Hiểu về giá vốn hàng bán từ A-Z cho nhà đầu tư chứng khoán

Tiếp theo trong chuỗi chủ đề về các khoản mục trên báo cáo kết quả kinh doanh. Hôm nay Cú sẽ giới thiệu với anh em về một chỉ tiêu rất quan trọng trong doanh nghiệp. Đó chính là Giá vốn hàng bán. 

Để có thể quản lý tốt số hàng hóa và tối ưu được lợi nhuận. Các doanh nghiệp cần phải tính toán chính xác giá vốn hàng bán. Đây là một yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến nhiều hoạt động trong kinh doanh

Trong bài viết này, Cú sẽ giúp anh em hiểu Giá vốn hàng bán là gì? Đặc điểm của Giá vốn hàng bán? Hướng dẫn cách tính giá vốn hàng bán với các công thức đơn giản, dễ hiểu nhất? Thời điểm ghi nhận Giá vốn hàng bán, … Anh em hãy đọc bài viết dưới đây để hiễu rõ về giá vốn hàng bán trong doanh nghiệp nhé.

1. Khái niệm giá vốn hàng bán là gì?

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, chủ doanh nghiệp có nhiều vấn đề cần quan tâm. Không chỉ tập trung tối ưu và phát triển tiêu thụ sản phẩm, tăng trưởng về doanh thu. Hơn thế còn cần tập trung kiểm soát về chi phí, đặc biệt là Giá vốn hàng bán. Việc kiểm soát để đảm bảo không xảy ra thất thoát, thâm hụt chi phí. Và không gây phát sinh nhiều khoản chi phí không cần thiết. Từ đó, doanh nghiệp sẽ tối ưu được lợi nhuận.

Trong bài Doanh thu là gì? Dễ hiểu nhất cho nhà đầu tư F0. Cú đã giới thiêụ với anh em về chỉ tiêu Doanh thu thuần trên Báo cáo kết quả kinh doanh. Và ngay phía dưới chỉ tiêu Doanh thu thuần này, đó chính là Giá vốn hàng bán. Để kinh doanh và duy trì hoạt động doanh nghiệp tốt, chúng ta cần biết hiểu rõ về giá vốn hàng bán là gì? 

1.1 Khái niệm Giá vốn hàng bán?

gia-von-hang-ban

Giá vốn hàng bán tiếng anh gọi là “Cost of Goods sold” hoặc “Cost of sales”. Viết tắt là COGS và COS. Có thể định nghĩa đơn giản về Giá vốn hàng bán như dưới đây. 

Giá vốn hàng bán là giá trị vốn của hàng hóa đã tiêu thụ trong một thời gian nhất định. Thường là 1 kỳ hoặc 1 năm.” 

Giá trị vốn của hàng hóa ở đây bao gồm tất cả các khoản chi phí trực tiếp bỏ ra để có được hàng hóa ở trạng thái sẵn sàng để bán. Gồm: Chi phí nguyên vật liệu, hàng hóa mua vào, chi phí vận chuyển, chi phí tiền lương sản xuất,…

Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 01, cùng với các loại chi phí khác. Giá vốn là một chi phí sản xuất kinh doanh phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Dưới dạng tiền và các khoản tương đương tiền, hàng tồn kho, khấu hao máy móc, thiết bị.

Cần phân biệt giá vốn hàng bán và các chi phí sản xuất kinh doanh phát sinh trong kỳ. Khái niệm giá vốn hàng bán chỉ gắn với chi phí các sản phẩm đã được tiêu thụ. Giá vốn không phải toàn bộ sản phẩm được sản xuất ra trong một thời kỳ.

Ví dụ 1: Trong tháng 09/2022, Công ty cổ phần thép Hòa Phát sản xuất được 1 triệu tấn thép. Giá vốn sản xuất một tấn thép cuộn là 15 triệu đồng/ tấn. Do tình hình kinh tế đi xuống, sản lượng thép tiêu thụ của Công ty chỉ đạt 700 nghìn tấn. Còn 300 nghìn tấn tồn kho chưa bán được. Như vậy, giá vốn hàng bán trong tháng 09/2022 chỉ tính trên 700 nghìn tấn thép đã được tiêu thụ. Và sẽ không bao gồm chi phí sản xuất 300 nghìn tấn thép tồn kho.

Giá vốn hàng bán trong kỳ tháng 09/2022 = 700.000 tấn thép tiêu thụ x 15.000.000

= 10.500 tỷ đồng

Giá vốn hàng bán cũng có quan hệ mật thiết với giá thành sản phẩm. Cú sẽ phân tích sự khác nhau giữa Giá vốn và Giá thành cho anh hem hiểu ở mục sau.

Giá vốn hàng bán phụ thuộc vào loại hình công ty mà có các khoản vốn hàng bán khác nhau. Cụ thể:

  • Đối với công ty thương mại (nhập hàng có sẵn bán lại): vốn hàng bán sẽ gồm các khoản phí. Cụ thể là: tiền nhập hàng, tiền phí vận chuyển hàng, tiền bảo hiểm hàng hóa, thuế hàng hóa,…

  • Đối với công ty sản xuất: vốn hàng bán sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí hơn. Do có thêm các khoản như tiền nguyên vật liệu để sản xuất, tiền vận hành sản xuất,…

Giá vốn hàng bán ở mỗi công ty còn phụ thuộc vào chính sách và điều kiện mua bán giữa nhà cung ứng và đại lý.

1.2 Đặc điểm của giá vốn hàng bán

dac-diem-gia-von-hang-ban

Thông qua khái niệm của Giá vốn hàng bán, ta sẽ thấy các đặc điểm sau đây:

  • Giá vốn hàng bán gồm các chi phí trực tiếp tạo ra sản phẩm ở trạng thái sẵn sàng bán.

  • Giá vốn hàng bán được xác định dựa trên chi phí mua vào các sản phẩm đã được tiêu thụ. Tương ứng với doanh thu sản phẩm được bán ra.

  • Giá vốn hàng bán không bao gồm các chi phí gián tiếp. Bao gồm các chi phí không tạo ra sản phẩm như chi phí quản lý chung, chi phí bán hàng,…

  • Giá trị của giá vốn hàng bán phụ thuộc vào 

    phương pháp tính giá vốn

     mà doanh nghiệp áp dụng. Và cần nhất quán phương pháp trong một kỳ kế toán.

1.3 Thời điểm ghi nhận giá vốn hàng bán

thoi-diem-ghi-nhan-gia-von-hang-ban

Giá vốn hàng bán được ghi nhận khi nào? Có thể đây là câu hỏi sẽ được nhiều anh em quan tâm. Đây cũng là điểm khác biệt cơ bản giữa Giá vốn hàng bán và Giá thành sản phẩm.

Như đã nói ở trên, giá vốn hàng bán là một loại chi phí. Theo nguyên tắc phù hợp, doanh thu và chi phí phải được ghi nhận tương ứng cùng một thời điểm.

Theo định nghĩa ở trên thì giá vốn hàng bán là một khoản chi phí của doanh nghiệp bỏ ra. Mục đích là để sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp tới khách hàng. Theo nguyên tắc phù hợp, khi anh em ghi nhận một khoản doanh thu thì phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng vào cùng thời điểm đó. Điều này có nghĩa giá vốn là một khoản chi phí của doanh nghiệp góp phần tạo ra doanh thu. Do vậy, xác định thời điểm ghi nhận giá vốn cũng chính là xác định thời điểm ghi nhận một khoản doanh thu của doanh nghiệp.

