Hình thức và phương pháp quản lý hành chính nhà nước
Hình thức và phương pháp quản lý hành chính nhà nước. Hình thức quản lý hành chính nhà nước là những hình thức biểu hiện bên ngoài của hoạt động chấp hành, điều hành.
Quản lý hành chính nhà nước là quản lý xã hội mang tính quyền lực nhà nước, sử dụng quyền lực nhà nước để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong hoạt đông hành chính. Vậy khi thực hiện chức năng quản lý của mình, nhà nước thông qua hình thức và phương pháp quản lý như thế nào? Bài viết sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu về vấn đề trên.
I.HÌNH THỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
1. Khái niệm quản lý hành chính nhà nước là gì?
Có rất nhiều cách diễn đạt về khái niệm thế nào là hình thức quản lý hành chính nhà nước, có thể hiểu về khái niệm này theo một số cách diễn đạt như sau:
Hình thức quản lý hành chính nhà nước với tư cách là cách thức thể hiện nội dung của quản lý hành chính nhà nước trong hoàn cảnh quản lý cụ thể là việc biểu hiện ra bên ngoài của chủ thể quản lý nhằm thực hiện tác động quản lý nhà nước.
Hình thức quản lý hành chính nhà nước là những hình thức biểu hiện bên ngoài của hoạt động chấp hành, điều hành các chủ thể của quản lý hành chính nhà nước thực hiện như: ban hành các văn bản quản lý, áp dụng các biện pháp tổ chức trực tiếp.
Hoạt động quản lý hành chính nhà nước rất phong phú, vì vậy để xác định được hình thức quản lý phù hợp với từng hoạt động nhằm đem lại hiệu quả cao trong công tác quản lý nhà nước là điều quan trọng. Việc xác định này phụ thuộc vào yếu tố tác động như: Nội dung và tính chất của những hoạt động, điều kiện về mặt khách quan, chức năng của quản lý, yêu cầu của chủ thể và đặc biệt là các quy định của pháp luật để áp dụng phù hợp trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước như.
Xác định hình thức quản lý cũng cần phải quan tâm đến một số vấn đề khác như: Quy luật về sự phù hợp của hình thức quản lý với chức năng quản lý, quy luật về sự phù hợp của hình thức quản lý với nội dung và tính chất của những vấn đề quản lý cần giải quyết, quy luật về sự phù hợp của hình thức quản lý với những đặc điểm của đối tượng quản lý cụ thể và quy luật về sự phù hợp của hình thức quản lý với mục đích cụ thể của tác động quản lý.
Hinh thức quản lý hành chính luôn đi cùng với chức năng hoạt động đặc trưng của hành chính là chức năng chấp hành – điều hành, một trong những hình thức quản lý nhà nước bằng pháp luật của nhà nước. Việc phân loại các hình thức quản lý hành chính giống nhau về tính chất, nội dung sẽ giúp cho hoạt động quản lý đúng đắn và hiệu quả.
Để đạt được mục đích này, các chủ thể quản lý hành chính cần xác lập những quy tắc xử sự dưới luật trong những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình, tiến hành hoạt động điều hành mà nội dung là áp dụng quy phạm pháp luật, giải quyết những trường hợp không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, đánh giá hành vi xử sự của các bên tham gia quan hệ pháp luật hành chính và áp dụng các biện pháp tác động có tính chất bắt buộc trong những trường hợp pháp luật quy định, các hoạt động của chủ thể quản lý hành chính nhà nước đều phải tiến hành trên cơ pháp luật.
Hình thức quản lý hành chính nhà nước phân thành hai loại là hình thức pháp lý và hình thức không pháp lý. Hình thức pháp lý được pháp luật quy định cụ thể về nội dung, trình tự,…như đối với quy định thẩm quyền ban hành văn bản, còn hình thức không pháp lý thì pháp luật chỉ quy định những thủ tục chung để tiến hành như: thủ tục tiến hành hội nghị, hội thảo, tổng kết.. giữa 2 loại hình thức này có sự khác nhau nữa là ở chỗ hình thức pháp lý có thể dẫn đến sự phát sinh, thay đổi hay chấm dứt những quan hệ pháp luật hành chính cụ thể, còn hình thức pháp lý thì không có khả năng ấy.
Hình thức không pháp lý có thể được tiến hành trước hoặc sau hình thức pháp lý hoặc đơn giản là tạo điều kiện cần thiết cho việc tiến hành hoạt động mang tính chất pháp lý (chuẩn bị những số liệu, tài liệu cần thiết), việc kết hợp sử dụng cả hình thức pháp lý lẫn hình thức không pháp lý trong hoat động quản động quản lý là một biện pháp tối ưu.
2. Phương pháp quản lý hành chính nhà nước
Phương pháp quản lý hành chính nhà nước là cách thức mà chủ thể quản lý hành chính nhà nước sử dụng để thực hiện chức năng quản lý hành chính của mình, là cách thức tác động của chủ thể quản lý hành chính nhà nước lên các đối tượng quản lý nhằm đạt được hành vi xử sự cần thiết. Các phương pháp đó bao gồm: Hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ban hành văn bản áp dụng QPPL, thực hiện những hoạt động mang tính chất pháp lý, áp dụng những biện pháp tổ chức trực tiếp và thực hiện những tác động về nghiệp vụ – kỹ thuật.
a. Hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Văn bản QPPL là văn bản do cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục luật định, trong đó chứa đựng các quy tắc xử sự chung được nhà nước bảo đảm thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, là hình thức pháp lý quan trọng nhất trong hoạt động của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Trong quản lý hành chính nhà nước, hình thức ban hành văn bản quy phạm pháp luật là hình thức quản lý hành chính nhà nước quan trọng của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước nhằm thực hiện chức năng chấp hành và điều hành.
