Hoà Bình: Chỉ trồng 1,5 ha sả, anh nông dân sống khỏe
Dù lợi nhuận không cao bằng trồng các loại cây ăn quả khác nhưng bước đầu, cây sả đã mang lại nguồn thu nhập khá cao cho gia đình anh Phùng Văn Man, người dân tộc Dao, ở xóm Đồng Khụ (phường Thống Nhất, TP. Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình).
Những năm qua, nhiều bà con dân tộc Dao sinh sống ở xóm Đồng Khụ, phường Thống Nhất, TP. Hoà Bình đã chuyển đổi diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây sả với mong muốn phát triển kinh tế và làm giàu, bước đầu đã mang lại hiệu quả khá cao. Nhiều hộ ở nơi đây nhận định, do cây sả không tốn nhiều chi phí đầu tư cây giống, phân bón và có thể trồng trên các vùng đất khô cằn, hợp với Đồng Khụ nên bà con đã chuyển sang trồng sả.
Bà con dân tộc Dao ở xóm Đồng Khụ (phường Thống Nhất, TP. Hoà Bình) trồng sả để bán cho các xưởng chế xuất tinh dầu sả. (Ảnh: Hà Hoàng).
Dừng tay làm cỏ sả, anh Phùng Văn Man, người dân tộc Dao, sinh sống ở xóm Đồng Khụ (phường Thống Nhất, TP. Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình) cho biết: Sả là loại cây trồng rất đơn giản, đất nhiều sỏi đá, cằn cỗi, cây sả cũng vẫn sống và phát triển tốt. Cây sả có ưu điểm ở chỗ, đã trồng 1 lần là không cần phải lấy giống trồng tiếp cho những năm sau nữa. Bởi, 1 bụi sả theo thời gian sẽ càng đẻ ra nhiều nhánh, rồi phát triển thành cây trưởng thành, không cần trồng lại sau mỗi vụ thu hoạch. Cách chăm sóc cây sả khá dễ dàng, không cầu kỳ, không tốn nhiều công sức; chỉ cần duy trì đủ độ ẩm. Thường xuyên kiểm tra định kỳ, nhổ bỏ cỏ dại, nếu phát hiện lá úa thì cắt bỏ. Khi bụi sả quá lớn thì tiến hành tách thành những bụi nhỏ cho cây có không gian phát triển.
Anh Phùng Văn Man đang thu hoạch sả để bán cho thương lái. (Ảnh: Hà Hoàng).
“Tôi trồng sả được gần chục năm nay. Tôi thấy loại cây này có khả năng chịu hạn, không tốn nhiều chi phí phân bón, không phải phun thuốc, chỉ cần làm cỏ sạch là cây xanh mơn mởn. Tôi trồng sả 1 lần cho thu hoạch liên tục trong 5 năm, nếu chăm sóc tốt thì trên 6 năm mới phải mua cây giống trồng lại. Trung bình mỗi năm gia đình tôi thu được 3 lứa sả. Thị trường tiêu thụ sả khá ổn định. Tôi thường bán cho các thương lái mua về làm tinh dầu sả với giá khoảng 6.000 đồng/kg, vì vậy mà tôi không lo về đầu ra” – anh Man cho biết.
Bà con xóm Đông Khụ thu hoạch sả, đóng vào bao tải chờ thương lái đến thu mua. (Ảnh: Hà Hoàng).
Hiện tại, xóm Đông Khụ có nhiều hộ đã chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn trên đất bạc màu trước đây sang trồng sả. Có những hộ nhiều năm nay duy trì trồng sả với diện tích từ 1 – 3ha trở lên. Mỗi năm cứ đến vụ thu hoạch, cây sả được bà con bó thành từng bó nhỏ, chặt bỏ thân, ngọn, chỉ giữ lại phần củ, sau đó đóng vào bao tải chờ thương lái đến thu mua. Bình quân mỗi ngày, gia đình nào cũng thu hoạch được khoảng 200kg củ sả thương phẩm để bán ra thị trường.
Nhờ chuyển đổi sang trồng sả mà cuộc sống của anh Phùng Văn Man đã khấm khá hơn so với thời điểm trồng ngô. (Ảnh: Hà Hoàng).
Theo anh Phùng Văn Man, xóm Đồng Khụ, phường Thống Nhất cho biết, cây sả không kén đất, thích nghi với mọi vùng khí hậu thổ nhưỡng. Anh Man trồng sả trên 1,5ha đất nương. Trước khi trồng anh làm sạch cỏ, cuốc hố rộng 20 x 20 cm, sâu 20 cm, cho mỗi hố 1 ít phân chuồng trộn với lớp đất. Sau đó, anh Man lấy từ 1- 2 nhánh sả cắt bớt lá, tước bỏ bẹ khô ở ngoài, nếu ở gốc bẹ có rễ dài thì cắt bớt, đặt nhánh sả hơi nghiêng rồi lấp đất và nén chặt gốc. Sau khi trồng sả xong, anh tưới nước vào gốc cho đủ ẩm để cây có cơ hội sống cao hơn. Cây sả cho thu hoạch rất nhanh, khoảng 4 tháng là có thể cắt tỉa để bán.
Cây sả đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh Phùng Văn Man và bà con dân tộc Dao sinh sống ở xóm Đồng Khụ. (Ảnh: Hà Hoàng).
“Từ lúc tôi bỏ ngô chuyển sang trồng sả trên nương rẫy, cuộc sống của gia đình có thu nhập ổn định hơn, không lo sợ thiếu tiền trả cây giống và phân bón sau mỗi vụ thu hoạch như trước kia nữa. Năm nay thời tiết rất ủng hộ. Tôi ước tính nương sả sẽ cho thu hoạch khoảng 15 tấn sả bán ra thị trường, thu nhập hơn 120 triệu đồng. Ngoài trồng sả, tôi còn nuôi thêm 10 con bò giống địa phương để phát triển kinh tế, tăng thêm nguồn thu nhập – anh Phùng Văn Man chia sẻ.