Hộ gia đình là chủ thể trong quan hệ dân sự – Dân sự – Trang thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Tất cả các thành viên của gia đình tôi chung nhau đầu tư, thỏa thuận để một người đứng ra thay mặt hộ gia đình đại diện tham gia giao dịch mua, bán.

Tất cả các thành viên của gia đình tôi chung nhau đầu tư, thỏa thuận để một người đứng ra thay mặt hộ gia đình đại diện tham gia giao dịch mua, bán.

Xin hỏi, tài sản, lợi nhuận thu được từ giao dịch mua, bán này có phải là tài sản chung của tất cả các thành viên hay không? Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ từ giao dịch này thì trách nhiệm của các thành viên gia đình tham gia như thế nào?

Trả lời

Hộ gia đình là một trong những chủ thể trong quan hệ dân sự. Theo khoản 1 Điều 101 Bộ luật Dân sự năm 2015, “trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Khi có sự thay đổi người đại diện thì phải thông báo cho bên tham gia quan hệ dân sự biết.

Trường hợp thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự không được các thành viên khác ủy quyền làm người đại diện thì thành viên đó là chủ thể của quan hệ dân sự do mình xác lập, thực hiện”.

Hộ gia đình, trong trường hợp này không phải là pháp nhân. Bởi vì, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 74 của Luật này. Đó là:

“a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;

b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;

c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập”.

Cũng cần lưu ý, khi tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, có hai sự lựa chọn:

Một là, tất cả các thành viên của hộ gia đình cùng tham gia, hoặc

Hai là, ủy quyền cho người đại diện tham gia. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Tài sản chung của các thành viên hộ gia đình được quy định tại khoản 1 Điều 102 của Bộ luật này. Đó là: “Việc xác định tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, quyền, nghĩa vụ đối với tài sản này được xác định theo quy định tại Điều 212 của Bộ luật này”.

Cụ thể, Điều 212 quy định về sở hữu chung của các thành viên gia đình như sau:

“1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này”.

Nghĩa vụ dân sự phát sinh từ việc tham gia quan hệ dân sự của hộ gia đình được bảo đảm thực hiện bằng tài sản chung của các thành viên. Trường hợp các thành viên không có hoặc không đủ tài sản chung để thực hiện nghĩa vụ chung thì người có quyền có thể yêu cầu các thành viên thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 288 của Bộ luật này. Đó là thực hiện nghĩa vụ liên đới, bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

Trường hợp các bên không có thỏa thuận, hợp đồng hợp tác hoặc luật không có quy định khác thì các thành viên chịu trách nhiệm dân sự theo phần tương ứng với phần đóng góp tài sản của mình, nếu không xác định được theo phần tương ứng thì xác định theo phần bằng nhau.

Ngọc Đức