Học Công nghệ thực phẩm ra làm gì? Mức lương ngành Công nghệ thực phẩm ra sao? – ADC Foods
Các bạn đang thắc mắc không biết học Công nghệ thực phẩm ra làm gì? Mức lương của ngành Công nghệ thực phẩm ra sao? Nên học Công nghệ thực phẩm ở trường nào? Và còn nhiều câu hỏi khác liên quan đến ngành Công nghệ thực phẩm nữa. Cùng ADC Foods tìm hiểu nhé!
1. Ngành Công nghệ thực phẩm là gì?
Ngành Công nghệ thực phẩm (Mã ngành: 7540101).
1.1 Khoa học thực phẩm là gì?
Khoa học thực phẩm là nghiên cứu về cấu tạo vật lý, sinh học và hóa học của thực phẩm cũng như các nguyên nhân làm cho thực phẩm bị hư hỏng và các khái niệm cơ bản về chế biến thực phẩm. Các nhà khoa học và công nghệ thực phẩm áp dụng các ngành khoa học khác nhau bao gồm hóa học, kỹ thuật, vi sinh và dinh dưỡng vào nghiên cứu thực phẩm để cải thiện tính an toàn, dinh dưỡng, lành mạnh và tính sẵn có của thực phẩm.
Tùy thuộc vào lĩnh vực chuyên môn của họ, các nhà khoa học thực phẩm có thể phát triển các cách chế biến, bảo quản, đóng gói hoặc lưu trữ thực phẩm theo các thông số kỹ thuật và quy định của ngành và chính phủ.
1.2 Công nghệ thực phẩm là gì?
Công nghệ thực phẩm là ứng dụng của khoa học thực phẩm vào việc lựa chọn, bảo quản, chế biến, đóng gói, phân phối và sử dụng thực phẩm an toàn. Các lĩnh vực liên quan bao gồm hóa học phân tích, công nghệ sinh học, kỹ thuật, dinh dưỡng, kiểm soát chất lượng và quản lý an toàn thực phẩm.
1.3 Ngành Công nghệ thực phẩm là gì?
Công nghệ thực phẩm là một trong những ngành học quan trọng hiện nay. Vì sao nó quan trọng? Bởi nó liên quan trực tiếp đến một thứ cũng vô cùng quan trọng, đó chính là thực phẩm, là thứ mà bất kì ai trong chúng ta cũng đều phải sử dụng.
Ngành Công nghệ thực phẩm chủ yếu học về bảo quản, chế biến, kiểm tra, đánh giá chất lượng của thực phẩm từ khâu thu hoạch tới khâu chế biến. Bên cạnh đó còn nghiên cứu phát triển sản phẩm, cách thức vận hành dây chuyền sản xuất… nói chung là khá nhiều thứ cực kì rắc rối đều liên quan tới những thứ có thể cho vào miệng.
Ứng dụng của Công nghệ thực phẩm là vô cùng đa dạng, vì tất cả những gì liên quan đến đồ ăn, thức uống, an toàn thực phẩm đều có thể ứng dụng kiến thức ngành học này.
1.4 Nhu cầu thị trường của ngành Công nghệ thực phẩm
Học ngành công nghệ thực phẩm, khi ra trường bạn có thể tìm kiếm cơ hội việc làm trong các công ty sản xuất thực phẩm, thiết bị thực phẩm hoặc tổ chức của nhà nước. Bạn cũng sẽ tìm cách ứng dụng công nghệ mới nhất vào sản xuất, chế biến thực phẩm hướng đến mục tiêu phục vụ sản phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng và phát triển bền vững.
Ở Việt Nam, ngành công nghệ thực phẩm được coi là một trong những ngành hiện đang có nhu cầu nhân lực cao nhất. Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2018 đến nay, nhu cầu nhân lực đối với ngành thực phẩm liên tục tăng mạnh.
