Hiểu rõ hơn về quản lý và quản lý Giáo dục – Nguyenloc.net

HIỂU RÕ HƠN VỀ QUẢN LÝ VÀ QUẢN LÝ GIÁO DỤC

Một vấn đề quan trọng mà  tôi muốn trao đổi với các bạn nghiên cứu sinh (NCS) và học viên cao học (HVCH), và kể cả các nhà nghiên cứu có quan tâm, là khái niệm về quản lý và quản lý giáo dục. Đó là vì hện nay trong hầu hết các luận án và luận văn ta hay đưa ra các định nghĩa không đúng. Mời các bạn đọc kỹ mục: KHÁI NIỆM CHUNG VỀ QUẢN LÍ trong Chương I: KHOA HỌC QUẢN LÍ. Đây là một phần trong Chương I trong giáo trình của tôi có tên là: Lý luận về quản lý.

(Nếu bạn sử dụng các nội dung trong này, xin vui lòng trích dẫn: Nguyễn Lộc (2010), Lý luận về quản lý, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội).

PGS.TS. NGUYỄN LỘC

LÍ LUẬN VỀ QUẢN LÍ

(Giáo trình Sau đại học chuyên ngành Quản lí giáo dục)

NHÀ XUẤT BẢN ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

2010

Phần 1

NHẬP ĐỀ

Chương 1

KHOA HỌC QUẢN LÍ

 

 

  1. KHÁI NIỆM CHUNG VỀ QUẢN LÍ
  2. Tầm quan trọng của quản lí

Các tổ chức nếu được quản lí tốt nhất định sẽ có những đóng góp vô cùng có ý nghĩa đối với nền kinh tế của nhiều quốc gia, cả những nước công nghiệp phát triển và những nước đang phát triển. Tuy nhiên, việc quản lí các tổ chức trong thời đại hiện nay đã trở nên phức tạp hơn nhiều so với trước đây vì thế giới đang trải qua các cuộc cách mạng công nghệ cao và công nghệ thông tin, xã hội trở nên có học vấn hơn. Do vậy, việc quản lí các tổ chức hiện đại đòi hỏi những người quản lí cần phải có cấp độ kĩ năng cao hơn. Hơn nữa, môi trường cạnh tranh cao đã bắt buộc các người quản lí phải tuyển dụng những người tốt nhất, có những tiếp cận công nghệ và quản lí tốt nhất để đảm bảo sự tồn tại của các tổ chức này và vươn lên dẫn đầu. Các yêu cầu đòi hỏi tổ chức thay đổi sẽ dẫn đến sự thay đổi về vai trò của người quản lí và những người được quản lí.

  1. Sơ khai của khoa học quản lí

Từ rất lâu, con người đã biết tập hợp lại với nhau để cùng tham gia vào một hoạt động nào đó. Quản lí sớm nhất bắt đầu với việc con người tổ chức công việc như một người chủ của gia đình. Các hoạt động săn bắt, hái lượm và bảo vệ nhà cửa được tổ chức và phân công giữa các thành viên trong gia đình theo năng lực. Người Ai Cập cổ đại vào những năm 3.000 – 1.000 trước công nguyên (TCN) đã sử dụng chức năng quản lí trong việc lập kế hoạch, tổ chức và vận hành để xây dựng các Kim tự tháp vĩ đại. Người Babylon (2.500 – 500 TCN), người Hy Lạp (1.000 TCN) và người La Mã (1.000 TCN đến 500 sau công nguyên) đều sử dụng quản lí để cai trị đế chế của họ. Người La Mã đặc biệt có kĩ năng trong việc sử dụng quản lí để tổ chức công tác  thông tin và kiểm tra. Người Trung Quốc đã sử dụng những cấu trúc tổ chức mở rộng vào bộ máy nhà nước và các ngành nghệ thuật. Những triết gia vĩ đại như Socrates (năm 400 TCN) và Plato (năm 350 TCN) cho rằng khái niệm và thực tiễn quản lí, bao gồm sự chuyên môn hoá công việc, phong cách lãnh đạo và phương thức tổ chức. Những vị tướng lỗi lạc như Alexander Đại đế và gần hơn là Napoleon và Nelson đã sử dụng các kĩ thuật quản lí để lãnh đạo các lực lượng quân đội. Tổ chức tốt và quản lí hiệu quả đều đóng vai trò quan trọng trong quân sự hiện đại. Nhà thờ và quốc gia cũng cần tổ chức và quản lí các hoạt động của mình sao cho đạt hiệu quả tốt nhất và bền vững.

Mặc dù thực tiễn thuyết quản lí đã được công nhận và sử dụng từ lâu, nhưng bản thân quản lí vẫn không được xem như là một bộ môn độc lập. Bộ môn đầu tiên dành cho kinh doanh và thương mại là kinh tế, mặc dù các nhà kinh tế học thời kì này hướng sự tập trung của họ tới những vấn đề vĩ mô như chính sách kinh tế của một đất nước. Hầu hết các tổ chức ngày xưa đều vận hành theo hình thức sở hữu quy mô nhỏ và gia đình, người quản lí đã sử dụng những nguồn lực “nội tại (sẵn có)” đúng hơn là khái niệm quản lí chính thức. Quản lí hiện đại bắt đầu được thừa nhận như là một bộ môn độc lập vào các thế kỉ 18 – 19.

Cách mạng công nghiệp đã làm thay đổi cách thức quản lí các tổ chức. Ở Anh, sự phát triển trong lĩnh vực công nghiệp, đỉnh cao là việc thành lập các nhà máy lớn chuyên sản xuất hàng loạt, đã buộc người quản lí phải phát triển những hình thức quản lí mới; và do vậy đã thúc đẩy sự phát triển của các lí luận và thực tiễn về quản lí. Cách mạng công nghiệp cũng tạo nên những người tiên phong giải quyết các vấn đề nảy sinh do yêu cầu quản lí những nhà máy lớn sản xuất hàng hoá hàng loạt và các doanh nghiệp khác một cách có hiệu quả.

Robert Owen (1771 – 1858) – một nhà công nghiệp người Anh đã có những nghiên cứu về nguồn nhân lực – là một trong những người tiên phong này. Thời đó, công nhân trong nhà máy bị bóc lột và đối xử khắc nghiệt bởi những người chủ. Owen dành quan tâm chủ yếu đến vấn đề phúc lợi của công nhân và cho rằng họ cần được đối xử tôn trọng. Ông là một trong những người đầu tiên coi trọng yếu tố nhân lực và sự ảnh hưởng của nó tới sản xuất, và có thể là một trong những người tiên phong phát triển khái niệm về hành vi tổ chức (organizational behaviour).

Nhà toán học người Anh, Charles Babbage (1792 – 1871), được coi là một trong những người tiên phong của khái niệm quản lí hiện đại. Babbage ủng hộ khái niệm về sự phân chia lao động. Ông cũng đã thử nghiệm tính ứng dụng của toán học để giải quyết những vấn đề như sử dụng hiệu quả phương tiện và vật liệu. Những nghiên cứu của ông đã đặt nền móng cho cả bối cảnh thuyết quản lí cổ điển và định lượng.

Trong các học giả về quản lí trong thời kì sơ khai, Andrew Ure được coi là giáo sư đầu tiên trên thế giới về khoa học quản lí. Ông dạy các môn học về quản lí tại Đại học Anderson ở Glasgow, Scotland từ những năm đầu thế kỉ 17. Tiếp theo Ure, Charles Dupin (1784 – 1873), một kĩ sư người Pháp, đã dạy về sự hiệu quả của tổ chức. Trong suốt thời gian làm việc ở công ty đường sắt Eirie ở New York, Daniel C. McCallum (1815 – 1878) đã đề xuất những quy tắc thao tác chính xác, các bản mô tả công việc chính thức và một trong những sơ đồ tổ chức đầu tiên. Henry Poor (1812 – 1905) là người cùng thời với McCallum và là biên tập viên của tạp chí Đường sắt Hoa Kỳ. Ông đã phát triển các nguyên tắc quản lí cho tập đoàn đường sắt Hoa Kỳ và xem xét việc tổ chức, liên lạc và thông tin là những phương thức quản lí. Còn rất nhiều những người khác đã góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển lí thuyết và thực tiễn thuyết quản lí hiện đại.