Theo đó, khi doanh nghiệp ghi nhận một khoản doanh thu bán ra, cũng sẽ đồng thời ghi nhận chi phí giá vốn hàng bán tương ứng. Do đó, thời điểm ghi nhận giá vốn hàng bán cũng sẽ cùng thời điểm ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.

Ví dụ khi Công ty thép Hòa Phát xuất kho bán 10.000 tấn thép thanh vằn cho doanh nghiệp A. Giá bán là 15 triệu đồng/tấn, giá vốn hàng bán là 12 triệu đồng/tấn. Hàng hóa đã được nghiệm thu bàn giao và đưa vào kho của doanh nghiệp A. Mặc dù chưa thu được tiền bán hàng, nhưng Công ty đã thỏa mãn điều kiện ghi nhận doanh thu. Đồng thời giá vốn hàng bán cũng được ghi nhận tương ứng với số lượng hàng hóa đã bán ra.

Cụ thể: Doanh thu Công ty thép Hòa Phát được ghi nhận là 10.000 tấn thép x 15 triệu đồng = 150 tỷ đồng. Giá vốn ghi nhận tương ứng = 10.000 tấn thép x 12 triệu đồng = 120 tỷ đồng.

Cú xin được nhắc lại với anh em về thời điểm ghi nhận doanh thu theo Thông tư 200/2014/TT-BTC:

  • Doanh nghiệp đã chuyển giao phần lớn rủi ro. Cũng như lợi ích gắn liền với quyền sở hữu sản phẩm, hàng hóa cho người mua.

  • Doanh nghiệp không còn giữ quyền quản lý hàng hóa như người sở hữu hay quyền kiểm soát hàng hóa.

  • Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn.

  • Doanh nghiệp đã hoặc sẽ thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch bán hàng.

  • Doanh nghiệp cần xác định được các chi phí liên quan đến giao dịch bán hàng.

thong-tu-200-2014

1.4 Giá vốn hàng bán sinh ra để làm gì?

Ngoài tìm hiểu giá vốn hàng bán là gì? Anh em cũng cần hiểu giá vốn sinh ra để làm gì nhằm có kế hoạch kinh doanh phù hợp. 

Thị trường luôn biến động, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng nhập được hàng với giá ổn định. Có thể nay anh em nhập lô 50 chiếc mũ lưỡi chai với giá 50.000/chiếc.

Hàng hot bán dễ quá, 2 ngày sau anh em nhập thêm lô 50 cái. Nhưng hàng khan hiếm, nhà cung cấp nâng giá lên 60K/chiếc. Thôi chấp nhận đau thương vậy, dù sao hàng đang hot bán vẫn có lời mà. Giá nhập cứ biến thiên như vậy cho các lần nhập tiếp theo.

Vậy bài toán cần xử lý ở đây là gì ? Làm sao để biết được số tiền bạn đã bỏ ra nhập hàng (giá vốn) khi mà số lượng hàng nhập và giá vốn (chi phí nhập) ở mỗi thời điểm khác nhau? Mặt khác cửa hàng đang bán vài trăm, thậm chí hàng nghìn mã sản phẩm. Do vậy việc tính toán trên sổ sách là điều vô nghĩa?

1.5 Vai trò của giá vốn hàng bán

vai-tro-gia-von-hang-ban

Giá vốn hàng bán là một số liệu quan trọng trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Vì chỉ số này sẽ được trừ vào doanh thu để xác định lợi nhuận gộp của doanh nghiệp. Lợi nhuận gộp được xem như một thước đo khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Nhằm đánh giá mức độ hiệu quả trong việc quản lý lao động và vật tư trong quá trình sản xuất.

Biết được giá vốn hàng bán sẽ giúp nhà đầu tư ước tính lợi nhuận cuối cùng của doanh nghiệp. Nếu giá vốn hàng bán tăng, đồng nghĩa thu nhập ròng sẽ giảm. Do đó, các doanh nghiệp sẽ cố gắng giữ giá vốn hàng bán ở mức thấp để lợi nhuận ròng.

Giá vốn bán hàng còn phản ánh những chi phí liên quan trực tiếp đến việc sản xuất sản phẩm. Bao gồm cả chi phí lao động, nguyên vật liệu và chi phí sản xuất. Với lượng hàng hóa và loại sản phẩm ngày càng đa dạng trên thị trường. Tính toán chính xác giá vốn hàng bán giúp doanh nghiệp quản lý chi phí một cách cụ thể nhất.

chi-phi-nguyen-vat-lieu

Thị trường kinh doanh với những biến động không ngừng, giá cả hàng hóa cũng liên tục thay đổi. Do đó các doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận nhập nguồn hàng với một mức giá không ổn định. Doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp thương mại luôn sở hữu nhiều mặt hàng khác nhau. Việc tính toán giá vốn hàng bán hợp lý giúp doanh nghiệp quản lý và tối ưu được chi phí một cách chi tiết và chính xác.

Ví dụ 2: Một lô dép cao su nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tháng 01/2022 có giá chỉ 30 nghìn/cái. Vào mùa hè, nhu cầu mua dép của người tiêu dùng tăng lên. Giá của 1 lô dép nhập về lên tới 50 nghìn/cái. 

Chính sự chênh lệch giá nhập hàng ở mỗi giai đoạn khác nhau sẽ ảnh hưởng giá vốn hàng bán. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần có biện pháp tính toán giá vốn hàng bán chuẩn xác. Từ đó giúp theo dõi tình hình kinh doanh và sự phát triển của công ty mình.

Để có thể quản lý tốt số hàng hóa và tối ưu được lợi nhuận. Các doanh nghiệp cần phải tính toán chính xác giá vốn hàng bán. Đây là một yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến nhiều hoạt động trong kinh doanh.

1.6 Giá vốn hàng bán bao gồm những gì?

gia-von-hang-ban-gom-nhung-gi

Giá vốn hàng bán sẽ được tính dựa trên các khoản chi phí phát sinh. Bao gồm: chi phí nhân công, chi phí vật liệu, chi phí dụng cụ sản xuất, chi phí sản xuất.

Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 02 và thông tư 200/2014/TT-BTC. Khi ghi nhận giá vốn hàng bán trên báo cáo kết quả kinh doanh, khoản mục này bao gồm:

– Giá gốc của hàng tồn kho đã bán.

– Khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho

– Khoản hao hụt mất mát của hàng tồn kho sau khi trừ phần bồi thường do trách nhiệm cá nhân.

– Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp tiêu hao vượt mức bình thường. 

– Chi phí nhân công, chi phí sản xuất chung không phân bổ vào giá trị sản phẩm nhập kho. Sẽ được tính ngay vào giá vốn hàng bán (kể cả khi sản phẩm, hàng hóa chưa tiêu thụ)

Lưu ý: Các anh em cần hết sức chú ý một điểm quan trọng. Đối với khoản thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường đã tính vào giá hàng mua. Nếu khi xuất bán hàng hóa mà các khoản thuế đó được hoàn lại thì được ghi giảm giá vốn.

2. Cách tính giá vốn hàng bán

cach-tinh-gia-von-hang-ban

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, sử dụng hiệu quả nguồn vốn là chìa khóa tối ưu lợi nhuận. Để quản lý chặt chẽ nguồn vốn, xác định chính xác các chi phí chính là điều kiện tiên quyết.

Chi phí giá vốn hàng bán chính là chi phí chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất kinh doanh. Quản lý tốt giá vốn không chỉ giúp tính toán chính xác lợi nhuận, mà còn phản ánh đúng giá trị hàng tồn kho. Đồng thời hỗ trợ để đưa ra những quyết định kinh doanh chính xác, kịp thời.

