Hoạt động của taxi ngoại tỉnh tại Hà Nội: Cần quản lý chặt, xử lý nghiêm

(HNM) – Được cấp phù hiệu, giấy phép hoạt động tại các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… nhưng nhiều xe taxi ngoại tỉnh lại ngang nhiên hoạt động tại Hà Nội. Những hành vi vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi tại Hà Nội gây bức xúc dư luận cần được quản lý chặt và xử lý nghiêm.
 

Một tài xế Hãng taxi Sao Thủ Đô (được cấp phù hiệu tại Hưng Yên) bị lập biên bản do không mặc đồng phục theo quy định và không có giấy phép lái xe. Ảnh: Thanh Bình

Nhan nhản taxi ngoại tỉnh

Khảo sát của phóng viên tại một số khu vực như: Bến xe Nước Ngầm, Bến xe Giáp Bát, cổng chính Bệnh viện Bạch Mai, Khu đô thị Linh Đàm; các tuyến đường như Ngọc Hồi, Giải Phóng, Kim Đồng, Trường Chinh, Nguyễn Xiển… cho thấy có nhiều taxi mang phù hiệu do các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh cấp…, đang cắm chốt, hoạt động rầm rộ tại đây.

Đứng trước cổng Bến xe Giáp Bát (đoạn gần lối rẽ vào đường Kim Đồng) khoảng 20 phút, phóng viên đã chứng kiến có tới 13-14 chuyến taxi Sao Thủ đô liên tục dừng đỗ, đón trả khách. Điều khác biệt là tất cả các xe taxi của hãng này đều công khai hai số điện thoại của Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên ở sườn, sau xe. Trong vai người có nhu cầu đi taxi, phóng viên kiên trì gọi nhiều cuộc vào các số điện thoại ngoại tỉnh của một số xe taxi Hãng Sao Thủ Đô (0221.8515515 và 0222.6528528) nhưng không có người bắt máy. Khi gọi vào số điện thoại đầu Hà Nội dán trên xe (0246.2528528 và 0243.2515515) thì ngay lập tức có một phụ nữ trả lời, nhận khách có nhu cầu đặt xe.

Theo tìm hiểu, Hãng taxi Sao Thủ Đô gồm 3 đơn vị đồng quản lý: Công ty TNHH Vận tải Tấn Kiên, Hợp tác xã Vận tải Thành Đô (cùng ở Bắc Ninh) và Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Hưng Cường (Hưng Yên). Hãng taxi này không có trụ sở chính tại Hà Nội mà chỉ đặt điểm giao dịch tại 162 đường Ngọc Hồi (Thanh Trì), song việc cấp phù hiệu, giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi lại do Sở Giao thông – Vận tải hai tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên thực hiện. Được biết, từ ngày 23-8-2018, Sở Giao thông – Vận tải Bắc Ninh đã thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải đối với Công ty TNHH Vận tải Tấn Kiên.

Không chỉ có Hãng taxi Sao Thủ Đô, nhiều hãng khác như Hà Nội Sao, Sao Việt… cũng do các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên cấp phù hiệu, giấy phép kinh doanh vận tải taxi nhưng đang hoạt động ở Hà Nội với số lượng phương tiện và tần suất lớn. Theo Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng, tình trạng trên vi phạm nghiêm trọng điều kiện kinh doanh taxi, gây mất ổn định và cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường vận tải hành khách bằng taxi tại Hà Nội.

Sớm hoàn thiện Quy chế quản lý taxi
 

Hãng taxi Sao Thủ Đô dừng đỗ không đúng quy định trước cổng Bệnh viện Bạch Mai.

Theo ông Nguyễn Công Hùng, Điều 17, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nêu rõ: “Xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt; không quá 12 năm tại các địa phương khác”. Như vậy, điều kiện taxi được cấp phép ở địa phương khác “nới” hơn so với Hà Nội khiến doanh nghiệp lách luật đưa xe hết niên hạn sử dụng của Hà Nội ra tỉnh khác xin cấp phép và phù hiệu, sau đó quay ngược lại Hà Nội hoạt động gây nên sự bất bình đẳng đối với doanh nghiệp taxi Hà Nội.

Ngoài ra, tại Điều 7 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quy định: “Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có trung tâm điều hành…, đăng ký tần số liên lạc và có thiết bị liên lạc giữa trung tâm với các xe thuộc đơn vị”. Song, trên thực tế, Trung tâm bộ đàm điều hành xe taxi của Hãng Sao Thủ Đô đang hoạt động và liên lạc tại Hà Nội nhưng chưa được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện tại Hà Nội. Điều này đã được Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Bắc Ninh khẳng định tại Công văn số 249/SGTVT-ATGT ngày 12-2-2019 trả lời kiến nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội: “Việc Hãng taxi Sao Thủ Đô niêm yết số điện thoại của Hà Nội trên xe là vi phạm quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng taxi”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tuyển, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội thừa nhận, Hà Nội hiện có tình trạng một số doanh nghiệp không được Sở cấp phép, phương tiện không được cấp phù hiệu nhưng vẫn lập văn phòng điều khiển phương tiện tại Hà Nội, trong số đó có Hãng taxi Sao Thủ Đô. Taxi ngoại tỉnh hoạt động nhiều tại Hà Nội gây nên cảnh bát nháo, dừng đỗ xe không đúng quy định, trong khi đó chế tài xử phạt loại hình taxi này chưa có nên việc quản lý gặp khó khăn.

Nhằm siết chặt quản lý hoạt động vận tải bằng taxi trên địa bàn, bảo đảm quyền lợi cho hành khách và doanh nghiệp chân chính, từ năm 2016, Sở Giao thông – Vận tải đã xây dựng Quy chế quản lý xe taxi, trong đó quy định sử dụng phần mềm dùng chung xe taxi Hà Nội; về vùng phục vụ; về điểm dừng, đỗ xe taxi… Với những quy định cụ thể như vậy, nếu xe taxi hoạt động không bảo đảm thời gian tối thiểu hoạt động trong vùng theo phương án đã đăng ký sẽ bị xử lý. Đặc biệt, khi Hà Nội quy định màu xe cụ thể cũng giúp hành khách phân biệt được đâu là taxi Hà Nội và đâu là xe ngoại tỉnh. Hiện quy chế này đang tiếp tục xin ý kiến Bộ Giao thông – Vận tải, cơ quan chức năng nhằm sớm hoàn thiện để trình TP Hà Nội phê duyệt.

Ngoài ra, mới đây, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã có công văn đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải, Thanh tra Bộ, UBND tỉnh Bắc Ninh… tăng cường thanh, kiểm tra việc cấp phù hiệu taxi tại các tỉnh cho những xe đã hết niên hạn sử dụng tại Hà Nội; siết chặt việc cấp tần số vô tuyến điện và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm quy định này. Hy vọng khi Quy chế quản lý xe taxi được ban hành, công tác kiểm tra, xử lý được tăng cường sẽ góp phần hạn chế được tình trạng taxi ngoại tỉnh hoạt động bát nháo như hiện nay.