  1. Định nghĩavề quản lí và các thuật ngữ liên quan

Như đối với bất kì các khái niệm nào, có rất nhiều định nghĩa về thuật ngữ “quản lí”. Mary Parker Follett đưa ra định nghĩa khá nổi tiếng về quản lí và được trích dẫn khá nhiều là “nghệ thuật hoàn thành công việc thông qua người khác”. Một định nghĩa được chấp nhận rộng rãi khác là “quá trình lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra công việc của các thành viên trong tổ chức và sử dụng mọi nguồn lực sẵn có của tổ chức để đạt những mục tiêu của tổ chức” (Stoner, 1995). Một số tác giả khác cho rằng quản lí là “tập hợp các hoạt động (bao gồm cả lập kế hoạch, ra quyết định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra) nhằm sử dụng tất cả các nguồn lực của tổ chức (con người, tài chính, vật chất và thông tin) để đạt được những mục tiêu của tổ chức một cách có hiệu quả” (Griffin, 1998)[1].

Trong các tài liệu quốc tế có một số thuật ngữ tiếng Anh có nghĩa quản lí hoặc tương tự. Chẳng hạn gần đây, thuật ngữ “management” là từ được sử dụng nhiều nhất với nghĩa quản lí. Tiếp đó là thuật ngữ “administration”. Về cơ bản hai thuật này được dùng với nghĩa quản lí như nhau, tuy nhiên thuật ngữ “management” được coi là thuật ngữ hiện đại hơn và ngầm định chứa đựng những nội dung rộng hơn và đề cập đến cấp độ cao trong việc đưa ra quyết định của người quản lí, trong khi đó thuật ngữ “administraton” ngày càng được dùng ít hơn, và về ý nghĩa nó thường ngầm định các nhiệm vụ quản lí thường lệ, được qui định trước. Nhiều khi “administration” còn thường được dùng để chỉ “quản lí” trong các tổ chức công lập, công quyền và thậm chí cấp chính phủ. Có ý kiến cho rằng một số nước ở Châu Âu, Châu Phi và Anh quốc ưa dùng thuật ngữ “management”, còn các nước khác như Hoa Kì, Canađa và Ôxtralia lại thiên về thuật ngữ “administration”. Ngoài ra, các thuật ngữ “management” và “administration” còn được dùng tương tự như thuật ngữ “leadership” – lãnh đạo hay là quản lí. Tuy trong thực tiễn các từ này thường được sử dụng như nhau, song khi nghiêm túc xem xét hai thuật ngữ “management” và “leadership” trong mối tương tác với nhau thì chúng có ý nghĩa và nội dung khác hẳn nhau. Vấn đề này được làm sáng tỏ trong Chương: Lãnh đạo và Chương: Lãnh đạo và quản lí.

Ở Việt Nam, bên cạnh thuật ngữ “quản lí” ta còn thường thấy thuật ngữ “quản trị”. Nói chung, trong thực tế hiện nay hai thuật ngữ này được sử dụng tương đương như nhau. Thậm chí, nếu xét về nghĩa tiếng Hán thì cũng khó mà nói chúng khác hoặc giống nhau thế nào[2]. Tuy nhiên, hiện nay cũng có một số người thích dùng thuật ngữ “quản trị” trong môi trường doanh nghiệp hơn, chẳng hạn như “quản trị doanh nghiệp”, “quản trị kinh doanh” hay là “ thạc sĩ quản trị kinh doanh”. Ngược lại, có một số người ưa dùng “quản lí giáo dục”, “quản lí nhà nước”, “cơ quan quản lí” hơn là từ “quản trị”. Đây chỉ là sự ước lệ tự phát hay là thói quen chứ không có lí do về khái niệm và ngữ nghĩa gì cả.

