Hình phạt thích đáng với kẻ chống người thi hành công vụ
Gửi thư về Đài Tiếng nói Việt Nam, một thính giả bày tỏ:
Con tôi năm nay 25 tuổi đang điều khiển xe máy đến ngã tư đường. Có hai anh cảnh sát giao thông đã ra tín hiệu cho con tôi tắt máy, dừng xe vào lề đường. Nhưng do đang điều khiển xe tốc độ cao hơn bình thường nên con tôi không kịp dừng xe và đã tông vào một anh cảnh sát giao thông. Sau đó, cháu cùng mọi người đã đưa cảnh sát giao thông đến bệnh viện. Các bác sĩ kết luận chiến sĩ cảnh sát kia đã xác định tỷ lệ thương tật là 45% và yêu cầu cháu bồi thường, ngoài ra còn bị xử phạt. Tôi rất băn khoăn, lỗi của cháu có phải là chống người thi hành công vụ không? Bị xử phạt như thế nào?
Về nội dung này, luật sư Đặng Văn Cường – Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho biết:
Trong trường hợp này, các chiến sĩ cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ được coi là những người thực hiện công vụ bởi đó là lực lượng đại diện cho quyền lực Nhà nước để đảm bảo duy trì trật tự an toàn giao thông. Do vậy hành vi không dừng lại theo hiệu lệnh của cảnh sát giao thông và đâm vào người đang làm nhiệm vụ như vậy có thể được xem là hành vi chống người thi hành công vụ.
Theo như thông tin của bạn cung cấp thì con bạn đang điều khiển xe máy tốc độ cao hơn bình thường, có thể hiểu cao hơn bình thường ở đây là vận tốc nhanh hơn quy định cho phép. Nếu con bạn điều khiển xe máy vượt quá tốc độ cho phép thì con bạn bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt:
Nếu điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h theo điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP con bạn sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng.
– Nếu điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h theo điểm a khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP con bạn sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Ngoài ra, con bạn sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
– Nếu điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h theo điểm a khoản 7 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP con bạn sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra, con bạn sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Về xử lý vi phạm hành chính:
Theo quy định Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 thay thế Nghị định số 167/2013/ND-CP ngày 12/11/2013. Tại Điều 21, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định các hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật.
Về xử lý hình sự đối với trường hợp người thi hành công vụ bị thương tật
Trước hết một trong những nguyên tắc áp dụng pháp luật là một hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần. Trong trường hợp bị xử lý về hành chính thì không xử lý về hình sự đối với cùng một hành vi. Với lỗi của con bạn thì con bạn có thể bị xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ.
Như thông tin bạn cung cấp, con bạn có hành vi đâm vào người cảnh sát giao thông đang thi hành công vụ. Hơn nữa, con bạn cũng đang chạy xe quá tốc độ cho phép, không những không chấp hành hiệu lệnh của cánh sát giao thông mà bạn còn gây tổn hại cho sức khỏe của cảnh sát giao thông. Căn cứ theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 tại Điều 330 quy định về tội chống người thi hành công vụ:
“Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Hành vi của con bạn có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống đối người thi hành công vụ với mức hình phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm, mức cao nhất của tội này là bảy năm tù.
Tuy nhiên, hành vi đâm cảnh sát giao thông của con bạn đã gây thiệt hại đến sức khỏe của người cảnh sát giao thông này, mà tỷ lệ thương tật của anh cảnh sát này là 45%. Do đó, hành vi này đã đầy đủ yếu tố để cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏa của người khác, con bạn có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trường hợp này có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm.
Về trách nhiệm dân sự:
Luật sư Nguyễn Hữu Toại cho biết: Ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự quy định về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, con bạn phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe của cảnh sát giao thông, bao gồm những khoản chi phí như sau:
Một là, chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
Hai là, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
Ba là, chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
Bốn là, một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại phải gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định./.
Mời quý vị và các bạn nghe trao đổi của phóng viên chương trình với luật sư Nguyễn Hữu Toại tại đây: