Hiệu quả từ mô hình trồng hồng xiêm xoài ở xã An Sinh

Hiệu quả từ mô hình trồng hồng xiêm xoài ở xã An Sinh

Do chủ động chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, sau gần 7 năm đưa vào thực hiện, mô hình trồng hồng xiêm xoài trên địa bàn xã An Sinh đã cho thu nhập bình quân đạt trên 100 triệu đồng/ha sau khi trừ hết các chi phí.

Từ mô hình trồng hồng xiêm xoài, nhiều hộ dân ở xã An Sinh đã có thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm

 

Gia đình anh Nguyễn Văn Hiếu ở thôn Thành Long là một trong những hộ tiên phong đi đầu và có diện tích trồng mô hình hồng xiêm xoài lớn nhất ở xã An Sinh. Với diện tích trên 1 ha vườn, từ năm 2010, gia đình anh Hiếu đã đưa vào trồng xen canh 50% diện tích là cây hồng xiêm xoài và 50% diện tích là cây na. Đến nay, mô hình trồng hồng xiêm xoài của gia đình anh Hiếu đã cho thu hoạch quả. Tâm sự với chúng tôi, anh Hiếu cho biết: “ Hiện tại, vườn nhà tôi đang trồng 300 cây hồng xiêm xoài. Vụ này, gia đình tôi đã thu hái được 6 đến 7 tấn quả. Với giá bán buôn dao động từ 17 đến 20 ngàn đồng/kg, mô hình hồng xiêm xoài của gia đình tôi cũng cho thu nhập đạt trên 100 triệu đồng sau khi trừ hết các chi phí”.

Mô hình trồng hồng xiêm xoài được đưa vào trồng ở xã An Sinh từ năm 2011. Khi đưa cây hồng xiêm xoài vào trồng, xã An Sinh cũng xác định là hướng đi mới nhằm chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân trong quá trình thực hiện mục tiêu chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở địa phương. Hiện tại, trên địa bàn xã An Sinh có 7 ha trồng mô hình hồng xiêm xoài với 60 hộ dân tham gia; Trong đó có 10 hộ phát triển trồng mô hình này với diện tích lớn từ vài chục đến vài trăm cây.

Hồng xiêm xoài cũng là một trong những cây trồng có tính thuần, chịu hạn tốt, phù hợp với chất đất của địa phương, không đòi hỏi nhiều về công chăm sóc, khoa học kỹ thuật đơn giản và có thể cho thu hái quả quanh năm. Nếu so với giống hồng xiêm cổ trước đây, hồng xiêm xoài có ưu điểm hơn rất nhiều về năng suất, quả to, mọng, cát mịn, vị thanh ngọt, hương thơm nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên để cây sinh trưởng và phát triển tốt, khi trồng cây hồng xiêm xoài cần chú ý về khoảng cách hàng trồng giữa các cây; chú ý bấm ngọn để cây sinh cành; thực hiện cắt tỉa cành sau vụ thu hoạch; phun phòng trừ các loại sâu bệnh đục thân, đục quả; bón phân bổ sung trong thời kỳ cây ra hoa, đậu quả ….

Hiện tại, mô hình trồng hồng xiêm xoài trên địa bàn xã An Sinh đã cho thu hoạch quả từ năm 2014, chủ yếu là chính vụ từ giáp Tết nguyên đán đến hết tháng 2 âm lịch. Còn vụ chiêm, người dân trong xã thường vặt quả, không để thu hái nhằm đảm bảo cho sự sinh trưởng phát triển tốt của cây và năng suất của vụ sau. Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả mô hình này, bà Hồ Thị Hằng, Chủ tịch Hội nông dân xã An Sinh cho biết: “ Sau 4 năm thu hoạch với kết quả cho thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/ha sau khi trừ hết các chi phí, chúng tôi đánh giá mô hình trồng hồng xiêm xoài hiện đang là một trong những mô hình cho hiệu quả kinh tế cao ở địa phương. Hiện tại, trên địa bàn xã An Sinh có khoảng 10 hộ có diện tích trồng hồng xiêm xoài với quy mô từ vài chục đến vài trăm cây. Đây là cây trồng có đặc tính thuần rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của xã An Sinh, không đòi hỏi nhiều về công chăm bón và khoa học kỹ thuật. Sản phẩm quả hồng xiêm xoài sau khi thu hoạch rất dễ tiêu thụ trên thị trường. Qua đó đã giúp người dân xã An Sinh nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng thời còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương”.

Mặc dù, hồng xiêm xoài hiện không phải là cây trồng chủ lực của xã An Sinh. Tuy nhiên với kết quả đạt được,  có thể nói, việc đưa vào phát triển mô hình trồng hồng xiêm xoài trên địa bàn xã An Sinh cũng là một trong hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương. Qua đó cũng sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của địa phương.