Trong một số các tài liệu ở Việt nam, nhiều tác giả cố gắng đưa ra các định nghĩa về “quản lí giáo dục” với nội dung chưa phản ánh được bản chất của vấn đề lắm. Những định nghĩa như thế này nhìn chung là dẫn đến sự phức tạp thậm chí là hiểu sai không cần thiết. Cần nói thêm rằng, rất tiếc trong hầu hết các sách chuyên khảo của quốc tế về quản lí giáo dục, người ta không đưa ra định nghĩa về khái niệm này (Hoy W. K. and Miskel C.G., 2001, Davies B. and Elison L., 1997, Hanson E.M., 1996, Lunenburg F.C. and Ornstein A. C., 1999 v.v…). Có thể là các tác giả quốc tế coi quản lí giáo dục là một khoa học còn non trẻ và chưa đạt đến mức độ cần thiết của một lĩnh vực nghiên cứu khoa học độc lập và do vậy vẫn coi các nội dung của quản lí giáo dục tương tự như quản lí nói chung của các loại tổ chức khác. Một số ít nhà nghiên cứu về quản lí giáo dục có đưa ra định nghĩa về quản lí giáo dục như là lĩnh vực nghiên cứu và thực tiễn có liên quan đến sự vận hành của các tổ chức giáo dục[3]. Kiểu định nghĩa như vậy còn quá rộng và nói cho cùng cũng không có gì khác so với các định nghĩa về lĩnh vực quản lí nói chung. Trong sách giáo trình này tác giả cũng không có ý định đưa ra định nghĩa về “quản lí giáo dục”. Điều quan trọng hơn cần nhấn mạnh ở đây là quản lí giáo dục được hiểu là quản lí được thực hiện trong các tổ chức giáo dục. Tổ chức giáo dục là một trong nhiều loại tổ chức khác nhau. Nhìn chung, mỗi loại tổ chức thường có một hoạt động cốt lõi nhất định. Chẳng hạn một nhà máy cơ khí sẽ có hoạt động cốt lõi là sản xuất các sản phẩm nhất định thông qua các quá trình gia công kim loại. Hay hoạt động cốt lõi của một nông trang sẽ là việc sản xuất các loại nông phẩm thông qua trồng trọt hoặc chăn nuôi. Còn đối với các tổ chức giáo dục, chẳng hạn như trường học, hoạt động cốt lõi chính là việc giáo dục thế hệ trẻ thông qua quá trình giáo dục. Điều này nói lên rằng, quản lí giáo dục thực ra chỉ là sự nhấn mạnh quản lí trong môi trường giáo dục nên không nhất thiết ở thời điểm này phải có sự phân biệt đến mức tách biệt có một khoa học quản lí giáo dục độc lập nào đó[4]. Tổ chức giáo dục có thể có nhiều loại khác nhau, từ các loại cơ sở giáo dục như trường học cho đến các cơ quan quản lí giáo dục. Nếu như quản lí giáo dục có thể ngầm định nội dung đặc trưng đối với tất cả các loại hình tổ chức giáo dục thì thuật ngữ “quản lí nhà trường” thường được dùng khi người ta muốn đề cập đến các vấn đề quản lí giới hạn trong phạm vi nhà trường với tư cách như một tổ chức.

