Hoa Lư cố đô ngàn năm – Sở Thông tin & Truyền thông Ninh Bình

 Dựa vào thế núi hình cánh cung hiểm trở, trùng điệp làm thành lũy, dùng sông làm hào sâu, Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) được mệnh danh là “kinh đô đá” ngàn năm qua vẫn lưu giữ những giá trị khởi nguyên một thời “vàng son”của dân tộc.

Chương trình nghệ thuật tại Lễ hội Tràng An. Ảnh: Minh Quang

Chương trình nghệ thuật tại Lễ hội Tràng An. Ảnh: Minh Quang

Tinh hoa hội tụ trên kinh đô đá

“Cờ thiêng phất lên, muôn người như một, thống nhất sơn hà”, đó là hào khí được viết thành lời ca, thể hiện dấu ấn “vàng son” một thời của triều đại nhà Đinh, biết dựa vào thế núi hình cánh cung hiểm trở, điệp trùng làm thành lũy; dùng sông làm hào sâu để tập binh, dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, lập nên nước Đại Cồ Việt – Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta vào mùa xuân năm 968.

Lên ngôi Hoàng đế, Đinh Tiên Hoàng cho xây dựng cung điện, triều nghi tại vùng non nước Hoa Lư hữu tình. Vì thế mà Cố đô Hoa Lư được gọi là kinh đô đá. Đây là nơi phát tích các triều đại: Đinh- tiền Lê- Lý. Nơi Nhà nước Đại Cồ Việt khẳng định nền tự chủ, tự tôn dân tộc, là sự khởi đầu hội tụ những tinh hoa trên kinh đô đá, tạo tiền đề cho sự phát triển các triều đại và đất nước sau này.

Khi hoa cỏ thơm hương, nắng rắc vàng rước chồi lộc biếc, mọi vùng xôn sao khúc hát Xuân về, là lúc người dân Ninh Bình tưng bừng bước vào các lễ hội xuân truyền thống, dày đặc. Mở đầu năm mới là Lễ hội chùa Bái Đính vào mùng 6 Tết âm lịch. Lễ hội này kéo dài suốt mùa Xuân tại khu vực chùa Bái Đính có tượng đồng, chuông đồng to nhất, hành lang tượng La Hán dài nhất Đông Nam Á.

Trong gió xuân mơn man, hàng nghìn tăng ni phật tử, hàng trăm nghìn du khách trong nước, quốc tế đến cửa thiền không chỉ cầu may, cầu an lành suốt cả bốn mùa; mà còn muốn tìm về cội nguồn dân tộc, cầu cho quốc thái dân an, tìm hiểu những giá trị cốt lõi của đạo Phật về hòa bình, hòa hợp, khoan dung, nhân ái. Đó chính là những chất liệu xây dựng cuộc sống văn minh, thịnh vượng, tạo thêm sắc màu lấp lánh nét tâm linh trong bức tranh văn hóa thuần Việt.

Kế tiếp là Lễ hội Hoa Lư, được tổ chức từ ngày mùng 9 đến 11/3 âm lịch tại Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư. Giám đốc Ban quản lý di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư, Giang Bạch Đằng cho biết: Phần hội Hoa Lư năm 2020 dự kiến có nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn sau phần lễ trang nghiêm như: Thi bày mâm ngũ quả tiến vua ngày Tết, thi diễn tích cờ lau tập trận, kéo chữ “Thái Bình”; trưng bày hiện vật kinh đô Hoa Lư cổ có nhiều bảo vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia như: Hai bộ long sàng ở đền Vua Đinh bằng chất liệu đá thuộc thế kỷ XVII; cột thạch kinh ở chùa Nhất Trụ bằng chất liệu đá thế kỷ thứ X; và nhiều trò thi vật dân tộc, cờ người, chọi gà, chơi tổ tôm điếm…