Việc xác định giá vốn hàng bán có nhiều phương pháp tính khác nhau. Dựa trên đặc thù hoạt động, loại hình doanh nghiệp và mục đích sử dụng số liệu báo cáo. Mỗi doanh nghiệp sẽ lựa chọn cho mình phương pháp tính giá vốn phù hợp.

Như đã trình bày ở phần 1.4, anh em có thể viết công thức tính giá vốn hàng bán như sau:

Giá vốn hàng bán = Giá trị hàng tồn kho đầu kỳ + Hàng mua trong kỳ – Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ

= Giá gốc hàng tồn kho đã bán + Dự phòng giảm giá hàng tồn kho + Chi phí nguyên vật liệu vượt định mức + Chi phí nhân công, Chi phí sản xuất chung không phân bổ

Trong đó:

  • Tại doanh nghiệp thương mại: giá gốc hàng tồn kho bao gồm như sau. 

Giá trị hàng hóa mua về + các chi phí thu mua (chi phí vận chuyển, bốc xếp,…).

  • Tại doanh nghiệp sản xuất: giá gốc HTK được tập hợp từ các chi phí chế biến gồm:

Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp. Chi phí nhân công trực tiếp. Chi phí sản xuất chung và các chi phí liên quan trực tiếp khác. (ví dụ như chi phí thiết kế sản phẩm). Tại doanh nghiệp xây lắp thì có thêm chi phí máy thi công.

  • Tại doanh nghiệp dịch vụ: không có thành phẩm/hàng hóa tồn kho chờ bán. Giá vốn hàng bán được tập hợp bằng các chi phí cung cấp dịch vụ. Cụ thể: chi phí nhân viên, công cụ. Các chi phí khác liên quan trực tiếp đến việc cung cấp dịch vụ, như chi phí giám sát.

Như vậy, mấu chốt trong công thức tính giá vốn hàng bán là tính đúng giá gốc hàng tồn kho. Cụ thể là: hàng hóa mua về để bán, thành phẩm hoàn thành nhập kho,…

Có 3 phương pháp tính giá gốc hàng tồn kho được áp dụng tại Việt Nam như sau:

–  Phương pháp tính theo giá đích danh.

– Phương pháp bình quân gia quyền.

– Phương pháp nhập trước, xuất trước (FIFO).

– Phương pháp nhập sau, xuất trước (LIFO).

Trong phần tiếp theo, anh em hãy cùng Cú tìm hiểu chi tiết về 4 phương pháp này nhé.

2.1 Phương pháp giá thực tế đích danh

phuong-phap-gia-thuc-te-dich-danh

a) Nguyên tắc

Phương pháp tính theo giá đích danh được áp dụng đối với doanh nghiệp có ít loại mặt hàng. Hoặc doanh nghiệp có mặt hàng ổn định và nhận diện được. 

Đây là phương pháp tính giá dựa trên giá trị thực tế của từng thứ hàng hoá mua vào. Và giá trị thực tế của từng loại sản phẩm sản xuất ra. Nếu doanh nghiệp áp dụng phương pháp tính giá đích danh thì phải thực hiện các công việc sau:

  • Quản lý nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa theo từng mặt hàng.

  • Khi xuất mặt hàng nào thì lấy giá của mặt hàng đó.

Để hiểu rõ hơn về phương pháp này, anh em hãy đến với ví dụ đơn giản sau nhé. 

Ví dụ 3: Số liệu nhập kho hàng hóa trong T6/2022 của công ty A tập hợp như sau: 

  • Ngày 1/6/2022, công ty A nhập khẩu 150 tấn thép thanh vằn với đơn giá 10 triệu đồng/tấn.

  • Ngày 10/6/2022, công ty A nhập khẩu 80 tấn thép thanh vằn với đơn giá 11 triệu đồng/tấn.

  • Ngày 25/6/2022, công ty nhập tiếp 100 tấn thép thanh vằn với đơn giá 12 triệu đồng/tấn.

Đến ngày 15/6/2022, công ty A đã xuất bán 180 tấn thép thanh vằn. Trong đó 150 tấn thuộc lô hàng nhập ngày 1/6/2022, 30 tấn thuộc lô hàng nhập ngày 10/6/2022.

Vậy giá trị hàng xuất kho là bao nhiêu?

Trị giá thực tế 180 tấn thép thanh vằn xuất kho được xác định như sau: 

(150 tấn x 10 trđ/tấn) + (30 tấn x 11 trđ/tấn) = 1.830 triệu đồng.

b) Ưu điểm

– Phương án này đặt nguyên tắc phù hợp của kế toán lên hàng đầu. Chi phí thực tế phù hợp với doanh thu thực tế. 

– Cả giá trị của hàng xuất kho đem bán và giá trị hàng tồn kho được phản ánh đúng theo giá trị thực tế của nó.

c) Nhược điểm

Không thể áp dụng rộng rãi cho các doanh nghiệp mà chỉ thích hợp cho các doanh nghiệp đặc thù. Các doanh nghiệp muốn kinh doanh một đến hai loại sản phẩm chính có ít loại. 

uu-nhuoc-diem-phuong-phap-gia-thuc-te-dich-danh

d) Đối tượng áp dụng

Việc áp dụng phương pháp này đòi hỏi môi trường có điều kiện hoàn hảo. Doanh nghiệp kinh doanh có ít chủng loại hàng hóa, hàng tồn kho có giá trị lớn. Mặt hàng ổn định và dễ dàng nhận diện hàng tồn kho để đong đếm. 

Các doanh nghiệp nên áp dụng, bao gồm: Các doanh nghiệp cung ứng nguyên vật liệu thô trong xây dựng (sắt, thép, gạch, đá,…). Các doanh nghiệp chuyên biệt về một hoặc hai dòng sản phẩm công nghiệp nặng.

Những doanh nghiệp có nhiều loại hàng hóa thì áp dụng phương pháp này vừa tốn thời gian vừa tốn chi phí.

2.2 Phương pháp bình quân gia quyền (AVCO)

phuong-phap-binh-quan-gia-quyen

a) Nguyên tắc

Với phương pháp bình quân gia quyền, giá trị của từng loại hàng tồn kho được tính theo giá trị trung bình của từng loại hàng tồn kho tương tự đầu kỳ. Và giá trị từng loại hàng tồn kho được mua hoặc sản xuất trong kỳ. Giá trị trung bình có thể được tính theo thời kỳ hoặc vào mỗi khi nhập một lô hàng về. Phụ thuộc vào tình hình của doanh nghiệp.

Nội dung phương pháp này như sau:

Giá thực tế từng loại xuất kho = Số lượng từng loại xuất kho x Giá đơn vị bình quân

Trong đó, giá đơn vị bình quân lại có các cách tính:

Cách 1:  Phương pháp bình quân gia quyền cả kỳ dự trữ.

Giá đơn vị bình quân cả kỳ dự trữ (cuối kỳ) = Giá thực tế từng loại tồn đầu kỳ và nhập trong kỳ / Lượng thực tế từng loại tồn đầu kỳ và nhập trong kỳ

Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản, dễ làm. Nhưng ngược lại, nhược điểm là độ chính xác không cao. 

Nhược điểm là công việc tính toán sẽ bị dồn vào cuối tháng. Công việc trở nên gấp rút, dễ gây sai sót, ảnh hưởng tới quyết toán.

Cách 2: Phương pháp bình quân gia quyền sau mỗi lần nhập.

