Họa mi hót trong lòng thành phố | Tin tức | Hai Phong news
Tiếng hót thánh thót của chim họa mi trong lòng thành phố cho ta thêm mến thương cuộc sống.
Họa là vẽ, mi là lông mày. Loài chim có viền quanh đôi mắt là hàng “lông mi” trắng xếch dài, tựa như lông mày vẽ, có lẽ bởi vậy nên chúng được gọi là họa mi. Với dáng vóc, màu sắc không thanh tú, diêm dúa, đơn thuần chỉ là lớp áo lông màu nâu đất nhưng tiếng hót của họa mi lại làm người ta say sưa, thưởng tụng. Truyền thuyết kể rằng: Sau khi được phò mã vùng sơn cước tiến cống 1 chú chim họa mi, cả triều Lý thời bấy giờ vô cùng say mê tiếng hót họa mi. Từ trong triều lan ra nhà các quan lại, từ nhà quan sang đến nhà dân, chỉ một thời gian ngắn, cả Tràng An biết chơi chim họa mi. Thú chơi chim họa mi từ đó đến nay được coi là nét đẹp văn hóa mang giá trị truyền thống.
Giữa náo nhiệt của cuộc sống hiện đại, thú chơi chim họa mi vẫn nguyên sức hấp dẫn. Không chỉ các cụ già nhàn tản hứng thú với chim họa mi, mà giới trẻ cũng có rất nhiều người mê họa mi như điếu đổ. Thú chơi chim họa mi hót ban đầu chỉ là niềm vui thư giãn để hạ nhiệt cuộc sống, tìm sự trải nghiệm, dần dần những người yêu chim họa mi hót ở thành phố tập hợp nhau lại, hình thành nên câu lạc bộ (CLB) các thành viên có tổ chức, địa điểm sinh hoạt thường xuyên.
Anh Trần Trung Hiếu, Chủ nhiệm CLB Họa mi hót Hoa phượng đỏ cho biết: CLB Họa mi hót Hoa Phượng đỏ được thành lập từ năm 2012. Ban đầu CLB chỉ có 15 thành viên, nay có 25 thành viên, trong đó người nhiều tuổi đã qua tuổi thất thập và bạn trẻ nhất là 26 tuổi. Trong khi một số CLB ở các tỉnh khác tập trung chơi chim họa mi chiến thì CLB chỉ chuyên chơi họa mi hót.
Được biết, trong những ngày không có dịch COVID-19, vào sáng thứ 4 và chủ nhật hằng tuần, các thành viên giao lưu tại Cung Văn hóa Thể thao thanh niên thành phố. Hàng chục lồng chim được các thành viên trong CLB nâng niu, nhẹ nhàng treo lên giàn hoa để các chú họa mi được sưởi nắng mai và khoe giọng. Trong tự nhiên, họa mi thường hót trên các tán cây trong thôn xóm, vùng sát gần chân núi, trên mái đình chùa… còn trong những cuộc giao lưu, họa mi dù ở trong lồng nhưng khi gặp bạn cũng hăng hái phô diễn tiếng hót, nhất là khi có chim họa mi mái ở bên. Giữa thanh âm ồn ào, náo nhiệt của phố xá thị thành, bỗng ngân lên tiếng chim hót thánh thót, du dương là niềm đam mê của các thành viên CLB. Nhâm nhi tách trà, lắng nghe tiếng chim hót, những người chơi chim họa mi từ những người nhiều tuổi đến những thanh niên trẻ say sưa thả hồn theo tiếng chim, chia sẻ với nhau về sắc màu, dung mạo, tiếng hót của những chú chim. Câu chuyện trao đổi khiến họ trở nên gắn bó và gần nhau hơn, từ đó có sự cảm thông, sẻ chia giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Anh Nguyễn Văn Trung, Phó chủ nhiệm CLB Họa mi hót Hoa phượng đỏ chia sẻ: Anh đến với thú chơi họa mi như một sự tình cờ và đến nay anh có thâm niên hàng chục năm trong thú chơi này. Anh cho biết chim họa mi chủ yếu sống hoang dã. Tính cách của chim họa mi cũng khác biệt so với nhiều loại chim khác. Bởi thế, việc thuần hóa, nuôi dưỡng, chăm sóc loài chim này không đơn giản. Những con chim vừa bắt từ rừng về lúc đầu thường hay hoảng sợ, nhút nhát. Thời kỳ đầu rất vất vả, khó khăn bởi chúng chưa quen với cuộc sống trong lồng. Mỗi khi thấy bóng người lại bay nhảy loạn xạ, đâm đầu vào các nan lồng dẫn tới rách đầu, chảy máu, sã cánh… vì thế người chăm phải phủ áo lồng và treo chim ở nơi yên tĩnh.