Du xuân trong vùng Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An ta sẽ gặp Lễ hội Tràng An tổ chức vào ngày 18/3 âm lịch. Lễ hội này gắn với tục thờ Đức thánh Quý Minh Đại Vương, được phong là Thượng đẳng thần vì có công trấn ải Nam Sơn thời Vua Hùng thứ 18. Nét độc đáo của Lễ hội Tràng An là có nhiều đoàn thuyền bồng bềnh đưa đón hàng nghìn khách du lịch trong nước, quốc tế; nhiều đoàn nghệ thuật và hàng nghìn người dân địa phương tham dự múa rồng, rước nước, đánh trống, đánh chiêng, hát chèo, hát văn, chơi trò chơi dân gian tưng bừng một vùng sông nước xanh như ngọc, xuyên qua nhiều hang kỳ, đá lạ trong dãy tháp karst hùng vĩ.

Điểm nhấn Năm Du lịch quốc gia 2020

Không chỉ có lễ hội mùa Xuân làm say đắm, ngất ngây lòng người, mà nhiều chương trình hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào kế hoạch tổ chức chuỗi các sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2020, tổ chức tại Ninh Bình có chủ đề Hoa Lư- Cố đô ngàn năm.

a

 

Lễ Rước nước từ sông Hoàng Long về đền vua Đinh. Ảnh: Mạnh Thắng

Theo đồng chí Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Thành Đông: Năm Du lịch quốc gia 2020 có 117 sự kiện tổ chức trong cả nước. Tại Ninh Bình có 11 sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đảm nhận; 17 sự kiện do tỉnh tổ chức như: Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2020; Chung kết Cuộc thi “Hoa hậu Kinh đô ASEAN 2020” nhằm tôn vinh vẻ đẹp, tâm hồn, nhân cách, trí tuệ, tài năng của những người đẹp đến từ cộng đồng các quốc gia Đông Nam á, góp phần thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó là giao lưu nghệ thuật với các tỉnh có di sản thế giới, giao lưu văn hóa với một số nước trong khu vực; tổ chức Giải Marathon quốc tế – Ninh Bình lần thứ II, năm 2020; Hội chợ Thương mại – Du lịch; Hội thảo quốc tế về nghệ thuật hát Xẩm. Với mong muốn mang đến sự trải nghiệm lý thú cho du khách tham quan danh lam, thắng cảnh đẹp quê hương Ninh Bình- Một vùng non nước hữu tình, ngành Du lịch của tỉnh tập trung tạo điểm nhấn trong Năm Du lịch quốc gia là phát huy Tuần du lịch “Sắc vàng Tam Cốc – Tràng An”, Tuần lễ “Cúc Phương đại ngàn”.

Trước đó, Sở Du lịch đã giao cho các đơn vị chức năng thực hiện Dự án cắm mốc giới chống xâm phạm Quần thể Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An; tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế tại Anh để đẩy mạnh quảng bá về quê hương, về Năm Du lịch quốc gia 2020.

Đây là cơ hội lớn để Ninh Bình khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo cơ sở nâng cao chất lượng các chương trình, sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn; cơ hội thu hút các nguồn lực đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất các khu, điểm du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, dịch vụ và hướng tới phát triển du lịch liên kết, bền vững, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.  

Tháng Chạp, mặt trời chốn sau mây, Xuân đã về “chạm ngõ” cũng là thời điểm Ninh Bình hoàn thành vượt mức 16 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,09%, cao nhất trong nhiệm kỳ. Hoạt động du lịch có nhiều chuyển biến tích cực, tổng số khách đến tham quan các khu, điểm du lịch trong tỉnh đạt 7,65 triệu lượt khách, tăng 4,79% so với năm 2018; doanh thu du lịch đạt 3,6 nghìn tỷ đồng.

Bước sang năm mới Canh Tý, Ninh Bình đã và đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện, dang rộng vòng tay chào đón bạn bè bốn phương về dự hội, để được chứng kiến vẻ đẹp về thiên nhiên và con người nơi đây, cũng như những đổi thay kỳ diệu của mảnh đất này.

 Lê Hồng (theo “baoninhbinh.org.vn”)