Quản lí có thể được mô tả như là một chương trình của các hoạt động mà người quản lí thực hiện để đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra của tổ chức. Quá trình quản lí bao gồm sự phối hợp của:

  • Con người
  • Thời gian
  • Công việc
  • Tiền tệ
  • Địa điểm
  • Máy móc (công nghệ)
  • Nguồn nguyên vật liệu

Quá trình này cho phép người quản lí và những nhân viên khác sản xuất và bán hoặc phân phối sản phẩm, và cung cấp dịch vụ (giáo dục, ngân hàng và dược phẩm) có hiệu quả nhất, và bảo đảm đạt được những mục tiêu của tổ chức. Quản lí đảm bảo rằng những những nguồn lực riêng rẽ này (thường không liên quan) được phối hợp với nhau thành một hệ thống tổng thể để hoàn thành mục tiêu. Nó là một quá trình quyết định:

  • Bao nhiêu người đang làm việc hiệu quả
  • Người nào được phân công việc gì
  • Mỗi vấn đề cụ thể được chi bao nhiêu tiền
  • Những loại hoạt động gì thực hiện đầu tiên và những gì thực hiện cuối cùng
  • Thời gian dành cho mỗi hoạt động là bao nhiêu
  • Ai là khách hàng của tổ chức và những loại sản phẩm và dịch vụ họ yêu cầu là gì

Bởi vậy, vai trò của quản lí là đảm bảo rằng mục tiêu của tổ chức đạt được bằng cách làm việc với những người sử dụng những nguồn lực và chuyển thành hàng hóa và dịch vụ cho người cần. Ví dụ, trong các cơ sở giáo dục, các cán bộ, nhân viên và giáo viên thực hiện các công việc như tài chính, giảng dạy, phúc lợi của học sinh và bảo trì cơ sở vật chất. Họ cũng  hợp tác với người khác sử dụng kỹ năng và kiến thức vào các kỹ thuật khác nhau để góp phần hoàn thành mục tiêu chung của tổ chức.

  1. Quản lí dưới góc độ chức năng

Người quản lí thực hiện rất nhiều hoạt động. Những hoạt động này có thể khác nhau tùy theo tổ chức, hay theo cấp bậc của người quản lí. Tuy nhiên, có một số nhiệm vụ cơ bản, phổ biến cho mọi người quản lí ở tất cả các tổ chức. Người ta thường gọi những nhiệm vụ chung nhất này là chức năng quản lí. Tùy theo cách phân chia  mà ta có thể có số lượng các chức năng khác nhau. Cho tới nay, nhiều chuyên gia quản lí nhất trí cho rằng có bốn chức năng quản lí  cơ bản sau:

  • Lập kế hoạch
  • Tổ chức
  • Lãnh đạo/Điều phối (chỉ đạo)
  • Kiểm tra

Các chức năng nói trên sẽ được giới thiệu kỹ trong phần sau của sách giáo trình này và dưới đây là giưới thiệu tóm tắt ngắn về các chức năng này.

Lập kế hoạch

Lập kế hoạch có nghĩa là suy nghĩ trước của một cái gì đó phải thực hiện, và chuẩn bị cách để thực hiện những hoạt động đã mong muốn. Đó là quyết định:

  • Những hoạt động gì mà một người hay một tổ chức muốn làm
  • Những hoạt động đó được thực hiện như thế nào
  • Khi nào những hoạt động đó được thực hiện
  • Ai là người thực hiện những hoạt động đó
  • Nguồn lực gì (tiền và trang thiết bị) là cần thiết để cho phép người dùng để thực hiện những hoạt động
  • Những hoạt động đó được diễn ra ở đâu

Lập kế hoạch là cầu nối khoảng cách giữa vị trí của tổ chức và nơi mà tổ chức muốn tới. Nó được gọi là cơ bản nhất của tất cả các chức năng quản lí. Khi công việc của các người quản lí trở nên phức tạp hơn và các nguồn tài nguyên trở nên khan hiếm, lập kế hoạch thậm chí trở nên quan trọng hơn đối với người quản lí và tổ chức. Người quản lí xây dựng những kế hoạch bao gồm lựa chọn nhân sự, tổ chức các nguồn lực, kiểm tra và phối hợp của con người và các hoạt động để đạt được các mục tiêu đề ra.

