Học sinh trường quốc tế đánh nhau: Trách nhiệm lớn nhất ở nhà trường – Giáo dục Việt Nam
GDVN- Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, để xảy ra chuyện học sinh đánh nhau, dù là ở trong hay ngoài nhà trường, trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về nhà trường, cần chủ động xử lý
Nhà trường cần chủ động xử lý, không chờ cấp trên chỉ đạo
Những ngày qua, dư luận đang xôn xao trước thông tin nữ sinh Trường Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (ISHCMC-AA) bị bạn đánh. Ngày 29/5, nhà trường đã lên tiếng nhận một phần trách nhiệm trong vụ học sinh đánh nhau.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam) cho rằng: “Trước hết, nhà trường phải coi đây là “việc chính” và phải đứng ra giải quyết, không thể “đùn đẩy” trách nhiệm. Bởi, sản phẩm giáo dục là sản phẩm của nhà trường, tất nhiên có sự phối hợp giữa gia đình và xã hội, nhưng trách nhiệm trực tiếp vẫn là ở nhà trường.
Học sinh đánh nhau ở trong hay ngoài trường, thì trách nhiệm đầu tiên của nhà trường vẫn là yêu cầu giáo dục học sinh trước”.
Cụ thể, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm phân tích: “Mặc dù đây là chuyện không mong muốn, nhưng một khi đã để xảy ra vụ việc, nhà trường phải xem lại quá trình giáo dục học sinh, đã đảm bảo giáo dục đầy đủ giá trị sống cho học sinh hay chưa? Giáo dục sự yêu thương, sự tha thứ, giáo dục kỹ năng sống như kỹ năng thương lượng, kỹ năng hòa giải, trao đổi, thuyết phục… Đó là những điều mà nhà trường phải giáo dục cho học sinh. Đồng thời, công tác tổ chức quản lý học sinh như thế nào? Cần có hệ thống quản lý, kịp thời giải quyết ngay những bức xúc của học sinh.
Ngoài ra, khi xảy ra những vụ việc tương tự, nhà trường cần chủ động nắm bắt, tìm hiểu, xác minh thông tin và sẵn sàng xử lý, chứ không phải chờ phụ huynh bức xúc hay chờ cấp trên chỉ đạo mới làm. Phải làm sao cho xứng đáng với vị thế của một trường quốc tế, xứng đáng với niềm tin của phụ huynh, học sinh, cũng như xứng đáng với đồng tiền mà phụ huynh học sinh đã bỏ ra”.
Đối với những học sinh sai phạm, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, bạo lực học đường xuất phát từ tâm lý lứa tuổi mới lớn, muốn khẳng định cái tôi và thay đổi mạnh mẽ về tâm sinh lý. Chính vì vậy, nhà trường cần giúp học sinh thấy trách nhiệm về những việc làm sai trái của mình, thấy được tác hại khi vừa làm mất an ninh, mất danh dự của nhà trường, vừa làm đau cả thân thể và tâm lý của bạn.
“Hòa giải các em mới là quan trọng, nhà trường không phải là “tòa án” để phân định thắng thua. Chúng ta dạy cho học sinh cách thương lượng chứ không phải dùng vũ lực để giải quyết. Cần nhớ rằng, khi học sinh vi phạm kỷ luật, dù nhà trường đưa ra hình phạt nào thì mục đích cuối cùng cũng là để cảm hóa học sinh chứ không phải tạo sự tủi nhục, bất bình. Đó mới đúng nghĩa trường học là nơi để dạy dỗ, khai phóng.
Còn đối với những học sinh bị bạo lực học đường, phụ huynh cần khuyên con nên tìm đến sự giúp đỡ của thầy cô để giải quyết vụ việc…” – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam bày tỏ quan điểm.
Phát tán các clip bạo lực học đường cần cân nhắc
Trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho biết: “Bạo lực học đường không mới, dư luận đã phản ánh rất nhiều, nhiều clip được tung lên mạng về bạo lực học đường. Tuy nhiên, vụ việc trong thành phố Hồ Chí Minh khiến dư luận sững sờ bởi xảy ra trong chính môi trường quốc tế danh giá mà nhiều người nghĩ sẽ không xảy ra.
Có thể thấy, bạo lực học đường có thể xảy ra ở cả trường vùng sâu vùng xa đến những trường quốc tế tại các thành phố lớn, không phải vấn đề lớn, nhưng lại là trăn trở của cả xã hội, bởi đã có thời gian dài nỗ lực giảm bạo lực học đường. Theo quan niệm của nhiều người, bạo lực học đường khó xảy ra ở môi trường mà giáo dục học sinh được rà soát một cách vô cùng kỹ lưỡng”.
Phân tích về nguyên nhân dẫn đến những vụ bạo lực học đường trong thời gian qua, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng: “Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, trong đó, có nguyên nhân từ đại dịch Covid-19, ảnh hưởng rất tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của con người ở tất cả các lứa tuổi, đối tượng. Học sinh là một trong những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất, các em có thời gian dài học trực tuyến không được giao lưu với bạn bè, các kỹ năng sống bị ảnh hưởng.
Cũng phải nhìn thẳng vào sự thật, nhiều phụ huynh chưa quan tâm đúng mức đến giáo dục kỹ năng sống cho con em mình, những kỹ năng sống không chỉ đơn thuần cho học sinh thực hành kỹ năng trong cuộc sống hằng ngày, mà cả việc hướng dẫn các em trong ứng xử với bạn bè, thầy cô, cộng đồng…”.
Thực tế hiện nay cho thấy, bất cứ ai cũng có thể trở thành “phóng viên Facebook”. Điều này có hai mặt. Một mặt, có nhiều vụ việc tiêu cực được phát hiện, phanh phui, có sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng; nhưng cũng có mặt tiêu cực, với sự xuất hiện tràn làn như vậy, sự đánh giá của một số người có xu hướng thiên về chiều hướng xấu, với đối tượng học trò, khi các em xem và tiếp xúc nhiều với các clip bạo lực học đường, nếu không có sự định hướng đúng đắn, các em sẽ bị tiêm nhiễm, tự nhiên khiến các em có ứng xử lệch lạc”.
Bên cạnh đó, nữ Đại biểu cũng đề cập: “Hiện nay, học sinh có thể dễ dàng tiếp cận với mạng xã hội, các phương tiện thuận tiện hơn rất nhiều, việc sở hữu một chiếc điện thoại thông minh rất dễ dàng, từ nhỏ các em đã thành thạo tạo tài khoản cá nhân và đăng tải các thông tin lên mạng xã hội. Đây cũng là nguyên nhân khiến chúng ta có cảm giác có nhiều vụ bạo lực học đường và những vụ tiêu cực khác nổi lên trong thời gian gần đây.
“Chưa hết, với những clip được đưa lên mạng khi chưa có sự tính toán kỹ lưỡng, mọi người đưa lên một cách thoải mái, người truy cập rất hiếu kỳ, các vụ việc được đưa lên tự phát, quay trực tiếp có thể làm cho nạn nhân tổn thương tâm lý sâu sắc, hoảng loạn. Khi chia sẻ trực tiếp, sẽ có nhiều người xem, nhiều luồng ý kiến, bình luận ác ý, khiến nạn nhân càng bị khủng hoảng tinh thần.
Về vấn đề này, chúng ta đã có Luật An ninh mạng nhưng cần rà soát và kiểm soát tốt hơn nữa” – Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Ngân Chi