Hiểu thế nào cho đúng về đô thị thông minh

Đây là một trong những nội dung được thảo luận tại tọa đàm “Đô thị thông minh – Từ chính sách đến thực thi” tổ chức ngày 15/4. Theo đó, hiện cả nước hiện có 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh dựa trên những điều kiện kinh tế-xã hội riêng biệt của từng tỉnh thành, từng vùng. 

20220415144713TD-do-thi-a2-5132-16500165

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Không có đô thị nào thông minh toàn diện

Ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Thách thức lớn nhất là hiểu thế nào cho đúng về đô thị thông minh. Bởi khi hiểu đúng thì chúng ta mới biết đâu là vấn đề quan trọng, cần làm, từ vai trò của doanh nghiệp, người dân, Nhà nước… Nếu không thống nhất được nhận thức vai trò của từng bên thì không thể thực hiện được.

Theo ông Hiếu, đô thị thông minh thực chất là khái niệm “động”, không có điểm đến, không có mô hình chuẩn áp dụng cho tất cả các thành phố. Nhưng nó có một số đặc điểm chung và cách tiếp cận chung đó là đô thị thông minh, thành phố thông minh sẽ giải quyết các vấn đề về môi trường, giao thông… một cách tốt nhất, phù hợp nhất, mang lại cuộc sống tốt nhất cho người dân, mọi nhu cầu, dịch vụ được tiếp cận dễ dàng.

duc-hieu-a2-5178-1650016518.jpg

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Hiếu.

Đô thị thông minh cũng thể hiện nền kinh tế sáng tạo, con người ứng xử văn minh hơn, di chuyển thuận tiện hơn, môi trường (vấn đề về khí thải, chất lượng không khí, ứng phó với biến đổi khí hậu…) tốt hơn, mang lại sự an toàn hơn. Đặc biệt, đô thị thông minh, thành phố thông minh sẽ có đặc điểm chung là hạ tầng, công trình, dịch vụ đều được kết nối thuận tiện hơn cho người dân. Quản trị xã hội cũng sẽ thông minh hơn, các dịch vụ công cộng đáp ứng nhu cầu người dân phải tốt hơn. Ví dụ, như chờ xe buýt, người dân sẽ biết phải chờ trong bao lâu; đi làm dịch vụ công, phải biết được các bước như thế nào, thời gian giải quyết bao lâu…

Đặt câu hỏi về việc phải chăng thành phố thông minh, đô thị thông minh là áp dụng công nghệ, dựa trên nền tảng công nghệ, ông Hiếu cho rằng: Thực ra, công nghệ là không thể thiếu nhưng trong bối cảnh này, giải pháp nào là quan trọng nhất. “Chúng ta có hạ tầng, có công nghệ, nhưng chúng ta lại không có giải pháp. Tôi cho rằng, bản chất của đô thị thông minh là phải có giải pháp quản trị thông minh để phục vụ người dân được tốt hơn, phải xác định được mục tiêu, cả về mặt tư duy”, ông Hiếu nói.

Ông Lê Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho biết: Đô thị thông minh chỉ là một trong những phương hướng phát triển đô thị, hướng đến mục tiêu làm sao quản lý, phát triển đô thị tốt hơn. Chúng tôi cũng đề ra mục tiêu đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, đô thị tăng trưởng xanh…

hoang-trung-1933-1650016518.jpg

Ông Lê Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng.

Về cơ bản trên thế giới không có đô thị nào thông minh toàn diện, mà chỉ có đô thị thông minh từng phần, từng đô thị chọn thách thức, giải pháp của họ, làm sao phát triển tiềm năng lợi thế. Bởi vậy, chúng ta cũng không thể đặt mục tiêu đô thị thông minh theo hướng tổng hòa tất cả.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư Đại Sơn chia sẻ: Tôi đã đặt chân tới hơn 78 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và đã tới những đô thị nổi tiếng là thông minh. Tuy nhiên, đó có phải là thông minh hay không và lấy tiêu chí gì để xác định là thông minh thì cũng là một bài toán mà ngay cả các quốc gia phát triển như Canada, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore vẫn không có lời giải.

Thách thức và giải pháp thực thi

Theo ông Trung, tiếp cận đô thị thông minh Việt Nam có những thách thức, bởi vậy trong Đề án 950  cũng nhận định đô thị thông minh là vấn đề mới. Do đó, cần xây dựng thể chế, công cụ, dù đã có chủ trương định hướng nhưng chưa có văn bản pháp luật để quy định, hỗ trợ thúc đẩy nhà đầu tư phát triển đô thị thông minh, phát triển đô thị thông minh trên nguyên tắc như thế nào…

Nhiều đô thị đang chạy theo phong trào, các tập đoàn trong và ngoài nước hỗ trợ lập đề án xong, nhưng không biết nguồn lực nào để phát triển, đề án có thể vẽ nhiều bức tranh, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Với đô thị Việt Nam, cần lựa chọn vấn đề ưu tiên, ví dụ Phú Quốc chọn du lịch thông minh, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế cũng làm tốt…

do-thi-1491-1650016518.jpg

Đô thị thông minh cũng có những lợi ích và cả mặt trái

Khó khăn nữa là dữ liệu, nếu đô thị thông minh không có dữ liệu đầu vào để phân tích thì sẽ không có đô thị thông minh. Tuy nhiên, dữ liệu chúng ta thống kê theo hệ thống, theo chu kỳ, báo cáo, bị chậm so với quá trình hoạch định chính sách, thực hiện hỗ trợ ra quyết định… “Chúng ta đang bắt đầu triển khai chuyển đổi số để xây dựng dữ liệu, nhưng hiện tại cách thức làm giàu kho dữ liệu đang thiếu hụt”, ông Trung nói.

Đô thị thông minh cũng có những lợi ích và cả mặt trái. Chẳng hạn, đầu tư về công nghệ nhưng công nghệ có thể thay đổi, có thể mất nhiều kinh phí nếu lựa chọn sai công nghệ. Bên cạnh đó, dữ liệu liên quan đến an ninh an toàn bảo mật, nếu thu thập dữ liệu đầy đủ nhưng không có cơ chế, biện pháp kiểm soát, để thất thoát lộ lọt cực kỳ nguy hiểm khi phát triển đô thị thông minh…

hoai-bac-4349-1650016518.jpg

 Ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư Đại Sơn.

Nhận định về các chính sách, giải pháp cần đưa ra và thực hiện ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư Đại Sơn cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ chính sách của Bộ Xây dựng cũng như của Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, tại Việt Nam, muốn xây dựng Hà Nội thành một đô thị thông minh không phải chuyện một sớm một chiều.

Bộ Xây dựng cần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoạch định ra những tiêu điểm để hình thành đô thị mới, đô thị thông minh.

Phải bắt đầu đầu tư từ những điều nhỏ nhất, như tại Canada, khi mới trồng một cái cây thì nó thuộc sở hữu của cá nhân nhưng khi cây này phát triển, lớn hơn thì sẽ trở thành tài sản của xã hội.

“Vì vậy khi đưa ra chính sách, với tư cách là doanh nghiệp, tôi mong rằng chính sách này sẽ được đưa vào cụ thể để doanh nghiệp có thể áp dụng được. Và khi doanh nghiệp áp dụng thì doanh nghiệp đó phải có tiềm lực tài chính để loại bỏ bớt các doanh nghiệp ăn theo”, ông Bắc nói.

Duy Thế