Theo phương pháp này, sau mỗi lần nhập, kế toán phải xác định đơn giá bình quân của từng loại nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa. Căn cứ vào đơn giá bình quân và lượng nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa. Xuất kho giữa 2 lần nhập kế tiếp để kế toán xác định giá thực tế của hàng xuất kho.

Giá đơn vị bình quân sau mỗi lần nhập = Giá thực tế từng loại tồn sau mỗi lần nhập / Lượng thực tế từng loại tồn sau mỗi lần nhập.

Cách tính theo đơn giá bình quân sau mỗi lần nhập khắc phục được nhược điểm của cách trên. Vừa chính xác, vừa cập nhật. Nhưng đồng thời lại có nhược điểm là tốn nhiều công sức, tính toán nhiều lần.

hai-cach-tonhs-phuong-phap-binh-quan-gia-quyen

Ví dụ 4: Tình hình nhập xuất kho trong tháng 08/2022 tại Công ty thương mại sản xuất X như sau:

Số lượng tồn đầu kỳ tại ngày 01/08/2021 như sau:

  • Số lượng hàng tồn: 500 chiếc máy sấy tóc và 200 chiếc kẹp tóc

  • Giá trị hàng tồn: 55.350.000 đồng cho máy sấy tóc (trung bình 110.700 đồng một chiếc máy sấy tóc). Và 3.300.000 đồng cho kẹp tóc (trung bình 16.500 đồng một chiếc kẹp tóc)

Trong tháng 8/2022, Công ty có tình hình nhập xuất hàng như sau:

  • Ngày 5/8, doanh nghiệp nhập khẩu 200 chiếc máy sấy tóc với đơn giá 110,000 đồng một chiếc.

  • Ngày 6/8, doanh nghiệp xuất bán 100 chiếc máy sấy tóc.

  • Ngày 11/8, doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu 300 chiếc máy sấy tóc đơn giá 110.500 đồng một chiếc.

  • Ngày 19/8, doanh nghiệp nhập khẩu 400 chiếc kẹp tóc với đơn giá 16.800 đồng một chiếc.

  • Ngày 20/8, doanh nghiệp bán ra 300 chiếc kẹp tóc.

  • Ngày 28/8/2021, doanh nghiệp nhập khẩu tiếp 100 chiếc kẹp tóc với đơn giá 16.300 đồng một chiếc.

Sử dụng Cách 1: Công ty X  áp dụng phương pháp bình quân cả kỳ dự trữ. Ngày cuối tháng 31/08/2022 thực hiện tính giá xuất kho:

Giá xuất kho máy sấy tóc tính bằng: 

(500*110.700+200*110.000+300*110.500)/(500+200+300) = 110.500 VND

Giá xuất kho chiếc kẹp tóc tính bằng: 

(200*16.500+400*16.800+100*16.300)/(200+400+100) = 16.643 VND

Sử dụng Cách 2: Công ty X áp dụng phương pháp bình quân tức thời, giá xuất kho tại ngày 06/08 và 20/08 được xác định như sau:

Giá xuất kho máy sấy tóc tính bằng: 

(500*110.700+200*110.000)/(500+200) = 110.500 VND.

Giá xuất kho chiếc kẹp tóc tính bằng: 

(200*16.500+400*16.800)/(200+400) = 16.700 VND.

b)  Ưu điểm

– Phân bổ đều trị giá vốn hàng bán cho mỗi lần xuất kho đưa vào sản xuất. 

– Chi phí xuyên suốt các thời kỳ gần như không chịu nhiểu biến động và hầu như ít thay đổi.

– Quan trọng nhất là dễ tính toán, không gây nhầm lần.

c)  Nhược điểm

Chi phí bỏ ra vẫn chưa tương xứng với doanh thu đem lại. Với số liệu lớn thì việc tính giá cả vẫn gây nhiều khó khăn vì phải làm lại trị giá liên tục. Nhưng với việc ứng dụng công nghệ tính toán hiện đại trong thời điểm hiện nay. Việc tính toán trở nên dễ dàng và nhanh chóng cập nhập mỗi khi cần.

d) Đối tượng áp dụng

Thích hợp cho mọi doanh nghiệp, nhỏ, vừa và lớn, có ít hoặc nhiều chủng loại sản phẩm.

Phương pháp này không giới hạn cho bất cứ loại hình doanh nghiệp nào.

2.3 Phương pháp FIFO – Nhập trước, xuất trước

phuong-phap-fifo

a) Nguyên tắc

Phương pháp nhập trước, xuất trước áp dụng dựa trên một giả định quan trọng. Đó là hàng tồn kho được mua trước hoặc sản xuất trước thì được xuất trước. Và hàng tồn kho còn lại cuối kỳ là hàng tồn kho được mua hoặc sản xuất gần thời điểm cuối kỳ. 

Theo phương pháp này thì:

  • Giá trị hàng xuất kho được tính theo giá của lô hàng nhập kho ở thời điểm đầu kỳ. Hoặc thời điểm gần đầu kỳ. 

  • Giá trị của hàng tồn kho được tính theo giá của hàng nhập kho ở thời điểm cuối kỳ. Hoặc thời điểm gần cuối kỳ còn tồn kho.

Công thức tính giá vốn FIFO thường được dùng để tính các mặt hàng có hạn sử dụng. Hoặc các cửa hàng điện máy, điện thoại, máy vì tính cũng thường sử dụng. Còn trong các mô hình tạp hóa bán bán lẻ rất hiếm sử dụng. Nguyên nhân là do các dữ liệu tính toán sẽ rắc rối và phức tạp hơn rất nhiều.

Trong thị trường giá tăng, kết quả theo phương pháp FIFO thì giá vốn hàng bán thấp hơn. Và ngược lại, giá vốn hàng bán theo phương pháp này sẽ cao hơn khi thị trường giảm giá. Như vậy trong điều kiện lạm phát, phương pháp FIFO sẽ làm tăng thu nhập ròng. Dẫn đến kết quả là mức đóng thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn.

Ví dụ 5: Tình hình nhập – xuất nguyên vật liệu đất hiếm tháng 01/2022 của công ty A như sau.

Số lượng tồn đầu kỳ : nguyên vật liệu đất hiếm 20.000 kg, đơn giá 8.000 đồng/kg

Tình hình xuất nhập trong kỳ:

  • Ngày 05/1/2022 : Nhập 5.000 kg NVL đất hiếm, đơn giá 8.200 đồng/kg.

  • Ngày 10/1/2022 : Xuất 21.000 kg NVL đất hiếm.

  • Ngày 15/1/2022 : Nhập 15.000 kg NVL đất hiếm đơn giá 8.300 đồng.

  • Ngày 25/1/2022 : Xuất 8.000 kg NVL đất hiếm.

Đơn giá xuất được tính như sau:

Ngày 10/1/2022 xuất 21.000 kg đất hiếm.

Đơn giá xuất ba gồm : 20.000 kg x 8.000 và 1.000 kg x 8.200

🡪  Vậy trị giá hàng xuất kho = 20.000 x 8.000 + 1.000 x 8.200 = 242.000.000 đồng

Ngày 25/1/202022 tiếp tục xuất 8.000 kg đất hiếm.

Đơn giá xuất bao gồm : 4.000 kg x 8.200 và 4.000 kg x 8.300

🡪 Vậy trị giá hàng xuất kho = 4.000 x 8.200 + 4.000 x 8.300 = 66.000.000 đồng

uu-nhuoc-diem-fifo

b) Ưu điểm

– Doanh nghiệp ước tính được ngay trị giá vốn hàng hóa xuất kho trong từng lần.

– Đảm bảo kịp thời cung cấp số liệu. Chuyển số liệu thực tế cho các khâu tiếp theo cũng như cho quản lý. 

