Hiệu quả từ mô hình trồng sen lấy ngó – Trang chủ – Báo Bắc Ninh

 

Xuất phát từ gia đình thuần nông, trước thực trạng cấy lúa mang lại hiệu quả không cao, nhiều hộ nông dân không mặt mà với đồng ruộng, anh Lê Văn Thực luôn trăn trở tìm một hướng đi để khai thác tiềm năng từ đất đai, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho gia đình. Đã tìm hiểu nhiều mô hình kinh tế, nhưng anh đã lựa chọn mô hình trồng sen lấy ngó, lấy củ vì điều kiện thổ nhưỡng khá phù hợp và nhu cầu thị trường đang hướng tới những loại thực phẩm sạch, có nguồn gốc từ tự nhiên.
 Khi địa phương có chủ trương tích tụ ruộng đất, anh Lê Văn Thực vận động một số hộ trong thôn nhường lại đất để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Do có sự ủng hộ của chính quyền địa phương, ngay năm đầu tiên anh Thực thuê được 11 mẫu ruộng với giá thỏa thuận 30kg thóc/năm. Trên diện tích ấy gia đình anh đã bố trí 1, 2 mẫu trồng sen lấy ngó, 4 mẫu lúa nếp, còn lại là diện tích trồng sen lấy củ. Bắt đầu xuống giống từ tháng 2, với diện tích ban đầu 5 sào, chi phí sen giống hết khoảng 5 triệu đồng. Sen giống của Nhật Bản, là giống sen trồng để lấy ngó, được chuyển giao cho một số mô hình tại tỉnh Hải Dương. Theo anh Lê Văn Thực: trồng sen khá đơn giản, cũng như cấy lúa, ruộng được cày bừa kỹ, bón các loại phân tổng hợp, trồng với khoảng cách khoảng 3m một cây, sau đó giữ đủ nước và làm cỏ bằng thủ công vì tuyệt đối không được sử dụng thuốc trừ cỏ.
Sau khoảng 30 ngày sen đã lên những mầm mới, khi đó anh lại tách ra để nhân rộng trên diện tích 1,2 mẫu. Từ đầu tháng 6 đến nay nay diện tích sen lấy ngó của gia đình anh đã cho thu hoạch ổn định, mỗi ngày thu khoảng 20 kg ngó sen, bán với giá 60 nghìn đồng/kg. Gia đình anh thường lấy ngó sen vào buổi sáng và cứ thu hoạch cuốn chiếu hết lượt này đến lượt khác, dự kiến thời gian thu hoạch sẽ kéo dài đến khoảng cuối tháng 10 mới kết thúc. Theo nhận định của anh Thực, cây sen khá phù hợp với đồng đất của địa phương, sen phát triển nhanh, ngó dài, ăn giòn và ngọt lên được khách hàng rất ưa chuộng. Hiện nay khách hàng tiêu thụ mới chỉ đáp ứng được cho một số nhà hàng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên trồng sen lấy ngó cũng phải chú ý không được tưới nước bị ô nhiễm, khi mầm sen lên khỏi mặt nước khoảng 30 cm là thu hoạch, nếu để quá dài sẽ bị quá lứa không thể thu hoạch được mà phải chờ lứa sau.
Cùng với cây sen lấy ngó, anh Thực đã trồng trên 7 mẫu sen lấy củ, theo dự kiến sẽ cho thu hoạch vào tháng 9 này. Hiện nay, diện tích sen lấy củ cũng phát triển khá tốt, nhận định sẽ đạt sản lượng khoảng 3 tấn/mẫu, với giá bán như hiện nay thì mỗi mẫu sen lấy củ cũng sẽ cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Khác với trồng sen lấy ngó, sen lấy củ đã được hợp đồng với công ty tiêu thụ sản phẩm, khi đến kỳ thu hoạch công ty sẽ đem thiết bị về thu hoạch và thanh toán theo giá thỏa thuận.
Năm đầu tiên vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhưng kết quả mang lại rất khả quan, anh Lê Văn Thực đã có dự định năm sau sẽ chuyển đổi toàn bộ diện tích cấy lúa đã thuê được sang trồng sen, đồng thời sẽ thuê thêm diện tích của các hộ xung quanh mở rộng diện tích lên khoảng 20 mẫu. Theo ông Trần Đăng Hởi, Phó Chủ tịch Hội Nông Dân huyện Gia Bình thì mô hình trồng sen của anh Lê Văn Thực đang được Hội Nông dân quan tâm, đưa hội viên đến tham quan học tập để nhân rộng trên địa bàn, góp phần nâng cao giá trị trên Diện tích đất canh tác và thu nhập của người nông dân.

Nguyễn Văn Khôi

Nguyễn Văn Khôi