Hình tượng tiên nữ trong văn hóa Việt Nam
Mới đây, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho ra đời cuốn sách “Hình tượng tiên nữ” của nhóm tác giả Trần Hậu Yên Thế, Trần Trung Hiếu, Lê Thị Liễu, Trần May.
Nhóm tác giả đưa người đọc tới các tầng văn hóa-nhận thức-triết mĩ của việc kiến tạo, tái kiến tạo hình tượng tiên.
PGS.TS Trần Thị An, Giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cho biết nhóm tác giả Trần Hậu Yên Thế, Trần Trung Hiếu, Lê Thị Liễu, Trần May, với một sự đam mê đầy cẩn trọng, đã đọc kỹ các đồ án điêu khắc có hình ảnh tiên ở đình làng Việt các thế kỷ XVI, XVII, XVIII và giới thiệu với cộng đồng người đọc.
Chọn trọng tâm là các đồ án điêu khắc có hình ảnh tiên nữ trong đình làng Việt thế kỷ XVI, XVII, XIII, Trần Hậu Yên Thế và các cộng sự đưa người đọc đi xa, nhìn rộng, nghĩ sâu và liên tưởng bao quát về vấn đề đang bàn.
Nhóm tác giả dẫn người đọc đi theo trục tuyến tính thời gian, khi cặp hình tượng Cha Rồng – Mẹ Tiên đi vào chính sử, từ đó, lần theo các dấu ấn của văn hóa vật thể in hình qua dâu bể thời gian bởi “không phải câu chuyện huyền sử đẹp đẽ nào của dân tộc cũng được thị giác hóa, được cụ thể, được in dấu lên đá, lên gỗ”.
Theo trục thời gian này, nhóm tác giả chỉ cho người đọc thời điểm xuất hiện của những bức chạm Rồng Tiên vào thời Mạc, sự phát triển nở rộ trong khoảng 3 thế kỷ XVI, XVII, XVIII trên chất liệu gỗ và sự lụi tàn vào thế kỷ XIX rồi hồi sinh trở lại vào cuối thế kỷ XX trong những chất liệu đa dạng khác.
Cuốn sách như mở tầm mắt người đọc tới sự xuất hiện của hình ảnh Tiên trong văn hóa Ấn Độ (tiên ông Rishi, tiên nữ Apsara); trong văn hóa Trung Hoa (mà tâm điểm là ở Đạo giáo), trong thần thoại và văn hóa châu Âu (mà ví dụ về các nàng tiên cá với giọng hát mê hoặc và ma lực quyến rũ khiến bao thủy thủ Odysseus khi đi qua vùng biển nọ phải nhét sáp ong…
Cuốn sách Hình tượng Tiên nữ có khảo cứu công phu, nhiều minh họa vẽ tay và ảnh chụp từ di tích nguyên bản.
Các tác giả đã thể hiện một sở kiến rộng rãi trên tinh thần lao động nghiêm túc trong việc giới thiệu một cách bao quát về khối lượng tranh tượng khổng lồ trong văn hoá Hy-La từ những manh nha ở thế kỷ IV tới sự bùng nổ trong thời Phục hưng…
“Để có cái nhìn bao quát, nhóm tác giả đã trình hiện trên trang giấy chuyên khảo những kiến thức liên văn bản của các dữ liệu về văn học dân gian (truyện Từ Thức, truyện Ả Chức-chàng Ngưu), văn học thành văn (Bích câu kỳ ngộ, Vân Cát thần nữ), về nghệ thuật biểu diễn (rối nước, múa trong lễ hội, trong hát Ca trù) và nghệ thuật tạo hình.
Từ cái nền liên văn bản, cuốn chuyên khảo đi sâu giới thiệu các đồ án tiên nữ trong chùa, tháp, đền, miếu; sự tương đồng giữa hình tượng tiên nữ ở đình, chùa, đền, miếu ở đề tài, hình thức thể hiện, phong cách tạo hình và trang phục mà qua đó, nhóm tác giả gợi ra những suy nghĩ về cơ tầng văn hóa truyền thống và sâu xa hơn là mẫu gốc mà “vô thức cộng đồng” tạo ra trong lịch sử…”, PGS.TS Trần Thị An nhấn mạnh.
“Có thể nói, các tác giả đã quan tâm vấn đề và lý giải thấu đáo, không chỉ ở mặt lý thuyết mà toàn bộ nghiên cứu dựa trên những di sản cụ thể, vẽ ra được, khái quát thành các mô típ để sau này nghiên cứu có cơ sở. Cuốn sách Hình tượng Tiên nữ có quy mô nghiên cứu khá lớn, khảo cứu công phu, nhiều minh họa vẽ tay và ảnh chụp từ di tích nguyên bản”, họa sĩ, nhà nghiên cứu Mỹ thuật Phan Cẩm Thượng nhấn mạnh.
Họa sĩ, nhà nghiên cứu Mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho rằng đây là một công trình quan trọng đối văn hóa Việt Nam nói chung và ngành nghiên cứu mỹ thuật cổ nói riêng.
Công trình của nhóm tác giả Trần Hậu Yên Thế, Trần Trung Hiếu, Lê Thị Liễu, Trần May đã cho bạn đọc thấy loài người từ thượng cổ, xuất thân từ hang động, nên rất sợ các đối tượng có sức mạnh, trên trời là đại bàng, dưới đất là sư tử, hổ, sát đất và dưới nước là rng đất và rắn. Những con vật đầy sức mạnh đó, kết hợp lại chính là hình tượng con rồng xuất hiện ở tất cả các dân tộc, nhưng là biểu tượng của quyền lực…