– Giá trị hàng tồn kho tương đối sát với giá thị trường khi giá cả hàng hóa không đổi. Hoặc giá cả có xu hướng giảm dần. Giúp cho chỉ tiêu hàng tồn kho trên các báo cáo tài chính mang ý nghĩa thực tế hơn.

c) Nhược điểm

– Theo phương pháp này doanh thu hiện tại được tạo ra bởi những giá trị đã có từ cách đó rất lâu. Làm cho doanh thu hiện tại không phù hợp với những khoản chi phí hiện tại. 

– Trong trường hợp doanh nghiệp lớn với số lượng, chủng loại mặt hàng nhiều, nhập xuất phát sinh liên tục. Dẫn đến chi phí cho việc hạch toán, cũng như khối lượng hạch toán, ghi chép tăng lên rất nhiều.

d) Đối tượng áp dụng

– Các doanh nghiệp sẽ áp dụng phương pháp này trong trường hợp giá cả hàng hóa có tính ổn định. Hoặc giá cả hàng hóa đang trong thời kỳ có xu hướng giảm. 

– Thường là các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng có hạn sử dụng nhỏ mà thiết yếu. Chẳng hạn như: thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm,…

2.4 Phương pháp LIFO – Nhập sau, xuất trước

phuong-phap-lifo

a) Nguyên tắc

Phương pháp LIFO là phương pháp nhập sau, xuất trước. Đây là phương pháp trái ngược với phương pháp LIFO. Hàng hoá nào mua vào sau cùng sẽ được xuất trước. Xuất hết lô hàng mới nhất rồi xuất sang lô hàng kế trước. Nếu có lô hàng mới hơn được nhập vào thì tiếp tục nhập từ lô hàng này trước.  

Giá vốn mặt hàng được tính theo phương pháp LIFO đối với những mặt hàng như giầy dép, quần áo. Do những mặt hàng này dễ bị lỗi mốt. Nên các doanh nghiệp sẽ ưu tiên xuất sớm trước khi quyết định nhập hàng mới về.

Theo TT200 mới được ban hàng năm 2014, phương pháy này không còn phù hợp do gia trị thực tế của hàng hóa đang có xu hướng giảm, áp dụng phương pháp này không mang tính thực tế.

Còn theo QĐ48, vẫn sử dụng phương pháp LIFO.

Ví dụ 6: Tình hình nhập xuất nguyên vật liệu Z của công ty trong tháng 2/2016 như sau :

Tồn đầu kỳ : 10.000 kg đơn giá 5.000 đồng/kg

Ngày 10/2/2022 nhập 6.000 kg đơn giá 5.500 đồng /kg

Ngày 13/10/2022 xuất 7.000kg

Đơn giá xuất được tính như sau : 6.000 kg x 5.500 và 1.000 kg x 5.000

Vậy trị giá hàng xuất kho = 6.000 x 5.500 + 1.000 x 5.000 = 38.000.000 đồng.

uu-nhuoc-diem-lifo

b) Ưu điểm

Việc thực hiện phương pháp này sẽ đảm bảo được yêu cầu của nguyên tắc phù hợp trong kế toán. Doanh thu phù hợp với chi phí hiện tại. Chi phí của lần mua gần nhất tương đối sát với trị giá vốn của hàng hóa thay thế. 

c) Nhược điểm

Không phù hợp với xu thế kinh doanh hiện tại. Vì giá cả trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng lớn. Hàng hóa nhập về trước dễ bị hết hạn hoặc hết mốt khi không có sự kiểm tra thường xuyên hàng tồn kho gây tồn nhiều.

d) Đối tượng áp dụng

Phương pháp chỉ thích hợp với giai đoạn lạm phát khi giá cả hàng hóa càng về sau càng tăng dần. Hoặc các doanh nghiệp xây dựng do nhu cầu quyết toán giá thực tế gần nhất cho từng công trình riêng biệt.

Lưu ý: Ngoài ra, theo Khoản 1, Điều 29, Thông tư 200/2014/TT-BTC có quy định. Để tính giá vốn hàng bán, doanh nghiệp có thể áp dụng một trong các phương pháp giá bán lẻ. 

Một số đơn vị có đặc thù, ví dụ như các đơn vị kinh doanh siêu thị hoặc tương tự. Các đơn vị này có thể áp dụng kỹ thuật xác định giá trị hàng tồn kho cuối kỳ theo phương pháp giá bán lẻ. 

Phương pháp này thường được dùng trong ngành bán lẻ. Mục đích để tính giá trị của hàng tồn kho với số lượng lớn. Các mặt hàng thay đổi nhanh chóng và có lợi nhuận biên tương tự mà không thể sử dụng các phương pháp tính giá gốc khác.

Công ty bán lẻ có thể sử dụng công thức để chuyển đổi từ giá bán lẻ về giá gốc. Phương pháp này yêu cầu các nhà bán lẻ cần duy trì ghi chép:

  • Tổng giá gốc và giá bán lẻ của hàng hóa được mua.

  • Tổng giá gốc và giá bán lẻ của hàng hóa sẵn có để bán.

  • Doanh thu trong kỳ

Các bước thực hiện: 

  • Bước 1: Giá trị hàng sẵn có để bán theo giá bán lẻ – Doanh thu thuần = Giá trị Hàng tồn kho cuối kỳ theo giá bán lẻ

  • Bước 2: Giá trị hàng sẵn có để bán theo giá gốc : Giá trị hàng sẵn có để bán theo giá bán lẻ = Tỷ lệ giá gốc trên giá lẻ

  • Bước 3: Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ theo giá bán lẻ x Tỷ lệ giá gốc trên giá lẻ = Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ theo giá gốc.

cac-buoc-thuc-hien-phuong-phap-lifo

Ví dụ 7: Cách tính trị giá hàng tồn kho theo phương pháp giá lẻ. Một doanh nghiệp bán lẻ B có dữ liệu về giá trị hàng tồn kho như sau:

  • Giá trị hàng tồn kho đầu kỳ: tính theo giá gốc là 14.000 triệu đồng. Tính theo giá bán lẻ là 21.500 triệu đồng.

  • Giá trị hàng mua vào trong kỳ: tính theo giá gốc là 61.000 triệu đồng. Tính theo giá bán lẻ là 78.500 triệu đồng.

  • Giá trị hàng sẵn có để bán: tính theo giá gốc là 75.000 triệu đồng. Tính theo giá bán lẻ là 100.000 triệu đồng.

  • Doanh thu thuần tính theo giá bán lẻ là 30.000 triệu đồng.

Bước 1: Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ theo giá bán lẻ = 100.000 – 70.000 = 30.000 triệu đồng.

Bước 2: Tỷ lệ giá gốc trên giá bán lẻ = 75.000 : 100.000 = 75%.

Bước 3: Ước tính giá gốc hàng tồn kho cuối kỳ = 30.000 x 75% = 22.500 triệu đồng.

2.5 Đề xuất một phương pháp tính giá vốn hàng bán trong thực tế

phuong-phap-tinh-gia-von-hang-ban

Trên thực tế, chọn phương pháp tính giá vốn hàng bán là phụ thuộc vào hoạt động của doanh nghiệp. 

Trong kỳ hạch toán kế toán có thể lựa chọn các phương pháp tính giá sao cho thuận lợi. Tuy nhiên cần sử dụng nguyên tắc nhất quán trong hạch toán. 

Trường hợp nếu muốn thay đổi phương pháp phải có giải thích rõ ràng bằng văn bản. Mục đích để gửi thông báo về cơ quan thuế, nhưng phải thực hiện tối thiểu là 6 tháng.