Thông qua hoạt động ban hành văn bản QPPL hành chính các chủ thể quản lý hành chính nhà nước:
– Ấn định các quy tắc xử sự chung trong quản lý hành chính nhà nước;
– Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các bên tham gia quan hệ quản lý hành chính nhà nước;
– Quy định những hạn chế và điều ngăn cấm;
– Quy định trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động của chủ thể quản lý.
b. Ban hành văn bản áp dụng QPPL
Văn bản áp dụng QPPL là văn bản thi hành của văn bản QPPL, văn bản này được ban hành trên cơ sở văn bản QPPL nhằm giải quyết các công việc liên quan đến cá nhân, tổ chức..
Hình thức ban hành văn bản ADQPPL là hình thức chủ yếu của cơ quan QLHCNN sử dụng để giải quyết các công việc, cụ thể hàng ngày. Do đó, văn bản ADQPPL có số lượng rất lớn, có nội dụng, tính chất, mục đích sử dụng rất khác nhau. Tuy nhiên, căn cứ vào mục đích áp dụng, chúng ta có thể chia thành 2 nhóm lớn là:
– Những văn bản chấp hành pháp luật;
– Những văn bản bảo vệ pháp luật.
Ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật là việc các chủ thể quản lý có thẩm quyền căn cứ vào các quy định pháp lụât hiện hành để giải quyết các vụ việc cụ thể phát sinh trọng họat động quản lý nhà nước.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
c. Thực hiện những hoạt động mang tính chất pháp lý
Những hoạt động mang tính chất pháp lý là những hoạt động do các chủ thể quản lý HCNN tiến hành khi pháp sinh những điều kiện tương ứng được quy định trước trong các văn bản QPPL nhưng không cần ban hành văn bản ADQPPL.
Những hoạt động mang tính pháp lý bao gồm rất nhiều các hoạt động cụ thể khác nhau như:
– Áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn và phòng ngừa VPPL như kiểm tra giấy phép lái xe, kiểm tra tạm vắng, tạm trú…
– Đăng kí những sự kiện nhất định như đăng kí hộ tịch.
– Lập và cấp một số giấy tờ nhất định như giấy phép lái xe
– Công chứng, chứng thực
– Lập văn bản VPHC
Đây là những họat động rất phổ biến và đa dạng, được pháp luật quy định chặt chẽ nhưng không cần phải ban hành văn bản quy phạm hay van bản áp dụng pháp luật, như: khám xét người, phương tiện, lập biên bản vi phạm hành chính, công chứng,…
d. Áp dụng những biện pháp tổ chức trực tiếp
Là hình thức hoạt động không mang tính pháp lý do chủ thể quản lý hành chính nhà nước tiến hành nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi để ban hành và tổ chức thực hiện các quyết định quản lý.
Tiến hành các hoạt động tổ chức thực hiện gồm các hoạt động nghiên cứu, tổng kết và phổ biến những kinh nghiệm tiên tiến, áp dụng các biện pháp cụ thể nhằm ứng dụng những thành tựu khoa học kĩ thuật vào quản lý, tổ chức kiểm tra, điều phối hoạt động, tổ chức hội thảo…. Áp dụng những biện pháp tổ chức trực tiếp bao gồm các biện pháp tổ chức ra bên ngoài như: hội thảo quần chúng, lấy ý kiến người dân, điều tra xã hội học…; Các biện pháp tổ chức nội bộ cơ quan như: hội thảo, hội nghị, tổng kết rút kinh nghiệm.
e. Thực hiện những tác động về nghiệp vụ – kỹ thuật
Là hoạt động sử dụng kiến thức nghiệp vụ, áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào quá trình quản lý hành chính nhà nước. Đây là hình thức sử dụng khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý như in ấn, soạn thảo, lưu trữ văn bản hành chính hoặc các hoạt động phục vụ thuần túy
Thực hiện những tác động về nghiệp vụ – kỹ thuật có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao hiệu suất công tác của bộ máy hành chính nhà nước, đảm bảo công tác quản lý hành chính nhà nước dược tiến hành một cách nhanh chóng, hiệu quả và chính xác.
Ngoài ra, phương pháp quản lý hành chính nhà nước còn có những phương pháp khác như : phương pháp thuyết phục, phương pháp cưỡng chế, phương pháp hành chính, phương pháp kinh tế.
Phương pháp thuyết phục: là làm cho đối tượng quản lý hiểu rõ sự cần thiết và tự giác thực hiện, thôn qua phương pháp này giáo dục cho mọi công dân nhận thức đúng đắn về kỷ cương xã hội, kỷ cương nhà nước, động viên họ tự giác thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước và xã hội. Phương pháp này sử dụng những biện pháp khác nhau như giải thích, nhắc nhở, tổ chức, giáo dục, tuyên truyền, phát triển các hình thức tự quản xã hội, tổ chức thi đua, khen thưởng.
Phương pháp cưỡng chế hành chính: là tác động mang tính chất bắt buộc, có thể gây thiệt hại về vật chất, tinh thần hay các quyền, lợi ích khác của đối tượng quản lý nhằm thực hiện các yêu cầu quản lý đặt ra.
Phương pháp hành chính: là sự tác động trực tiếp lên đối tượng quản lý đạt được bằng cách quy định đơn phương nhiệm vụ và phương án hành động của đối tượng quản lý.
Phương pháp kinh tế: là phương pháp tác động gián tiếp đến hành vi của các đối tượng quản lý, là sự quan lý bằng lợi ích và thông qua lợi ích của con người. Lợi ích là điểm trung tâm của phương pháp kinh tế, là cơ sở của sự phát triển.