Hồ tiêu “thất bát”, người phụ nữ U50 mày mò trồng táo trên đất sỏi đá
Dẫn chúng tôi tham quan vườn táo đang phát triển xanh tốt, bà Phạm Thị Bòng (50 tuổi, thôn Xuân Me, xã Ia Me, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) bộc bạch: “Từ lâu nay, đất đai ở xã Ia Me đều hoang hóa, khí hậu nóng nên đất cằn cỗi, sỏi đá và có độ dốc khá cao. Do đó, việc trồng cây tiêu không hiệu quả. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào cây tiêu cần chi phí lớn, thời gian thu hoạch lâu, giá cả bấp bênh… Chính những khó khăn này đã thôi thúc tôi phải đổi cây trồng khác phù hợp”.
Vì trồng cây hồ tiêu không có hiệu quả, bà Phạm Thị Bòng đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng táo.
Cuối năm 2018, hơn 500 trụ tiêu của gia đình bà Bòng đều rơi vào thảm cảnh bị chết hàng loạt vì sâu bệnh, số còn lại cũng rớt giá. Sau nhiều thời gian tìm tòi và học hỏi các mô hình trồng cây ăn quả, bà Bòng đã quyết định phá tiêu để chuyển sang trồng thử nghiệm táo xanh.
Đầu năm 2019, bà Bòng đã quyết định chặt bỏ hơn 500 trụ hồ tiêu để trồng 200 gốc táo xanh. Bà đã mạnh dạn vay vốn rồi khăn gói ra tỉnh Lạng Sơn để mua giống táo với giá 30.000 đồng/cây.
Cây táo chỉ cần trồng trong thời gian hơn 8 tháng là có thể thu hoạch, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho bà Bòng.
Vốn là người nông dân không có nhiều kiến thức, kỹ thuật nên khi mới trồng thử nghiệm, bà Bòng gặp rất nhiều khó khăn. Táo trồng ở trên đất cằn cỗi, sườn dốc nên khâu canh tác, quản lý rất vất vả. Kiến thức còn hạn chế nên vườn táo của bà Bòng bị sâu bệnh, ruồi vàng đục hàng loạt. Cùng với đó, thời tiết nắng gắt cũng ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình sinh trưởng của táo.
Không nản chí, bà Bòng đã lên mạng, tivi để tìm hiểu về cách trồng và chăm sóc cây táo. Không những thế, bà Bòng còn khăn gói tìm đến những vườn táo ở các vùng lân cận để học tập kinh nghiệm về kỹ thuật bảo vệ, chăm sóc cây.
Mô hình trồng táo trên vùng đất sỏi đá cho quả ngọt
Sau khi tích lũy được kinh nghiệm, bà đã chế tạo bẫy ruồi vàng bằng cách bỏ đường hòa tan với nước, gừng giã vào chai nhựa, đục vài lỗ nhỏ lên thân chai rồi treo lên thân cây. Bà cũng mua những tấm diệt côn trùng có bán sẵn ngoài tạp hóa để bảo vệ cây. Áp dụng phương pháp đó, ruồi vàng trong vườn của bà Bòng giảm đáng kể, quả táo tươi tốt.
Sau 8 tháng, cuối năm 2019, vườn táo của bà cũng phát triển tốt, cây lá xum xuê, trĩu quả. Thấy vườn táo bước đầu thuận lợi và cho nhiều quả, bà Bòng tiếp tục phá bỏ vườn tiêu để trồng thêm 500 gốc táo.
Theo bà Bòng, cây táo dễ trồng nhưng “khó tính”, dễ bị sâu bệnh. Do đó, việc chăm sóc đòi hỏi người trồng đầu tư công sức, kỹ thuật.
“Nghề trồng táo khá công phu. Để có táo chất lượng cao, người trồng phải áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, tỉa cành đúng cách thì mới đạt năng suất cao, phát hiện kịp thời sâu bệnh để tránh lây lan ra cả vườn”, bà Bòng cho biết.
