Học sinh cá biệt – Cách dạy học sinh cá biệt chuẩn nhất
Giáo dục khoa học là cả một nghệ thuật với những học sinh cá biệt. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí cũng đã đưa tin rất nhiều về các học sinh cá biệt. Những vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra khiến các thầy cô và các nhà giáo dục luôn đau đáu tìm ra những phương pháp có thể cảm hóa, giáo dục những em học sinh cá biệt. Công việc này là cả một thách thức lớn, khá nan giải và nhạy cảm. Vậy có cách nào để dạy học sinh cá biệt hiệu quả hơn? Bài viết dưới đây sẽ gợi ý cho các giáo viên tiếp cận và nhận được những tương tác tốt từ học sinh cá biệt.
Mục Lục
1. Thế nào là học sinh cá biệt?
Trước tiên, cần phải hiểu đúng thế nào là học sinh cá biệt. Học sinh cá biệt là những học sinh nghịch ngợm, quậy phá, có hành động đánh nhau hay gây mất trật tự trong trường lớp. Những học sinh này có cá tính khác biệt với số đông học sinh bình thường.
Có thể phân loại học sinh cá biệt thành hai dạng:
+ Học sinh cá biệt trong học tập
+ Học sinh cá biệt về đạo đức, lối sống
2. Những biểu hiện thường gặp của học sinh cá biệt
2.1. Biểu hiện của học sinh cá biệt trong học tập
Có 3 kiểu học sinh cá biệt trong học tập:
– Một là rất thông minh, có khả năng tiếp thu nhưng lại lười biếng, ham chơi, học lớt phớt dẫn đến hổng nghiêm trọng về kiến thức, hay quay cóp trong thi cử. Kết quả học tập của các bạn học sinh này rất thất thường, luôn đội sổ rồi dần chán học.
– Hai là những em bị khiếm khuyết về trí tuệ. Những bạn học sinh này nhìn vẻ bề ngoài rất bình thường, hơi khờ khạo, trong học tập thì chậm hiểu, khó tiếp thu kiến thức như các bạn học sinh bình thường.
– Ba là những học sinh khuyết tật (không nói, không nghe, không có tay chân…) nên không có đủ phương tiện học tập bình thường như các bạn khác.
2.2. Biểu hiện của những học sinh cá biệt về hạnh kiểm
– Những học sinh này thường hay chốn học chơi điện tử thâu đêm, lừa dối cha mẹ, thầy cô. Nhiều trường hợp còn giả chữ ký phụ huynh để làm giấy xin phép nghỉ học.
– Có hành động hăm dọa bạn bè, thường xuyên gây gổ đánh nhau. Không thích tham gia các hoạt động tập thể trên trường lớp.
– Dùng tiền bố mẹ cho để học tập vào những mục đích ăn chơi khác. Nhằm phục vụ cho nhu cầu ăn chơi, nhiều học sinh cá biệt còn có những hành vi như ăn cắp tiền, mang những đồ vật có giá trị đi cầm cố, lợi dụng bạn bè lừa lấy tài sản… để lấy tiền tiêu sài.
– Thích chơi trội trong lớp học, tạo khác biệt trong lớp, không có ý thức kỷ luật chung. Những đối tượng học sinh này chỉ thích chơi chứ không thích học.
– Luôn nhanh nhạy bày các trò đùa nghịch ngợm với bạn bè, thầy cô. Hay tỏ thái độ xem thường, trêu ngươi hoặc khiêu khích cả với thầy cô, bạn bè nhằm thỏa mãn những nhu cầu trêu ghẹo mọi người trong đầu chúng. Các bạn học sinh cá biệt thường có cách nói năng, ăn mặc, đi đứng cho đến hành động khác biệt để gây sự chú ý.
– Thích tán tỉnh yêu đương, cũng là một biểu hiện của học sinh cá biệt, rất hay bị yêu đương phân tán học hành. Sẵn sàng bỏ học đi chơi với bạn bè mà không suy nghĩ.
– Thường cãi lí với bố mẹ hoặc thầy cô cũng như chống đối lại sự dạy dỗ của người lớn.
3. Nguyên nhân khiến các em trở thành học sinh cá biệt
3.1. Từ phía gia đình học sinh
Các bậc phụ huynh của những học sinh cá biệt thường thiếu sự quan tâm đến con cái hoặc quá tin tưởng con. Nhiều gia đình do bố mẹ quá bận lo kinh tế nên thường bỏ mặc con, chiều chuộng con quá đáng làm hư con.
Có những gia đình không hạnh phúc, bố mẹ ly dị hay có những hoàn cảnh đặc biệt cũng khiến cho trẻ trở thành học sinh cá biệt. Chúng tự tạo cho mình vẻ ngoài gai góc, xù xì, làm những hành động ngỗ nghịch để che dấu những tổn thương về tình cảm, khiếm khuyết trong tình cảm gia đình.
3.2. Từ ngoài xã hội
Ngoài xã hội hiện nay có quá nhiều những cám dỗ, những tệ nạn đang chực chờ các em học sinh. Không những thế, những tệ nạn ấy còn đang len lỏi vào trường học dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đến các em học sinh. Dễ nhận thấy nhất có lẽ là ma túy học đường, bạo lực học đường… vẫn đang được sự chú ý và quan tâm của cả xã hội.