Nguyên nhân là vì nhu cầu tiêu dùng của người dùng trong nước với thực phẩm chế biến ngày càng tăng. Bên cạnh đó, ngành sản xuất thực phẩm của chúng ta cũng hướng ra thị trường quốc tế bằng việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm xuất khẩu.
Cũng vì những lý do như vậy mà học ngành công nghệ thực phẩm có thể là một lựa chọn tốt đối với những bạn trẻ mong muốn thử sức trong một lĩnh vực nhiều triển vọng.
2. Ngành Công nghệ thực phẩm học những gì? Được đào tạo ra sao?
Khi theo học ngành công nghệ thực phẩm các bạn sẽ được học đầy đủ những kiến thức chuyên ngành theo đúng mảng mình học. Các môn học tập trung vào 3 mảng chính: công nghệ chế biến thực phẩm, an toàn chất lượng thực phẩm và quản lý đổi mới công nghệ thực phẩm. Với những giáo trình chuyên sâu về các vấn đề như:
– Kiến thức về dinh dưỡng: Chuyên ngành là công nghệ thực phẩm nhưng hầu hết những thực phẩm được sản xuất ra đều cung cấp cho người dùng. Chính vì thế kiến thức về dinh dưỡng của cơ thể con người các bạn cũng cần nắm vững để ứng dụng cho thực tế.
– Kiến thức về Vi sinh học thực phẩm và hóa sinh học: Với chuyên ngành này các bạn sẽ phải tìm hiểu và nghiên cứu ra những cách cũng như các chất để ngăn ngừa hư hỏng cho sản phẩm mà vẫn đảm bảo an toàn cho người dùng.
– Kiến thức về công nghệ chế biến: Chuyên ngành này phổ biến hơn rất nhiều những ngành khác vì kiến thức sẽ không nhiều nhưng thực tế và máy móc sẽ khó hơn. Nhưng nếu bạn chú ý theo học thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết nhanh chóng và nằm vững kiến thức dễ dàng hơn.
– Kiến thức về Quản lý chất lượng: Việc kiểm định chất lượng, theo dõi chất lượng sản phẩm đòi hỏi bạn cần có kiến thức cơ bản về hóa sinh học cũng như kết hợp với những kỹ năng quản lý để có kết quả làm việc tốt nhất.
– Kiến thức về An toàn thực phẩm và phân tích thực phẩm: Tất cả những kiến thức và thành phần về thức ăn chắc chắn sẽ cần nắm vững để có thể đánh giá chất lượng an toàn đảm bảo kết quả tốt nhất cho người dùng.
3. Cơ hội nghề nghiệp: Học Công nghệ thực phẩm ra trường làm gì?
Tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm, sinh viên có thể làm ở các vị trí:
– Nhân viên phụ trách kỹ thuật dây chuyền chế biến, bảo quản, kiểm định thực phẩm.
– Nhân viên nghiên cứu nâng cao chất lượng, cải thiện kỹ thuật chế biến thực phẩm trong các phòng Nghiên cứu-Phát triển sản phẩm.
– Nhân viên phụ trách kỹ thuật trong hệ thống phân phối và tiếp thị sản phẩm thực phẩm.
– Nhân viên tư vấn về quy định và luật thực phẩm .
– Chuyên viên kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ quan kiểm nghiệm, trung tâm dinh dưỡng.
– Nghiên cứu viên tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu về công nghệ thực phẩm của Việt Nam và nước ngoài.
– Tiếp tục theo học Thạc sĩ, Tiến sĩ chuyên sâu về Khoa học và Công nghệ thực phẩm.
– Ngành Công nghệ thực phẩm phù hợp với các bạn học sinh yêu thích thực phẩm và có kiến thức tốt các môn Hóa, Sinh.