Đa số các doanh nghiệp đều thực hiện phương pháp Bình quân gia quyền (AVCO) nhằm:

– Mục đích cân bằng các chi phí xuyên suốt cả thời kỳ. Lựa chọn phương pháp này phản ánh chính xác được sự biến động của giá cả trong từng thời kỳ. 

– Việc lựa chọn phương pháp này trở nên dễ dàng khi có các phần mềm kế toán hỗ trợ. 

– Các thông số về giá cả không được thể hiện vào ngay tại thời điểm diễn ra nghiệp vụ. Thay vào đó chỉ được chỉ ra vào cuối kỳ kế toán trên các báo cáo tài chính.

3. Phân biệt sự khác nhau giữa Giá vốn hàng bán, Giá thành sản phẩm và Chi phí bán hàng

3.1 Sự khác nhau giữa Giá vốn hàng bán và Giá thành sản phẩm

phan-biet-gia-thanh-va-gia-von-hang-ban

Về định nghĩa: Như định nghĩa đã đề cập bên trên, Cú xin nhắc lại với anh em. 

  • Giá vốn là giá trị thực chứa trong mỗi hàng hoá dịch vụ trong nghiệp vụ trao đổi kinh doanh. Nói cách khác, giá vốn là trị giá vốn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã tiêu thụ trong kỳ.

  • Giá thành (production cost) là chi phi cần để sản xuất để ra một hàng hoá hay dịch vụ. Nghĩa là yếu tố giá thành chỉ gắn liền với quá trình sản xuất.

Về cách xác định: 

  • Giá vốn hàng bán: còn được xác định là Giá trị thực tế của hàng xuất bán (tính theo các phương pháp tính giá xuất). 

  • Giá thành sản phẩm được xác định = chi phí sản xuất để hình thành nên sản phẩm. Giá thành chính là giá nhập kho của thành phẩm, bán thành phẩm được doanh nghiệp sản xuất. Trong một kỳ, một mặt hàng có thể có nhiều giá thành khác nhau. Do sản xuất từ nhiều mẻ, ứng với mỗi đối tượng tập hợp chi phí khác nhau.

Về bản chất: 

  • Đối với doanh nghiệp sản xuất, Giá vốn hàng bán (COGS) chính là giá thành sản phẩm nhập kho + các khoản mục chi phí khác ngoài giá thành như: hao hụt hàng trong định mức. 

  • Đối với DN thương mại, Giá vốn hàng bán là trị giá mua thực tế của hàng bán ra (gồm cả chi phí thu mua + trị mua hàng hoá).

Như vậy có thể thấy giá vốn hàng bán là yếu tố xuất hiện trong hầu hết các doanh nghiệp. Còn giá thành thường chỉ có trong các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất hay thương mại.

phan-biet-gia-von-gia-thanh

Ví dụ 7: Doanh nghiệp A sản xuất mặt hàng X. Tất cả các chi phí A đã bỏ ra để có được sản phẩm X là giá thành thực tế. Giá thành được xác định ngay sau quá trình sản xuất. Tức là khi sản phẩm được hình thành thì nó đã mang trong mình một giá trị là “giá thành”. Về hạch toán, giá thành thể hiện ở tài khoản “Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang”.

Giá vốn thì tổng quát hơn. Về hạch toán, nó liên quan đến tài khoản Giá vốn hàng bán. Doanh nghiệp A bán cho B sản phẩm X, rồi B lại bán cho C sản phẩm X đó. Qua mỗi giai đoạn, giá vốn của B lại thay đổi, tùy thuộc vào cách tính giá xuất kho của đơn vị. Giá vốn chỉ hình thành trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, phản ánh giá trị của sản phẩm khi được bán.

3.2 Phân biệt Giá vốn hàng bán và Chi phí bán hàng

Giá vốn hàng bán và Chi phí bán hàng thường được sử dụng để thay thế cho nhau. Do vậy anh em có thể rất dễ có sự nhầm lẫn về hai khái niệm này. Một số điểm dưới đây sẽ làm cho chúng trở nên khác biệt.

phan-biet-gia-von-chi-phi

Định nghĩa:

  • Chi phí bán hàng là chi phí trực tiếp và gián tiếp liên quan đến việc bán hàng hóa và dịch vụ. Được hiểu là khoản chi phí được dùng vào mục đích xây dựng quy trình bán hàng. Hoặc chi phí liên quan cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp đến với khách hàng. Các chi phí này gồm có các khoản chi phí cơ bản như sau: Chi phí cơ sở vật chất, chi phí lương, khấu hao và bảo hành.

  • Trong khi giá vốn hàng bán phân tích chi phí trực tiếp liên quan đến việc sản xuất hàng hóa. 

Vị trí báo cáo thu nhập:

  • Chi phí bán hàng được đứng trước EBIT trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. 

  • Giá vốn hàng bán được liệt kê sau doanh thu thuần. Vì chúng bao gồm tất cả các chi phí trực tiếp liên quan đến việc tạo ra doanh thu.

Cách tính:

  • Chi phí bán hàng là các chi phí liên quan phát sinh trong quá trình tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ. Trong khi giá vốn hàng bán phản ánh giá trị vốn của hàng hóa mà một doanh nghiệp sản xuất hoặc tiêu thụ.

Tóm lại, giá vốn hàng bán là một loại chi phí quan trọng mà doanh nghiệp cần nắm rõ. Biết được cách tính chỉ số này sẽ giúp bạn khắc phục được những sai lệch khi nhập vào bản báo cáo tài chính. Hy vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích dành cho anh em.

4. Những câu hỏi thường gặp về Giá vốn hàng bán?

4.1 Doanh nghiệp có được bán hàng thấp hơn Giá vốn hàng bán hay không?

Do thị trường không thuận lợi, công ty muốn đẩy nhanh tiêu thụ để giảm thiệt hại. Công ty có được quyền bán hàng thấp hơn giá vốn không? Tức là bán lỗ. 

Nhiều anh em sẽ nghĩ hàng hóa của doanh nghiệp, thích bán giá bao nhiêu là quyền của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu đứng ở góc độ thuế, đây sẽ là một rủi ro lớn đối với doanh nghiệp bán. Làm cách nào để cơ quan thuế không đặt câu hỏi nghi vấn về việc bán dưới giá vốn? Hãy cùng Cú tìm hiểu ngay dưới đây nhé.

doanh-nghiep-ban-lo

Theo Luật Thương mại, giá bán hàng hoá hoàn toàn là do thoả thuận giữa bên mua và bên bán. Nghĩa là, luật pháp thương mại không cấm doanh nghiệp thoả thuận giá bán thấp hơn giá vốn.

Tuy nhiên, đứng về góc độ thuế thì khác. Cơ quan thuế có thể đặt câu hỏi về việc giá bán thấp hơn giá vốn. Nghi ngờ giá bán không đúng giá trị giao dịch thông thường trên thị trường. Qua đó bác bỏ doanh thu kê khai để ấn định thuế và xử lý truy thu, phạt thuế. Do đó, để tránh tranh chấp với cơ quan thuế. Doanh nghiệp phải tìm hiểu vấn đề sâu hơn để tìm cách xử lý phù hợp.

Giải pháp nào để tránh rủi ro trên?

Giải pháp 1. Thực hiện chương trình khuyến mại bán hàng. Hình thức khuyến mại là bán hàng với giá thấp hơn giá bán hàng trước đó. (Điều 9, Nghị định 37/2006 qui định chi tiết về hoạt động xúc tiến thương mại). Mức giảm tối đa đối với hàng hóa được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa đó. (Điều 6, NĐ 37/2006).

* Lưu ý: Muốn thực hiện chương trình khuyến mại như trên. Doanh nghiệp phải thông báo với Sở Công thương 7 ngày trước khi thực hiện.

– Giải pháp 2: Tìm cách chứng minh là giá bán đúng giá giao dịch thông thường trên thị trường. Cụ thể cần chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu sau:

  • Hồ sơ chứng minh có sự chỉ đạo hợp pháp của cấp thẩm quyền của Công ty. Làm căn cứ pháp lý để Công ty thực hiện việc bán dưới giá vốn trong từng thời kỳ. Cụ thể:

Biên bản họp HĐQT Công ty để xem xét tờ trình về lý do đề xuất giải pháp thưc hiện. Bao gồm: hạ thấp giá bán dưới giá vốn. Phương thức thực hiện. Xác định loại hàng hóa cần thực hiện và thời gian thực hiện,…

Quyết định của HĐQT Công ty về việc kết luận theo nội dung của Biên bản buổi họp.

Lưu trữ văn bản tại các Phòng Kinh doanh, Kế toán của công ty.

  • Trong suốt thời gian thực hiện, không để xảy ra có trường hợp đột xuất. Xuất hiện một hợp đồng hay một hoá đơn nào đó, có đơn giá cao hơn giá bán đã xác định.

  • Sưu tầm thông tin, chứng cứ chứng minh giá bán tương đương của các doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp khác này kinh doanh cùng ngành nghề, cùng mặt hàng.

  • Bảo đảm chứng từ thanh toán của người mua luôn khớp với giá trị hoá đơn xuất bán.

  • Bộ phận kế toán phải thực hiện việc trích lập quỷ dự phòng giảm giá hàng tồn kho.  

4.2 Vì sao giá vốn hàng bán bị âm?

Khi áp dụng các phương pháp tính toán, giá vốn hàng bán có thể âm khi nào? Đó là khi số phát sinh bên Có 632 nhiều hơn số phát sinh bên Nợ 632. Cụ thể là khi doanh nghiệp hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho với giá trị rất lớn. Đồng thời lại không phát sinh giao dịch bán hàng đáng kể.

vi-sao-gia-von-hang-ban-bi-am

Đối với các trường hợp giá vốn âm, doanh nghiệp cần tính toán loại trừ khi phân tích.

Bên cạnh đó, hàng tồn kho của doanh nghiệp bị âm cũng có thể do doanh nghiệp tính toán sai.

4.3 Tiền lương có được tính vào giá vốn hàng bán không?

Giá vốn hàng bán không bao gồm tiền lương và các chi phí quản lý doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, một số loại chi phí lao động nhất định có thể được bao gồm trong giá vốn hàng bán. Miễn là chúng có thể liên quan trực tiếp đến doanh thu bán hàng cụ thể.

5. Làm cách nào để giảm giá vốn hàng bán tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp

giam-gia-va-tiet-kiem-chi-phi

5.1 Ý nghĩa của việc giảm giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp

Giảm giá: mọi mặt hàng trong kho đều thể hiện số vốn mà doanh nghiệp đã bỏ ra. Và số vốn này không chỉ bao gồm chi phí mua ban đầu. Mà còn gồm cả chi phí nhân sự, tiện ích và bất kỳ chi phí nào khác trong quy trình vận hành. Vì vậy giảm hàng tồn kho, giảm giá vốn nghĩa là đang cắt giảm tất cả những chi phí đó.

Tránh lãng phí: hàng tồn kho mang nhiều rủi ro: hư hỏng, hết hạn sử dụng, ẩm ướt, nấm mốc;… Khi giới hạn được lượng hàng có trong kho đồng nghĩa là giới hạn số lượng hàng hóa có thể không bán được. Giúp doanh nghiệp tránh những tổn thất không đáng có.

 – Dòng tiền nhiều hơn: tồn kho ít hơn thì doanh nghiệp có thêm nguồn vốn đầu tư vào những việc khác. Chẳng hạn như nâng cấp cơ sở vật chất; xây dựng phần mềm; cải thiện trải nghiệm nhân viên;…

Linh hoạt thích ứng với thị trường: giảm lượng hàng tồn kho để tăng lượng tiền mặt cho doanh nghiệp. Nhờ đó doanh nghiệp có thể thử nghiệm ý tưởng mới. Thực hiện các chiến lược kinh doanh, Marketing mới phù hợp với nhu cầu luôn thay đổi của thị trường.

5.2 Cách tốt nhất để giảm lượng hàng tồn kho và cắt giảm chi phí

cat-giam-chi-phi

– Cải thiện dự báo nhu cầu: 

Dựa trên dữ liệu bán hàng kết hợp với kinh nghiệm cá nhân về các sự kiện sắp tới. Ví dụ như vào các ngày lễ, Tết, mùa,… trên cơ sở đó dự đoán nhu cầu của khách hàng.

Kết quả dự báo sẽ phục vụ cho việc lập kế hoạch dự trữ bao nhiêu hàng hóa là an toàn. Thậm chí doanh nghiệp có thể mua trước một số hàng hóa nhất định. Nếu doanh nghiệp mong đợi bứt phá doanh thu thì vẫn đủ lượng tồn kho mà không làm tăng chi phí. Nếu bạn không cần sự đột phá thì có thể giảm lượng dự trữ an toàn ở mức phù hợp.

– Đánh giá tồn kho an toàn:

Bất kỳ doanh nghiệp sản xuất nào cũng cần một lượng hàng tồn kho ở mức an toàn. Không quá ít làm gián đoạn sản xuất và không quá nhiều gây lãng phí. Mỗi doanh nghiệp sẽ có tồn kho an toàn riêng, phù hợp với quá trình sản xuất và kinh doanh. Điều đó có nghĩa doanh nghiệp cần thiết lập tồn kho an toàn cho doanh nghiệp của mình. Dựa trên dữ liệu và kinh nghiệm quá khứ để có kết quả tốt nhất.

– Khai thác phương pháp ABC để giảm tồn kho:

Hầu hết các doanh nghiệp, 80% giá trị được gắn với 20% sản phẩm. Điều quan trọng là cần xác định sản phẩm nào chiếm 20% đó và sản phẩm nào không. Quy tắc ABC sẽ giúp bạn.
Theo quy tắc ABC, các sản phẩm sẽ được chia thành 3 loại:

  • Mặt hàng loại A: đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh. Yêu cầu kiểm soát tồn kho chặt chẽ.

  • Mặt hàng loại B: tầm quan trọng trung bình và cần một số quản lý.

  • Mặt hàng loại C: ít quan trọng và ít cần kiểm soát tồn kho.

Nếu mặt hàng loại A hết hàng sẽ có tác động lớn hơn nhiều so với thiếu hàng loại C. Vì thế hàng loại A cần được chú ý nhiều hơn. Tuy nhiên không đồng nghĩa là nên tích trữ quá nhiều mặt hàng loại A.

quan-ly-kho

– Tự động hóa:

Tự động hóa không chỉ đề cập đến việc sử dụng robot làm việc. Mà còn là tích hợp những công cụ phần mềm quản lý kho. Đây là những hệ thống hiện đại, linh hoạt có thế kết hợp với các phần cứng như máy quét mã vạch, cảm biến,…

Với nhiều chức năng hỗ trợ từ phần mềm giúp cho việc quản lý, kiểm soát toàn bộ quá trình. Loại bỏ các thao tác thừa để tập trung nhiều hơn vào hoạt động xây dựng chiến lược, dự báo.