Muốn cho chim khỏe mạnh và có giọng hót hay, đòi hỏi người chơi phải công phu, mất nhiều thời gian và cũng không ít tốn kém. Bởi đây là loài vật thích hợp với khí hậu ấm áp, nếu gặp nóng hay lạnh thất thường dễ bị bệnh, thế nên buổi sớm chim cần được tắm ánh nắng mai và phải phủ kín áo lồng khi thời tiết xấu. Thức ăn cho chim họa mi được người nuôi chế biến riêng theo công thức, tỷ lệ pha chế khác nhau. Khâu vệ sinh cũng rất quan trọng. Họa mi ưa sạch sẽ nên ngày nào cũng phải cho chúng tắm. Tùy theo tính ý từng con mà thiết kế lồng tắm với không gian lớn, nhỏ khác nhau, quan trọng hơn thói quen tắm ở lồng nào là đúng lồng ấy, không nên thay đổi, để giúp họa mi có bộ lông đẹp, giọng hót trong trẻo. Chế độ luyện tập của chim cũng thật lắm công phu và đặc biệt phải kiên nhẫn. Đây là lúc người chơi thể hiện hết tình yêu và quyết tâm của mình.
Có lẽ chỉ những chủ chim say mê gắn bó với chúng mới có thể tường tận đến vậy. Họa mi vì thế mà cũng rất thân với chủ, chúng có thể nhận và nhớ khuôn mặt, giọng nói của chủ nhân. Những bận rộn chăm chút thường ngày khiến cho chủ và chim thêm gắn bó, đó như là mối duyên mang hơi thở đời sống thường nhật mà cũng rất nghệ sĩ phong tình.
Kỳ công chăm sóc, luyện rèn, cốt là để có được một con họa mi đẹp, giọng hót hay. Theo ông Vũ Đức Chính, ở phường Đằng Hải (quận Hải An): Họa mi đẹp phải hội tụ được những yếu tố như thân phô (thân to), mỏ vàng, chân vàng, lông óng mượt. Khi đứng hót, họa mi ngẩng cao đầu, ngực ưỡn, dáng đứng thẳng. Ông cho biết thêm họa mi hót thường là họa mi trống. Về thanh điệu, giọng hót của họa mi luôn đứng vào bậc nhất các loài chim biết hót. Tiếng hót nghe thật hay, vừa trong trẻo, luyến láy, lại có sức vang, cung bậc cao thấp, trầm bổng, ngân nga,… mang đến cho người thưởng thức cảm giác như được hòa mình với thiên nhiên. Trong những tiết ngày đầu xuân đến cuối hạ mùa họa mi hót sung mãn nhất, mê đắm hồn hồn người. Điều thú vị nữa ở họa mi là khả năng nhái, học giọng chim khác hoặc đồng loại, thậm chí là “bắt chước” cả tiếng động vật.
Hằng năm, CLB Họa mi hót Hải Phòng tổ chức cuộc thi Họa mi hót vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng Hải Phòng 13-5, thu hút hàng trăm nghệ nhân trong và ngoài thành phố. Anh Trần Trung Hiếu chia sẻ: Hội thi chim họa mi hót Hải Phòng được tổ chức thường niên với ý nghĩa tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, là cơ hội để những người yêu thích họa mi có điều kiện được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong thú chơi. Ðồng thời, đây cũng là dịp truyền tải đến mọi người, thông điệp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn những giá trị của thiên nhiên… Bên cạnh đó, hằng năm, các thành viên trong CLB đóng góp nhiều công sức, vật chất cùng với CLB Họa mi miền Bắc trao tặng quà, xây dựng các điểm trường cho các cháu học sinh khó khăn tại các vùng núi cao, xa xôi hẻo lánh./.
BÀI VÀ ẢNH: XUÂN HẠ