Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn xa
Đánh giá hiệu lực của văn bản luật sát sườn nhất với doanh nghiệp, khảo sát PCI 2021 cho kết quả việc thực thi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khá khiêm tốn trên thực tiễn.
Kết quả đánh giá về triển khai các chương trình trợ giúp doanh nghiệp trong khuôn khổ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh doanh nghiệp gắng sức duy trì hoạt động trong thời gian dịch Covid-19 cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp đã hưởng hỗ trợ từ các chương trình đều dưới 8%.
Chương trình hỗ trợ có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được cao nhất là cấp bảo lãnh tín dụng tại quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng cũng chỉ có 7,34% doanh nghiệp thực tế đã tiếp cận.
Chương trình có tỷ lệ doanh nghiệp được thụ hưởng thấp nhất là hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, với chỉ khoảng 4,75%, do phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa nằm bên ngoài khu công nghiệp nên không được hưởng lợi từ hỗ trợ này.
Ảnh minh họa.
Khoảng 51,3% doanh nghiệp trả lời khảo sát PCI 2021 không biết đến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong số các doanh nghiệp biết đến Luật này, chỉ 36,8% doanh nghiệp đã thụ hưởng ít nhất một chương trình hỗ trợ.
Nhìn chung, bởi tỷ lệ cao các doanh nghiệp không biết đến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nên mức độ khó khăn khi tuân thủ các thủ tục để hưởng trợ cấp có thể khó khăn hơn trên thực tế so với đánh giá của các doanh nghiệp đã được thụ hưởng.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký VCCI cho biết: “Khi Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tôi rất kỳ vọng. Nhưng đi địa phương nhiều lại bất ngờ khi sự quan tâm của nhiều tỉnh với doanh nghiệp nhỏ và vừa rất hời hợt”.
Thậm chí ngay một tỉnh không xa Hà Nội, khi tiếp chuyện chủ tịch, bí thư và các sở, ngành, họ không có ý thức về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và chưa có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Muốn thấy sự quan tâm doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể nhìn vào lịch làm việc của các vị lãnh đạo tỉnh. Nhưng trong lịch làm việc của chủ tịch, bí thư tỉnh toàn thấy tiếp tập đoàn này, doanh nghiệp lớn nọ, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa hầu như vắng bóng…”, ông Tuấn bộc bạch.
Tâm tư “khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn còn rất xa”, ông Tuấn phân tích thêm: Trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chế định quan trọng nhất và mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn nhất là giảm thuế thu nhập nhưng đã 4 năm từ khi Luật có hiệu lực, doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa hề được thụ hưởng chính sách này vì Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi vẫn chưa được ban hành…
“Việc sửa Luật, triển khai Luật còn ít nên hiệu ứng Luật trên thực tế chưa cao”, ông Tuấn nói.
Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Thủy chia sẻ: “Sau 4 năm triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy câu chuyện nguồn lực không phải là vấn đề cuối cùng, vấn đề mấu chốt mà là triển khai Luật chưa hiệu quả”.
Lấy ví dụ từ thực tế hỗ trợ doanh nghiệp vào chuỗi giá trị trong dự án Link SME, bà Thủy cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thành công theo tiêu chuẩn quốc tế làm cách bài bản mất 1-2 năm từ việc phải phát hiện ra doanh nghiệp tiềm năng, nâng cấp kỹ thuật… tuy nhiên, không phải mọi hỗ trợ đều đạt được kết quả như mong muốn.
Hơn thế, nhiều chính sách chưa triển khai được vì quy trình chi tiêu ngân sách. Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp rất ít nhưng thủ tục vô cùng phức tạp.
“Như doanh nghiệp nói để nhận được 50 hay 100 triệu đồng hỗ trợ có khi phải mất nửa năm, một năm để đeo đuổi quy trình thủ tục và nhiều khi họ không đủ kiên nhẫn. Vấn đề này chúng tôi cũng đã bàn rất nhiều với Bộ Tài chính về câu chuyện làm thế nào vừa kiểm sát an toàn vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhưng vô cùng khó”, bà Thủy cho biết.
Hay như chính sách tư vấn hỗ trợ cho doanh nghiệp nữ quy mô vừa, một hợp đồng tư vấn có thể lên đến 200 triệu đồng nhưng chi phí mà Bộ Tài chính hiện đang tham chiếu là theo Thông tư 02 từ năm 2005 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội rất thấp.
“Muốn chuyên gia hỗ trợ tốt thì chi phí phải tốt. Chúng tôi thuyết phục Bộ Tài chính tính phí sao cho tiệm cận hơn với mức hỗ trợ thị trường nhưng vẫn chưa làm được”, bà Thủy nói.
Từ thực trạng này, các chuyên gia và doanh nghiệp đề xuất cần đánh giá hiệu quả thực thi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là cách thức tiếp cận thông tin hỗ trợ, cách thức hỗ trợ, nhận được sự hỗ trợ của doanh nghiệp nhỏ và vừa từ đó có những sửa đổi và hoàn thiện Luật cũng như các văn bản liên quan để nâng cao hiệu quả thi hành luật, hỗ trợ hiệu quả một nguồn lực quan trọng phát triển đất nước.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động khai thác thông tin bởi hiện nay bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ còn rất nhiều các dự án hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.