Cải thiện dữ liệu quản lý hàng tồn kho:

Dữ liệu là nền tảng tốt để doanh nghiệp phát triển trong thời đại này. Nếu thiếu dữ liệu các hoạt động tự động hóa hay chuyển đổi số khó có thể thực hiện được.

Dựa trên dữ liệu, các nhà quản lý đưa ra các quyết định chính xác và nhanh chóng hơn. Trong cả công tác quản lý tồn kho và toàn bộ quá trình hoạt động.

Loại bỏ hàng tồn kho dư thừa lỗi thời:

Việc giữ hàng không bán chạy có thể mất nhiều chi phí hơn khoản lợi nhuận từ việc bán chúng. Vì thế doanh nghiệp không nên lưu trữ chúng mãi để chờ đến khi bán được. Thay vào đó hãy dứt khoát “xử lý” những hàng hóa này.

Tái chế hoặc tái sử dụng:

Khả năng tái chế các thành phần, thùng chứa, bao bì có thể giúp giảm một số chi phí. Hơn nữa, hành động này còn góp phần giảm lượng hàng tồn kho. Giúp giải tỏa không gian kho lưu trữ và hấp dẫn khách hàng theo xu hướng bảo vệ môi trường.

6. Ví dụ về phân tích giá vốn hàng bán của Công ty cổ phần Vinhomes

vinhomes-bao-cao-kinh-doanh-hop-nhat

Trong bài viết trước, Cú đã cùng anh em phân tích doanh thu thuần của Công ty cổ phần Vinhomes. Trong bài viết này, Cú sẽ tiếp tục phân tích chỉ tiêu giá vốn hàng bán của Công ty Vinhomes. 

Theo báo cáo tài chính kiểm toán riêng lẻ năm 2018, năm 2019 và năm 2020. Giá vốn hàng của Công ty như sau:

Đơn vị tính: tỷ đồng

bao-cao-tai-chinh-vinhomes

Giá vốn hàng bán:

Năm 2020, giá vốn hàng bán đạt 13.549,5 tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm 2019. Trong cơ cấu giá vốn, giá vốn từ chuyển nhượng bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất. Cụ thể như sau:

Đơn vị tính : tỷ đồng

ty-trong

Đánh giá – Nhận xét:

Năm 2020, giá vốn từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản đạt 5.624,6 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng 42% tổng giá vốn hàng bán, giảm 24,1% so với năm 2019. Giá vốn từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản có xu hướng giảm qua các năm. Do từ năm 2019 đến nay Vinhomes chuyển dịch mạnh các hoạt động bán hàng tại các Dự án theo hướng bán buôn. Dẫn đến việc giảm các chi phí đầu tư và nhanh chóng thu được nguồn doanh thu đáng kể. 

Thống kê cho thấy tỷ trọng giá vốn/doanh thu ở hoạt động chuyển nhượng BĐS đã giảm mạnh. Với mức 76,9% của năm 2018 giảm xuống còn 59,5% trong năm 2020. Giá vốn từ cung cấp dịch vụ tổng thầu xây dựng, tư vấn thiết kế và giám sát thi công năm 2020 đạt 3.626,3 tỷ đồng. Tăng 2.738,9 tỷ đồng so với năm 2019.

Lưu ý: Qua ví dụ trên về Công ty cổ phần Vinhomes. Cú hy vọng anh em đã nắm rõ cách phân tích chi phí giá vốn hàng bán của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu anh em chỉ nhìn riêng vào biến động của chỉ tiêu giá vốn hàng bán sẽ không có nhiều ý nghĩa. Anh em  chưa thể kết luận được biến động đó là tốt hay xấu đối với một doanh nghiệp. Anh em cần kết hợp giá vốn với doanh thu, lợi nhuận gộp, các chỉ số tài chính,… Từ đó có được một bức tranh toàn diện về hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty trước khi đưa ra quyết định lựa chọn cổ phiếu phù hợp.

Lời kết

Trên đây là toàn bộ bài viết về Giá vốn hàng bán là gì? Vai trò của Giá vốn hàng bán? Cách tính Giá vốn hàng bán chi tiết và dễ hiểu nhất,… Qua bài viết này, Cú hy vọng sẽ giúp ích cho anh em, nhất là những người mới bước vào thị trường chứng khoán để hiểu rõ hơn về doanh nghiệp. Từ đó đưa ra những phân tích hợp lý để có kết quả đầu tư tốt nhất.

Trên đây là những kiến thức và phân tích cơ bản về chỉ tiêu Giá vốn hàng bán cũng như các ý nghĩa của nó. Bài viết “Hiểu về giá vốn hàng bán từ A-Z cho nhà đầu tư chứng khoán” có mục lục, anh em có thể bấm đến những nội dung muốn tìm hiểu. Đồng thời đọc đi đọc lại những phần chưa hiểu rõ.

Để cập nhật thêm những kiến thức tài chính – chứng khoán bổ ích. Hãy ghé thăm Cú thường xuyên nhé!

Nếu còn điều gì thắc mắc về chủ đề này, anh em có thể inbox cho Cú. Cú luôn sẵn sàng trao đổi và đón nhận những thông tin kiến thức mới đến từ anh em.

Ngoài ra, anh em cũng nên trang bị cho mình các kiến thức vĩ mô khác hữu ích với nhà đầu tư.

Anh em có thể bắt đầu từ series Các chỉ số vĩ mô cần chú ý của Cú như:

1. GDP là gì? Những điều nhà đầu tư chứng khoán mới cần biết 2022

2. Tỷ giá hối đoái là gì? Tất tần tật từ A-Z cho nhà đầu tư mới

3. Chỉ số CCI là gì? Tìm hiểu về CCI từ A-Z cho nhà đầu tư mới bắt đầu 2022

Khóa học chứng khoán cho NĐT F0 của Cú

Ngoài ra để hiểu rõ hơn chứng năng cũng như cách phân tích chuyên sâu 1 báo cáo kết quả kinh doanh anh em có thể học thêm. Hiện tại Cú có cung cấp khóa học chứng khoán với những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao cho anh em. Cụ thể, bao gồm 3 khóa học: phân tích cổ phiếu BĐS, chứng khoán cơ sở, và chứng khoán phái sinh. Cú sẽ giúp anh em:

💯 Cung cấp kiến thức căn bản từ A-Z cho nhà đầu tư cả mới và lâu năm.

💯 Thực chiến thị trường, thành thạo các lệnh giao dịch.

💯 Hiểu đúng về cổ phiếu BĐS, mô hình kinh doanh, cách biến dự án thành tiền của DN BĐS.

khoa-hoc-cua-cu

Vì vậy nếu anh em nào có nhu cầu, có thể đăng ký khóa học hướng dẫn cơ bản từ A-Z về chứng khoán của Cú. Khóa học dành cho cả nhà đầu tư mới và lâu năm. Chỉ cần inbox là Cú sẽ giải đáp các thắc mắc nhé!

Chúc anh em đầu tư thành công!

Các kênh liên lạc

Để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích về chứng khoán, theo dõi các kênh của Cú theo thông tin:

| Facebook: https://m.me/CuThongThai.VNInvestor

| Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCsk1Sln_4ju2JVyPhFcWwtA

| Tiktok: https://vt.tiktok.com/ZSJJKgbU4/

| Instagram: https://www.instagram.com/cuthongthai/

| Podcasts: https://open.spotify.com/show/2QVMe6zi7toZM1YzRdUt7V

| Group cộng đồng Nhà đầu tư F0: https://www.facebook.com/groups/17609477738969