3.3. Từ phía nhà trường
Nhà trường chưa thực hiện được những biện pháp phù hợp trong quản lý và giáo dục các em học sinh cá biệt. Chưa dành được sự quan tâm đúng mức với từng đối tượng học sinh. Quan trọng hơn là nhà trường chưa tạo được môi trường lành mạnh, thân thiện khiến các em học sinh thấy chán nản, nhàm chán khi đến trường học.
Hơn nữa giáo viên cũng không làm chỗ dựa tinh thần cho các em học sinh. Họ còn ngại khó khăn, ngại va chạm, đối diện với học sinh hoặc dễ tự ái khi bị xúc phạm. Nhiều giáo viên chưa có phương pháp dạy học sinh cá biệt phù hợp, thiếu tâm huyết với nghề giáo, và chưa kịp thời nhắc nhở, phát hiện kịp thời những hành vi sai lệch từ các học sinh cá biệt.
3.4. Từ chính bản thân học sinh cá biệt
Các em học sinh đang trong giai đoạn tuổi dậy thì, mới lớn thường muốn khẳng định mình. Nhưng lại thiếu kiến thức, bồng bột khiến các em có những hành động lệch lạc, có thể do bản năng hoặc bắt trước bạn bè. Nhiều bạn trẻ cho rằng làm như vậy chẳng có gì sai cả!
Khi mà đạo đức của các em học sinh ngày một đi xuống, kiến thức cũng dần mất căn bản, rồi điểm thi, điểm kiểm tra cũng giảm sút. Cuối cùng hệ quả sẽ dẫn đến tình trạng các em bỏ học, nảy sinh tư tưởng chán học.
4. Phương pháp giáo dục với học sinh cá biệt
4.1. Hãy đặt mình vào trường hợp của học sinh
Như đã nói ở trên, các em học sinh đều đang ở độ tuổi mới lớn nên có nhiều thay đổi về tâm sinh lý rõ rệt. Lứa tuổi này thường có nhiều thay đổi trong suy nghĩ lẫn hành động. Luôn muốn chứng tỏ bản thân, để người khác thấy mình lớn hơn và thích tự chủ trong mọi hành động.
Cho nên giáo viên cần nắm bắt, tìm hiểu thật kỹ về tình hình học tập, tính cách và hoàn cảnh trước khi tiếp cận với các em học sinh. Mỗi em học sinh có một cá tính riêng, nên không thể áp dụng một cách cho tất cả các em học sinh cá biệt. Mọi hành vi của các em hầu như đều xuất phát từ hoàn cảnh gia đình. Có thể là bố mẹ ly dị, bạo hành gia đình, gia đình khó khăn… Cho nên cách tốt nhất giúp các em chính là sự quan tâm, kiên trì của giáo viên.
4.2. Đừng phân biệt quá rõ ràng các em là học sinh cá biệt
Nói với học sinh những từ như “vô học”, “học sinh cá biệt”, “hư hỏng”; xưng hô “tôi – anh/chị”… sẽ làm các em thêm tổn thương, càng phản kháng mạnh mẽ hơn với thầy cô. Những lúc giáo viên quá bực bội vô tình buông ra những câu nói này là điều hoàn toàn sai lầm. Đôi khi có những hoạt động sinh hoạt tập thể của lớp, các thầy cô ngại cho các em học sinh cá biệt tham gia hoặc có sự phân biệt sợ hỏng công việc. Chính các thầy cô tách biệt các em ra khỏi môi trường lớp học ấy.
Nhưng thực ra, các em học sinh cá biệt cần nhiều sự quan tâm, khích lệ hơn cả những em học sinh bình thường. Chúng ta nên gần gũi, tạo mối quan hệ thân quen với các em để dễ bảo ban, khuyên dạy. Khi những học sinh này nhận thấy sự quan tâm, tôn trọng chúng sẽ tự thay đổi.
Động viên và khen thưởng là hành động nên thường xuyên làm nếu các em làm được điều gì đó dù lớn hay nhỏ. Đừng nên xa lánh, phân biệt, các em học sinh này sẽ càng nổi loạn hơn vì nghĩ rằng không ai hiểu được mình.
4.3. Dùng tình yêu thương để cảm hóa
Đây là phương pháp mà nhiều thầy cô áp dụng cho học sinh cá biệt rất thành công. Nhiều em học sinh không còn hư hỏng, quậy phá, nổi loạn,… mà đã dần thay đổi vì nhận thấy được tình cảm, sự chân thành từ các thầy cô dạy dỗ các em.
Giáo viên đừng vì quá tức giận mà vội vàng ghét bỏ các em. Làm như vậy chỉ càng khiến việc khuyên bảo và cảm hóa các em thêm khó hơn. Hãy tìm cách cho học sinh thấy sự chân thành từ thầy cô thì còn học sinh nào bướng bỉnh không nghe chứ?
4.4. Kết hợp với phụ huynh để dạy dỗ các em hiệu quả
Nếu chỉ có nhà trường thôi thì chưa đủ, muốn dạy các em học sinh cá biệt hiệu quả cần có sự phối hợp của cả các bậc phụ huynh. Tình cảm, sự thông cảm từ cả hai phía sẽ tác động đến việc dạy các em tốt hơn. Sự kết hợp từ phía phụ huynh cũng như giáo viên nếu như ăn ý, các em học sinh sẽ thay đổi trong thời gian ngắn.
Tóm lại, để tạo được nền tảng nhân cách cho học sinh cá biệt là nhiệm vụ quan trọng với người giáo viên. Đó không chỉ là nhiệm vụ ngày một ngày hai mà là thiên chức to lớn đối với cả một thế hệ.
>> Tham khảo thêm: