Hòa Bình công bố tiêu chí đánh giá, xếp loại giáo viên trong năm học 2021-2022
Đặng Việt
Cổng Thông Tin Điện Tử Trường THPT Nam Lương Sơn
https://namluongson.edu.vn/uploads/logo_2.png
Dựa trên kết quả của việc đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức giáo viên là căn cứ để bố trí sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thăng hạng…
Tiêu chí và thang điểm đánh giá
Nội dung các tiêu chí và thang điểm đánh giá, xếp loại viên chức thực hiện theo mẫu phiếu đánh giá, xếp loại viên chức năm học 2021-2022 được dựa trên thang điểm tối đa 100 điểm.
Cụ thể, đối với viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý -Tiêu chí 1: Chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong lề lối làm việc (18 điểm); – Tiêu chí 2: Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân (7 điểm); – Tiêu chí 3: Thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết: năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ; tiến độ thực hiện công việc và kết quả hoạt động của đơn vị được giao quản lý, phụ trách (75 điểm);
Đối với viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý – Tiêu chí 1: Chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong lề lối làm việc (18 điểm); – Tiêu chí 2: Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân (7 điểm); – Tiêu chí 3: Thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết: năng lực trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tiến độ và kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng đã ký kết (75 điểm).
Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình cho hay, nguyên tắc việc đánh giá phải bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác; không nể nang, trù dập, thiên vị, hình thức; bảo đảm đúng thẩm quyền quản lý, đánh giá viên chức. (Ảnh: NLĐ)
Xếp loại chất lượng viên chức
Căn cứ vào kết quả đánh giá viên chức được phân loại theo 4 mức sau: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ.
Cụ thể, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Bảo đảm các tiêu chí xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quy định tại Nghị định số 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ và có 12/12 tháng xếp loại ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Tổng điểm đạt từ 90 đến 100 điểm và có ít nhất 50% chỉ tiêu, nhiệm vụ hoàn thành vượt mức; đối với viên chức là lãnh đạo quản lý, đơn vị được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Hoàn thành tốt nhiệm vụ: Bảo đảm các tiêu chí xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ quy định tại Nghị định số 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ và có ít nhất 6 tháng xếp loại ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, số lượng tháng được xếp loại ở mức không hoàn thành nhiệm vụ ít hơn số tháng xếp loại ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tổng điểm đạt từ 75 đến dưới 90 điểm và có ít nhất 80% chỉ tiêu, nhiệm vụ hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng; đối với viên chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, đơn vị đơn vị được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên.
Hoàn thành nhiệm vụ: Bảo đảm các tiêu chí xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ quy định tại Nghị định số 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ và có ít nhất 6 tháng xếp loại ở mức hoàn thành nhiệm vụ, số lượng tháng được xếp loại ở mức không hoàn thành nhiệm vụ ít hơn tổng số tháng được được xếp loại ở mức xếp loại ở mức hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tổng điểm đạt từ 60 đến dưới 75 điểm, có không quá 20% nhiệm vụ theo công việc được giao chưa đảm bảo chất lượng, tiến độ hoặc hiệu quả thấp; đối với viên chức giữ chức vụ quản lý, đơn vị được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên.
Không hoàn thành nhiệm vụ: Điểm đạt dưới 60 điểm hoặc có một trong các tiêu chí quy định tại khoản 2, Điều 15 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP.
Mục đích của việc đánh giá, xếp loại viên chức
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình, việc đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức nhằm làm rõ ưu, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu về năng lực công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý sử dụng, đánh giá, viên chức.
Kết qủa đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức là căn cứ để bố trí sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thực hiện tinh giản biên chế, đánh giá và xếp loại chất lượng đảng viên, sử dụng làm minh chứng cho một số tiêu chuẩn trong việc đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn Hiệu trưởng cũng như các chính sách khác đối với viên chức.
Nguyên tắc việc đánh giá phải bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác; không nể nang, trù dập, thiên vị, hình thức; bảo đảm đúng thẩm quyền quản lý, đánh giá viên chức.
Việc đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao, kết quả thực hiện nhiệm vụ thể hiện thông qua công việc, kết quả giảng dạy, kết quả bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên, giảng viên; kết quả thực hiện công việc của nhân viên; đối với viên chức lãnh đạo, quản lý phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị được giao quản lý, phụ trách.
Viên chức có thời gian công tác trong năm chưa đủ 06 tháng thì không thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng nhưng vẫn phải kiểm điểm thời gian công tác trong năm, trừ trường hợp nghỉ chế độ thai sản.
Viên chức nghỉ không tham gia công tác theo quy định của pháp luật trong năm từ 03 tháng đến dưới 06 tháng thì vẫn thực hiện đánh giá nhưng không xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.