Tổ chức

Nói một cách ngắn gọn, tổ chức có nghĩa đảm bảo rằng tất cả các hoạt động và quá trình được sắp xếp để tổ chức có thể đạt được các mục tiêu. Những khía cạnh quan trọng nhất của việc tổ chức là việc nhận đúng người, xác định trách nhiệm của họ, và phác thảo một tổ chức và cấu trúc mà đảm bảo rằng những người lao động biết họ làm việc ở đâu và họ làm việc và/hay báo cáo với ai. Tổ chức cũng có nghĩa sắp xếp mọi thứ để các cá nhân có khả năng cùng làm việc và liên hệ một cách tích cực với nhau, như vậy, đảm bảo một môi trường lành mạnh khuyến khích làm việc có hiệu quả.

Nếu các tổ chức đạt được mục tiêu đề ra, người quản lí phải phát triển khả năng của tổ chức để làm sao có thể thực hiện được những điều sau:

  • Xác định và ủy quyền trách nhiệm và quyền hạn của những người quản lí và những người lao động khác, gồm cả việc thiết lập các mối quan hệ tốt đẹp giữa những người làm việc với nhau. Điều này có nghĩa đảm bảo người quản lí và nhân viên biết về mức độ và phạm vi quyền lực của họ để đảm bảo rằng công việc được thực hiện đúng cách.
  • Phân loại và phân chia công việc thành các hoạt động quản lí. Điều này được gọi là sự phân chia lao động và có nghĩa rằng mỗi người được giao một công việc rõ ràng trong phạm vi khả năng của họ.

Do đó, người quản lí có trách nhiệm phân công nhiệm vụ tới từng cá nhân với các kỹ năng khác nhau để giúp họ đóng góp vào các thành công của các mục tiêu của tổ chức.

Tổ chức cũng có nghĩa xác định và ủy quyền trách nhiệm và quyền hạn để tránh một tình trạng hỗn loạn khi nhân viên làm gì họ muốn bởi vì không có những hướng dẫn rõ ràng về vai trò của họ và làm thế nào để thực hiện chúng. Nó là nhiệm vụ của người quản lí để đảm bảo rằng mọi thành viên biết chính xác công việc gì được giao cho họ và cấp bậc trách nhiệm và quyền hạn kèm theo, và có những hướng dẫn để hỗ trợ thực hiện hiệu quả công việc.

Quá trình của việc tổ chức bao gồm năm bước sau đây:

  • Xem xét những kế hoạch và mục tiêu: Sau khi lên kế hoạch, việc đầu tiên của quản lí là xem xét lại những kế hoạch và mục tiêu của tổ chức. Điều này sẽ giúp các người quản lí tổ chức con người và nhiệm vụ để đạt được những mục tiêu đã định.
  • Xác định các hoạt động: Bước tiếp theo trong quá trình là các người quản lí chuẩn bị và phân tích nhóm các hoạt động cần thiết để thực hiện các mục tiêu. Ngoài các hoạt động chung như tuyển dụng, đào tạo và phân bổ nhiệm vụ còn có một số hoạt động cụ thể mà là đặc trưng cho các loại hình kinh doanh hoặc tổ chức. Ví dụ,  trong trường hợp của một cơ sở giáo dục, quan trọng là tập trung vào giáo dục, vì thế mà người làm việc sẽ có những bằng cấp và kinh nghiệm giáo dục cụ thể.
  • Việc phân loại và nhóm các hoạt động: Một khi các nhiệm vụ đã được xác định, chúng phải được phân loại vào các đơn vị quản lí công việc mà luôn luôn được tiến hành bằng cách kết hợp những kỹ năng với hoạt động cụ thể. Ví dụ, trong một tổ chức sản xuất, các hoạt động có thể được phân loại vào sản xuất, tiếp thị, tài chính, nghiên cứu và phát triển. Chính loại công việc này có thể chia nhỏ thành các đơn vị nhỏ hơn để tạo thuận lợi cho việc giám sát có hiệu quả.
  • Phân công công việc và nguồn lực: Đây là một bước quan trọng trong quá trình của việc tổ chức, bởi vì người nào phải được kết hợp với công việc đó và phải được cung cấp những nguồn lực để thực hiện những nhiệm vụ đã được phân công. Việc quản lí phải xác định ai làm gì và khi nào. Công việc của giáo viên ở trường học là dạy dỗ, tuy nhiên, họ chỉ có thể được phân công dạy môn học mà họ ấy đủ trình độ.
  • Đánh giá kết quả: Trong bước cuối cùng này, các người quản lí tìm kiếm thông tin phản hồi theo kết quả của những hoạt động đã được hoạch định và tổ chức nhằm xác định những kế hoạch đã thực hiện tốt như thế nào. Các thông tin phản hồi cũng sẽ giúp xác định xem sự thay đổi hoặc sửa đổi là cần thiết hoặc mong muốn.

