở mắt phải đi bệnh viện điều trị mất cả tuần.
Học sinh che mặt lên bàn cô giáo cướp điện thoại (Ảnh chụp clip Báo Người đưa tin)
Không kinh hoàng sao được, khi một số em còn bịt mặt xông lên bục giảng lục cặp của cô để cướp điện thoại trong tiếng nói cười ra chiều thích thú.
Hỗn láo tập thể thế này, ai dạy được?
Thử hỏi, một giờ học kinh hoàng như thế ai có thể dạy được? Chắc chắn không thể dạy nổi cho dù người đó là ai.
Điều đáng nói là, nếu thật sự học sinh không muốn học, không muốn hợp tác với cô mà còn hỗn hào, bất trị đến thế thì phụ huynh trước hết phải răn dạy, phải nhắc nhở con rồi nói chuyện với giáo viên để cùng phối hợp giáo dục.
Đằng này, nhiều phụ huynh học sinh khối 4, 5 lại gửi đơn lên nhà trường, phản ánh về trình độ sư phạm của cô giáo Nguyễn Thị Tuất, không có đạo đức nghề giáo, không làm tốt vai trò quản lý học sinh trong giờ học của một giáo viên.
Trong khi đó, cô giáo Tuất đã có 6 năm đạt chiến sĩ thi đua, là giáo viên dạy giỏi cấp huyện và đã có thâm niên đứng lớp 30 năm nên không thể nói cô giáo không có đạo đức nghề giáo, không làm tốt vai trò quản lý học sinh trong giờ học.
Cùng với phản ánh của cha mẹ học sinh thì Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội cũng đồng ý với những phản ánh về cô giáo là đúng.
Trong bài viết “Có hay không việc trù dập giáo viên ở trường Tiểu học Sài Sơn B?” của tác giả Phương Nga trên Báo Kinh tế Đô thị đã đăng kết luận của Thông báo số 1106/TB-UBND:
Việc tổ chức lớp học trên lớp qua các tiết thực dạy của cô Tuất cho thấy, cô chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của một giáo viên trong việc tổ chức lớp học.
Cô không bao quát học sinh trong giờ học, để học sinh đùa nghịch tự do, làm việc riêng trong lớp, tiết học không hiệu quả dẫn đến chất lượng kém.
Cô Nguyễn Thị Tuất còn có những hành vi thiếu chuẩn mực, thiếu gương mẫu trong lời nói, việc làm, trong các mối quan hệ với đồng nghiệp, với phụ huynh học sinh, với công việc, nhất là với học sinh, làm ảnh hưởng uy tín nhà giáo.
Giáo viên sẽ phải tổ chức lớp học thế nào khi học sinh đồng loạt quậy tập thể? Không chỉ thế, chúng còn ngang nhiên thách thức, đánh lại cả cô?
Giáo viên không được phép la mắng học sinh, càng không được phép dùng roi để phạt. Trong trường hợp này, thử hỏi thầy cô phải làm gì?
Nếu chỉ là việc nghịch ngợm đơn thuần của học sinh thì giáo viên nhắc nhở hầu như các em đều nghe. Nhưng giả sử, đằng sau sự chống đối này có bàn tay người lớn nào đó sắp đặt thì chuyện chẳng đơn giản tí nào.
Cô giáo dạy dở nên học sinh phản ứng hay chỉ là kịch bản tàn nhẫn ai đó nhồi nhét làm vẩn đục tâm hồn các em?
Những đứa trẻ mới lên 9, lên 10 tuổi mà đã biết quậy phá tập thể, biết chống đối lệnh của giáo viên lại còn hung hăng đánh, tạt nước, bắn súng cao su, cướp điện thoại của cô ngay trong lớp học thế này đã làm cho ai biết đến câu chuyện này cũng không thể tin được.
Xưa nay, học trò bất mãn vì thầy cô dạy dở cũng có nhiều, học sinh làm đơn xin đổi giáo viên khác cũng không phải là ít nhưng chủ yếu là các em học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Sự phản ứng đổi giáo viên cũng chỉ dừng lại ở việc đưa đơn thư lên Ban giám hiệu còn hành xử như các em tiểu học này thì theo người viết, đây là lần đầu tiên xảy ra.
Nhiều người nghi ngờ sự phản ứng thái quá của học sinh chính là kịch bản được nhào nặn bởi những bàn tay phù thủy của người lớn nào đó. Nếu kẻ đó đứng trong hàng ngũ nhà giáo thì thật khủng khiếp, bởi chỉ vì mục đích cá nhân, người làm thầy đã biến những đứa trẻ ngây thơ như tờ giấy trắng thành những học sinh hỗn hào, bất trị đến như thế.
Không chỉ vậy, trò liên kết tập thể đánh thầy cô ngay trong lớp học, còn cô giáo chỉ biết đứng nép vào góc bàn không chỉ làm đảo lộn luân lý, còn biến môi trường giáo dục trở nên vấy bẩn và đáng sợ.
Học sinh được quyền đánh thầy cô? Vì sao các em không bị xử lý?
Giờ thì mọi trách nhiệm đều đổ lên đầu giáo viên như kết luận của cơ quan có thẩm quyền địa phương này: cô chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của một giáo viên trong việc tổ chức lớp học.
Cô không bao quát học sinh trong giờ học, để học sinh đùa nghịch tự do, làm việc riêng trong lớp, tiết học không hiệu quả dẫn đến chất lượng kém.
Còn những đứa trẻ hành xử với giáo viên đang dạy mình một cách láo xược như thế lại không được nhắc đến, cứ y như thể hành động của chúng là đúng.
Học sinh bắn đạn giấy vào mắt làm cô bị thương, hắt nước vào mặt cô, cầm thước đánh cô, chơi bài trong lớp, trùm chăn kín đầu trong giờ học mà chỉ là đùa nghịch tự do, là làm việc riêng trong lớp thôi ư?
Cứ cho là, cô giáo dạy chưa hay, chưa tốt thì việc các em đánh cô gây thương tích thế này cũng phải bị xử lý thật nghiêm.
Luật Giáo dục nghiêm cấm học sinh xâm phạm thân thể nhà giáo. Vậy những hành động này của các em học sinh có được xem là xâm phạm thân thể nhà giáo hay chưa? Vậy, tại sao không thấy ai nhắc đến?
Không nhắc đến để có biện pháp răn đe, xử lý nên nhiều người có quyền nghĩ học sinh đang được bao che và các em có quyền hành hung khi cho rằng thầy cô dạy chưa tốt.
Nếu những khuất tất trên không được làm rõ, thì sẽ còn nhiều hệ lụy xấu xảy ra. Ngày hôm nay, đám trẻ này đánh được thầy cô ai dám chắc đây chỉ là lần duy nhất? Điều đáng sợ hơn, chúng sẽ trở thành tấm gương xấu cho nhiều học sinh noi theo và nhà trường sẽ dạy ra những thế hệ học sinh thế nào?
Sự việc này cần phải được làm triệt để, làm thật nghiêm vì cô giáo Tuất đã từng đấu tranh chống tiêu cực về thu chi của nhà trường.
Nếu giải quyết không thỏa đáng, không thấu tình đạt lý sẽ thui chột ý chí đấu tranh chống tiêu cực của các nhà giáo và ung nhọt có dịp phát triển, sinh sôi trong môi trường giáo dục sẽ thật là nguy hiểm.
Tài liệu tham khảo:
http://kinhtedothi.vn/quoc-oai-co-hay-khong-viec-tru-dap-giao-vien-o-truong-tieu-hoc-sai-son-b-413993.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Phan Tuyết