Hoán dụ là gì? Phân loại và Phân biệt | Ví dụ cụ thể

Hoán dụ là gì và hoán dụ có những loại nào? Lần này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu khái niệm mới, hoán dụ – một biện pháp tu từ được sử dụng rất phổ biến trong văn học và cuộc sống.

hoán dụ là gìhoán dụ là gì

1. Khái niệm hoán dụ?

Hoán dụ là gọi tên của một sự vật, hiện tượng, khái niệm này bằng tên của một sự vật, hiện tượng, khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

Ví dụ:

“Bàn tay ta làm nên tất cả

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

(Hoàng Trung Thông)

Hai câu thơ trên tác giả đã vận dụng biện pháp hoán dụ, dùng hình ảnh “bàn tay ta” để chỉ người lao động, đề cao sức mạnh lao động của con người, có thể cải tạo thiên nhiên. Thông qua đó cũng làm rõ vai trò to lớn của lao động, sáng tạo, nhắc nhở chúng ta phải chăm chỉ thì mới có thể thu được thành quả.

2. Phân loại

Căn cứ vào cách sử dụng mà chúng ta có thể phân hoán dụ thành bốn kiểu thường gặp như dưới đây:

Có mấy loại hoán dụ?Có mấy loại hoán dụ?

Chúng ta cùng theo dõi những ví dụ sau để hiểu rõ hơn về hoán dụ cũng như những kiểu hoán dụ thường gặp trong văn thơ lẫn đời sống hằng ngày:

2.1. Lấy một bộ phận để gọi toàn thể

Ví dụ:

“Áo nâu liền với áo xanh.

Nông thôn cùng với thành thị đứng lên.”

(Tố Hữu)

Đoạn trích trên là một ví dụ điển hình của phép hoán dụ lấy một bộ phận để gọi toàn thể. Màu áo nâu ở đây chỉ người nông dân, gắn liền với nông thôn. Màu áo xanh chỉ người công nhân, gắn liền với thành thị.

2.2. Lấy vật chứa đựng để gọi vật bị chứa đựng

Ví dụ:

Hoa không những học giỏi mà còn tốt bụng, cô bé được thầy cô lẫn cả lớp quý mến.

Hôm nay Tuấn cắt kiểu tóc mới. Buổi chiều đi học, cậu vừa bước vào lớp, cả phòng liền ồ lên.

“Cả lớp”, “cả phòng” ở đây dùng để chỉ tất cả các thành viên trong lớp học của Hoa và Tuấn. Đây là phép hoán dụ lấy vật chứa đựng để gọi vật bị chứa đựng.

2.3 Lấy dấu hiệu của sự vật để gọi sự vật

Ví dụ: Hôm nay sân trường có trận đá bóng, Hoa đến cổ vũ cho lớp mình. Hoa mặc chiếc áo màu đỏ thật nổi bật. Hoa đang loay hoay tìm chỗ ngồi bỗng nghe tiếng gọi: “Này, áo đỏ ơi, bên này còn chỗ ngồi nè!”. Hoa quay đầu nhìn lại.

Trong đoạn văn này, nhân vật lấy dấu hiệu là chiếc áo đỏ Hoa đang mặc để gọi Hoa (lấy dấu hiệu của sự vật để gọi sự vật).

2.4 Lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng

Ví dụ:

“Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

(Tục ngữ)

Hoán dụ là gì?Hoán dụ là gì?

Một cây là số lượng ít, đơn lẻ, ám chỉ sự không đoàn kết, rất khó để làm nên việc lớn. Ba cây là số lượng nhiều, chụm lại ý chỉ sự đoàn kết. Đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh, dẫn đến sự thành công. Đây là phép hoán dụ lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng.

3. Phân biệt hoán dụ và ẩn dụ

Ẩn dụ là gọi tên của một sự vật, hiện tượng này bằng tên của một sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

Vậy hoán dụ và ẩn dụ có những điểm tương đồng hay khác biệt nào, cùng #giangbec theo dõi nội dung so sánh dưới đây:

Giống nhau: Ẩn dụ hay hoán dụ đều là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác nhằm làm tăng sức gợi hình gợi cảm cho sự diễn đạt.

Khác nhau:

+ Hoán dụ: Dựa trên mối quan hệ tương cận (có quan hệ gần gũi nhau) giữa các sự vật, hiện tượng.

Ví dụ: “Đầu xanh có tội tình gì. Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi” (Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Đầu xanh ám chỉ người trẻ tuổi. Má hồng chỉ người con gái đẹp. Tác giả dùng hai từ này để miêu tả về nàng Kiều, làm người đọc người nghe dễ hình dung.

+ Ẩn dụ: Dựa trên mối quan hệ tương đồng (có đặc điểm giống nhau) giữa các sự vật, hiện tượng.

Ví dụ: “Nước non lận đận một mình. Thân cò lên thác, xuống ghềnh bấy nay.” (Ca dao)

Phép ẩn dụ để ví thân cò như người nông dân, cả hai đều có những điểm giống nhau, phải vất vả lao động hằng ngày để có cái ăn.

4. Hoán dụ trong thơ văn và đời sống

Giống như nhiều biện pháp nghệ thuật khác, hoán dụ cũng được các tác giả sử dụng khá nhiều trong văn thơ, trong ca dao, trong tục ngữ và cả trong đời sống hằng ngày. Dựa theo quan hệ gần gũi giữa các sự vật, hiện tượng mà hoán dụ làm người đọc, người nghe có thể dễ dàng liên tưởng, dễ dàng hình dung được sự vật, hiện tượng đó.

 “Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

(Việt Bắc, Tố Hữu)

Bằng biện pháp hoán dụ, nhà thơ Tố Hữu đã dùng hình ảnh chiếc áo chàm quen thuộc để gọi đồng bào Việt Bắc, hình ảnh đó khiến câu thơ như sống lại, một bức tranh buồn ngày chia li hiện lên một cách chân thực trước mắt người đọc, khắc họa rõ nét niềm lưu luyến không rời của đồng bào Việt Bắc với các chiến sĩ cách mạng thời bấy giờ.

Cuối cùng, giá trị mà một tác phẩm mang lại không chỉ nằm ở nội dung mà còn ở cả nghệ thuật. Nếu biết cách vận dụng hợp lý các biện pháp tu từ thì câu văn sẽ trở nên sinh động, gần gũi hơn trong lòng người đọc, người nghe.

Giang Béc