Lãnh đạo

Người quản lí phải học những kỹ năng lãnh đạo để làm việc có hiệu quả. Họ phải học cách đối xử với mọi người như thế nào và làm thế nào để tạo ảnh hưởng và khuyến khích họ để đảm bảo rằng công việc được thực hiện. Tóm lại, người quản lí cũng phải là những nhà lãnh đạo hiệu quả. Những người lao động trong mỗi tổ chức đều có ý kiến riêng của mình và sẽ làm những gì họ muốn nếu họ không thích các mệnh lệnh hoặc sự hướng dẫn của người quản lí.

Chức năng lãnh đạo của người quản lí bao gồm:

  • Định hướng
  • Tạo ảnh hưởng
  • Giám sát
  • Hướng dẫn

Kiểm tra

Trong tất cả các tổ chức, phải có một mức độ nhất định kiểm tra đối với con người, tài chính, thời gian và các hoạt động. Thường thì các người quản lí lẫn lộn sự phối hợp với kiểm tra. Sự phối hợp ý nói đến một cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn để kiểm tra và kiểm tra có ý rằng các hoạt động là được kiểm tra/giám sát một cách tích cực để đảm bảo việc làm đúng theo những quy tắc và quy định.

Chức năng quản lí của việc kiểm tra bao gồm việc đo lường và hiệu chỉnh những công việc được thực hiện bởi những người cấp dưới để đảm bảo rằng những kế hoạch của tổ chức được thực hiện hiệu quả. Chức vụ của một người quản lí trong tổ chức quyết định mức độ kiểm tra. Việc kiểm tra là một chức năng rất quan trọng của việc quản lí. Để nó có hiệu quả, người quản lí phải thiết lập các tiêu chuẩn, kiểm tra tiến độ, đo lường và giải thích các kết quả và có hành động đúng.

Chức năng kiểm tra cho phép các người quản lí xác định nếu tổ chức đang đáp ứng những mục tiêu đã xác định, và do đó liên quan chặt chẽ với việc lên kế hoạch. Qua chức năng kiểm tra, người quản lí có thể tìm ra họ đạt được những mục tiêu hay không, và nếu không thì tăng việc thực hiện để tăng cơ hội làm việc đó.

  1. Quản lí dưới những góc độ khác

Mặc dù khi bàn về quản lí, người ta hay đề cập đến các chức năng quản lí và điều đó là đúng vì các chức năng này thực sự giúp ta phân biệt được những gì người quản lí của một tổ chức cần làm khác với hoạt động nghề nghiệp của những người khác, chẳng hạn như kĩ sư, nhà khoa học, nhà giáo v.v…

Song thực ra, để thực hiện được các chức năng trên, người quản lí cần những điều kiện nhất định. Có rất nhiều điều kiện song nhìn chung các tài liệu về quản lí thường đề cập đến nhóm các điều kiện chủ yếu sau: nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, nguồn lực vật chất và nguồn lực thông tin. Do vậy, bên cạnh góc độ chức năng, người ta có thể đề cập đến quản lí dưới những góc độ khác, đó là: quản lí nguồn nhân lực, quản lí tài chính, quản lí cơ sở vật chất và quản lí công nghệ thông tin. Cấu trúc nội dung quản lí xét dưới góc độ này có mối quan hệ hữu cơ với bốn chức năng quản lí kinh điển là lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra. Mối quan hệ này có thể được mô tả như trong Hình 1.1.

