Hoán dụ là gì? Cách nhận biết và các ví dụ về hoán dụ – HOCTOT
Để một bài văn miêu hay các dạng văn như cảm thụ, phân tích trở nên độc đáo, hay và hấp dẫn với người đọc, chúng ta không thể không kể sự góp phần của các biện pháp tu từ trong đó. Trong chương trình Ngữ văn lớp 6, các em học sinh đã được học về bốn biện pháp tu từ được dùng phổ biến nhất bao gồm có: Biện pháp ẩn dụ, biện pháp hoán dụ, biện pháp so sánh và biện pháp nhân hóa. Trong 4 biện pháp này, thì biện pháp hoán dụ và ẩn dụng là 2 biện pháp được các em học sinh ít khi sử dụng nhất do đây là 2 phương pháp này khó, một phần do việc liên hệ giữa các sự vật cũng có sự phức tạp và đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao. Thông qua bài viết này, HOCMAI hy vọng các em học sinh sẽ có thêm kiến thức và biết cách ứng dụng phương pháp Hoán dụ sao cho hiệu quả và phù hợp nhất.
Tham khảo thêm:
Biện pháp so sánh
Biện pháp nhân hóa
Mục Lục
I. Hoán dụ là gì?
Hoán dụ là cách gọi tên sự vật, sự việc hiện tượng hay khái niệm bằng tên của một sự vật, sự việc, hiện tượng, khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nhau để tăng tính tượng hình cũng như tạo ra sự ấn tượng cho bài văn.
Ví dụ về biện pháp tu từ hoán dụ:
“Áo nâu liền với áo xanh
Nông thôn cùng với thị thành đứng lên”
(trích Tố Hữu)
Từ ví dụ trên, ta có thể thấy được:
– Hình ảnh “Áo nâu” là một trang phục có thể nói là tượng trưng của người nông dân.
– Hình ảnh “Áo xanh” là một loại trang phục tượng trưng của người công nhân thời kỳ đổi mới trên thành thị
-> Vậy giữa hình ảnh áo nâu với người nông dân và hình ảnh áo xanh với người công nhân ta có thể thấy được mối quan hệ gần gũi giữa dấu hiệu của 2 sự vật trên.
– Hình ảnh “Nông thôn” chỉ những người sống ở nông thôn.
– Hình ảnh “Thị thành” chỉ người sống ở thị thành.
-> Giữa hình ảnh nông thôn với những người sống ở nông thôn và thị thành với những người sống ở thị thành có mối quan hệ mật thiết và gần gũi với nhau (1 hình ảnh là vật được chứa và hình ảnh của vật chứa)
II. Các kiểu hoán dụ thường gặp
Kiểu hoán dụ thứ nhất: Sử dụng hình ảnh 1 bộ phận để gọi cái toàn thể
“Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.”
(Theo Hoàng Trung Thông)
Hình ảnh bàn tay dùng để ám chỉ người lao động. Từ hình ảnh bàn tay và người lao động ta có thể thấy mối quan hệ giữa 1 bộ phận và cái toàn thể.
Kiểu hoán dụ thứ hai: Sử dụng vật chứa đựng để nói về vật được chứa đựng
Kiểu hoán dụ này các em học sinh có thể tham khảo lại về 2 hình ảnh “Nông thôn” và “Thành thị” mà HOCMAI đã đề cập ở trên.
Kiểu hoán dụ thứ ba: Sử dụng dấu hiệu của sự vật để gọi sự vật
Ví dụ:
“Ngày Huế đổ máu
Chú Hà Nội về
Tình cờ chú cháu
Gặp nhau Hàng Bè.”
(Theo Tố Hữu)
– Từ “Huế” ở đây được sử dụng để chỉ những người sống tại Huế. Như vậy, giữa hình ảnh “Huế” và hình ảnh “người sống ở Huế” có mối quan hệ gần gũi giữa vật chứa đựng và vật bị chứa đựng (trong kiểu hoán dụ thứ 2)
– Từ “đổ máu” khiến người đọc có thể liên tưởng tới chiến tranh. Như vậy, giữa 2 hình ảnh “đổ máu” và “chiến tranh” có mối quan hệ gần gũi giữa dấu hiệu của sự vật và với sự vật mang dấu hiệu.
Thứ tư: Sử dụng cái cụ thể để chỉ cái trừu tượng
Ta có thể phân tích ví dụ sau:
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
(Ca dao)
– Từ “một” được sử dụng để người đọc liên tưởng tới sự riêng lẻ, cô đơn. Còn từ “ba” mang ý nghĩa số nghiều giúp người đọc liên tưởng tới sự đoàn kết. Sự liên hệ giữa “một” – sự riêng lẻ và “ba” – sự đoàn kết chính là vận dụng sử dụng cái cụ thể để nói về cái trừu tượng.
III. So sánh giữa 2 biện pháp hoán dụ và ẩn dụ
Biện pháp tu từ ẩn dụ
Biện pháp tu từ hoán dụ
Giống nhau
– Gọi tên hoặc làm liên tưởng sự vật này thông qua một sự vật khác– Làm tăng sức gợi hình và tạo nên sự độc đáo cho câu văn
Khác nhau
Sử dụng dựa trên mối quan hệ về sự tương đồng (giống nhau) về các mặt như:– Phẩm chất.
– Hình thức.
– Cách thức.
– Chuyển đổi cảm giác
Sử dụng dựa trên mối quan hệ về sự tương cận hay gần gũi về các mặt như:
– Bộ phận với cái toàn thể– vật chứa đựng – Vật bị chứa đựng– Cái cụ thể – Cái trừu tượng.– Dấu hiệu của sự vật – Sự vật.
Tham khảo chi tiết tại: Phân biệt ẩn dụ và hoán dụ
IV. Một số bài tập vận dụng hoán dụ
Bài tập 1. Cho đoạn thơ sau :
“Còi máy gọi bến tàu hầm mỏ
Hòn Gai kêu Đất Đỏ đấu tranh
Áo nâu liền với áo xanh
Nông thôn cùng với thị thành đứng lên.”
(theo Tố Hữu)
a) Trong đoạn thơ trẽn, tác giả đã sử dụng những từ ngữ nào để làm phép hoán dụ ?
b) Phép hoán dụ ở đây nhằm chỉ đối tượng nào ?
c) Tác dụng của các phép hoán dụ trong đoạn thơ.
Bài tập 2. Cho các câu sau đây
“Tay ta tay búa, tay cày
Tay gươm, tay bút dựng xây nước mình.”
(theo Tố Hữu)
“Đứng lên, thân cỏ, thân rơm
Búa liềm không sợ súng gươm bạo tàn”
(theo Tố Hữu)
a) Đó là những hoán dụ kiểu gì ?
b) Cách sử dụng hoán dụ như vậy có tác dụng gì ?
Bài tập 3: Hãy tìm phép hoán dụ trong các bài thơ nằm trong chương trình học lớp 6