Hiệu quả từ mô hình nuôi ong lấy mật của tổ hợp tại xã Hạ Long

Hiệu quả từ mô hình nuôi ong lấy mật của tổ hợp tại xã Hạ Long

Nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả kinh tế cao mà không tốn diện tích, vốn đầu tư ban đầu không lớn, công chăm sóc đơn giản. Chính vì vậy, nghề nuôi ong lấy mật đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế địa phương.

(Các thùng ong đặt quanh khu vườn dưới các gốc cây)

Hiện nay trên địa bàn xã Hạ Long có một tổ hợp nuôi ong lấy mật đã liên kết các hộ nuôi ong nhỏ lẻ, từ đó tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ trong chăm sóc và nuôi ong, giúp cho sản lượng và chất lượng mật được tăng lên.

Tổ hợp nuôi ong lấy mật tại xã Hạ Long được thành lập vào tháng 4/2017 gồm 6 hội viên là những người có kinh nghiệm nuôi ong từ 6 năm trở lên. Các hội viên trong tổ hợp tác đã giúp đỡ nhau trong việc nuôi ong lấy mật. Bên cạnh đó, khi xây dựng tổ hợp dưới sự chỉ đạo của UBND và hội Nông dân xã, hướng dẫn mô hình. Mỗi gia đình hội viên đều nuôi từ 30 đàn ong trở lên. Khác với các tổ hợp, các hội viên trong tổ hợp nuôi ong lấy mật tại xã Hạ Long đều tự nuôi, trông nom, bảo vệ.  Song họ thường gặp nhau trao đổi kinh nghiệm, chọn giống, kỹ thuật nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao, ong không bay đi và sản xuất ra nhiều mật. Đến kỳ thu hoạch, các thành viên đến cùng giúp thu hoạch.

Ông Lương Ngọc Phú – Tổ phó tổ hợp cho biết: “trước đây gia đình ông do đam mê nuôi ong lấy mật nên đã nuôi theo hình thức truyền thống, nuôi nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao. Nhưng từ khi tổ hợp nuôi ong được thành lập, ông đã tham gia và được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc và nuôi ong lấy mật nên ông đã phát triển đàn ong lên đến hơn 30 đàn, mang lại thu nhập mỗi năm trên 200 triệu”.  Và “nếu bỏ kinh phí ra khoảng 2 triệu/1 đàn ong, bỏ công sức ra nuôi một năm, thu hoạch trong 3 tháng, lợi nhuận lên đến hơn 3,5 triệu đồng. Mặt khác: “Nuôi ong lấy mật không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải có sự cẩn thận, tỉ mỉ và am hiểu về các đặc tính của chúng như xây tổ, chia đàn, có sự hiểu biết sâu sắc về các loài hoa, mùa ong đi lấy mật. Đối với những tháng thời tiết lạnh, khan hiếm phấn hoa thì sẽ phải xử lý làm sao để ong không bay mất thì mới có thể đạt được thành công trong nghề”. Chính vì thế, từ tháng 10 đến tháng 12 lúc đó phấn hoa không có, để có lượng thức ăn đảm bảo cho ong không bay mất, thì cần phải bổ sung lượng phấn hoa thích hợp cho ong, trung bình mỗi đàn cần khoảng 2 kg phấn hoa rắc vào tổ cho ong.

(Các hội viên trong tổ hợp tác cùng giúp nhau thu hoạch mật ong)

Hàng ngày vào mỗi buổi sáng từ 7h – 9h, buổi chiều từ 13h – 15h tiến hành mở nắp kiểm tra theo dõi việc chia đàn. Loại cây để ong lấy mật tốt nhất là cây nhãn, vải, các loại mật ở lá cây keo, cây bạch đàn. Vốn đầu tư nuôi ong ít, khoảng 2 triệu đồng cho một đàn ong, mỗi đàn ong nuôi từ 6 – 8 cầu ong để làm mật. Đến mùa rộ mật thu hoạch, trung bình mỗi tổ ong quay được khoảng hơn 6 lít mật, cứ nửa tháng thu hoạch một lần đều đặn từ tháng 2 đến tháng 7. Bình quân mỗi vụ thu được gần 800 lít mật, giá bán lẻ hiện nay từ 300 – 400 nghìn đồng/1 lít. Sản phẩm mật ong của tổ hợp tác chủ yếu lấy từ hoa, hoàn toàn là mật nguyên chất, hàm lượng nước trong mật thấp, được nhiều khách hàng tin dùng. Như vậy mỗi vụ trừ chi phí đầu tư, mỗi gia đình thu nhập từ 200 – 400 triệu đồng.

Ông Phú chia sẻ thêm: “Hiện nay việc nuôi ong, phát triển đàn ong không khó, nhưng vấn đề đầu ra cho sản phẩm thu được còn gặp khó khăn. Hiện nay mỗi hội viên có từ 30 – 40 đàn ong, mỗi năm thu hoạch được từ 600 – 1000 lít mật và hàng năm, do kinh nghiệm nuôi ong được tích lũy nhiều, nắm bắt được các đặc tính của ong, nên sản lượng mật năm sau cao hơn năm trước. Nhưng việc tiêu thụ sản phẩm mật ong chủ yếu nhỏ lẻ, người dân mua phục vụ sinh hoạt hàng ngày đến lượng mua không đáng kể. Vì vậy để tạo điều kiện cho những hộ nuôi ong có thể mạnh dạn phát triển đàn ong nhiều hơn, đề nghị các cấp chính quyền cần quan tâm, tạo hướng đi mới để sản lượng mật ong sản xuất ra được tiêu thụ rộng rãi với số lượng lớn. Bên cạnh đó, để việc nuôi ong lấy mật tại địa phương thực sự có hiệu quả, lượng mật nhiều, cần quản lý chặt chẽ, hạn chế triệt để những hiện tượng ong ngoại lai siêu mật tại địa bàn.

Trên cơ sở hiệu quả từ mô hình nuôi ong lấy mật của tổ hợp trên địa bàn xã, Đồng chí Ngô Trí Thiết – Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Long nhấn mạnh: “ Nghề nuôi ong lấy mật – vốn đầu tư ít, nhưng mang lại hiệu quả cao, ngoài ra còn tạo công an việc làm cho người lao động lúc nông nhàn, phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi giới miễn là có sự đam mê về nuôi loài này. Nhờ nuôi ong lấy mật đưa kinh tế gia đình của các hội viên phát triển, góp phần xây dựng kinh tế địa phương ngày càng giàu mạnh. Với những hiệu quả ban đầu mang lại, thời gian tới địa phương cùng với tổ hợp sẽ tiếp tục phát triển, thu hút nhiều hội viên tham gia và liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài huyện để tìm hướng đi đầu ra cho sản phẩm./.