Tên các công việc mà các công ty hay tuyển dụng các sinh viên học ngành Công nghệ thực phẩm:
– Nhân viên kiểm định chất lượng (QA)
– Chuyên viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm (QC)
– Nhân viên kiểm soát chất lượng nguyên liệu (R&D)
– Kỹ sư công nghệ thực phẩm
– Kỹ sư sản xuất
– Nhân viên bếp
– Chuyên gia dinh dưỡng
– Kỹ thuật viên sản xuất
– Nhân viên phòng thí nghiệm
– Giám sát viên sản xuất
– Trình dược viên…
4. Những trường đào tại ngành Công nghệ thực phẩm?
Hiện nay rất nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước tuyển sinh vào đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm. Cụ thể các trường có ngành Công nghệ thực phẩm như sau:
4.1 Khu vực phía Bắc:
Tên trường
Điểm chuẩn 2020
Đại học Công nghiệp Hà Nội
21.05
Đại học Kinh tế – Kỹ thuật công nghiệp
16
Đại học Mở Hà Nội
15
Đại học Công nghệ Đông Á
15
Đại học Sao Đỏ
15
Đại học Nông lâm Bắc Giang
15
Đại học Khoa học tự nhiên – ĐHQG Hà Nội
24.4
Đại học Việt – Pháp
21.15
Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên
4.2 Khu vực miền Trung và Tây Nguyên:
Tên trường
Điểm chuẩn 2020
Đại học Bách khoa Đà Nẵng
24.5
Đại học Nông lâm Huế
18
Đại học Nha Trang
16.5
Đại học Công nghiệp Vinh
15
Đại học Vinh
15
Đại học Đông Á
14
Đại học Tây Nguyên
15
Đại học Duy Tân
14
Đại học Yersin Đà Lạt
15
Đại học Quy Nhơn
15
Đại học Nông lâm TP HCM Phân hiệu Gia Lai
15
4.3 Khu vực miền Nam:
Tên trường
Điểm chuẩn 2020
Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM
25.25
Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM
22.5
Đại học Nông lâm TP HCM
23
Đại học Bách khoa TPHCM
26.75
Đại học Công nghiệp TP HCM
21
Đại học Quốc tế – ĐHQG TPHCM
18.5
Đại học Công nghệ TP HCM
18
Đại học Nam Cần Thơ
17
Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long
15
Đại học Văn Hiến
Đại học Nguyễn Tất Thành
15
Đại học Hoa Sen
15
Đại học Công nghệ Đồng Nai
15
Đại học Cửu Long
15
Đại học Lạc Hồng
15
Đại học Trà Vinh
15
Đại học An Giang
16
Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu
15
Đại học Tây Đô
15
Đại học Tiền Giang
16
Đại học Thủ Dầu Một
15
5. Các khối thi ngành Công nghệ thực phẩm
Tùy thuộc vào mỗi trường sẽ có những tổ hợp xét tuyển khác nhau, và hãy tham khảo bảng chi tiết dưới đây. Các khối xét tuyển ngành Công nghệ thực phẩm bao gồm:
– Khối A00 (Toán, Lý, Hóa)
– Khối A01 (Toán, Lý, Anh)
– Khối A02 (Toán, Lý, Sinh)
– Khối B00 (Toán, Hóa, Sinh)
– Khối C01 (Văn, Toán, Lý)
– Khối D07 (Toán, Hóa, Anh)
– Khối D08 (Toán, Sinh, Anh)
– Khối D90 (Toán, KHTN, Anh)
6. Các môn học tiêu biểu và tố chất phù hợp với ngành?
6.1 Các môn học chuyên ngành tiêu biểu
– Phát triển sản phẩm
– Phân tích thực phẩm
– Công nghệ sau thu hoạch
– Công nghệ chế biến thực phẩm
– Công nghệ sinh học thực phẩm
– Hoá sinh học thực phẩm
– Vi sinh vật học thực phẩm
– Dinh dưỡng
– An toàn thực phẩm
– Quản lý chất lượng
6.1 Tố chất người học phù hợp với ngành Công nghệ thực phẩm
– Đam mê công nghệ, thích nghiên cứu
– Có tư duy sáng tạo, khả năng phân tích
– Nhạy bén trong công việc, nắm bắt tâm lý, sở thích, nhu cầu của người khác
– Quan tâm đến lĩnh vực thực phẩm, dịch vụ ăn uống
7. Ngành Công nghệ thực phẩm và triển vọng việc làm, thu nhập
Làm việc trong ngành công nghệ thực phẩm nghĩa là tiến hành nghiên cứu khoa học thực phẩm để cải thiện từ khâu nâng cao chất lượng nguyên vật liệu đến chế biến, sản xuất, lưu trữ và vận chuyển các sản phẩm thực phẩm. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, yêu cầu tối thiểu đối với các nhà công nghệ thực phẩm là bằng cử nhân, trong khi nhiều người tiếp tục nghiên cứu sau đại học.