                                        Hình 1.1: Mối quan hệ giữa các góc độ khác nhau của quản lí

                                          

Ngoài ra, quản lí còn có thể xem xét dưới các góc độ khác nhau tùy theo tính chất của từng loại tổ chức. Trong các tổ chức giáo dục như trường học, người ta có thể xem xét quản lí dưới các góc độ như: quản lí dạy học, quản lí học sinh/sinh viên, quản lí chất lượng, marketing v.v…

[1] Hiện nay có nhiều tài liệu về quản lí giáo dục ở Việt Nam thường đưa ra định nghĩa về quản lí như là quá trình tác động của người quản lí lên người được quản lí nhằm đạt được các mục tiêu của tổ chức (nhà trường). Đây là định nghĩa chưa đầy đủ và do đó phản ánh không đúng bản chất của quản lí. Trước hết người quản lí thực hiện khá nhiều chức năng mà hầu như không tác động trực tiếp đến người được quản lí, chẳng hạn như lập kế hoạch, xây dựng cấu trúc tổ chức hoặc kiểm tra đánh giá. Mặt khác, ngay trong chức năng lãnh đạo, chức năng dường như có chứa nhiều hơn cả (so với các chức năng còn lại) quá trình tác động của người quản lí đối với người được quản lí, song thực ra quá trình mặt giáp mặt để người quản lí tạo tác động đối với người được quản lí như thầy giáo đối với học sinh cũng không nhiều. Cuối cùng là hiện nay trong các tài liệu quốc tế hầu như không có ai dùng định nghĩa về quản lí như vậy cả.

[2] Theo nghĩa tiếng Hán, “quản lí” có nghĩa là “trông coi và chỉnh đốn tất cả mọi việc” còn “quản trị” có nghĩa là “trông coi và sắp xếp tất cả mọi việc” (Xem Bửu Kế, 1999, Từ điển Hán Việt từ nguyên, Nhà xuất bản Thuận Hóa, TP Hồ Chí Minh.

[3] Nguyên văn tiếng Anh: Educational management is a field of study and practice concerned with the operation of educational organizations (Xem Bush T. (2008), From Management to Leadership: Semantic or Meaningful Change?, Journal: Educational Management Administration & Leadership, ISSN 1741-1432 DOI: 10.1177/1741143207087777, SAGE Publications (London, Los Angeles, New Delhi and Singapore), Copyright © 2008 BELMAS Vol 36(2) 271–288; 087777.

[4] Theo Bush T. thì quản lí giáo dục là một khoa học còn rất non trẻ và bắt đầu phát triển ở Anh quốc mới từ năm 1988 (Xem nguồn tại chú thích 3). Theo Lunenburg F.C. and Ornstein A. C. thì các thuyết về quản lí giáo dục có thể được coi là phát triển từ những năm 50 nếu xét dưới góc độ như một khoa học xã hội ứng dụng. Được coi là khoa học ứng dụng vì quản lí giáo dục sử dụng các khái quát hóa của các khoa học về tâm lí học, tâm lí xã hội học xã hội học, nhân chủng học, kinh tế học v.v… để giải quyết các vấn đề trong các tổ chức giáo dục (Xem: Lunenburg F.C. and Ornstein A. C., 1999, Educational Administration: Concepts and Practices, Third Edition, Wadsworth Thomson Learning, CA, USA)