Theo bà Bòng, cây táo dễ trồng nhưng “khó tính”, dễ bị sâu bệnh. Do đó, việc chăm sóc đòi hỏi người trồng vừa đầu tư công sức vừa nắm chắc kỹ thuật. Mỗi khi cây ra cành xum xuê phải tỉa bớt cành, chỉ giữ 3-5 cành to khỏe nhất để cây phát triển. Ngoài ra, người trồng cần phải thường xuyên vun gốc, làm cỏ.
Nhiều người đã tới mua, tham quan và chụp ảnh tại vườn táo của bà Bòng.
Yếu tố quan trọng nhất để cây táo phát triển tốt là khâu bỏ phân chuồng. Người trồng sử dụng nhiều phân chuồng để bón cho cây, hạn chế thấp nhất dùng thuốc hóa học. Mỗi mùa táo sẽ được bón phân 2 lần/năm, với tỉ lệ khoảng 20-30 kg phân chuồng/gốc.
Mỗi năm táo cho thu hoạch từ tháng 8 đến hết tháng 12. Sau khi thu hoạch, người trồng cần phải cưa cành táo đã cho trái vào vụ sau. Cần lưu ý nhất là phải chừa lại khoảng 15 cm tính từ gốc để cho cành táo đó đâm chồi mới. Thường thì mỗi cành có rất nhiều chồi nhưng nhà vườn chỉ chừa lại từ 2-3 chồi đẹp, khỏe để vụ sau cho trái nhiều hơn.
Mô hình trồng táo vừa đem lại nguồn kinh tế vừa là địa điểm du lịch trải nghiệm cho người dân.
Với hơn 700 gốc táo, bà Bòng ước lượng thu hoạch vụ năm nay từ 10-12 tấn quả. Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, việc tìm đầu ra cho quả táo không được thuận lợi. Tuy nhiên, bà Bòng đã chủ động quảng bá trên mạng xã hội để bán lẻ ngay tại vườn.
Lượng khách tham quan trong dịp này đến nhộn nhịp nên việc tiêu thụ táo của bà Bòng cũng suôn sẻ. Hiện nay, bà đã bán được 1/4 số lượng quả cho khách trên địa bàn tỉnh với giá bán lẻ 25.000 đồng/kg và giá sỉ là 20.000 đồng/kg.
Nghe có vườn táo đang “hot” ở huyện Chư Prông, nhiều người đã vượt hàng chục cây số đến chiêm ngưỡng và mua về làm quà cho gia đình. Với lợi thế là mô hình đầu tiên của huyện, mỗi ngày bà Bòng đón hàng trăm lượt khách đến tham quan. Du khách có thể tự đi tham quan và cắt những chùm táo xanh giòn rồi đưa đến cân.
Bà mong muốn sẽ được hướng dẫn thêm kỹ thuật để nhân rộng mô hình trồng táo trên địa bàn huyện.
Bà Bòng cho biết thêm, thời gian tới, bà sẽ đầu tư nhiều thiết bị khoa học kỹ thuật để chăm sóc vườn táo đạt chuẩn theo quy trình trồng cây hữu cơ. Bên cạnh đó, bà còn bày tỏ mong muốn được nhân giống và giúp những hộ dân có nhu cầu trồng cây táo trên địa bàn xã.
Ông Trần Văn Khâm – Trưởng thôn Xuân Me (xã Ia Me, Mang Yang, Gia Lai) cho biết: “Vườn táo của bà Bòng là mô hình trồng cây ăn quả tiên phong trong huyện. Vườn táo đã giúp tăng gia sản xuất, đem lại nguồn kinh tế ổn định cho gia đình đồng thời còn tạo ra một mô hình du dịch tham quan trải nghiệm mới lạ đối với nhiều người dân trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ và phát triển mô hình này”.