7.1 Mức lương khởi điểm của sinh viên sau khi học Công nghệ thực phẩm
Mức lương trung bình trong ngành công nghệ thực phẩm tại Mỹ là 58.500 USD/năm (tương đương hơn 1,2 tỷ đồng/năm). Với người mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, thu nhập sẽ ở mức 34.916 USD/năm (gần 800 triệu đồng/năm)
Ở Việt Nam, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thực phẩm mới ra trường sẽ có được mức lương khởi điểm từ 4 – 5 triệu/tháng. Đây là những vị trí không yêu cầu trình độ cao, chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ cơ bản. Mức lương này tương đương với đa số các ngành nghề khác.
7.2 Mức lương theo năm kinh nghiệm của ngành Công nghệ thực phẩm
Công nghệ thực phẩm là ngành đã bắt đầu phát triển trên thế giới từ những năm 1970. Tuy nhiên, ở Việt Nam ngành này mới chỉ phát triển mạnh trong khoảng 20 năm gần đây.
Ở Mỹ, chuyên gia công nghệ thực phẩm có kinh nghiệm có thể nhận tới 99.251 USD/năm (tương đương khoảng hơn 2 tỷ đồng/năm). Trong khi đó, tại Việt Nam, với 3 – 5 năm kinh nghiệm, bạn sẽ nhận mức lương khoảng 7 đến 10 triệu đồng/tháng. Từ 5 năm trở lên, tuỳ thuộc vào trình độ và kỹ năng, đóng góp mà mức lương của chuyên gia công nghệ thực phẩm lên tới 50 đến 70 triệu đồng/tháng.
8. Những thách thức khi học ngành Công nghệ thực phẩm là gì?
8.1 Thách thức liên quan đến đổi mới công nghệ thực phẩm
Bên cạnh những cơ hội tuyệt vời, các thách thức vẫn luôn tồn tại. Những phát triển trong khoa học và công nghệ thực phẩm luôn bị cản trở bởi cả người trong cuộc và người ngoài cuộc. Kể từ 4 thập kỷ trước đây, khi khoa học thực phẩm thế giới phát triển, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều và chúng ta cần phải theo kịp những tiến bộ khoa học – công nghệ đó.
Điều cần thiết là nâng cao chất lượng nhân sự trong ngành, bắt đầu từ việc giảng dạy và đa dạng hoá hình thức, đảm bảo người học có kiến thức đa dạng, tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu thực tế của công việc.
Việc thúc đẩy thực hành trong các phòng thì nghiệm hay nhà máy sản xuất, ứng dụng lý thuyết và thực hành cũng đặt ra thách thức đối với người lao động trong ngành công nghệ thực phẩm. Chỉ khi thực sự thích nghi và bắt kịp với công nghệ thực phẩm và sự đổi mới, chất lượng nguồn nhân lực mới được cải thiện.
8.2 Cạnh tranh trong thị trường lao động ngành công nghệ thực phẩm
Khi thị trường lao động ngành công nghệ thực phẩm ngày càng thu hút nhiều nhân sự, sự cạnh tranh là không tránh khỏi. Để không bị đào thải, bạn không chỉ cần có bằng cấp, kinh nghiệm làm việc mà còn phải tạo được uy tín. Bên cạnh đó, các vị trí cấp cao của ngành này thường yêu cầu khả năng bảo mật thông tin về phát hiện mới, sản phẩm mới hay quy trình mới.