Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia – Tin tức, đọc báo, sự kiện
23/12/2019 |2771
Bảo tàng Lịch sử quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, khai quật khảo cổ học; quản lý, bảo quản, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, hiện vật về lịch sử Việt Nam nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng. Đảng bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia gồm 88 đảng viên sinh hoạt tại 4 chi bộ trực thuộc, làm việc ở 09 phòng chuyên môn, nghiệp vụ với tổng số 206 cán bộ, viên chức và người lao động.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện lưu giữ và bảo quản khoảng 200.000 hiện vật, tư liệu lịch sử văn hóa Việt Nam, gồm 19 Bảo vật quốc gia cùng nhiều sưu tập quý hiếm vào bậc nhất so với các bảo tàng cùng loại hình ở trong nước và khu vực. Giai đoạn lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử đến năm 1945 có gần 110.000 tài liệu, hiện vật là di vật, cổ vật; Giai đoạn lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến ngày nay có khoảng hơn 80.000 tài liệu, hiện vật về lịch sử cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ, trong đó 02 bảo vật quốc gia là tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đường Kách Mệnh và Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù).
Ảnh: Trưng bày sưu tập tặng phẩm của nhân dân Việt Nam, nhân dân thế giới tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam
Bảo tàng Lịch sử quốc gia vinh dự 06 lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm và làm việc (ngày 5-1-1959; 23-3-1959; 25-6-1959; 1960; 12-3-1963; 21-10-1964). Ngay ngày đầu tiên đến thăm nhân dịp khánh thành Bảo tàng, Người đã viết tặng dòng chữ “Chưng bày khéo, giải thích rõ, Viện Bảo tàng là một trường học tốt về lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam ta”. Những lời dạy của Người về công tác trưng bày và thuyết minh bảo tàng vẫn luôn là bài học quý báu cho các thế hệ cán bộ chuyên môn sau này.
Việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Đảng bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngày càng được nâng lên về nhận thức và hành động, với ý thức trách nhiệm cao, sự thống nhất, quyết tâm của cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Đảng ủy Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã chỉ đạo các chi bộ trực thuộc xây dựng tiêu chí, rèn luyện, phấn đấu tu dưỡng đạo đức, tác phong làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác phù hợp với tình hình của chi bộ và nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, đảng viên. Hàng năm, 100% đảng viên ở các chi bộ ký cam kết không suy thoái, không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đảng ủy xây dựng kế hoạch chỉ đạo triển khai sinh hoạt chuyên đề thường xuyên hằng quý gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và tập trung vào các nội dung: thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh tự phê bình và phê bình. 100% đảng viên được kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện uốn nắn những hạn chế, khuyết điểm, động viên, biểu dương những cá nhân tiêu biểu tạo sự chuyển biến về nhận thức và ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm đối với công việc được giao.
Từ năm 2016-2019, Bảo tàng tổ chức thành công 33 trưng bày chuyên đề trong đó có 13 chuyên đề trưng bày tại bảo tàng, 12 trưng bày phối hợp với các đơn vị và lưu động tại các địa phương, 08 trưng bày tại nước ngoài; thường xuyên phối hợp với các đơn vị trong nước và nước ngoài tổ chức các trưng bày chuyên đề nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục niểm tự hào dân tộc, nhiều nội dung gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và những tấm gương điển hình, nhân vật tiêu biểu học tập và làm theo Bác qua các thời kỳ lịch sử.
Với vai trò, vị trí chức năng và nhiệm vụ của mình, Đảng bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã đóng góp quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục về lịch sử, lòng tự hào dân tộc, sưu tầm, bảo quản và lưu giữ nhiều bộ sưu tập, bảo vật quý hiếm. Đảng bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã gắn kết nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh với những hoạt động chuyên môn có ý nghĩa nhằm thực hiện tốt công việc được giao, tận tình phối hợp và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các bảo tàng địa phương, giúp đỡ địa phương giải quyết công việc một cách thuận lợi và hiệu quả nhất.
Các cán bộ, đảng viên Bảo tàng luôn có thái độ đúng mực đối với khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu. Mỗi viên chức đều ý thức được trách nhiệm của mình, các chi bộ, phòng chuyên môn đưa văn hóa công sở vào tiêu chí hoạt động: lề lối, tác phong làm việc, phương cách ứng xử và hành vi văn minh lịch sự… Các đoàn khách đến tham quan, làm việc tại Bảo tàng đều ấn tượng tốt và có những phản hồi tích cực, có sự liên kết hợp tác lâu dài.
Ban Chấp hành Đảng bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia luôn tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện kế hoạch đề ra, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động. Kết quả việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã có tác động tích cực đến mọi hoạt động của cơ quan. Hàng năm, nhiệm vụ chính trị của cơ quan được hoàn thành tốt, công tác xây dựng Đảng, tổ chức chính trị – xã hội ngày càng phát triển toàn diện, các phong trào quần chúng hưởng ứng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã phát hiện nhiều nhân tố tích cực tạo nguồn phát triển đảng viên.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành công việc thường xuyên, gắn với nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cùng với việc triển khai sinh hoạt các chuyên đề đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị, giữ gìn đạo đức, lối sống, nêu cao tinh thần trách nhiệm và sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt của cơ quan, đơn vị./.
TS.Nguyễn Văn Cường
Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia